Đinh Xuân Quân
LTS: Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân là một kinh tế gia về phát triển
và tổ chức cơ chế (governance). Ông đã sống tại Việt Nam sau 1975, đã bị tù cải
tạo, vượt biển tìm tự do. Và đặc biệt đã có dịp về làm việc tại Việt Nam trong
chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhằm giúp cải tổ hành chánh
và kinh tế từ năm 1994 đến 1997. Đó là một dịp rất tốt để TS Quân hiểu bối cảnh
và tư duy của lãnh đạo CSVN vào lúc đó.
Trước 1975 ông làm cho Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia và
tham gia vào Nhóm kinh tế hậu chiến thuộc Bộ Kế Hoạch của VNCH. Ông là GS Kinh
tế tại Đại Học Luật Saigon và ĐH Minh Đức. Cho đến nay ông đã làm chuyên gia cố
vấn cho trên 20 nước trên thế giới, kể cả gần đây làm cố vấn kinh tế - hành
chính cho Phủ TT Iraq và Phó TT tại Afghanistan dưới sự bảo trợ của World Bank,
UNDP và USAID. Ông cũng tiếp tục làm GS tại nhiều ĐH mà ông có nhiệm sở.
“Bên Thắng Cuộc – Quyền Bính” của Huy Đức Smashword Edition
gồm 760 trang và 11 chương. Quyển này gồm những phân tích khía cạnh kinh tế và
quản lý kinh tế của Việt Nam thời hậu 1975.
Những chương 20, 21 và 22 của quyển “Quyền Bính” nói nhiều về
các thế hệ lãnh đạo mới trong thời kỳ gần đây. Chúng tôi thấy các chương này có
nhiều liên hệ với các chuyện đang xẩy ra hiện nay tại VN. Với chuyên môn của
mình là về kinh tế, người viết bài này sẽ chú trọng về khía cạnh kinh tế được
trình bày trong cuốn Quyền Bính như "các tranh chấp nội bộ, về kinh tế thị
trường – các tập đoàn kinh tế - kinh tế thị trường theo định hướng XHCN"
và những lý do đưa đến khủng hoảng, các tai hại kinh tế còn kéo đến ngày nay,
năm 2013.
Ngoài các chương trước nói về kinh tế, chương 22 nói về các
thế hệ mới trong đó TT Nguyễn Tấn Dũng và cách làm kinh tế của ông qua kinh tế
tập đoàn được đưa ra.
“Theo ông Phan Văn Khải thì chính tôi quyết định đầu tư cho
Vinashin khoản tiền bán trái phiếu chính phủ hơn 700 triệu USD. Sau đó không chỉ
Vinashin mà nhiều tập đoàn khác cũng phát triển ồ ạt nhiều loại ngành nghề, ở
đâu cũng thấy đất đai của Vinashin và của các tập đoàn nhà nước”. ...
"Từ 2007, ông Dũng cho đầu tư ồ ạt, tiền đổ ra từ ngân
sách, từ ngân hang, thậm chí, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa
ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.
Từ cuối năm 2008, khuynh hướng quay trở lại nền kinh tế chỉ
huy càng tăng. Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn liên tục ban hành các mệnh lệnh
hành chánh hòng kiểm soát trần lãi xuất, kiểm soát thị trường ngoại tệ, thị trường
vàng. TT Nguyễn Tấn Dũng đã đưa GDP tăng trưởng tới mức kỷ lục: 8,5% vào tháng
12-2007; đồng thời cũng đã đưa lạm phát vào tháng 8-2008 lên tới 28,2%.
Trong
sáu năm ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế luôn thấp
hơn rất nhiều so với mức lạm phát. Năm 2010 GDP tăng đạt mức 6,78% nhưng lạm
phát tăng lên 11,75%. Năm 2011 tăng trưởng GDP giảm còn 5,89% trong khi lạm
phát lên tới 18,13%. Năm 2012, nền kinh tế gần như ngưng trệ, lạm phát ở mức
6,81% nhưng GDP cũng xuống tới 5,03% thấp kỷ lục kể từ năm 1999."
Hậu quả của chính sách được mô tả trong Quyền Bính như thế
là nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như không lối thoát. Bài "Khối quốc
doanh Việt Nam là khối ung thư của nền kinh tế (1) " nhận xét các doanh
nghiệp Nhà nước hiện nay là lý do của sự chỉ trích từ công chúng về khủng hoảng
hệ thống mà đảng cầm quyền không thể sửa chữa. Theo số liệu của từ Bộ Kế hoạch
và Đầu tư trích dẫn bởi AFP thì các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chiếm 45% vốn
đầu tư, 60% vốn vay từ ngân hàng thương mại, 70% tiền tài trợ phát triển và chiếm
70% nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp 30% trong tăng trưởng GDP. Khối DNNN còn chịu
trách nhiệm cho khối nợ khổng lồ là 61 tỷ đôla (bằng một nửa số nợ công của Việt
Nam hiện tại và nửa tổng sản lượng VN).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 30 trong số 85 các doanh nghiệp
Nhà nước cỡ lớn có nợ gấp ba tới 10 lần số vốn. Theo báo chí thì EVN và
Vinacomin là hai doanh nghiệp Nhà nước có nguy cơ sụp đổ, sau Vinalines và
Vinashin, và đang tồn tại nhờ ưu đãi của nhà nước. Các tập đoàn nhà nước, do
chính phủ bảo kê về nguồn vốn, nên đã lao vào đầu tư không tính toán và bất chấp
chuyên môn. Chẳng hạn như một tập đoàn Vinashin lại đầu tư trong ngành xây dựng/nhà
đất hay ngân hàng khi thấy lĩnh vực bất động sản đang ăn nên làm ra, hay trong
lĩnh vực ngân hàng, vv. Cách đầu tư này không hiệu quả, gây thất thoát cho ngân
sách nhà nước, và làm phương hại đến lĩnh vực tư nhân bởi sự độc quyền và cạnh
tranh không lành mạnh của khu vực nhà nước.
Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon Online và các con số của Tổng cục
Thống kê công bố hôm 4/1/2013 và các số liệu Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Quốc hội
thì tính đến cuối 2011 tổng số doanh nghiệp có đăng ký là 624,000. Trong năm
2012 có 55,000 doanh nghiệp đóng cửa và nếu tính từ 2011 thì đã có hơn 360,000
doanh nghiệp (DN) giải thể - ngừng hoạt động trong 24 tháng. Phần đông các DN
ngưng hoạt động vì lãi suất ngân hàng trong giai đoạn đó quá cao trên dưới 20%,
chi phí sản xuất cao làm ăn thua lỗ. Khi lãi suất hạ giảm bớt thì nợ xấu khiến
ngân hàng thắt chặt cho vay, những doanh nghiệp đang khó khăn càng thêm khó
khăn do thiếu vốn và đi đến chỗ chết.
Vì các DN phá sản cho nên số liệu của Tổng cục thống kê cho
thấy trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu người - 984 nghìn người
thất nghiệp và gần 1,37 triệu người thiếu việc làm (2). Đứng đầu về tỷ lệ thất
nghiệp là TP HCM ở mức 3,9%, sau đó là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và Hà Nội
ở vị trí thứ hai và ba. Trong thành phần người thất nghiệp, độ tuổi từ 15-24 tuổi
chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 46,8%. Trong đó 38,1% là ở khu vực thành thị và
56,2% ở khu vực nông thôn.
Nói tóm là hiện nay tình trạng là “Các ngân hàng không cho
vay, các doanh nghiệp không đầu tư, các gia đình không còn mua nhà nữa và các
DNNN tiếp tục lãng phí.” Nguyên nhân của tình trạng này là chính sách ưu tiên
cho DNNN của TT NTDũng.
Chương này cũng nêu lên liên hệ chặt chẽ giữa TT NTDũng và
phe Công an. “Lần đầu tiên trong nền chính trị Hà Nội, mối quan hệ giữa Thủ tướng
và công an thực sự có ảnh hưởng qua lại. Ngoài BT Lê Hồng Anh xuất thân từ Kiên
Giang, bên cạnh TT luôn là Tướng An ninh Nguyễn Văn Hưởng. Trong suốt thời gian
này hơn hai mươi lăm phóng viên của gần như đủ các tờ báo quan trọng nhất bị điều
tra. Phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo
Thanh Niên bị bắt. Tướng Nguyễn Xuân Quắc, cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự bị
TT Nguyễn Tấn Dũng cho nghỉ hưu và Ông Quắc còn bị khởi tố… Báo chí trong nhiệm
kỳ đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng gần như không còn nhuệ khí để phản biện các
chính sách và đề cập đến các thông tin liên quan đến tham nhũng.
Hậu quả của liên hệ chặt chẽ Công An-TT NTDũng trong thời
gian gần đây, Việt Nam thường xuyên gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến với việc
tội danh 'âm mưu lật đổ' được mang ra sử dụng trong nhiều trường hợp thay cho tội
danh 'Tuyên truyền chống nhà nước'. Hơn nữa internet bị kiểm soát qua các “tường
lửa.” Các blogger bị bắt bỏ tù, vào các trại tâm thần như anh Lê Anh Hùng đã bị
đưa vào một trại tâm thần ở Hà Nội (3). Do áp lực của quốc tế và dư luận trong
nước Việt Nam đã trả tự do cho blogger này nhưng việc đưa vào trại tâm thần là
một hình thức đàn áp mới. Gần đây blogger Điếu Cày bị chuyển trại và giam cách
ly (4) mà gia đình hoàn toàn không được thông báo và hiện ông Điếu Cày đang bị
giam riêng không được tiếp xúc với những tù nhân khác.
Ví dụ khác là vụ án Bia Sơn (4/2/2013) khi tòa án Phú Yên xử
tù chung thân đối với người bị coi là cầm đầu và những người còn lại lĩnh từ 10
đến 17 năm tù, và tất cả phải chịu quản thúc tại địa phương 5 năm sau khi mãn
tù. Ta không lạ gì dưới triều TT NTDũng, vụ “Chương trình Táo Quân” (5) trên TV
tại Việt Nam bị đặt dưới sự kiểm duyệt vì bị đánh giá là “phản cảm,” hay các vụ
công an đánh chết người dân, mang lại sợ hãi của các chế độ toàn trị và việc bỏ
tù các người bất đồng chính kiến gia tăng.
Hơn nữa khi đọc “Quyền Bính” người Việt phải bực mình nếu
không nói là phẫn nộ trước những lỗi lầm, những tranh chấp nội bộ, những hành động
đê tiện, những cơ hội đã mất, và nhờ vậy cũng biết những người nào đã mang
tròng cái “16 chữ vàng” của Trung Quốc lên VN?
Quyển “Quyền Bính” nói khá nhiều về các lãnh đạo đã và đang
quản lý đất nước. Các cuộc “đấu đá – tranh giành ảnh hưởng hay các cố gắng giảm
bớt “Ý thức hệ” trong việc quản lý Việt Nam” giữa các người này. Quyển “Quyền
Bính” cho thấy các lãnh đạo trong ĐCSVN được quản lý bởi một số người rất nhỏ,
quyết đoán, dư về “ý thức hệ” nhưng ít về “chuyên môn và ít tham nhũng” như Lê
Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười. Phe “cởi mở” gồm những những người như Trường
Chinh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, vv... và VVKiệt được coi như đầu tàu về phe “cởi
mở” và được nhiều người thương tiếc. Trường Chinh được mô tả như là kiến trúc
sư của “Đổi mới,” dùng những trợ lý giỏi nhưng sau đó cũng phải “tự” rút. Cuộc
chiến NVLinh – Trần Xuân Bách là do thù cá nhân và cả ý thức hệ. Nhiều đòn hiểm
được tung ra diệt Trần Xuân Bách, và NVLinh cũng còn muốn hạ Võ Văn Kiệt. Việc
ông NVLinh thù dai ông VVKiệt đã dẫn tới việc ông Đỗ Mười được bầu làm thủ tướng
thay ông Phạm Hùng, v.v. NVLinh mà nhiều người tưởng là “cởi mở” nhưng thật là
một người thủ đoạn, thành kiến, nặng về ý thức hệ và bảo thủ.
Nó cho thấy một ông VVK hay PVKhải tìm các lời khuyên từ
Singapore qua các chuyến viếng thăm – như việc vào 1991 Lý Quang Diệu đã chỉ
trích VN: “Việc chọn đi theo mô hình Liên Xô đã làm cho nền kinh tế Việt Nam lạc
hậu mất hai mươi năm”. Nó cũng nói về nhiều những cố gắng của các chuyên viên,
và họ đã gặp những khó khăn nào từ phe bảo thủ. Phe cởi mở còn chịu sức ép từ
các nước CS, như ngoài TQ còn có Bắc Hàn cố ngăn cản Việt Nam có quan hệ với
Nam Hàn.
Quyển “Quyền Bính” nói về các lãnh đạo trong ĐCSVN, một tổ
chức được quản lý bởi một số người rất nhỏ, quyết đoán, dư về “ý thức hệ” nhưng
ít về “chuyên môn” và càng kém cỏi về kiến thức. Hậu quả là đảng đã phạm các lỗi
lầm (quản lý kinh tế kém, tự mang cái tròng 16 chữ vàng của TQ, lấy đất của
dân, vv.) do sự kém hiểu biết về chuyên môn, thù cá nhân, ít biết về thế giới
bên ngoài, đã mang lại biết bao nhiêu tai họa cho Việt Nam.
Quyển sách còn cho thấy các thế hệ lãnh đạo mới ít “ý thức hệ
hơn” nhưng tham nhũng nhiều hơn vì cách làm kinh tế qua các tập đoàn gây quá
nhiều nợ, và nhiều nợ chẳng qua vì vốn chạy vào những cái túi tham nhũng không
đáy. Nó cho thấy là “phe bảo thủ - ý thức hệ” đã cản đà tiến của Việt Nam và số
người "ít bảo thủ" về sau thì lại tham nhũng quá táo tợn. Hậu quả của
việc quản lý đất nước từ 1975 đến nay cho thấy là một thất bại so với những khả
năng của VN. Đảng cộng sản đã liên tiếp lỡ mấy chuyến tàu đưa Việt Nam tiến đến
chỗ phú cường sau khi đất nước đã hòa bình và thống nhất. Đảng CS đã phạm các lỗi
lầm do sự kém hiểu biết của họ về thế giới bên ngoài, đã mang lại biết bao
nhiêu tai họa cho Việt Nam.
Quyển sách này sẽ giúp người VN tái xác định về cái gọi là
Xã Hội Chủ Nghĩa, về cách quản lý đất nước và đánh thức người đọc tìm cách tiếp
tục “Đổi Mới” theo kinh tế thị trường, nhà nước đối sử bình đẳng với mọi thành
phần kinh tế, chấm dứt việc ưu đãi quốc doanh thối nát kém hiệu quả, và những
nhóm tư bản bè phái (crony capitalism). Phải có quyền bình đẳng kinh tế trong
việc sở hữu các phương tiện sản xuất, nhất là đất đai (nói là do dân làm chủ,
nhưng trong thực tế các quan trong bộ máy nhà nước được giữ quyền quản lý, có
thể đòi lại đất từ người nông dân bất cứ lúc nào để bán cho những tập đoàn giàu
có khác).
Quyển “Quyền Bính” đang giúp mọi người trong và ngoài nước
thấy sự thật về các lãnh đạo cộng sản, mà bộ máy tuyên truyền của đảng đã dựng
lên nhiều huyền thoại để che giấu. Sự Thật đã có sức mạnh "đánh thức"
mọi tầng lớp dân chúng. Nhờ đụng chạm với thực tế đất nước mà nhiều trí thức
tham gia vào các kiến nghị, chẳng hạn hiện nay đã lên đến trên 4,300 người đòi
hỏi sửa đổi Hiến pháp 1992, là một bản Hiến pháp chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của
ĐCSVN, đi ngược lại quyền lợi của toàn dân; hy sinh quyền người cày có ruộng;
chà đạp quyền lợi của dân lao động. Bản HP đó chỉ có mục đích áp đặt một chế độ
chuyên chính độc đảng; độc tài và cảnh sát trị như ở Liên xô và Đông Âu trước
đây. Sau nhiều thập niên bị nhấn chìm trong sợ hãi trước một chế độ toàn trị độc
ác, giới trí thức trong nước ngày nay đang "hóa giải" được cái sợ và
dấn thân vào những hành động cụ thể nhằm xây dựng đất nước. Hiện nay cả nước
đang tiến tới chỗ Nam Bắc một lòng, Trong Ngoài một lòng, nhiều thành phần
trong đảng đang vươn ra kết hợp với dòng ngoài đảng để tiến tới thay đổi cho đất
nước. Tài liệu nghiên cứu của GS Archie Brown về tác động của giới trí thức đến
cải cách ở Liên Xô và Đông Âu trước đây cho thấy là "Ở Liên Xô và Trung Quốc,
cải tổ từ trong đảng có tính quyết định hơn hẳn sức ép từ bên ngoài hàng ngũ đảng"
(6).
Theo chúng tôi, quyển “Quyền Bính” cần được đọc nhiều lần vì
nó giúp người đọc có một cái nhìn về chính trường – XHCN từ tháng 4 năm 1975.
Dù đối với các chuyên gia thì còn rất nhiều sự kiện lịch sử VN quan trọng chưa
được tác giả đề cập, quyển Quyền Bính vẫn giúp chúng ta có cái nhìn bao quát và
hiểu rõ hơn rất nhiều chuyện mà nhà nước CS chỉ muốn giấu đi để trong bao nhiêu
năm chỉ trình bày một tầng lớp lãnh đạo được thần thánh hóa. Huy Đức đã mang lại
sự "giải hoặc" rất lớn cho độc giả, chỉ với Sự Thật mà trong 20 năm
tác giả đã một mình cặm cụi thu thập đã có khả năng đánh bạt đi biết bao nhiêu
dối trá mà qua nhiều thập niên đảng CS đã cố dựng nên. Một khi đã đứng về phía
Sự Thật, người Việt Nam sẽ có khả năng tự mình đánh giá công hay tội của đảng cộng
sản, trước tình hình trì trệ của đất nước hiện nay.
Tuy nói về chuyện đã qua, quyển sách này rõ rệt là nhằm vào
tương lai. Nó như một làn gió mùa xuân mang lại thức tỉnh cho nhiều người và nhắc
nhở rằng công cuộc “Đổi Mới” chỉ đang ở chỗ nửa vời, cần tiếp tục một cách căn
bản hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Quyển sách cho thấy nhu cầu thay đổi tại VN đã
chín mùi. Nó mang theo nhiều câu hỏi –theo chiều hướng nghiên cứu của GS Archie
Brown - tác động của giới trí thức cho thấy là “Ở Liên Xô và TQ, cải tổ từ
trong đảng có tính quyết định hơn hẳn sức ép từ bên ngoài”? (7) Liệu TQ có can
thiệp nhiều hơn không trong công việc cải tổ đất nước? Liệu VN có theo mô hình
Miến Điện hay không? Dù sao vào đầu năm chúng ta hy vọng có thể nhìn một hình ảnh
VN đang chuyển mình.
Ts. Đinh Xuân Quân
Chú thích
(1) "Khối quốc doanh Việt Nam là khối ung thư của nền
kinh tế" AFP ngày 30/1/2013
(2) BBC ngày 21 tháng 12, 2012.
(3) RFI ngày 8/2/2013
(4) RFI ngày 08/02/2013
(5) RFI ngày 9/02/2013
(6) BBC,5/2/2013 “Nhóm nhân sỹ trí thức gồm 15 vị, đại diện
cho những người ký Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992,”
(7) BBC “Thay đổi từ bên trong đảng cộng sản” Thứ Hai, 13
tháng 2, 2012
0 comments:
Đăng nhận xét