Người Mỹ muốn gì? Hà Nội dám “thoát Trung” không?

Võ Long Triều
(Việt Nam Thời Báo) - Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ 5 ngày của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành Ủy Hà Nội từ 21-25/5/2014, giữa lúc quan hệ Việt-Trung xấu nhứt, căng thẳng tột cùng do giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hạ đặt trong vùng biển thuộc đặt quyền kinh tế Việt Nam, gây ra nhiều gia chạm giữa các tàu bảo vệ của Trung Quốc và tàu hải giám Việt Nam.

Ông Phạm Quang Nghị được dư luận xem là người thân tín của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và là nhân vật có khả năng thay thế ông Trọng lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam trong kỳ đại hội đảng sắp tới. Ông Nghị chỉ là thành viên Bộ chính trị không giữ một trọng trách gì, nhưng được tiếp xúc với nhiều nhân vật cao cấp Mỹ. Do đó có thể hiểu là Bộ chính trị đã gởi một tín hiệu cho chính phủ Hoa Kỳ rằng Việt Nam muốn tiếp cận với Mỹ. Đúng hay sai?

 
Người Mỹ muốn gì?


Thông qua những chuyện xảy ra trong tháng Tám này cho thấy nhận xét đó là đúng, trong bối cảnh hiện tại cả hai quốc gia Mỹ-Việt đều muốn tiếp cận lẫn nhau. Việt Nam đang bị Trung Quốc
áp chế nặng nề mà không tìm ra sự hỗ trợ nào để “Thoát Trung” ngoài Mỹ. Hoa Kỳ đang có mục đích bao vây Trung Quốc để kềm chế sự hung hăng của con hổ Bắc Kinh đang trở thành mối hiểm họa cho Hòa bình thế giới.
 

Ngày 04/8/2014, Thượng Nghị Sĩ Bob Corker thành viên cao cấp Ủy Ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, sang viếng thăm Việt Nam và bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình ở Biển Đông. Ông Bob corker tuyên bố ủng hộ việc đẩy nhanh sự triển khai các nội dung hợp tác Mỹ-Việt trong khuôn khổ đối tác toàn diện, và ông cũng thông báo Quốc Hội Hoa Kỳ ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
 

Tiếp đó ngày 7/8/2014, hai Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Mc Cain thuộc đảng Cộng Hòa và Seldon Whitehouse thuộc đảng Dân Chủ, bất ngờ đến thăm Việt Nam liền sau chuyến đi của Thượng nghị sĩ Bob Corker. Đài VOA thông báo, chiều ngày 8/8/2014 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp phái đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ tại trụ sở Trung Ương đảng cộng sản VN ở Hà Nội. Ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng và nhà nước VN coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, ông ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ ở các cấp độ và trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước”. Ông cũng mong muốn hai bên sẽ có nhiều biện pháp tích cực để triển khai có hiệu quả đối tác toàn diện và thiết thực.
 

Về phía Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo cùng ngày tại Hà Nội, Thượng Nghị sĩ Mc Cain tuyên bố:
- Về phía chúng tôi đã sẵn sàng đáp ứng thách đố này với suy nghĩ và hành động mới.

- Chúng tôi sẵn sàng hoàn tất một Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương ở tiêu chuẩn cao với Việt Nam là một đối tác trọn vẹn.

- Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự giữa chúng ta, và tăng số lần chiến thuyền Hoa Kỳ cập bến Việt Nam theo như Hà Nội cho phép. Không phải để thiết lập căn cứ mà để tăng cường sự tiếp cận.

- Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hỗ trợ an ninh nhằm giúp Việt Nam nâng cao khả năng theo dõi trong lãnh vựa hàng hải và năng lực bảo vệ chủ quyền của mình.

 

Ông Mc Cain nói thêm: “trong mục đích ấy tôi tin Hoa Kỳ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương”. Thượng Nghị Sĩ Seldon Whitehouse nói cụ thể hơn là Hoa Kỳ có thể hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng Chín năm nay. Ông Mc Cain hứa sẽ bắt đầu làm việc ngay sau khi ông trở về Hoa Kỳ để thực hiện những gì ông đã hứa với Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng nhắc lại lời tuyên bố của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Dân chủ là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại. Chế độ ở Việt Nam phải làm tốt hơn về dân chủ và đảng cộng sản Việt Nam phải giương cao ngọn cờ dân chủ”.
 

Ông Mc Cain kết luận: “Tôi hy vọng Việt Nam sẽ chuyển những lời đáng ghi nhận nầy thành những hành động mạnh dạn, chẳng hạn như trả tự do cho các tù nhân lương tâm, thực hiện dân chủ nhân quyền để “làm nền tảng cho Hoa Kỳ và Việt Nam xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược bền vững”, dựa trên những giá trị chung mà hai quốc gia có thể có.
 

Tiếp đó ngày 14/8/2014, Đại Tướng Martin Dempsey – là Chủ tịch hội đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam trong bốn ngày. Tướng Dempsey tuyên bố tại thành phố Sài Gòn: “Lĩnh vực hàng hải là quan tâm chung và lớn nhứt hiện nay của chúng ta”. Ông nói: “Tôi không yêu cầu Việt Nam chọn làm bạn của Mỹ hay Trung Quốc”. Nhưng ông lại xác định, Mỹ có thể giúp tăng cường năng lực hải quân Việt Nam một khi lệnh cấm vận vũ khí được xóa bỏ.
Giới chức Mỹ cho rằng chuyến viếng thăm của Đại Tướng Dempsey là một tín hiệu gởi cho khu vực, rằng Mỹ nghiêm túc trong việc tái cân bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương.

 
Hà Nội dám “Thoát Trung” không?
 

Bên cạnh đó cũng ngày 14/8/2014, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Cộng Hòa Czechoslovakia, Tướng Peter Pavel chính thức đến thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương và phát triển tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.
 

Căn cứ trên những lời phát biểu của các Thượng Nghị sĩ và của Đại Tướng Demsey thì rõ ràng Mỹ mở rộng con đường hợp tác quân sự với Việt Nam và từ đó Hà Nội sẽ có cơ hội “Thoát Trung”, nếu Bộ chính trị đảng cộng sản dám từ bỏ chính sách đu dây đối với Trung Quốc trong khi quan thầy Bắc Kinh và “đồng chí tốt” chủ trương thôn tính Việt Nam ngày càng hiện rõ. Hình như Bộ chính trị và đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi thái độ đối với nước “láng giềng hữu nghị”, người “đồng chí tốt” luôn có dã tâm.
 

Từ lời phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp hai Thượng Nghị Sĩ Mỹ, có thể hiểu rằng Việt Nam đã thay đổi chính sách, sẽ nghiêng về phía Mỹ và Tây phương.
 

Thực tế Việt Nam là quốc gia đang lâm cảnh vô cùng khó khăn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Bắc Kinh lấn áp ngày càng quá đáng, thậm chí có dã tâm xâm chiếm trọn đất nước Việt Nam. Sở dĩ Hà Nội chần chờ không dám phản kháng vì bị vướng mắc công hàm của cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, và sự ký kết ở Hội nghị Thành Đô, quan trọng hơn cả là vì sức mạnh quân sự của cường quốc láng giềng luôn luôn hành động ngang ngược đe dọa cả vùng Đông Nam Á. Vì vậy đã đến lúc Hà Nội phải tìm cách tiếp cận với cường quốc đứng đầu thế giới là Mỹ, để hy vọng thoát khỏi búa rìu của sự bành trướng Hán tộc. Sự tiếp cận với Mỹ cũng hợp với 67% đa số quần chúng Việt Nam theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây. Và cũng phù hợp với những toan tính của Hoa Kỳ đang tìm mọi cách siết chặt vòng vây Trung Quốc. Tóm lại cả hai quốc gia đều có nhu cầu quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác quân sự song phương.
 

Tuy nhiên trên chính trường quốc tế, xưa nay mọi sự hợp tác, mọi thỏa hiệp đồng minh đều dựa vào quyền lợi và nhu cầu giai đoạn. Nếu xét qua lời tuyên bố của Ngoại Trưởng John Kerry thuyết trình về chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ tại East West Center ở Hawai “Một mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc là cần thiết để duy trì sự ổn định trong khu vực, bất chấp hành vi của Bắc kinh ỡ biển Đông”, có thể hiểu rằng Hoa Kỳ cần có một mối quan hệ Mỹ - Trung mang tính xây dựng để duy trì hòa bình trong khu vực.
 

Thẳng thừng mà xét, quan hệ Mỹ-Trung ngày nay không khác gì sự kình chống Hoa Kỳ- Liên Xô ngày trước. Một loại chiến tranh lạnh mà không bên nào dám để cho nó trở thành nóng. Bất chấp hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông, dưới mắt cường Quốc Hoa Kỳ thế giới sẽ ổn định miễn sao Trung Quốc bằng lòng hợp tác xây dựng hòa bình duy trì an ninh và cùng nhau hành động cho đôi bên đều có lợi. Gần đúng với ý nghĩ của Tập Cận Bình và Barack Obama thỏa thuận ở Roncho Mirage, California.
 

Hiện tại cho dù Hà Nội tìm được sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ để tạm thời buộc Trung Quốc phải ngưng lấn chiếm, nhưng nếu Hà Nội cứ một mực khăng khăng thực hiện độc tài độc đảng, đàn áp dân chúng mà không lợi dụng cơ hội tạm thời hòa hoãn, nới rộng dân chủ, thực hiện nhân quyền, bài trừ tham nhũng, thay đổi chính sách đất đai, giải quyết khiếu kiện của dân oan, bằng mọi cách xoa dịu quần chúng, đoàn kết dân tộc..., thì một ngày nào đó nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm được sự thỏa thuận đôi bên đều có lợi, họ sẽ bỏ rơi Hà Nội, như họ đang rút quân đội khỏi Iraq và Afganistan vì nội bộ bất đồng, vì dân chúng Hoa Kỳ chán ghét chiến tranh, cũng như Tổng Thống Nixon thỏa thuận với Mao Trạch Đông, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa. Trong trường hợp đó Hà nội cũng sẽ lâm vào cảnh bị Trung Quốc lấn áp nặng nề hơn ngày nay, vì cần cho “đồng chí phản bội” một bài học đích đáng.

Võ Long Triều
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More