Niềm tin vào cái ác

Tuấn Khanh
Những người thân của anh Nguyễn Đức Duân bức xúc kéo lên Trung tâm y tế huyện Khoái Châu.
Trong cùng một buổi sáng đầu tháng 4, khi ông Lê Đức Hoàn, phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát đều tra TP. Tuy Hoà nhìn nhận "chúng tôi đã sai rồi" trước vành móng ngựa về vụ 4 công an đánh đập, tra tấn và bức tử công dân Ngô Thanh Kiều, thì cũng là lúc ở Hưng Yên lại tái diễn một sự kiện tương tự.
Anh Nguyễn Đức Duân, 34 tuổi, khi bị đưa về phòng tạm giam của công an huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã bất ngờ đột tử, dĩ nhiên, trên người xuất hiện nhiều vết đánh đập. Một kiểu chết mà rất nhiều phòng tạm giam, đồn công an trên toàn cõi Việt Nam vẫn nói mình vô can, bất chấp trong 3 năm (2011 đến 2014) có đến 226 người đã chết tương tự như anh Kiều, anh Duân vậy.
Những công dân chưa bị kết án này, được tìm thấy có nhiều chứng cứ đã bị một hoặc nhiều người đánh đến chết, ở khu vực chính quyền quản lý. Trong trường hợp anh Kiều, giám định viên thi thể cho biết họ không thể đếm hết các vết thương tích trên người của nạn nhân. Điều làm người ta kinh sợ là một bộ mặt khác trong đời sống đã lộ diện: có những nơi đã gây nên tội ác và tin cái ác là cần thiết, người dân chỉ còn biết ngửa mặt lên trời cất lên tiếng khóc bi phẫn.
Lời của một công an viên đánh chết đồng bào của mình, nói rằng họ chỉ muốn "giải quyết mọi việc cho nhanh". Cái "nhanh" đó chưa biết đã đem lại được bao nhiêu đáp án đúng của công lý nhưng đã cướp đi mạng sống của con người, thoả mãn những thú tính và gieo rắc sự sợ hãi trong nhân dân về những nhân vật mặc sắc phục, sẳn sàng bóp chết những người cùng màu da, tiếng nói với mình.

Mới đây (ngày 9-4) thông tin quốc tế cho biết, Dzhokhar Tsarnaev, 21 tuổi, sẽ phải ra toà để chịu phán xét về vụ khủng bố trong cuộc đua marathon ở Boston (Mỹ) vào năm 2013. Tsarnaev đã cùng anh mình nổ bom, làm chết 3 người và hàng trăm người bị thương mà mọi chứng cứ nay đã rõ ràng. Thế nhưng toà án và cảnh sát Mỹ đã phải mất đến 2 năm để điều tra và thu thập dữ liệu, để đưa ra toà một kẻ khủng bố còn khoẻ mạnh và xét xử. Trả lời Q.News, văn phòng công tố nói rằng họ đã tận lực cố gắng để "nhanh" đưa vụ này ra toà.
"Nhanh" của chính quyền ở những nơi khác nhau, rõ ràng cũng khác nhau. Có nơi làm tất cả để trình bày về cái ác. Có nơi thì chính nhân viên công quyền giành nhau để vào vai cái ác, thậm chí tin vào cái ác.

Cũng có ý kiến tiếc thương cho thanh niên 21 tuổi Dzhokhar Tsarnaev, với lý luận rằng "người chết thì đã chết rồi, thôi thì hãy dành chút cơ hội cho người còn sống". Lập luận này cũng được nghe quanh phòng xử án anh Ngô Thanh Kiều, rằng như thế nào chuyện cũng đã "lỡ" rồi, có xử nặng thì cũng không giúp anh Kiều sống lại. Quả đúng vậy, người chết thì đã chết rồi, nhưng cái ác vẫn nhởn nhơ sống và còn được những cơ hội đẹp, như một dẫn chứng mạnh mẽ cho niềm tin vào cái ác.

3 năm và 226 công dân chết trong nhiều khu vực của chính quyền có nhiều không? Và con số này vẫn không dừng lại. Nếu công lý không được lập lại. Nếu sự nguỵ biện và dung dưỡng cho cái ác vẫn còn mạnh mẽ, người dân chỉ còn có thể suy ra rằng đã có những nơi trên đất nước này, như Phú Yên hay Hưng Yên... công an đã trở thành những bộ phận cát cứ hoành hành trên tính mạng con người. Lịch sử nhân loại vẫn ghi lại rằng việc im lặng gieo rắc sự sợ hãi trong tâm lý dân chúng là một phép tính cai trị, đời đời bị nguyền rủa, như bạo chúa Nero (54-68) khi không còn đủ khả năng đồng hành cùng người dân La Mã đi đến tương lai.

Xã hội Việt Nam có quá nhiều ví dụ cho thấy những kẻ phạm tội trong chính quyền, dù trên danh nghĩa là bị kỷ luật, nhưng sau đó lại được chuyển vào những vị trí bù đắp khác, vị trí có thể còn cao hơn, thậm chí thong dong hơn. 

Mọi thứ đang đảo lộn. Lẽ phải bị thử thách như với những người cần phải tử đạo. Cái ác có đang là thứ để tin, để chọn, như một cách để khác biệt với đồng loại mong manh của mình?

Ngày xưa, các bậc cha mẹ vẫn mong con mình thành đạt trong đời, để là bác sĩ, kỹ sư... Nhưng thời nay, không ít gia đình chạy vạy cho con mình vào ngành công an như một bước đi vững chắc và an toàn trong đời. Mọi ngành nghề đều bình thường, và là điều công chính đáng tự hào biết mấy trong xã hội an sinh. Nhưng nếu từ những câu chuyện như của anh Kiều, anh Duân... mà công lý và pháp luật không thể thượng tôn, cái ác trở thành một loại niềm tin, dù chỉ là của một phần rất nhỏ trong dân chúng, thì cũng đó là ngày bất hạnh của dân tộc Việt Nam đã điểm.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More