Nhận họ

Minh Văn

   Xưa nay dòng họ Mạnh Thường ở vùng Yên Châu vẫn bị thiên hạ cho là lạc loài mất gốc. Điều này khiến những người trong dòng họ cay đắng và phẫn uất lắm. Trưởng tộc Mạnh Thường Đức (vẫn quen gọi là Mạnh Đức) là người trăn trở nhiều hơn cả, vì ông chính là đại diện của dòng họ. Mỗi lần họp làng, mấy thủ chỉ trong vùng thường chê họ Mạnh là con hoang, cầu bất cầu bơ, ăn nhờ ở đậu. Trong khi những dòng họ khác như Phạm, Lê, Hoàng, Nguyễn… thì gốc gác hẳn hoi và có công lao khai phá vùng đất này. Những lúc như vậy, trưởng tộc Mạnh Đức như  xát muối trong lòng, chỉ muốn đất dưới chân tự dưng nứt toác ra để mà độn thổ đi cho rồi. Nhưng rồi ông cố nhịn nhục, vì ngẫm ra thì người ta nói cũng phải. Họ hàng mình đông đúc như ngày hôm nay, cũng phải có tổ tiên nguồn cội chứ, vì rằng:

Cây có gốc mới nẩy cành xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

     Rồi ông quyết bạch hóa vấn đề gốc gác để mà thuyết phục thiên hạ, đồng thời hóa giải tiếng oan cho dòng họ mình.

     Để phản bác lại dư luận cay nghiệt, ông cho rằng tổ tiên xa xưa của mình ở bên Trung Quốc, là Man Vương Mạnh Hoạch, người đã bảy lần giao chiến với Khổng Minh thừa tướng. Gần hơn nữa, thì tổ tiên 18 đời của họ Mạnh là Quận Công Mạnh Thường Quân. Nghe ông nói vậy, người ta chỉ bịt miệng cười chế nhạo, cho rằng bịa đặt, thấy người sang thì bắt quàng làm họ.

     Về nhà, trưởng tộc Mạnh Đức lần giở cuốn gia phả: “…Khoảng 400 năm trước, ông tổ Mạnh Thường Quân vốn quê ở mạn tỉnh Thanh, vì thời loạn mà lưu lạc đến Yên Châu, rồi lấy vợ sinh con. Sau ông đi đánh giặc, do có nhiều công trạng với nước mà được phong làm quận công, nhưng từ đó không trở lại Yên Châu nữa…”. Gia phả thì ghi như vậy, tuy có huy hoàng thật nhưng dù sao cũng chỉ là truyền thuyết mơ hồ, nên  không được thuyết phục cho lắm. Mặc dù bây giờ họ Mạnh Thường cũng có nhiều người giàu có phát đạt, nhưng đường học hành thì lại dấm dớ, chẳng có nổi một bằng cử nhân tiến sĩ nào với người ta. Đó cũng là một động lực nữa khiến trưởng tộc Mạnh Đức quyết lên đường đi tìm họ đại tôn, mà lần này phải là người bằng xương bằng thịt hẳn hoi, có địa chỉ rõ ràng. Để chứng tỏ dòng họ mình vốn vẻ vang, trí tuệ, chứ không phải dốt nát lang thang như người ta vẫn miệt thị. Như thế thì mới ăn nói với người ta được, vì danh có chính thì ngôn mới thuận mà. Suy đi nghĩ lại mãi, cuối cùng ông chọn đứa cháu họ đi cùng để đỡ đần trên đường. Anh này tên là Mạnh Trí, vốn thường đến đây giúp ông lo dọn dẹp nhà thờ. Thực lòng mà nói, bố mẹ đặt tên là Mạnh Trí nhưng trí chẳng mạnh chút nào, ở nhà anh chàng thường xuyên bị vợ rầy la vì chậm hiểu và vô dụng. Chỉ vì thương nó hiền lành mà ông tận tình chỉ bảo, rồi hai người quấn quýt như thầy trò từ lúc nào không hay. Tuy Mạnh Trí tối dạ, có gì nói nấy, nhưng được cái cần mẫn siêng năng, vả lại đó cũng là một đức tính tốt vậy.

      Buổi tối hôm ấy, tại nhà trưởng tộc Mạnh Đức, họ hàng tập trung đông đủ để bàn chuyện hai thầy trò lên đường. Bữa cơm thân mật, mọi người ăn uống và bàn bạc rôm rả, ai cũng thể hiện quyết tâm sắt đá phải tìm được gốc gác ngọn ngành mới thôi.

     Sau khi xơi vài chén rượu nhạt, một cao niên đứng dậy, kính cẩn chắp tay nói:

     - Chúng tôi phiền ông trưởng tộc và anh Mạnh Trí lần này đi cho một chuyến. Việc hệ trọng này phi ông đi thì không xong. Chúng tôi biết ơn lắm lắm. Về phần chi phí của hai thầy trò, mọi người xin được lo hết!…

     Tiếng ồn ào rộ lên tán thưởng, rồi mỗi người một ít, ai cũng đóng góp tiền bạc cho chuyến du hành sắp tới. Với số tiền gom được, họ tin tưởng rằng hai thầy trò sẽ không phải thiếu thốn một thứ gì trong suốt chuyến đi.

     Bấy giờ trên bàn thờ đèn nến sáng trưng, cho thấy vẻ trang nghiêm hệ trọng. Xúc động trước tình cảm của họ hàng, hai thầy trò đến thắp hương trước bàn thờ họ, rồi cùng quỳ xuống mà khấn rằng:

     - Hai thầy trò chúng con là Mạnh Đức, Mạnh Trí lần này lên đường đi tìm họ. Mong tổ tiên phù hộ cho chân cứng đá mềm, vạn sự như ý. Trước linh vị tổ tiên, chúng con xin thề rằng: Chuyến này nếu không tìm được họ hàng gốc gác, nhất quyết không quay trở về quê nhà nữa!

     Những người có mặt lúc này đều quỳ lạy, ai nấy hai hàng nước mắt tuôn rơi.

     Sau khi mọi người ra về hết, hai thầy trò lại tất bật sửa soạn hành lý để ngày mai lên đường. Đồ đạc được xếp đầy hai túi xách nặng, do học trò đảm trách mang vác. Còn thầy thì chỉ mang một cái túi vải nhẹ, trong đó có hai vật bất li thân  là cuốn gia phả và sổ ghi chép. Trước khi đi nghỉ, ông trưởng tộc còn chong đèn xem lại gia phả một lần nữa. Về địa danh dòng họ, gia phả chỉ ghi mấy dòng mơ hồ: “Thiên Ứng. Thanh Hoa. Tộc Mạnh Thường”. Ông luận rằng, Thiên Ứng là địa phương nơi phát tích, còn Thanh Hoa là tên tỉnh vậy.

     Sáng hôm sau, khi cảnh vật còn chìm trong hơi sương, hai thầy trò đã tay xách nách mang lên đường. Hai cái bóng một già một trẻ, thầy thì ngoài 60 xuân, trò ngoài 30, cùng bước bên nhau trên con đường làng khấp khểnh. Họ đi mãi miết, vì từ đây đến tỉnh Thanh cũng phải mất mấy trăm cây số đường quốc lộ nữa.

o0o

     Xe ô tô chạy gần một ngày đường mới đến được bến xe tỉnh Thanh. Tại đây hai thầy trò lại phải bắt xe khách để đến vùng Thiên Ứng. Chạy được khoảng vài chục cây số, xe khách đỗ lại mà thả họ xuống bên vệ đường. Hai thầy trò Mạnh Đức lúc này đứng bơ vơ giữa một vùng núi đồi xanh thẳm. Người ta nói “Sẩy nhà ra thất nghiệp” quả không sai. Nơi này không có ai quen biết, lại lạ người lạ cảnh, họ cảm thấy lo lắng vô cùng. Sau lúc bối rối, thầy Mạnh Đức tiến đến chỗ mấy người đang ngồi túm tụm bán hàng mà hỏi thăm. Được họ cho biết Thiên Ứng là tên một ngôi làng trên núi, cách đây độ 10 cây số. Rồi họ lại chỉ một anh xe ôm đứng gần đó mà nói với thầy Mạnh Đức:

     - Hỏi anh xe ôm kia. Anh ta sẽ đưa hai người đến nơi!

      Ông trưởng tộc mừng quýnh, cảm ơn mọi người rồi vẫy anh xe ôm. Sau khi chất đồ đạc lên chiếc xe cũ kỹ, anh xe ôm chở hai thầy trò lên đường. Con đường núi gập ghềnh khiến chiếc xe cứ nhảy chồm chỗm, giống như ngựa bất kham vậy.

      Đến một con dốc thì chiếc xe dừng lại. Từ đây có thể nhìn thấy một ngôi làng trên đỉnh đồi. Anh xe ôm chỉ tay về hướng ngôi làng rồi nói:

     - Trong đó là Thôn Thiên Ứng. Hai người đi bộ vài cây số nữa thì vào đến nơi. Từ đây đường nhỏ khó đi, xe máy không chạy được nữa.

      Thầy Mạnh Đức cảm ơn rồi lấy tiền ra thanh toán. Anh xe ôm cũng chào từ biệt họ rồi nổ máy mà quay xe trở ra.

     Hai thầy trò ái ngại nhìn nhau, rồi cùng dắt díu mà men theo lối mòn đi lên núi. Vì đường dốc, nên họ đi mãi mà vẫn chưa đến nơi. Vốn không quen đường đèo, tay lại phải xách hai túi hành lý nặng, Mạnh Trí bước đi ì ạch tưởng như chân có đeo chì vậy. Vừa thở hổn hển, anh chàng vừa háo hức hỏi thầy để cho quên đi nổi mệt nhọc:

     - Dòng họ ta huy hoàng như vậy… chắc là nhà thờ to đẹp… lộng lẫy lắm thầy nhỉ? Đến đó thầy trò mình …kiểu gì cũng được tiếp đón tử tế và tha hồ mà đánh chén no say!…

     Nói rồi anh chàng nhắm mắt mà tưởng tượng đến giây phút thần tiên, cho bõ cả ngày trời lặn lội vất vả. Về phần mình, thầy Mạnh Đức chỉ lẳng lặng bước đi mà không nói gì.

     Vùng này vốn là miền trung du, đồi núi chập chùng. Thi thoảng mới thấy một vài người mặc bộ đồ dân tộc với cái gùi trên lưng mà đi làm qua. Hai thầy trò đi đến lưng chừng ngọn đồi thì mệt quá mà dừng chân nghỉ tạm dưới một gốc cây cổ thụ. Chợt có tiếng leng keng phát ra đâu đó nghe vui tai. Mạnh Trí ngạc nhiên đưa mắt quan sát xung quanh, nhưng chẳng thấy gì cả. Cái âm thanh kia thì vẫn cứ vang lên đều đều, khi xa khi gần, như là có ma quỷ vậy. Chú ngơ ngác quay sang hỏi thầy lúc này đang ngồi tựa lưng vào gốc cây:

     - Tiếng gì leng keng trên đồi vậy thầy nhỉ?

     Thấy trò hỏi vậy, thầy Mạnh Đức ôn tồn giảng giải:

     - Đó là tiếng lục lạc của trâu, bò đó con!

     - Sao trâu, bò mà phải đeo lục lạc hả thầy?

     - Ở đây toàn là đồi núi, cây cối rậm rì, người ta đeo vào cổ bò hoặc trâu cái lục lạc bằng đồng để nó khỏi bị lạc con ạ. Như vậy cũng không phải trông chừng nữa. Đến cuối ngày, người ta chỉ việc lần theo tiếng lục lạc, rồi đến đó mà lùa trâu bò về thôi.

     Mạnh Trí gật gù ra chiều đã hiểu rồi nhìn lên đồi, quả là lấp ló sau những lùm cây, có mấy chú trâu đang thong dong gặm cỏ. Đây là lần đầu tiên trong đời chú khám phá ra cái điều mới lạ này. Vì khác với miền đồng bằng quê chú, nơi mà trâu bò chẳng đeo lục lạc bao giờ cả.


     Đoán chừng thầy cũng đã đói bụng, Mạnh Trí mới lần mở túi xách, lấy lương khô và nước ra mời. Rồi hai thầy trò vừa ngồi thưởng thức món lương khô vừa say sưa ngắm nhìn cảnh vật. Lúc này bức tranh sơn thủy hiện ra trước mắt thật đẹp và hữu tình. Núi đồi nhấp nhô, một cây cầu gỗ xinh xinh bắc qua con suối, bên dưới là dòng nước trong xanh tuôn chảy róc rách. Hai bên bờ suối, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Xa xa, những đám khói do người đi làm nương đốt bay lơ lửng trong ánh chiều tà.

     Đang mãi mê ngắm nhìn, chợt họ nghe thấy tiếng hát véo von ở đâu đó cất lên. Nhìn ra thì thấy phía trước có một mục đồng đang cưỡi trâu, thong dong đi tới mà hát rằng:

Non xanh nước biếc dạt dào
Cõi trần ai biết nơi nao là nhà
Tìm trong trời đất bao la
Tổ tiên nguồn cội ông cha sinh thành.

     Thầy Mạnh Đức giật mình, vì lời bài hát phù hợp với hoàn cảnh hai thầy trò lúc này quá, như có ẩn chứa lời tiên tri vậy. Tò mò, ông liền vẫy đứa trẻ lại gần mà hỏi về bài hát. Đứa bé lễ phép trả lời rằng đây là bài hát do ông nội nó sáng tác. Thầy Mạnh Đức đang toan hỏi nữa thì đứa bé đã đưa tay chỉ:

     - Ông nội cháu kìa!..

     Theo tay mục đồng, hai thầy trò trông thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, trên vai vác cái cuốc như là đi làm đồng về.

     Khi cụ già tới nơi, thầy Mạnh Đức lễ phép chào:

     - Chào cụ! Vừa rồi có được nghe bài hát của cụ. Lời bài hát rất hay và hợp với tâm trạng chúng tôi lúc này. Vì vậy mà tự dưng xúc cảm, muốn được bày tỏ lòng ngưỡng mộ!...

     Cụ già nở một nụ cười hiền hậu, rồi ôn tồn hỏi:

     - Chẳng hay ông là ai? Từ đâu đến đây?...

      Ông trưởng tộc ưỡn ngực:

     - Mạnh Đức, cháu 18 đời Quận Công Mạnh Thường Quân, vốn dòng dõi Man Vương Mạnh Hoạch khi xưa.

     Cụ già gật đầu ra chiều đã hiểu. Lúc này thầy Mạnh Đức liền thuật lại chuyện đi tìm họ, và có ý nhờ cụ chỉ đường cho.

     Cụ già ái ngại nhìn hai thầy trò, rồi nói:

     - Bây giờ trời cũng đã xế chiều rồi, ở đây lại không có quán xá hay nhà trọ gì cả. Vậy mời hai người về nhà tôi nghỉ ngơi một đêm rồi sáng mai lại xuất hành cũng chưa muộn!

     Đang lúc hoang mang nơi rừng núi, may lại gặp được ông lão tốt bụng như thế này, hai thầy trò mừng quýnh, cho rằng tổ tiên đã phù hộ mà đưa đường chỉ lối. Vì vậy họ vui vẻ nhận lời ngay tắp lự mà không khách sáo gì cả.

      Theo chân ông lão, hai người đi men theo một lối mòn quanh co, hai bên trồng đầy những cây bạch đàn, rồi lại qua hai cái ao cá nữa thì về đến nhà. Trước mắt họ hiện ra một ngôi nhà gỗ ba gian giản dị nhưng sạch sẽ và tươm tất. Ông lão giới thiệu hai thầy trò với bà lão cùng hai vợ chồng anh con trai. Sau màn chào hỏi, ông sai người nhà đi làm cơm để thết đãi khách.

     Sau bữa cơm tối, ông lão cùng hai thầy trò ngồi chỗ chiếc bàn ở gian ngoài để uống nước. Trò chuyện một lúc, thầy Mạnh Đức có ý sốt ruột mà quay sang hỏi chuyện họ hàng. Sau khi nghe ông trình bày tường tận mục đích của chuyến đi, cụ già vuốt chòm râu bạc, trầm ngâm một lúc rồi nói:


     - Theo như tôi được biết, vùng này có đến ba nơi có nhà thờ họ Mạnh!…

     Thầy Mạnh Đức chắp tay kính cẩn:

     - Xin cụ chỉ dẫn tường tận thêm!...

     Nói rồi ông mở cái túi vải vẫn mang theo bên mình, lấy cuốn sổ và cây bút ra để mà ghi chép.

     Cụ già chậm rãi:

     - Nếu tôi nhớ không nhầm thì có một nhà thờ ở Thiên Quan, cách đây khoảng 80 cây số. Nhà thờ khác ở Thiên Xuân, cách đây độ 60 cây số. Còn một nơi nữa tôi không nhớ rõ địa danh, nhưng lúc đó ông có thể hỏi sau…

     Thầy Mạnh Đức ghi chép tỉ mỉ lời của ông cụ với một vẻ biết ơn và cảm kích. Lúc này Mạnh Trí vẫn ngồi bên cạnh hầu trà hai người, nghe nói đến dòng họ mình, chú liền mau miệng nói với ông lão:

     - Dòng họ chúng tôi thuộc hàng danh giá và có gốc gác hẳn hoi, không phải loại con hoang cù bơ cù bất như người ta vẫn thường nói đâu!…

     Nghe trò nói vậy, thầy Mạnh Đức liền đưa mắt lườm một cái. Mạnh Trí sợ thầy, vội đưa tay bịt miệng mà không dám nói thêm câu nào nữa.

     Thầy Mạnh Đức cười xòa, rồi hướng về phía ông lão chữa thẹn:

     - Mong cụ thông cảm cho, đừng chấp nhặt làm gì! Đứa học trò tôi ngu si đần độn, toàn nói những chuyện không ăn nhập vào đâu cả.

   


     Anh chàng Mạnh Trí bị thầy mắng đã thấy thẹn, lại cả ngày đi đường mệt mỏi nên xin phép được lên giường đi nằm trước. Giường ngủ được kê sát bức vách, chỉ cách chỗ hai người đang ngồi có vài bước chân, vì vậy mà Mạnh Trí vẫn nghe được tiếng họ nói chuyện.

     Lúc này ông lão đang kể chuyện cho thầy của anh nghe, giọng đều đều, chậm rãi:

     “…Anh biết không? Vùng đất này do tổ tiên chúng tôi khai phá cách nay đã lâu, kể cũng hơn vài trăm năm rồi. 50 năm về trước, khi ấy tôi còn là một cậu thanh niên trẻ khỏe, nhiều đêm thức trắng cùng dân làng để rình cọp vào làng bắt lợn, bắt nghé. Lúc đó vùng này còn hoang vu lắm, cây cối rậm rì, ở trong nhà cũng có thể nghe tiếng tắc kè kêu, tiếng con chồn đào hang…

     Có lần có một cô gái xinh đẹp trong làng đi làm nương rồi bị ma núi ám, vì con ma này ưa thích sắc đẹp của cô. Dân làng phải nhờ thầy mo cúng mấy ngày mà con ma vẫn không chịu đi…”

      Mạnh trí nghe kể đến đây, phần thì mệt phần vì sợ ma nên ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, chú mơ thấy hai thầy trò tìm được họ và trở về quê, có cả biển người chào đón và tung hô vang dội. Chú còn thấy mình được người ta công kênh trên vai như một người anh hùng vậy.

o0o


     Bị tiếng chim râm ran trên đồi đánh thức, thầy Mạnh Đức vươn vai tỉnh dậy mà nhìn ra bên ngoài. Trời đã sáng rõ, những tia nắng mặt trời đầu tiên chiếu qua kẽ lá lung linh. Thật là một buổi sáng trong lành nơi núi non hùng vĩ. Nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 5 giờ, thầy vội lay chàng Mạnh Trí lúc này đang nằm ngáy ngon lành. Bị đánh thức giữa chừng, Mạnh Trí ú ớ một lúc rồi mới ngồi dậy dụi mắt, miệng vẫn chưa ngớt cằn nhằn vì cứ nghĩ là đang ở nhà mình. Thầy Mạnh Đức nói:

     - Dậy rửa mặt cho tỉnh đi con, rồi thầy trò mình chuẩn bị lên đường!

     Lúc này Mạnh Đức mới tỉnh hẳn, nhớ tới nhiệm vụ của mình, anh chàng ngượng ngùng mà vội vàng đi rửa mặt.

     Sau khi cảm tạ và chào từ biệt gia chủ, hai thầy trò tiếp tục lên đường. Về phần ông lão thì dẫn cả nhà ra đứng ở cổng mà tiễn hai người.

     Thầy Mạnh Đức quyết định tìm đến Thiên Xuân trước, rồi sau đó mới đi Thiên Quan. Từ nơi đồi núi cây cối che khuất tầm nhìn, giờ đây đồng bằng lại trãi rộng ra trước mắt với những đồng ruộng bao la. Như lời ông lão nói, hai thầy trò đi xe khách khoảng hơn 60 cây số thì đến được Thiên Xuân. Nơi đây là một thị trấn buôn bán sầm uất, nhà cửa san sát vào nhau. Khi đến nơi thì trời đã gần trưa, hai thầy trò tìm thuê một phòng trọ để ở rồi mới tìm hiểu sau. Ở đây tuy người đông đúc, nhưng toàn là dân tứ xứ nên ít người biết đến chuyện họ hàng. Nhưng rồi họ cũng lần được manh mối, người ta cho biết gần đây có một ngôi làng gọi là Thiên Xuân. Mừng quá, hai thầy trò liền vội vã đi tìm. Đường không xa lắm, nên họ quyết định đi bộ. Vất vả hỏi đường một lúc, rồi họ cũng đến được làng Thiên Xuân. Khi hỏi thăm về dòng họ Mạnh, có một người trong làng mách dùm rằng:

     - Ở đây có họ Mạnh Đình. Ông đi theo lối này, rẽ phải khoảng trăm mét thì nhìn thấy nhà thờ!

     Hai thầy trò làm theo hướng dẫn của người nọ, đi đến nơi thì thấy trước mắt hiện ra một ngôi nhà thờ, bên trên có ghi: “Tộc Mạnh Đình”. Tuy hơi thất vọng vì không phải họ Mạnh Thường, nhưng thầy Mạnh Đức nghĩ rằng: “Dù sao đây cũng là họ Mạnh, may ra có thể dò được manh mối chăng?”. Nhà thờ lúc này vắng hoe, chỉ thấy một người đàn ông đang ngồi trên thềm mà chống cằm suy tư, trông giống như triết gia vậy. Thầy Mạnh Đức cả mừng, vội bước đến kính cẩn chào:

     - Xin chào ngài!

     Người kia vẫn ngồi tư lự mà không trả lời. Cho rằng những bậc bề trên có kiến thức cao thâm vẫn thường như vậy, thầy Mạnh Đức tiếp tục giới thiệu:

     - Mạnh Đức, cháu 18 đời Quận Công Mạnh Thường Quân, vốn dòng dõi Man Vương Mạnh Hoạch khi xưa.

     Chợt người kia cười lên sằng sặc, rồi vùng đứng dậy mà vớ lấy hòn đá to bằng nắm tay dưới đất toan ném. Lúc này mới biết đó là một kẻ tâm thần, thầy Mạnh Đức vội co giò chạy thục mạng. Người điên kia cũng cầm hòn đá để đuổi. Thấy thầy chạy như ma đuổi, Mạnh Trí cũng hốt hoảng mà ba chân bốn cẳng quay đầu chạy theo. Vừa lúc đó người điên ném một cái vù, hòn đá bay sượt qua mang tai Mạnh Trí rồi rớt xuống ao bèo nghe đánh tủm một cái.

     Hai thầy trò chạy được một quãng khá xa, cảm thấy đã an toàn vì không còn nghe tiếng bước chân đuổi đằng sau nữa, liền dừng lại để nghỉ. Khi đã hoàn hồn, bất ngờ thầy Mạnh Đức sờ tay lên vai, rồi dậm chân mà hốt hoảng:

     - Thôi hỏng! Thầy đánh rơi mất cái túi đựng gia phả rồi. Làm sao bây giờ đây hở trời?...

     Nghe thầy nói, Mạnh Trí cũng hoảng hồn, vì gia phả và cuốn sổ là linh hồn chuyến đi của hai thầy trò. Nếu đánh mất nó thì chỉ có nước quay về nhà mà thôi. Cho dù thế nào thì bây giờ cũng phải liều mình mà quay lại để tìm. Nhưng nhỡ gặp kẻ tâm thần kia thì sao?

     Tuy có hơi lo sợ, nhưng Mạnh Trí quả quyết nói:

     - Thầy để con quay lại tìm!...

     Tuy biết việc đối mặt với kẻ tâm thần kia là rất nguy hiểm, nhưng tình thế không thể nào khác, thầy Mạnh Đức đành phải để cho học trò quay lại, sau khi dặn dò là phải hết sức cẩn thận.


     Thế rồi Mạnh Trí tất tả quay lại phía sau, đi được một đoạn thì thấy người điên vẫn đứng chỗ bờ ao mà ngó nghiêng ở đó. Anh vội nấp vào một gốc cây to bên đường để quan sát. May quá! Anh nhìn thấy cái túi vải của thầy nằm bên mép đường kia, chỉ cách chỗ nấp có mấy bước chân mà thôi. Nhưng ngặt nổi là kẻ điên kia vẫn đứng đó, hắn vừa nói lảm nhảm vừa cầm cái cành cây mà quất đen đét xuống mặt đường. Lúc này Mạnh Trí tim đập thình thịch, chàng không dám thở mạnh vì chỉ sợ kẻ kia nghe thấy. Chừng phải 10 phút sau thì người điên mới bỏ đi. Chờ cho hắn đi một quãng khá xa, Mạnh Trí mới dám lẹ làng trườn tới để mà nhặt lấy cái túi. Rồi anh co giò chạy một mạch đến chỗ thầy mình đang đứng đợi mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Tìm lại được cái túi, hai thầy trò mừng rỡ, vội vàng cùng nhau quay trở lại nhà trọ ngay.


     Tối hôm đó, hai thầy trò lại thu xếp hành lý để mà chuẩn bị cho chuyến đi Thiên Quan.

     Thiên Quan là một ngôi làng heo hút nằm giữa đồng không mông quạnh. Hai thầy trò Mạnh Đức tìm được đến đây vào một buổi sáng đẹp trời. Con đường đất ngoằn ngoèo dài độ 3 cây số là lối duy nhất dẫn vào làng. Vì không tìm được xe ôm, nên họ đi bộ để vào đây. Sau khi hỏi thăm, thì quả là trong làng có một ngôi nhà thờ họ Mạnh, hai thầy trò liền tìm đến. Khi đến nơi, thì thấy một ngôi nhà thờ khang trang, tuy nhiên khung cảnh lại đổ nát hoang tàn. Đang ngẩn ngơ mà chưa biết hỏi han ai thì chợt gặp một cụ bà từ trong nhà thờ đi ra. Được cụ cho biết đây là dòng họ Mạnh Tiến, nhưng bây giờ con cháu cũng bỏ làng mà đi làm ăn xa hết, cụ là người duy nhất trông coi nhà thờ này. Thầy Mạnh Đức hỏi thêm về dòng họ Mạnh Thường, thì cụ già lắc đầu mà không biết gì cả.

     Thất vọng, hai thầy trò dắt díu nhau mà quay trở ra. Lúc này đã xế trưa, giữa đồng không mông quạnh, trời lại nắng chang chang. Khổ thân cho Mạnh Trí, chú phải xách trên tay hai túi hành lý nặng, trong khi vừa đói vừa  khát. Chán nản vì chuyến đi không được như ý, chú phụng phịu hỏi thầy:

     - Thầy ơi! nếu chuyến này không tìm được họ thì thầy trò mình phải chết ở đây như lời thề trước khi ra đi sao? Con nói thật, thầy bỏ quá cho! Chứ như thế này thì chẳng khác nào là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm cả, chẳng biết manh mối ra sao, có kết quả hay không nữa. Lần trước gặp kẻ điên, nếu con không nhanh chân chạy thoát, hòn đá kia mà trúng vào đầu thì có lẽ về chầu tổ tiên rồi cũng nên, chẳng cần phải đi tìm nữa đâu!…

     Thấy thầy im lặng không nói gì, chú lại sụt sùi:

     - Dù sao con cũng không muốn thầy trò mình phải chết ở nơi đồng không mông quạnh này. Biết trước thế thì đừng có đi chuyến này còn hơn. Đang yên đang lành lại bày ra chuyện đi tìm họ. Con người ta sinh ra ai chẳng có tổ tiên nguồn cội, không cần chứng minh thì người ta cũng biết mà. Có phải là Tôn Hành Giả đâu mà tự dưng nứt ra từ hòn đá?…

     Nghe trò nói, thầy Mạnh Đức giận dữ quát lên:

     - Có câm mồm ngay đi không hở đồ ngu kia! Cứ mở mồm ra là toàn nói gở, làm hỏng đại sự không à! Nhà ngươi nói thế mà không sợ tổ tiên trách phạt ư? Ngươi có biết đây là công trạng ngàn năm một thủa không? Hãy thử hình dung: Sẽ như thế nào nếu thầy trò ta tìm ra được mộ tổ và họ hàng? Muôn năm sau con cháu họ Mạnh Thường vẫn biết ơn và ghi nhớ sự kiện lẫy lừng này mà lập bia đá khắc ghi. Nhà ngươi hiểu không? Chính vì thế mà dù có phải bỏ mạng nơi đồng không mông quạnh hay núi đồi hoang vu, dù có da ngựa bọc thây ta cũng cam lòng. Ta thề nếu không tìm được tổ tiên, quyết không trở về quê cũ nữa!...


     Thấy thầy quyết tâm như vậy, Mạnh Trí cũng im lặng mà không dám nói thêm gì nữa. Thực lòng chú chỉ muốn nhanh chóng tìm được họ để mà kết thúc chuyến phiêu lưu nguy hiểm này, chứ chẳng mong bảng vàng bia đá ghi công gì cả.

o0o


   



     Thấm thoắt hai thầy trò Mạnh Đức đã ra đi được hơn tuần lễ. Có trời đất chứng giám cho lòng thành của họ, khi thì ngủ nhờ ở nhà dân, lúc tạm bợ nơi quán trọ bên đường. Trèo lên núi cao, bước xuống đồng bằng, đâu đâu cũng in dấu chân của hai thầy trò. Cũng vì tấm lòng hướng về nguồn cội, mà nhiều khi họ phải chịu đói khát trên đường, đối mặt với hiểm nguy cực khổ.

     Đã bước sang ngày thứ chín, hôm ấy hai thầy trò vừa đi bộ lang thang trên đường vừa dò hỏi về ngôi nhà thờ thứ ba như cụ già trên núi đã nói. Gặp ai họ cũng hỏi thăm, nhưng không ai biết gì về dòng họ Mạnh Thường cả. Giữa lúc vô kế khả thì thì lại gặp được tia hy vọng mong manh. Một người bán hàng bên đường có biết về dòng họ Mạnh Thường, đã tận tình chỉ dẫn cho hai thầy trò. Sau khi lấy cuốn sổ ra ghi chép địa chỉ cẩn thận, thầy Mạnh Đức cảm tạ người bán hàng rồi cùng học trò vội vàng khởi hành đến đó.

     Trên đường đi, nhớ đến chuyện Mạnh Trí bàn lùi mấy hôm trước, thầy quay lại trách:

      - Nhà ngươi đã thấy chưa? Trời luôn dành phần thưởng cho người biết kiên nhẫn và lòng thành. Những kẻ nóng nảy và hấp tấp như  ngươi phỏng có làm nên công trạng gì?

     Thấy thầy phê phán mình, Mạnh Trí toan cự lại, nhưng nghĩ đến chuyện sắp thành chính quả, chú lại im lặng mà vui vẻ cất bước theo thầy.

     Khi đến nơi, được biết là hiện nay dòng họ Mạnh Thường trong làng chỉ còn lại một người duy nhất kế tục mà thôi. Nhanh chóng, hai thầy trò tìm đến ngôi nhà mà hậu duệ dòng họ Mạnh Thường đang ở. Trước mắt họ lúc này là một căn nhà ngói xiêu vẹo, trông giống như cái điếm canh đê, vì nó vừa nhỏ vừa trống huơ trống hoác. Hai thầy trò mạnh dạn tiến vào bên trong, ở đó họ bắt gặp một người đàn ông đang ngồi trên thềm. Người này khoảng ngoài 50 tuổi, ở trần, trên mình chỉ mặc độc chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn, da dẻ thì nhăn nheo và đen cháy như than vậy. Cạnh chỗ anh ta ngồi, một chiếc cần chăn vịt được cắm xuống đất, mảnh vải xanh buộc trên ngọn phấp phới bay trong gió. Dường như anh ta vừa ngồi nghỉ vừa trông chừng đàn vịt đang bơi lội và nô đùa dưới cái ao trước mặt.

     Sau phút do dự, thầy Mạnh Đức tiến lại gần và lên tiếng:

     - Xin chào ngài!

     Thấy có người hỏi mình, người kia nở một nụ cười bâng quơ, khoe cái miệng sún chỉ còn lơ thơ mấy chiếc răng đen xỉn. Rồi anh ta lại ngồi im như trước mà không nói năng gì cả.

     Thầy Mạnh Đức lại tiếp lời:

     - Chúng tôi đến đây để hỏi nhờ ngài một việc. Chẳng hay ngài có phải dòng họ Mạnh Thường? Gia thế ra sao? Xin cho biết!...

     Nghe hỏi vậy, người đàn ông ngẩng nhìn thầy Mạnh Đức một lúc rồi cất giọng thều thào (có lẽ vì răng đã rụng gần hết nên phát âm không rõ):

     - Tôi ở đây một mình, không có vợ con gì cả. Thường ngày vẫn đi chăn vịt và khuân vác thuê cho người ta!…

     Thầy Mạnh Đức lại sốt ruột hỏi:

     - Xin ngài cho biết tên họ?...

     - À! Tôi lớn lên không còn bố mẹ. Chỉ thấy người ta vẫn gọi là Mạnh Thường Dân…

     Thầy Mạnh Đức mừng quá, vội quay lại vẫy Mạnh Trí – lúc này đang đứng từ đằng xa mà nhìn lại – vào trong này. Thấy thầy gọi mình, Mạnh Trí vội xách hai túi hành lý khệ nệ đi vào. Thầy Mạnh Đức nói với trò lấy quà bánh ra để đem biếu chủ nhà.

     Người đàn ông nhận lấy gói bánh, rồi không cần khách sáo, bóc ra ăn ngấu nghiến, bột bánh thì dính đầy miệng và rơi vãi tung tóe.

     Tuy thất vọng về hình hài và tác phong của người này, nhưng thầy Mạnh Đức hiểu rằng đây chính là điều mà cả họ ông đang mong đợi. Và đây cũng là người mà hai thầy trò đã cất công tìm kiếm trong suốt chuyến đi này.

     Nén những tình cảm xúc động lúc này đang dâng trào, thầy Mạnh Đức kéo tay học trò, rồi nhất loạt quỳ xuống trước mặt người đàn ông mà sụp lạy:

     - Chúng tôi là con cháu họ Mạnh Thường, xin được tiếp kiến Đại tộc trưởng!

     Thấy sự việc như vậy, người kia há hốc miệng ngạc nhiên, rồi lắp bắp:

     - Đại…đại…tộc trưởng?...

     Rồi ông ta ngửa mặt lên trời mà cười khanh khách ra chiều thích thú lắm, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời nghe đến cái tên này vậy.

     Đợi cho tiếng cười của đại tộc trưởng vừa ngớt, thầy Mạnh Đức kính cẩn nói:

     - Xin đại tộc trưởng hãy đưa chúng tôi đi xem nhà thờ tiên tổ!...

     Ông kia nghe thấy vậy, vội cho nốt miếng bánh vào mồm nhai nhồm nhoàm, gật gật đầu đồng ý. Người chăn vịt (lúc này là đại tộc trưởng dòng họ Mạnh Thường) đứng dậy, lấy tay phủi phủi bụi dưới đít mấy cái rồi bước đi. Hai thầy trò Mạnh Đức khúm núm theo sau.

     Tâm trạng Mạnh Trí lúc này phải nói là tột cùng của sự thất vọng, vì mọi việc diễn ra trái ngược với những gì chú vẫn hình dung. Sự thể này thì chẳng những không được đón tiếp long trọng,  ngay đến cỗ bàn cũng chẳng có mà đánh chén nữa. Trong khi cái bụng đói của chú lúc này đang réo lên sùng sục. Điều khiến chú não ruột nhất là với một “Đại tộc trưởng” như vậy, thì hai thầy trò không thể chứng minh cho thiên hạ thấy sự huy hoàng của dòng tộc được. Nhìn cái dáng đi thất thểu như kẻ say rượu đằng trước, chú không nén nổi tiếng thở dài. Nghe thấy vậy, thầy Mạnh Đức liền nguýt cho chú một cái, Mạnh Trí lại phải im lặng mà lủi thủi bước theo, lòng những chán chường ngao ngán.

     Khi đến chỗ nhà thờ, người chăn vịt lấy tay gỡ mấy cành rào chắn cổng ra, rồi cả ba người cùng đi vào bên trong. Ngôi nhà thờ dường như đã lâu không ai quét dọn, bụi bẩn bám khắp mọi nơi. Lúc này thầy Mạnh Đức vẫn cố tìm kiếm những chi tiết liên quan đến dòng họ Mạnh Thường, vì ở đây không có gia phả hay ghi chép gì cả. Chợt ông thấy phía sau bài vị trên bàn thờ có tấm bảng đã bị mạng nhện và bụi che kín. Thầy Mạnh Đức liền tiến lại gần mà gỡ mạng nhện ra, rồi dùng tay lau sạch bụi. Trên tấm bảng, một dòng chữ sơn son thếp vàng chợt hiện ra: “Thiên Ứng. Thanh Hoa. Tộc Mạnh Thường”.



Minh Văn

Tác giả gửi đến DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More