Buồn làm sao buông?

Đông Thức Nguyễn
ĐH Luật Khoa Sàigòn
Dân nghèo lao động ở Đồng Văn, Hà Giang
Chuyến đi Việt Bắc đã kết thúc.

Trong 4 ngày 4 đêm đã đi qua Hanoi, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Ngủ đêm ở Hànội, Hà Giang, Đồng Văn, Cao Bằng.

Núi rừng Việt Bắc đẹp sững sờ! Đặc biệt là vùng cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, với 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, cùng những địa danh lừng lẫy như Cổng Trời, Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, cột cờ Lũng Cú... Một chuyến đi với tốc độ kỷ lục!

- Lại cảm giác chung một lần nữa: ở Việt Nam, cứ đi ra khỏi các thành phố, thị xã, thị trấn..., là lập tức thấy cảnh nghèo. Đặc biệt là các xã vùng sâu, xa, biên giới, người dân tộc thiểu số... thì trong Nam ngoài Bắc đều nghèo như nhau, thê thảm.
Dọc đường Hà Giang, đám con nít người Mông, Mèo, Thái... được cha mẹ (?) đẩy ra đứng ven đường, quần áo rách rưới phong phanh, kêu gọi lòng thương hại của du khách (trong Nam không vậy). Lòng tội nghiệp cho chúng thì ít hơn cơn giận cho chế độ này quá nhiều năm vẫn để dân tình nghèo đói như vậy suốt từ Nam ra Bắc.


- Cảm giác chung thứ 2: làm du lịch quá dở, nhếch nhác, ăn xổi, chặt chém, thực dụng... (đúng không anh Nhut Tan Le, từng làm du lịch?). Những cảnh đẹp mê hồn của VN, những món ăn độc đáo 3 miền và khác biệt đến từng tỉnh, những lợi thế về biển về rừng về sông, núi..., nếu vào tay vài đất nước chung quanh thì chắc sẽ là mỏ vàng rồi! Không biết người ta làm du lịch bằng cái gì ngoài cái miệng xoen xoét (chắc chắn không phải bằng cái đầu và cái tâm) mà nền du lịch sao ẹ đến vậy! (Một thí dụ nhỏ là có mỗi cái nhà vệ sinh ở các điểm du lịch, mà vẫn không sao cải thiện cho sạch sẽ, đàng hoàng được!).

3. Cảm giác chung thứ 3: Thật ra tôi đi miền Bắc cũng khá nhiều lần rồi, chứ không phải giờ mới đi mà bày đặt lớn lối: ngoài Bắc (xin lỗi các người bạn gốc Bắc dễ thương của tôi) vẫn hơn hẳn miền Nam về sự ồn ào, nhếch nhác, xô bồ, dơ bẩn. Xét về nếp sống văn minh đô thị, trật tự xã hội, văn hoá giao thông, thái độ ứng xử nơi công cộng, trình độ phục vụ khách hàng, văn hoá chung..., Hà Nội hoàn toàn không xứng đáng là thủ đô của nước Việt Nam (lại xin lỗi các bạn HN gốc nữa!). Mỗi lần đi lại thêm cảm nhận sâu sắc về điều này và càng cảm thấy sự xuống cấp về văn hoá dường như không dừng lại! Nào là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, nào là xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nào là xây dựng khu phố văn hoá mới...
Nói cứ là xoen xoét!

4. Hai lần có cảm giác đau xót: Một là khi ở nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên, nơi quy tập gần 2.000 nấm mồ của những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến chống Tàu năm 1984 mà một thời gian dài không được phép nhắc đến. Hai là khi ở thác Bản Giốc, hiển nhiên của ta nay đã là của địch. Một cảm giác đớn hèn cho bọn người lãnh đạo. Một dân tộc anh hùng mà giờ phải chịu sự nhục nhã như vậy!

Vừa qua sinh nhựt 90 của nhà văn Trang Thế Hy, người có câu nói bất hủ: "Làm không được nữa thì đi chỗ khác chơi!". Rõ ràng các ông càng ngày càng rõ mặt làm không được, tham lam, phá hại, sao không đi chỗ khác chơi giùm?! Sao không học bài của thánh Gióng?

Biết bao giờ dân Việt mới được ngẩng mặt trở lại với thiên hạ?


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More