Chuyện con tê giác cuối cùng

Hình WWF
Lê Thị Kim Dung - DienDanCTM
Thế là không kèn không trống, không một lời đưa tiễn, con tê giác cuối cùng của Việt Nam đã qua đời. Đó là con tê giác Java, còn gọi là tê giác một sừng, một loài tê giác chỉ còn ở Việt Nam và Indonesia. Một bản tin của đài RFA cho biết ngày 25 tháng 10, Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF – Worldwide Fund for Nature)  và Quỹ Bảo Tồn Tê Giác (IRF – The Inernational Rhino Foundation)) vừa họp báo công bố kết quả điều tra về loài tê giác ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên xác nhận: loài tê giác một sừng đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Được hỏi về điều này, một giáo sư tiến sĩ khoa học ông Đặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch của Hội Động Vật Việt Nam nói ngắn gọn: “Đây là một việc rất buồn”. Ông buồn cũng phải, vì ông không biết phải làm sao để bảo vệ cho các loài thú quý hiếm đang hàng ngày phải đối mặt với tử thần mà hội của ông chỉ có quyền liệt kê, theo dõi trên bàn giấy. Mặc dù, cũng theo tiết lộ của giáo sư, Việt Nam có ít nhất 3 bộ luật chi tiết về bảo vệ môi trường thiên nhiên như Luật Thủy sản năm 2003, Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng năm 2004, Luật Đa dạng Sinh học năm 2008. Ngoài ba bộ luật rất luật kể trên, Việt Nam còn có một cuốn Sách Đỏ mô tả đầy đủ các loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ và thêm Nghị định số 32 của chính phủ ban hành năm 2003.
Vườn Quốc Gia Cát Tiên là tên gọi của một khu bảo tồn thiên  nhiên, cách Sài Gòn 150 cây số, nằm trong phạm vị ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Cuối tháng 4 năm 2010, nhân viên của một trạm kiểm lâm đã phát giác một bộ xương lạ mà sau đó tổ chức WWF xác định là bộ xương của một con tê giác có thể đã bị bắn chết từ tháng 2 năm 2010. Từ vết đạn ở chân, nhiều cuộc điều tra được mở ra nhưng cho tới nay chưa có một kết luận nào từ phía chính quyền, trong lúc WWF lên tiếng đề nghị đưa ra tòa những người bắn và người buôn bán loại hàng này. Nhưng ở Việt Nam, những cuộc điều tra như thế này đồng nghĩa với sự chìm xuồng.
Từ những năm 2004-2005, cũng chính tổ chức WWF cho biết trong Vườn Quốc Gia Cát Tiên tồn tại một đàn tê giác một sừng khoảng 3, 4 con và là mục tiêu hấp dẫn cho những tay thợ săn chuyên nghiệp chưa bao giờ quan tâm đến những bộ luật dầy cộm của chính phủ ban hành về bảo vệ và phát triển thú hoang quý hiếm. Trong lúc cán bộ Vườn Quốc Gia Cát Tiên đang lên kế hoạch bảo vệ thì đàn tê giác bị gục ngã dần dưới mũi súng của các tay săn trộm để cuối cùng đi đến một kết quả được báo trước: tuyệt chủng.
Nhưng người ta giết tê giác để làm gì? Câu trả lời  rất đơn giản: giết tê giác không phải để ăn thịt mà để cắt lấy sừng. Không biết từ bao giờ, sừng tê giác được biết đến như một phương thuốc kỳ diệu trị bá bệnh, nhất là tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới. Sừng tê giác còn được các lang băm Châu Á đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam hiện nay dùng để trị bệnh ung thư, trong lúc các nhà khoa học chứng minh rằng sừng tê giác được cấu tạo phần lớn bằng chất “keratin”, tương tự ở móng tay con người, không có tác dụng đặc biệt nào.
 Không riêng gì ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới như Nam Phi, Mozambique tê giác bị săn lùng ráo riết, bị giết để chỉ lấy chiếc sừng quý giá. Trên thị trường buôn lậu, sừng tê giác là một món hàng cao giá được ưa chuộng.  Một con buôn sừng chuyên nghiệp người Thái tên Chumlong mới bị bắt đã tiết lộ anh ta bán 1 kg sừng tê giác với giá 55,000 đô la! Cũng chính vì nguồn lợi lớn ấy mà hai “nhà ngoại giao” của đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã bị cảnh sát Nam Phi phát giác vào năm 2006 và năm 2008 là những kẻ ở trong đường dây buôn lậu sừng tê giác từ Nam Phi.
Đó là tùy viên thương mại Nguyễn Khánh Toàn, người đã tưởng buôn bán sừng tê giác là một sự bình thường như buôn bán sừng bò. Nhà ngoại giao thứ hai là bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất của sứ quán Việt Nam bị cảnh sát Nam Phi bắt quả tang khi đang nhận hàng. Vì họ là những nhà ngoại giao cao cấp và khả kính nên chỉ bị trục xuất về nước để xử lý nội bộ, sau đó có thể thơ thới hân hoan đi nhận một nhiệm sở mới.
Cũng “nhờ” vậy mà  vào ngày 31/7/2011 vừa qua trong một bản tin của hảng thông tấn AFP từ Nam Phi, bà Alona Riword phát ngôn viên về môi trường của tổ chức WWF đã chỉ đích danh Việt Nam là nguyên nhân chính  khiến tình trạng săn trộm tê giác diễn ra càng ngày càng liều lĩnh ở Công Viên Quốc Gia Kruger, Nam Phi (Kruger National Park).
Trong những năm gần đây, không chỉ người ta giết tê giác để lấy sừng mà còn săn lùng voi để lấy cặp ngà, giết cọp để lấy bộ lông và xương cọp nấu món “cao hổ cốt”. Chẳng những vậy, do phong trào “nhà nhà cùng nhậu, nơi nơi cùng nhậu”nên rùa rắn, chim chóc, côn trùng các loại đều trở thành “đặc sản” trong các nhà hàng. Bên cạnh đó hươu nai, nhím, chồn, bò rừng, heo rừng và hàng trăm thú rừng khác có tên trong Sách Đỏ đều được đem lên bàn nhậu mỗi ngày mỗi đêm. Thay vì bảo vệ và phát triển, người ta thi nhau săn bắt, đánh bẫy, “con gì nhúc nhích đều ăn được”. Ăn nhậu bừa bãi trở thành một chiến trường mà phần thua không chỉ là loài động vật đang mất dần mà chính môi trường thiên nhiên của loài người càng ngày càng cạn kiệt chất sống.
Phải chăng vì đất nước Việt Nam đã trải qua quá nhiều tang thương chết chóc do các cuộc chiến tranh mang lại, nên ngày nay người Việt Nam cũng trở nên vô cảm, cam chịu với số phận mình trong một thứ “vườn quốc gia” lớn hơn và chai đá, thờ ơ với số phận của muôn loài. Loài tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam có lẽ cũng chẳng làm cho ai quan tâm, ngoài những chuyên viên ngoại quốc của tổ chức phi chính phủ WWF.
Nhưng điều đáng sợ hơn hết là tình cảm và sự suy nghĩ của con người đối với sự tồn tại của thiên nhiên nay đã đơn giản đến mức vô tâm. Đó cũng là một hình thức tuyệt chủng mà thôi, tuyệt chủng tâm hồn!
Lê Thị Kim Dung

2 comments:

Rồi sẽ đến con cọp cuối cùng, con voi cuối cùng và những rừng nhiệt đới cuối cùng. Việt Nam đang có hiện tượng sa mạc hóa vì bọn thú tặc và bọn lâm tặc.

Chế độ csvn phi nhân thì hậu quả của nó là một xã hội vô nhân. Vậy thì gia súc hay cầm thú nào có nghĩa chi. Nhưng đừng trách người dân vì họ chỉ thực hiện những gì mà chế đố bắt buộc và cạnh đó thì họ cũng phải tìm mọi cách để sống.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More