Châu Á hơi lo về chính sách Obama

Ngô Quảng@S: - DienDanCTM
Tổng thống Hoa Kỳ tường trình hàng năm về
tình trạng nước Mỹ trước Quốc Hội
Bản tường trình hàng năm về tình trạng nước Mỹ của Tổng thống Obama trước Quốc Hội năm nay được nhiều người dân Mỹ đánh giá cao hơn những năm trước. Một phần vì ông bất chấp thực tế đảng Cộng Hòa vừa chiếm đa số ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện và đối đáp chan chát với họ; một phần vì ông bất chấp quan niệm "lame duck" của 2 năm chót (tức chỉ còn chờ ngày mãn nhiệm về vườn) và đưa ra một số chính sách đáng nể.

Nhưng đối với công luận tại Đông Á và Đông Nam Á thì bài diễn văn trên tạo khá nhiều thất vọng.

Sự thất vọng đa số đến từ những nước như Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, ... tức những nước  đang kỳ vọng nhiều vào chíến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Truyền thông Nhật còn đếm từng chữ trong thông điệp của ông Obama. Trong một bài diễn văn dài tổng cộng 6.493 chữ, phần nói về châu Á-Thái Bình Dương chỉ vỏn vẹn 56 chữ.
Nhiều người cho rằng điều này chứng tỏ Tổng thống Obama không còn giữ ý định "xoay trục", tức chuyển sự chú tâm lớn về nhiều mặt, như đã tuyên bố trước đây nữa. Với 56 chữ đó, ông chỉ lướt qua rất tổng quát một vài việc như thúc đẩy trao đổi mậu dịch, giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông, biển Hoa đông, hạn chế vũ khí hạt nhân, cứu hộ trên biển và kêu gọi các nước giữ tuân thủ luật quốc tế. Người nghe có cảm giác ông chỉ nhắc tới cho có chứ không còn là một phần hệ trọng trong chính sách.

Ngay cả chuyện tin tặc Bắc Triều Tiên tấn công các công ty lớn của Hoa Kỳ mà Tổng thống Obama không nêu đích danh mà sử dụng danh từ ‘’một nước ngoài’’.

Về Trung quốc, Tổng thống Obama nói rằng sẽ cố gắng tránh sự mạt sát, mong muốn có những cuộc hội đàm song phương giữa lãnh đạo hai quốc gia để giải quyết vấn đề khí thải CO2, đẩy mạnh sự giao lưu giữa quân đội hai nước và qua đó tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Tổng thống Obama tránh không nói đến sự uy hiếp của Trung quốc đối với các quốc gia trong vùng, không nhắc đến vấn đề vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, và cũng không nhắc đến các nỗ lực tin tặc của Trung Quốc nhắm vào các hãng xưởng quốc phòng Hoa Kỳ.

Giới quan sát Nhật đặc biệt thất vọng vì Nhật là quốc gia đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ ở Á châu, nhưng nước này không hề được đề cập đến ngoại trừ hai chữ Nhật Bản trong mạch văn nói về chuyện hồi phục công ăn việc làm ở Hoa Kỳ và chẳng có ý nghĩa gì. Đoạn văn đó như sau: "Số người dân Hoa Kỳ tìm lại được công ăn việc làm trong năm qua nhiều hơn ở Âu châu và Nhật Bản cộng lại".

Ít là theo các nhà ngoại giao phương Tây tại Tokyo và Manila thì qua bài diễn văn đó người ta có thể thấy trong chính sách Obama hiện nay, vấn nạn Putin gây hấn với Âu Châu, vấn đề vũ khí hạt nhân tại Iran, và vết dầu loang ISIS tại Syria-Irắc vẫn quan trọng hơn châu Á-Thái Bình Dương. Chuyện xoay trục chiến lược của Hoa Kỳ sang châu Á-Thái Bình dương không còn tích cực như trước đây nữa. Điều này chắc chắn sẽ làm cho Trung quốc vui, nhưng các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ ở Á châu mất tin tưởng về chính sách bất nhất của Washington.

Nhưng cũng có các bình luận gia đặt câu hỏi "bất nhất" ngược lại cho các chính phủ và giới truyền thông Châu Á. Thường thì giới truyền thông cũng như người dân ở một số quốc gia Á châu như Nhật Bản, Hàn quốc hay Thái Lan thường hay lên tiếng đả kích việc cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại quốc gia mình dù đã có các luật lệ mới gắt gao; trong lúc các chính phủ trong vùng cứ dùng dằng trong việc lập chiến tuyến chung với Hoa Kỳ. Nay Washington hết kiên nhẫn thì cũng chính những người này lên tiếng trách móc. Câu hỏi do đó là: "Người châu Á muốn gì?".

Chuyến đi của Tổng thống Obama và phu nhân đến Ấn Độ cùng với nhiều hành động tạo tình thân với chính phủ Modi lại càng khiến giới quan sát tin rằng Washington muốn liên minh với Ấn Độ để ngăn chận tham vọng của Bắc Kinh lan xuống Nam Á hơn là bỏ công thuyết phục quá nhiều nước liên hệ tạo phòng tuyến tại Đông Nam Á.

Liệu ASEAN có đang rơi vào đòn ly gián của Bắc Kinh và đang đánh mất cơ hội liên kết để đủ sức kháng cự lại chủ nghĩa Đại Hán không? 

-------------------
* Ghi chú: 
Đối với dân chúng Á Châu một buổi báo cáo tình trạng đất nước hệ trọng như vậy hàng năm mà  lại luôn làm vào buổi tối là hiện tượng rất lạ.

Thật ra thì tục lệ đưa lên đài truyền hình buổi báo cáo thường niên chỉ bắt đầu vào năm 1947 vào thời của Tổng Thống Harry Truman và diễn ra vào ban ngày.

Chỉ đến năm 1965, Tổng Thống Lyndon Johnson nhận thấy đại đa số người dân Mỹ xem TV vào buổi tối nên đề nghị đổi giờ đến Quốc hội đọc diễn văn để có nhiều dân có thể xem trực tiếp. Đề nghị này được Quốc hội Hoa Kỳ tán đồng và giữ nguyên như vậy cho đến nay.


1 comments:

This guy is very good at talking ! not doing . This is the only time so far Americans feel inferiority .

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More