UB Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của LHQ là cơ cấu tuyệt vời để đối phó vi phạm nhân quyền

Hồng Thuận - Radio CTM
Kính thưa quý thính giả, vào ngày 28/11/2011, Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã thông báo phán quyết liên quan đến việc nhà cầm quyền CSVN đã bắt giữ, xét xử và giam cầm 7 người trong tháng 5 vừa qua gồm: Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy, bà Phạm Ngọc Hoa, ông Nguyễn Thành Tâm, ông Nguyễn Văn Thông, ông Nguyễn Chí Thành và ông Cao Văn Tỉnh. Phán quyết này nêu rõ rằng nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm nhiều điều khoản của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về quyền dân sự và chính trị. Đặc biệt Ủy ban đã phán quyết việc CSVN dùng lý cớ những người này tham gia hoặc có dính líu đến đảng Việt Tân để kết án họ, là sự vi phạm quyền tự do tham gia đảng phái và sinh hoạt chính trị. Phán quyết này là một chiến thắng chung của phong trào tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, đồng thời đem lại cơ hội gia tăng áp lực quốc tế lên nhà cầm quyền CSVN. Để hiểu rõ thêm về Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc, kính mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn bà Maran Turner, giám đốc điều hành của tổ chức Freedom Now do phóng viên Hồng Thuận thực hiện. (DienDanCTM)

Hồng Thuận: Thưa Bà, như Bà đã biết, Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc vừa phổ biến một phán quyết về việc nhà nước Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế qua việc giam giữ tùy tiện 7 nhà tranh đấu dân chủ và đòi quyền sở hữu đất đai. Những người này cũng bị tố là ủng hộ viên hoặc thành viên của tổ chức tranh đấu cho dân chủ là Đảng Việt Tân. Xin Bà cho biết thêm về phán quyết này.

Maran: Thật ra tổ chức của tôi không làm việc trực tiếp với phán quyết đó. Đây là hồ sơ về những người dân oan đòi quyền sở hữu đất đai do Việt Tân đệ nạp. Chúng tôi chỉ cung cấp một số cố vấn mang tính chiến lược cho Việt Tân thôi. Vì vậy, có lẽ để bên Việt Tân trả lời về phán quyết đó thì hay hơn. Còn tôi sẽ trả lời một cách tổng quát về Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc và làm sao để làm việc với cơ quan này một cách hiệu quả.

Hồng Thuận: Vậy thì thủ tục phải như thế nào? Cần phải làm gì để một kiến nghị được Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc trả lời, và thường thì phải mất thời gian bao lâu?

Maran: Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc là một cơ cấu tuyệt vời để đối phó với những vi phạm nhân quyền, đặc biệt là việc bắt giữ người một cách tùy tiện. Lý do là vì bạn có thể nhận được phán quyết từ cơ quan này nhanh hơn nhiều so với những cơ chế khác, đặc biệt là các cơ chế của Liên Hiệp Quốc. Và, như bạn biết, Việt Nam hiện vẫn chưa là thành viên của ủy ban nhân quyền cho toàn khu vực. Hiện giờ trong tổ chức ASEAN người ta vẫn còn đang thảo luận về việc thiết lập một cơ chế chịu nhận đơn khiếu nại với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ có cơ chế duy nhất để nhận những cáo buộc vi phạm luật quốc tế liên quan đến tù nhân chính trị là Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc. Bạn có thể nhận được phán quyết trong khoảng 8 tháng. Tôi không chắc lắm là Việt Tân đã phải mất bao lâu để có phán quyết đó. Đây là một phán quyết tuyệt vời – nó không chỉ cho thấy là việc giam giữ những cá nhân liên hệ là một sự vi phạm luật pháp mà còn đi một bước xa hơn qua việc nhận định là một số điều luật ở Việt Nam là quá mơ hồ, cụ thể là Điều 79. Trong các phán quyết trước đây, Ủy Ban cũng đã xét đến Điều 88  mà nhà cầm quyền Việt Nam thường dùng để đàn áp những nhà tranh đấu.

Hồng Thuận: Trong tiến trình lấy quyết định thì có sự liên lạc trao đổi nào giữa Ủy Ban và nhà nước Việt Nam hay không?

Maran: Có chứ. Đó là một phần trong tiến trình làm việc của Ủy Ban. Về căn bản đây là tiến trình tố tụng qua văn bản -- chúng tôi gọi như vậy. Thành thử không có việc đối chất. Bạn không tới tận nơi để trình bày lập luận của mình và không có cơ hội để đối chất với đại diện của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Bạn đệ nạp kiến nghị của mình và Ủy Ban đúc kết thành bản tóm lược và chuyển đến cho chính phủ VN và cho chính phủ VN cơ hội để trả lời những cáo buộc. Tôi biết trường hợp này đã được chuyển cho chính phủ Việt Nam nhưng họ đã không trả lời.

Trong quá khứ họ đã có trả lời cho Uỷ Ban. Tôi có thể cho bạn biết về những vụ việc mà Freedom Now đã thụ lý hồ sơ. Chúng tôi cũng đã từng nhận được hồi đáp từ chính phủ Việt Nam trong quá khứ, nhưng gần đây thì không có nữa. Chúng tôi hiện đang làm việc về hồ sơ của Lm. Nguyễn Văn Lý và đã đệ nạp lên Ủy Ban; và đã nhận được phán quyết là Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế qua việc giam giữ ông. Trong vụ đó phía nhà nước Việt Nam cũng đã không trả lời về những cáo buộc.

Còn một điểm nữa về thủ tục là một khi các thành viên của Ủy Ban đã đồng ý về phán quyết thì họ sẽ gửi phán quyết đó cho chính phủ VN và chính phủ VN có thời gian 3 tuần lễ  -- có thể nay đã được đổi thành 2 tuần – để đọc riêng bản phán quyết. Đó chính là cho phía chính phủ cơ hội để điều chỉnh và tuân thủ phán quyết của Ủy Ban  trước khi Uỷ Ban công khai gởi phán quyết đó cho phía đệ đơn. Vì vậy, trong trường hợp này, chắc chắn phía nhà nước Việt Nam đã không chỉ được xem những cáo buộc nguyên thủy mà họ còn được xem trước cả bản phán quyết trước khi phổ biến ra công chúng.

Hồng Thuận: Cuối cùng - và tôi cho đây là điều rất quan trọng đối với những ai tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam - xin Bà chia sẻ về những trường hợp khác mà quyết định của Ủy Ban đã mang lại hiệu quả. Lúc nãy Bà cũng vừa nhắc đến trường hợp của Lm. Nguyễn Văn Lý mà hiện giờ Freedom Now đang can thiệp phải không ạ?

Maran: Tổ chức Freedom Now chúng tôi đang tiến hành một số hồ sơ cho các nhân vật từ Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc về trường hợp của Lm. Lý đúng ra là 3 lần rồi. Lm. Lý bị bắt năm 2001, và chúng tôi tiến hành hồ sơ của ông năm 2004, tức là ngay trước khi ông được trả tự do. Chúng tôi lại làm việc về trường hợp của Lm. Lý vào năm 2007 cho đến khi ông được thả vì lý do sức khoẻ vào tháng 3 năm 2010. Và bây giờ, vì Lm. Lý bị bắt trở lại vào nhà tù, chúng tôi lại tiếp tục làm việc về trường hợp của ông.

Như thế, rõ ràng chúng ta đã nhìn thấy kết quả của các phán quyết của Ủy Ban Điều Tra LHQ, cũng như sự can thiệp của Ủy Ban nói chung cho trường hợp của Lm. Lý trong quá khứ.

Trước đây chúng tôi cũng từng làm việc cho trường hợp của Bác sĩ Phạm Hồng Sơn - một vụ mà nhiều người biết đến. Ông chỉ sao chép lại bài viết “Dân Chủ là gì?” từ trang mạng của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ và sau đó bị bỏ tù. Chúng tôi làm việc về trường hợp của ông và đệ nạp lên Ủy Ban, và chúng tôi tin rằng các phán quyết của Ủy Ban cũng đã là yếu tố đóng góp vào việc Bs. Sơn được trả tự do.

Trường hợp thứ ba là Bs. Nguyễn Đan Quế. Tôi không rành chi tiết về trường hợp này vì nó xẩy ra trước thời điểm tôi làm việc ở đây. Nhưng đó cũng là một trường hợp được đệ nạp lên Ủy Ban LHQ. Và một lần nữa, trong tất cả những trường hợp được kể thì Việt Nam đều vi phạm luật quốc tế.

Hồng Thuận: Xin cám ơn Bà rất nhiều về cuộc phỏng vấn này và xin cảm ơn Freedom Now về tất cả những nỗ lực bênh vực các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam.  Bà có muốn gởi vài lời cuối tới quí thính giả không?

Maran: Lời cuối tôi muốn nói là mong quý vị cứ tiếp tục nỗ lực đưa những trường hợp vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam đến các tổ chức nhân quyền quốc tế, đặc biệt là đến những cơ chế của Liên Hiệp Quốc có khả năng đáp ứng những cáo buộc. Tôi cho rằng việc đấu tranh chống lại các vi phạm nhân quyền qua con đường pháp luật như Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc là điều rất quan trọng, vì cơ chế này xem xét dữ kiện và lấy quyết định dựa trên luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ đó là một con đường quan trọng để đối phó với chính phủ Việt Nam.

Hồng Thuận: Và mọi công dân Việt Nam đều có quyền đệ nạp kiến nghị, phải không Bà?

Maran: Hoàn toàn đúng! Miễn là người đệ nạp đơn biết rõ về vụ việc. Người đệ đơn nên là thành viên trong gia đình, hay một người rất thân với người bị giam giữ, hay là một tổ chức. Thường thì Liên Hiệp Quốc muốn thấy các đơn đệ nạp đến từ những thành phần nói trên.

Bà Maran Turner là Giám đốc điều hành Tổ chức Freedom Now. Trước khi gia nhập Freedom Now, bà là một luật sư của Trung tâm Kiện tụng Nam Phi (Southern Africa Litigation Centre - SALC) tại Johannesburg, Nam phi; tại đây bà điều hành một tổ hợp luật sư và làm việc với các luật gia Nam Phi về các vụ kiện tụng liên quan đến vi phạm nhân quyền. Trước đó, bà là một luật sư của Tổ hợp LA Piper LLP (US), bà đã được vinh danh là Luật sư Thiện Nguyện Trong Năm (Pro Bono Attorney of the Year) về những nỗ lực trong lãnh vực nhân quyền, đại diện những nhà tranh đấu nhân quyền có tiếng tăm như Vaclav Havel, cựu Tổng thống Cộng Hoà Tiệp; và Desmond Tutu, người đã từng thắng Giải Nobel Hòa Bình. Bà Turner có bằng cử nhân từ Đại học Texas ở Austin, và bằng luật danh dự tại Đại học Miami.

2 comments:

Cám ơn Bà Mara Turner, Giám Đốc Điều Hành của Freedom Now đã góp phần thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam.

Người Việt Nam nên bắt đầu sử dụng những ngõ luật pháp quốc tế để lên án những hành vi vi pham nhân quyền của nhà nước Việt Nam đối với dân.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More