26/4/12

Vấn đề nông dân Việt Nam đầu thế kỷ 21

Nguyễn Minh Cần
Chưa bao giờ vấn đề nông dân Việt Nam đặt ra một cách cấp thiết trước phong trào dân chủ nước ta như hiện nay. Nông dân là khối người đông đảo chiếm đến trên 70% dân số cả nước. Bằng lao động cực nhọc của mình, từ nghìn xưa cho đến ngày nay họ đã và đang nuôi sống dân ta. Từ năm 1993 đến nay, nông dân đã góp phần tăng sản lượng nông nghiệp lên gấp đôi và tăng khối lượng xuất khẩu nông phẩm của nước ta ra thế giới, nhờ đó đến năm 2008, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhất nhì trên toàn cầu về gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cá, tôm… Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, thu nhập của hai phần ba dân số Việt Nam phụ thuộc vào ngành nông nghiệp. Thế nhưng, khốn thay, từ trước đến nay, nông dân nước ta đã bị kẻ cầm quyền ngược đãi, đối xử rất tàn tệ và, kể từ năm 1930 cho đến nay, họ luôn luôn là đối tượng của cái chính trị lừa bịp của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).


Những quả lừa “vĩ đại” của ĐCS

Quả lừa đầu tiên là cái khẩu hiệu “người cày có ruộng” mà ĐCSVN đưa ra ngay từ khi đảng mới ra đời, nghe rất bùi tai nông dân khi… ĐCS chưa cướp được chính quyền. Hồi đó, ĐCS ra sức ve vãn, phủ dụ nông dân, gọi nông dân là «hậu bị quân», là “một trong những chủ lực quân” của “cách mạng” để họ “sướng cái bụng” đem tiền của, sức lực và thậm chí cả thân mạng của mình hết lòng ủng hộ ĐCS với niềm tin vững chắc mà ngây thơ là khi cách mạng thành công, ĐCS sẽ thực hiện “ước mơ ngàn đời” của mình là “người cày có ruộng”! Nhưng thực tế lại quá phũ phàng cho bà con nông dân nước ta!

Quả lừa tiếp theo là ĐCS “phát động cải cách ruộng đất” nói là để tiêu diệt giai cấp địa chủ, tước đoạt ruộng đất của giai cấp này chia cho dân cày, trước nhất là bần cố nông. “Thắng lợi vẻ vang” (!) của  cuộc CCRĐ hồi giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, báo chí đã nói nhiều, giờ chỉ xin nhắc lại vài điều thôi. CCRĐ thực sự là một cuộc thảm sát có tính diệt chủng đã làm cho 172 nghìn 008 người dân ở nông thôn, chủ yếu là nông dân, trở thành nạn nhân, nghĩa là bị bắn giết, đọa đày đến chết, trong số đó 123 nghìn 266 người (tức là 71,66%) về sau được xác nhận là oan; riêng 26 nghìn 453 người bị quy là địa chủ cường hào gian ác thì có đến 20 nghìn 493 người (tức là 74,4%) được xác nhận là oan!  Còn 62 nghìn người bị quy là phú nông thì có đến 51 nghìn 003 người (tức là 82%) được xác nhận là oan! Trong số những người bị oan cũng có hàng nghìn cán bộ, đảng viên cộng sản (tài liệu chính thức trích từ cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 2).

Đó là chưa nói đến những hậu quả nguy hại khác của cuộc tàn phá khủng khiếp ở nông thôn mà ĐCS gọi là “cuộc cách mạng long trời lở đất” là: bằng cuộc CCRĐ theo khuôn mẫu Mao-ít, ĐCS đã phá vỡ truyền thống tốt đẹp, hòa hiếu, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ở nông thôn mà cha ông ta đã tạo dựng hàng mấy nghìn năm trước; đã phá hoại đạo lý, luân thường của dân tộc và tạo nên một lối sống giả dối, man trá, điêu toa, vu khống, bất nhân mở đầu cho sự băng hoại đạo đức, nhân cách sau này; đã phá hủy cuộc sống tâm linh vốn có lâu đời, vì chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, những nơi thờ tự… đều bị phá phách, triệt hạ…

CCRĐ kết thúc, một số bần cố nông hớn hở được nhận ruộng tưởng rằng “ước mơ ngàn đời” của họ đã bắt đầu được thực hiện. Họ được chụp ảnh, quay phim để ĐCS tuyên truyền khoe khoang “công ơn” của đảng đối với nông dân, thì… chưa đầy một năm sau, ĐCS đã lùa những bần cố nông đó, cùng các nông dân khác bắt họ đem ruộng đất tư vốn có của họ vào hợp tác xã, vô hình trung ĐCS tước đoạt mất quyền tư hữu mà giao ruộng đất của họ cho các chủ nhiệm hợp tác xã quản lý. Đấy, ĐCS đã thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” một cách bịp bợm như vậy!

Đến quả lừa “vĩ đại”, tồi tệ nhất của ĐCSVN đối với nông dân và nói chung cả với toàn dân ta, là… khi soạn thảo và thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, bằng điều 19 của Hiến pháp, ĐCS đã nhẹ nhàng, gần như thầm lặng, không “long trời lở đất” tí nào, chuyển quyền tư hữu đất đai (tức là toàn bộ thổ canh thổ cư, nói nôm na là ruộng đất) của nông dân và của nhân dân nói chung sang cái gọi là “sở hữu toàn dân”! Từ đây, thực tế ĐCS đã “quốc hữu hóa”, hay nói chính xác hơn “đảng hữu hóa” ruộng đất của nông dân và nhân dân. Từ đây, quyền tư hữu ruộng đất của người dân hoàn toàn bị xóa bỏ, và ruộng đất bây giờ thực tế nằm trong tay sở hữu của ĐCS là đảng độc tôn thống trị đất nước. Từ đây,  ĐCSVN thực tế đã tự biến mình thành một siêu đại địa chủ. Đến lần sửa đổi hiến pháp năm 1992, điều 19 Hiến pháp năm 1980 lại được đổi thành điều 17 cũng với nội dung giống như lần trước. Cả hai Hiến pháp Việt Nam năm 1980 và năm 1992 đều nhằm mục tiêu tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân, đều vi phạm nghiêm trọng điều 17 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam đã ký và cam kết thực hiện.

“Sở hữu toàn dân” là một hư ảo, một điều bịa đặt của các lãnh tụ cộng sản, nó hoàn toàn phi lý, trái ngược với bản tính con người – và cả con vật nữa – từ nghìn xưa đến nay luôn luôn muốn có tư hữu, mà cái bản tính đó chính là động cơ thúc đẩy xã hội loài người tiến bộ mãi. Cho nên cái gọi là “sở hữu toàn dân” chỉ là tấm màn dối trá che đậy âm mưu của ĐCS cướp đoạt ruộng đất của người dân, vì thế người viết bài này mới dùng từ “đảng hữu hóa” là ý như vậy.

Xin bạn đọc hãy xem điều 1 Luật đất đai năm 1993 ghi rành rọt: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”, mà nhà nước dưới chế độ cực quyền toàn trị thì chính là ĐCS đứng đầu là Bộ chính trị, chứ còn ai khác? Hãy xem Luật đất đai năm 2003, ở đấy còn ghi trắng trợn hơn nữa: “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”. Như vậy, ĐCS tự nhận mình là “quản lý” của “chủ sở hữu toàn dân về đất đai”, nói trắng ra là siêu đại địa chủ nắm toàn bộ ruộng đất của cả nước! Đây là quả lừa xảo trá nhất, đê tiện nhất, phản bội lại tất cả những lời ĐCS đã hứa hẹn về “người cày có ruộng”! Không những là siêu đại địa chủ, ĐCS còn là siêu đại địa chủ cường hào ác bá  nhất nước, luôn luôn sẵn sàng cướp đoạt ruộng đất của dân, luôn luôn sẵn sàng huy động công an, quân đặc nhiệm, bộ đội, tòa án… đàn áp thẳng tay mọi cuộc phản kháng của người dân “thấp cổ bé họng” muốn chống lại sự “cưỡng chế” của đảng. Còn ở các địa phương, các cán bộ lãnh đạo noi gương kẻ cầm quyền cấp trên cũng nhanh chóng tự biến mình thành những địa chủ cường hào gian ác còn tồi tệ hơn cả dưới thời phong kiến. Đám địa chủ “thẻ đỏ tim đen” này không sợ ai hết, vì chúng nắm trong tay toàn bộ các cơ quan quyền lực, cả công an, cả kiểm sát lẫn tòa án…

Để thực hiện Hiến pháp năm 1980 và 1992, nhà nước đã ba lần ban hành Luật đất đai vào năm 1987, 1993, 2003 và hai lần sửa đổi vào năm 1998, 2001 với hàng trăm văn bản dưới luật nhiều lần sửa đi sửa lại! Những luật và văn bản này rất rối rắm, chồng chéo nhau, mâu thuẫn nhau, tạo ra vô số kẽ hở cho đám quan lại cộng sản tha hồ tham nhũng.

Như vậy, bằng những quả lừa xảo quyệt nói trên, các lãnh tụ của ĐCSVN, từ Hồ Chí Minh trở xuống đã từng bước tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân, trước hết là của nông dân, họ trắng trợn phản bội lại quyền lợi của nông dân mà trước đây họ tâng bốc là «hậu bị quân», là “một trong những chủ lực quân” của cách mạng! Vì thế, dưới cái chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa” của ĐCS, thân phận người nông dân vốn đã bèo bọt, thảm hại lại càng bèo bọt, thảm hại hơn bội phần.

Thảm kịch  “dân oan”

Chính vì thế, từ những năm 80 thế kỷ trước – tức là sau khi Hiến pháp “xã hội chủ nghĩa” được ban hành, trên đất nước ta xuất hiện thảm kịch “dân oan” thời “đổi mới” ở khắp nơi. Vì sao có thảm kịch “dân oan”? Vì người dân, nhất là nông dân, đã mất quyền sở hữu, nói chính xác hơn là mất quyền tư hữu ruộng đất của mình, họ chỉ có quyền sử dụng ruộng đất của “nhà nước” có hạn định mà thôi, và ĐCS với danh nghĩa nhà nước hay chính phủ, muốn thu hồi, trưng thu, tước đoạt, hay “cưỡng chế” lúc nào cũng được. Khi thu hồi, kẻ cầm quyền bồi thường cho người dân một số tiền “tượng trưng”, chưa bằng một phần mười giá thực tế, còn bọn tham quan ô lại xà xẻo bớt nữa, nên người dân càng thiệt thòi hơn. Có lắm khi các “quan lớn” cộng sản vẽ vời ra những dự án đô thị hóa, công nghiệp hóa… đồ sộ, không thực tế, rồi cưỡng chế thu lại ruộng đất của dân (xót xa nhất là ruộng đất màu mỡ đã thâm canh), thu xong rồi bỏ đấy chờ được phê duyệt, ruộng đất màu mỡ nằm năm này qua năm khác, có khi hàng chục năm, đã trở thành đất hoang… Thế là đám tham quan ô lại bày mưu tính kế đem bán lại cho nhà giàu, cho các “đại gia” với giá đắt ngút trời. Còn hàng trăm, hàng nghìn gia đình nông dân mất ruộng, hết kế sinh nhai, ôm một cục tiền “đền bù”, mà cũng không biết sử dụng thế nào cho có lợi, hơn nữa đồng tiền lại mất giá, nên tiêu dần, cuối cùng rồi cũng hết. Hết tiền,  sống dở chết dở, đói rét phải đi lang thang, phiêu bạt hay chạy vào các đô thị kiếm sống. Nỗi oan của người dân từ đó mà ra.

Lúc đầu, bà con “dân oan” thấy rõ những bất công, những hà lạm, tham nhũng của bọn cầm quyền địa phương nên họ tranh đấu bằng hình thức khiếu kiện. Họ chỉ tưởng nỗi oan khiên của họ là do bọn quan lại địa phương gây ra (điều này đúng, nhưng chỉ là phần hiển lộ thôi), họ có biết đâu rằng căn nguyên sâu xa nỗi oan khuất của họ là ở cái chính sách của ĐCS tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân, là ở sự lừa đảo và phản bội của ĐCS đối với nông dân! Nỗi đắng cay, tủi nhục, khổ ải của bà con “dân oan” đi khiếu kiện thật là to lớn khôn cùng, không có bút mực nào diễn tả hết được – họ đi từ làng quê đến các cơ quan cấp tỉnh, không được giải quyết, họ lại đến các cấp cao hơn, không được nữa thì họ lại đến thủ đô, ăn chực nằm chờ ở các dinh thự của các “ông lớn” của ĐCS, các cơ quan chính phủ, quốc hội, thậm chí đến cả Mặt trận Tổ quốc dù cái tổ chức này chẳng có thẩm quyền giải quyết oan ức của họ.
Hồi năm 2007, chúng tôi đã viết bài “Chuyện dài dân oan”, nay chỉ xin nhắc lại vài điểm thôi. Mọi người đều biết, đã hơn 30 năm nay, hàng triệu “dân oan” nhẫn nhục đi khiếu nại, đi từ cấp chính quyền này đến cấp chính quyền khác, nhưng khắp mọi nơi các cấp chính quyền không giải quyết gì cả. Cấp nọ chỉ “chuyền bóng” đến cấp kia, cấp trên lại chuyển về cấp dưới… cốt làm cho dân oan mệt mỏi, tốn tiền hao của, rồi nản lòng thối chí. Nhưng vì đây là cuộc vật lộn cho sự sống của họ, cho nên họ không thể nào “bỏ cuộc”. Trái lại, có khi vì uất hận đã bùng lên thành những cuộc đấu tranh quyết liệt, như vụ nông dân đồng bằng sông Cửu Long nổi giận kéo lên Sài Gòn hồi năm 1988; dân chúng vùng Thanh Nghệ Tĩnh liên tục đấu tranh sôi nổi trong những năm 90; nhân dân vùng Xuân Lộc (Đồng Nai) đứng lên hồi năm 1997; nông dân Thọ Đà (Hà Tây), Kim Nổ (Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) đánh nhau với công an để bảo vệ ruộng đất hồi năm 1996 và 1998; 250 nông dân ở nhiều tỉnh đã biểu tình trước Quốc hội đang họp ở Hà Nội (20.05.1999) để tố cáo nạn tham nhũng và cường hào ác bá hoành hành ở các địa phương; trên 30 người phụ nữ tỉnh Đồng Tháp ra tận thủ đô biểu tình trước trụ sở ĐCS căng biểu ngữ với hàng chữ: “Nhân dân thành phố Sa Đéc quá thất vọng. Không có dân chủ” (14.04.2000); 74 gia đình, gồm người già và phụ nữ ở khu Chùa Vẽ thành phố Hải Phòng lên Hà Nội phản đối các quan chức của đảng cướp đất của dân, v.v…

Nổi bật nhất là những cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình (hồi những năm 30 tỉnh này vốn được coi là “cái nôi” của ĐCSVN) đã diễn ra hồi cuối năm 1996, rồi biến thành những cuộc nổi dậy từ tháng 05 đến tháng 06.1997, lúc đầu thu hút hàng ngàn nông dân ở xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ (đêm 26 rạng 27.06.1997), sau đó toả ra toàn huyện Quỳnh Phụ, lan khắp 5 huyện, là Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thuỵ (trong số 7 huyện của tỉnh Thái Bình). Từ tháng 05 cho đến tháng 11.1997, công an vây chặt khu vực có biến động. Mọi thông tin về vụ biến động đều bị ĐCS bịt kín. Sau khi các “ông lớn” từ Trung ương ĐCS, trong số đó có TBT Đỗ Mười, đến Thái Bình phủ dụ dân chúng, thi hành kỷ  luật một số cán bộ đảng  để lấy lòng dân chúng thì cuộc bạo động lắng xuống. Khi đó, Đỗ Mười liền cho công an bí mật bắt bỏ tù mà không xét xử những người tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh – phần đông là cựu chiến binh của “quân đội nhân dân”, cán bộ cũ đã về hưu của ĐCS. Trong tù, những người này bị nhốt chung với thường phạm, và công an theo lệnh “trên” đã khuyến khích thường phạm giết hại họ cực kỳ man rợ.

Tiếp sau cuộc vùng dậy của nông dân-dân oan Thái Bình là cuộc nổi dậy của người Thượng vùng Tây Nguyên hồi tháng 02.2001. Sau đó, đến ngày 10.04.2004, hàng vạn dân Thượng lại nổi dậy, lần này có quy mô và tổ chức hơn lần trước. Nguyên nhân các cuộc nổi dậy là do chính sách của ĐCS di dân người miền đồng bằng lên Tây Nguyên, rồi cán bộ, đảng viên người Kinh cùng bà con của họ đã lấn chiếm, cướp đoạt nương rẫy của người Thượng, mặt khác cũng do chính quyền ngăn cấm tự do tín ngưỡng của người Thượng. Một lần nữa ĐCS lại tung quân đàn áp dã man cuộc nổi dậy này làm hàng chục (có tin hàng trăm) người chết. Trong hai lần nổi dậy, vì bị đàn áp khốc liệt nên đã có hàng nghìn người Thượng chạy sang Cam Bốt.
Từ sau những cuộc nổi dậy ở Thái Bình và Tây Nguyên, “dân oan” thường dùng hình thức khiếu kiện và biểu tình một cách hoà bình. Để có được tiếng vang lớn, họ thường tập trung đông người hơn, dài ngày hơn ở các đô thị lớn, nhất là thủ đô. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Trụ sở tiếp dân ở Cầu Giấy Hà Nội cũng như Trụ sở tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu, Văn phòng 2 Quốc hội ở Sài Gòn thường là những nơi tụ tập của dân oan đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Đặc biệt là cuộc biểu tình khiếu kiện dài ngày ở Sài Gòn của “dân oan”, chủ yếu là nông dân ở 19 tỉnh thành Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận… và 9 quận huyện ở Sài Gòn – một cuộc biểu tình sáu-bảy trăm người, có khi lên đến 1000 người và kéo dài 27 ngày (kể từ ngày 22.06 đến đêm 18 rạng 19.07.2007). Đây là một cuộc biểu tình hoà bình đông đảo và lâu nhất chưa từng thấy dưới chế độ toàn trị của ĐCS. Người biểu tình căng những băng-rôn tố cáo đích danh bọn quan lại cộng sản cướp đất, bóc lột và lừa dối «dân oan», như: “Chính quyền Tiền Giang dối đảng lừa dân”, “Đả đảo Nguyễn Kim Châu, thanh tra chính phủ báo cáo không trung thực với Thủ tướng”, “Đả đảo bà Nhàn, thanh tra Tiền Giang áp dụng luật rừng với bà con. Đề nghị cách chức”, “Mười hộ dân Đồng Tháp tố cáo chủ tịch tỉnh Trương Ngọc Hân và chủ tịch huyện Lai Vung Tạ Văn Hội cướp đất cướp nhà, gây bức xúc lòng dân, làm dân chết một người”, “Đả đảo chánh án tòa án tỉnh Tiền Giang lợi dụng chức vụ chỉ đạo thẩm phán xử oan, trục lợi cá nhân”, “Tập thể bà con nông trường Sông Hậu tố cáo UBND thành phố Cần Thơ bao che nông trường Sông Hậu. Giám đốc Trần Ngọc Sương lừa đảo chiếm đoạt đất đai của dân và thu không có quyết định của Nhà nước”, “Công ty cổ phần Bạc Liêu cấu kết với chính quyền cướp đất giữa ban ngày”, “Tố Cáo Huỳnh Tấn Thành, Chủ Tịch UBND tỉnh Bình Thuận tham nhũng”, v.v… Những khẩu hiệu này cho thấy người nông dân đã thấy rõ cội nguồn những đau khổ của họ là các quan lại cộng sản. Khi cả một khối người đông đảo biểu tình công khai gần một tháng trời, chịu đựng biết bao thiếu thốn, cơ cực trong cảnh màn trời chiếu đất, dầm mưa dãi nắng, thì công an theo lệnh của đảng, bao vây, đe doạ, cấm cản đủ điều, gây thêm nhiều khốn khổ cho «dân oan». Thế nhưng, họ vẫn kiên trì đấu tranh cho đến ngày ĐCS ra lệnh cho công an  đàn áp dã man bằng dùi cui, vòi rồng xịt nước, đèn cao áp, bình chữa lửa, roi điện, lựu đạn cay…  để dẹp cuộc biểu tình ở Sài Gòn.

Sau đó, ĐCS đã cho cán bộ về các địa phương diễn trò “giải quyết tại chỗ” những oan khuất của dân chúng, bồi thường phần nào cho những hộ bị mất đất hòng xoa dịu lòng căm phẫn của «dân oan». Nhưng «dân oan» vẫn không hài lòng, họ vẫn thấy thiệt thòi và lại khiếu kiện tiếp.
Thế là cuộc biểu tình khiếu kiện lại tiếp diễn trong tháng 08.2007, cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn. «Dân oan» các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và nhiều nơi khác, kể cả một số người từ miền Nam mang theo con cái ra Hà Nội đứng biểu tình trước cửa Trụ sở tiếp dân ở số 110 Cầu Giấy. Còn ở trong Nam, ngày 25.08, hàng trăm bà con dân oan các tỉnh Bình Thuận, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Rạch Giá, Tiền Giang, Sóc Trăng… lại kéo về Sài Gòn tụ tập trước cổng Trụ sở tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu để khiếu kiện, đòi đất đai, ruộng vườn, tài sản bị chính quyền cướp đoạt. Sáng ngày 29 và 30.08, công an lại dùng vũ lực vây bắt và đưa dân oan về các địa phương…

Cứ thế, trên 30 năm trời, “dân oan” đã tranh đấu không ngừng, hết năm này qua năm khác, hàng triệu lá đơn đã «dâng» lên các «ông lớn» và bị «xếp xó». Chẳng những thế, hàng trăm cuộc đấu tranh khác từ Bắc chí Nam của «dân oan» đã bị ĐCS ra lệnh đàn áp với lực lượng hùng hậu gồm các loại công an nổi chìm, “dân phòng”, chó nghiệp vụ, gây thương tích, làm tử vong  «dân oan», như ở Trảng Bom, Đồng Nai (năm 2008), ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa (năm 2010) hoặc đã làm cho «dân oan» quá uất hận, như kỹ sư Phạm Thành Sơn ở Sơn Trà, Đà Nẵng phải tự thiêu trước UBND Thành phố Đà nẵng (năm 2011) và anh Nguyễn Văn Tưởng ở Thăng Bình, Quảng Nam phải tự tử (năm 2012). Hàng trăm «dân oan» ở Thái Bình (năm 1997), ở Quận 9 Sài Gòn (năm 2008), ở Tây Nguyên (năm 2001, 2004, 2011), Khoái Châu, Hưng Yên (năm 2008), ở Lục Ngạn, Bắc Giang (năm 2012), ở Tiên Lãng, Hải Phòng (năm 2012)  đã bị vu khống, ghép tội vô lý và tống ngục, có những người bị giết trong tù, như những người lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Thái Bình. Hàng chục người vì lòng thương xót đồng bào bị oan khuất đã giúp cho bà con «dân oan» viết đơn khiếu kiện, viết bài kể nỗi khổ của «dân oan» trên báo chí, cũng như nhiều luật sư vì lương tâm nghề nghiệp đã đứng ra bênh vực «dân oan» trong các vụ án đã bị vu khống và bỏ tù, như LS Lê Trần Luật, LS Lê Thị Công Nhân, LS Huỳnh Văn Đông, LS Cù Huy Hà Vũ……

Tiếng sấm Đoàn Văn Vươn

Đùng một cái, ngày 05.01.2012, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng xảy ra vụ ông nông dân-kỹ sư Đoàn Văn Vươn và gia đình, quá uất ức vì lệnh cưỡng chế vô lý của chính quyền huyện Tiên Lãng đã nổ súng (súng hoa cải!) chống lại «cả trăm cảnh sát, công an, bộ đội… tham gia cưỡng chế khu đầm 19,3 ha của gia đình ông Vươn» «khiến 4 cảnh sát và 2 bộ đội bị thương»  (những chữ trong ngoặc kép là nguyên văn báo chí trong nước). Sự kiện động trời này làm rung động cả nước!

Đầu đuôi câu chuyện như sau: Tháng 10 năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất cho ông Vươn, đến tháng 4 năm 1997, lại giao bổ sung 19,3 ha đất (thực tế là đầm nước ven biển) để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 14 năm tính từ năm 1993. Nhận được đầm nước, ông Vươn và người em Đoàn Văn Quý cùng gia đỉnh ra sức khai phá, trước hết là làm đập ngăn nước biển tràn vào. Sau bao nhiêu lần bị thất bại, sóng biển vỗ vào phá vỡ đập, nhưng cả hai anh em đã nhẫn nại làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng thì đập đứng vững, họ bắt đầu làm các công trình để nuôi thủy sản. Các hộ láng giềng theo gương ông Vươn cũng đắp đập nuôi tôm cá.  Công việc dần dần tiến triển tốt hơn, họ bắt đầu có thu nhập để trả dần món nợ lớn cho ngân hàng. Đám quan lại ở địa phương thèm thuồng dòm ngó và bày mưu tính kế… Thế rồi, vào tháng 4 năm 2008, rồi lại tiếp đến tháng 4 năm 2009, UBND huyện Tiên Lãng ra hai quyết định thu hồi số đất đã cho thuê. Ông Vươn điếng người, nhận thấy quyết định này quá ư vô lý nên không chịu thi hành. Thế là UBND huyện Tiên Lãng ra lệnh cưỡng chế, ngày 05.01.2012, họ điều động cả trăm cảnh sát, công an, bộ đội… đến cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Vươn. Anh em ông Vươn đã nổ súng để chống cự. Sau vụ đó, chính quyền địa phương đã cho xe ủi san phẳng ngôi nhà 2 tầng của ông Vươn cho em trai Đoàn Văn Quý ở nhờ, còn ngôi nhà của vợ chồng ông Vươn đang ở – xe ủi không vào được – thì họ ra lệnh dùng búa đập phá tan hoang, rồi đốt cháy hết quần áo, đồ đạc trong nhà. Bốn người trong gia đình họ Đoàn bị tống giam, chờ ngày xét xử, họ bị buộc tội «cố ý giết người». Một số nhà báo trong nước có công tâm đã mạnh dạn phanh phui, vạch rõ việc kẻ cầm quyền ở địa phương âm mưu cướp đoạt thành quả lao động của hai gia đình anh em họ Đoàn. Vụ án này gây chấn động mạnh trong dư luận xã hội, đến nỗi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải trực tiếp xem xét và kết luận (ngày 10.02.2012). Sau đó, một vài cán bộ địa phương ở cấp huyện, xã đã bị thi hành kỷ luật, trừ cấp thành phố được thủ tướng «hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm… », dù vụ việc này không phải là không có bàn tay lông lá của các «quan» thành phố đã bật đèn xanh cho phép cấp dưới thực hiện vụ cướp đoạt này, còn bây giờ thì họ làm ra vẻ ngây ngô, quanh co, dối trá… để trốn trách nhiệm (xem: những lời của giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và phó chủ tịch Hải Phòng Đỗ Trung Thoại…). Trong lúc thủ tướng Dũng khen lãnh đạo Hải Phòng thì ngày 17.02.2012 tại Câu lạc  bộ Bạch Đằng ngay trước mặt bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, một cán bộ của đảng đã lên micro dõng dạc nói lớn: «Đề nghị Bộ chính trị cách chức bí thư Thành» và mọi người đã hoan hô nhiệt liệt!

Đoàn Văn Vươn đáng lẽ phải được nêu lên làm một tấm gương sáng về tính năng nổ, lao động kiên trì và sáng tạo của người nông dân thì cái chế độ toàn trị đầy tham nhũng hiện nay lại đẩy ông ta vào vòng lao lý vì bọn quan lại cộng sản mưu đồ cướp đoạt thành quả lao động vô cùng gian khổ, khó nhọc nhiều năm của ông và gia đình ông. Không một người nào yêu chuộng công lý mà không thương xót hai anh em họ Đoàn. Vì thế vụ án Đoàn Văn Vươn đánh động lương tâm của rất nhiều người trong và ngoài nước. Đặc biệt cảm đông là cụ bà Lê Hiền Đức, 81 tuổi, một đảng viên cộng sản lâu năm, công bằng và chính trực, nổi tiếng là người nhiệt tình chống tham nhũng và giúp đỡ «dân oan», đã lớn tiếng bênh vực hai anh em họ Đoàn. Bà nhìn sâu vào nội tình ĐCS và đã tuyên bố thẳng thừng: «Chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lý, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng». Lời nói của cụ làm mọi người rất cảm phục

Vụ án Đoàn Văn Vươn báo hiệu lòng uất hận của người «dân oan» đã lên gần đến điểm đỉnh, nó có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu.

Mới đây, vào ngày 11.04.2012, một cuộc biểu tình khoảng gần 1000 bà con nông dân đã diễn ra trước trụ sở Văn phòng Thanh tra Chính phủ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đa số bà con đến từ Văn Giang (Hưng Yên) và Dương Nội (Hà Đông). Ngoài ra có một số người từ miền Nam ra, họ ăn chực nằm chờ nhiều tháng nay để khiếu kiện, chủ yếu chỉ vì cưỡng chế và đền bù đất đai vô lý. Nông dân  phản đối quyết định cưỡng chế đất trái pháp luật của chủ tịch và phó chủ tịch UBND huyện Văn Giang. Ở đây, hơn 1800 hộ dân ở ba xã Xuân Quang, Cụng Công và Cửu Cao đang bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất để làm dự án khu đô thị-thương mại-du lịch Ecopark có diện tích trên 500 ha. Người dân được đền bù 43000 đồng một mét vuông, một mức giá mà họ cho là quá bất công chỉ mua được vài mớ rau muống. Còn bà con ở Dương Nội bị chính quyền cưỡng chế đất để làm dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn. Nông dân Văn Giang và Dương Nội đã khởi kiện từ nhiều năm trước nhưng chẳng được giải quyết gì. Lòng dân rất phẫn uất, thế mà kẻ cầm quyền tuyên bố vẫn sẽ thi hành cưỡng chế ở huyện Văn Giang vào ngày 20.04. Còn nông dân thì nói rằng: «đối với chúng tôi mất đất là mất hết nguồn sống, nên chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng và sẵn sàng chiến đấu» và họ đã làm chòi ở đồng ruộng để tổ chức canh phòng. Cảm thấy dường như tinh thần Đoàn Văn Vươn đang thấm nhập vào tâm tư «dân oan», báo hiệu những trận cuồng phong sắp tới…

Theo tin tức nhận được sáng nay, 24.04.2012, chính quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu hàng ngàn công an, an ninh (BBC đưa tin là khoảng 2000-4000) mặc sắc phục và thường phục cùng bọn «đầu gấu» xã hội đen, từ 4h30 sáng đã đột nhập vào xã Phụng Công, xã Xuân Quan để chia cắt dân, chặn đứng các ngả vào cánh đồng, rồi bắt giữ và đánh đập một số người canh phòng trên đồng ruộng. Nông dân ở các nơi khác đổ xô đến yểm trợ bà con thì bị tấn công, đánh đập tàn tệ. Dã man nhất là chúng bắt 10 người, khóa tay, rồi xịt hơi cay vào mặt, đe dọa, sau đó thả ra, nhiều người bị ngất xỉu. Ở phía xã Phụng Công, có tiếng nổ liên hồi, người ta đoán là tiếng súng AK. Tồi tệ nhất là đám công an ném xuống ao tất cả lương thực, bánh mỳ dự trữ của dân.  Tiếng khóc của phụ nữ, trẻ em vang khắp cánh đồng. Ở xã Xuân Quan có hai người bị trúng đạn hơi cay, một trong hai người đó đạn trúng vào chân, máu me đầm đìa. Cuối cùng những người dân tay không đã bị đẩy lùi trước lực lượng  cưỡng chế hùng hậu của ĐCS. Trận đàn áp nông dân lần này – theo lời bà con nông dân – chẳng khác gì trận chiến đấu chống quân khủng bố. Tiếp theo sau lực lượng công an, an ninh là đoàn xe ủi xông vào san ủi ruộng đất của bà con, những gia đình không di chuyển kịp các chậu cây cảnh quý giá đắt tiền cũng bị tàn phá hết. Thử hỏi hành động tội ác này của ĐCS có khác gì hành động của địa chủ cường hào ác bá không? Nhất định người nông dân sẽ không quên nỗi uất hận này!

Vụ án xử oan, nhưng không phải đối với «dân oan»

Một thời gian ngắn trước vụ án Đoàn Văn Vươn, là vụ án nông trường Sông Hậu, xử oan bà Trần Ngọc Sương, giám đốc nông trường. Vụ án này xử oan người vô tội, chứ về thực chất bà Sương không phải là «dân oan» bị cướp đoạt ruộng đất, nhà cửa dưới thời «đổi mới». Tuy vậy, cũng xin nói qua vài nét.

Nông trường Sông Hậu là một đơn vị kinh tế nhà nước được thành lập hồi năm 1979 với diện tích lúc đầu là 3450 ha, về sau được mở rộng thêm, tổng diện tích lên tới 6924,78 ha. Trong quá trình mở rộng diện tích có thể đã có sự chiếm đoạt ruộng đất của nông dân thế nào đó, nên trong cuộc biểu tình 27 ngày của «dân oan» hồi năm 2007 ở Sài Gòn, ta thấy có tấm băng-rôn ghi rõ: “Tập thể bà con nông trường Sông Hậu tố cáo UBND thành phố Cần Thơ bao che nông trường Sông Hậu. Giám đốc Trần Ngọc Sương lừa đảo chiếm đoạt đất đai của dân và thu không có quyết định của Nhà nước”. Chúng tôi chỉ nhắc lại điều đó ở đây, chứ không thể có kết luận gì.

Nằm trên vùng đất trũng, bị nhiễm phèn và bị hoang hoá nhiều năm, không có kênh mương thuỷ lợi, nông trường đã đi lên bằng nguồn vốn vay ngân hàng: đã cải tạo đồng ruộng, xây dựng công trình thủy lợi, kết hợp làm đường giao thông, cơ giới hoá nhiều khâu trong sản xuất, chuyển đổi diện tích lúa mùa nổi một vụ trở thành đất trồng lúa 2 vụ, nâng sản lượng hàng năm lên trên 60000 tấn lúa và tổ chức nuôi trồng thủy sản trên 5000 ha. Nông trường đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc thiết bị phát triển công nghiệp chế biến nông sản và đã có nhiều thành tích trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu. Tóm lại, nông trường là một đơn vị kinh tế khá nổi bật trong thời «đổi mới» nhờ đó tạo được cuộc sống tương đối ổn định cho hơn 2300 hộ nông trường viên. Công việc đang tiến triển tốt thì hồi tháng 04.2006, chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định thanh tra nông trường Sông Hậu. Đúng một năm sau, công an thành phố Cần Thơ quyết định khởi tố vụ án hình sự «cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế». Tháng 08.2009, tòa án huyện Cờ Đỏ mở phiên tòa xét xử vụ án «lập quỹ trái phép». Tòa tuyên án phạt bà giám đốc Trần Ngọc Sương 8 năm tù, bắt bồi thường thiệt hại 4 tỷ đồng. Trên 3400 hộ nông trường viên làm đơn phản đối và bà Sương kháng cáo. Tháng 11.2009, TAND thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm, quyết định y án 8 năm tù đối với bà Sương và buộc phải trả cho nông trường 4,3 tỷ đồng. Bà tiếp tục kháng cáo lên tòa án tối cao… Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của một số cán bộ đảng cao cấp, tháng 01.2012, viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án nông trường Sông Hậu.
Vụ án này cho thấy ĐCSVN độc quyền nắm cả ba thứ quyền – lập pháp, hành pháp, tư pháp, do đó hệ thống tư pháp, kiểm sát, công an, tòa án ở các cấp đều bị lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đảng. Ở nơi nào cán bộ lãnh đạo, vì đấu đá nội bộ hoặc tham nhũng mà muốn bỏ tù ai thì cả hệ thống tư pháp ở nơi đó đều răm rắp làm theo lệnh đảng, bất chấp công lý và nỗi oan khiên của người khác. Bà Sương là Anh hùng lao động được nhà nước cộng sản tôn vinh mà còn bị chà đạp như vậy, thì thử hỏi «đám dân oan vô danh tiểu tốt» làm sao đương nổi với bọn quan lại cộng sản tham nhũng nắm toàn bộ quyền lực trong tay?

Hậu quả của việc xóa bỏ tư hữu ruộng đất

Ở trong một nước, nhất là nước nông nghiệp như nước ta, nơi mà nông dân chiếm tuyệt đại đa số (trên 70%), thì điều trước tiên một nhà nước thật tâm «vì dân, vì nước», muốn cho «dân giàu nước mạnh» phải làm là khẳng định, xác lập rõ ràng quyền tư hữu ruộng đất của người dân, coi đó là cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, có như vậy mới khích lệ người dân vì quyền lợi của họ mà ra sức tăng gia sản xuất, nhờ đó mà dân mới giàu, nước mới mạnh được. Nhưng các lãnh tụ ĐCS đâu có thật tâm «vì dân, vì nước», nên họ đã tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân để chuyển thành cái gọi là «sở hữu toàn dân» về thực chất là quyền sở hữu của ĐCS, như chúng ta đã phân tích trên. Việc xóa bỏ đó đã gây ra biết bao tai họa cho người dân, trước hết là nông dân, vì đã cắt mất cái cơ sở tạo nên nguồn sống của họ!

Ngoài việc tạo ra hàng triệu «dân oan», tước mất kế sinh nhai của họ, đẩy «dân oan» vào cuộc sống bần cùng, bế tắc, việc tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Bị tước mất quyền làm chủ trên mảnh ruộng đất vốn là của mình, nay người nông dân chỉ là người thuê mướn ruộng đất để sử dụng mà thôi (ở đây, nông dân trở thành «tá điền» thời xã hội chủ nghĩa-phong kiến), thuê mướn có hạn định (20 năm, cây lưu niên thì 50 năm), nên tâm lý của nông dân đã thay đổi, họ không còn tha thiết gắn bó với mảnh ruộng đất mình thuê mướn nữa. Họ coi mảnh ruộng đất của nhà nước giao như là một vật dụng được mượn tạm, trước sau gì cũng phải trả lại, cho nên họ cố khai thác triệt để theo kiểu vắt kiệt mảnh ruộng đất đó để cố kiếm lợi nhanh chóng nhất, chứ không muốn xây dựng cho mình kế hoạch lâu dài, họ không muốn đầu tư công sức, tiền của để cải tạo chất đất, tăng độ phì nhiêu cho đất để tăng năng suất, tăng thu hoạch cho mình, vì họ sợ uổng phí công sức, tiền của mà cuối cùng bản thân mình và con cháu chẳng được hưởng gì khi mảnh ruộng đất đó bị thu hồi. Cái tâm lý đó ảnh hưởng rất tiêu cực về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, nhưng các lãnh tụ ĐCS nhắm mắt làm ngơ. Chính vì thế, ngày nay, chúng ta thấy có những chuyện ngược đời hết sức đau lòng cho những ai biết lo nghĩ đến tiền đồ đất nước, đến hạnh phúc của người dân: ruộng đất canh tác ngày càng thu hẹp một cách nhanh chóng trong lúc dân số thì tăng mạnh, gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Chính Bộ nông nghiệp Việt Nam cũng đã phải xác nhận: từ năm 2001 đến năm 2006, đã có 376000 ha ruộng đất trồng lúa đã bị thu hồi, làm hơn một triệu nông dân bơ vơ vì mất kế sinh nhai… Thế mà hàng nghìn ha vốn là «bờ xôi ruộng mật» đã bị bỏ hoang hóa! Vì sao vậy? Vì các «quan lớn» ham chạy theo món lợi lớn trước mắt – chủ yếu là lợi riêng – đã lập ra quá nhiều, nhiều đến mức phí lý, các dự án đô thị cao cấp và siêu sang trọng, các khu vui chơi, giải trí, các khu du lịch sinh thái, các sân golf… rồi cứ mặc sức thu hồi ruộng đất của người dân. Có rất nhiều dự án đô thị hóa, công nghiệp hóa lập nên, chưa được cấp trên chuẩn nhận, hay chuẩn nhận mà không có tiền thực hiện… nên ruộng đất của dân đã thu hồi rồi cứ để nằm đấy hàng chục năm trời, dần dần trở thành hoang hóa. Có ai trước đây có thể tưởng tượng nổi tình trạng này đã và đang xảy ra dưới thời «xã hội chủ nghĩa» của ĐCS?  Nhiều nơi nông dân thi nhau đào đất bề mặt ruộng – là lớp đất màu mỡ nhất bên trên – để đem bán cho người ta làm các bãi cỏ sân golf hay bãi cỏ công viên giải trí, du lịch, v.v… Trong lúc đó, đội quân thất nghiệp của nông thôn ngày mỗi tăng, – theo báo chí trong nước – trong vài năm tới sẽ lên tới nhiều triệu người, họ phải chạy ra các đô thị kiếm sống, bổ sung thêm vào số người thất nghiệp ở đô thị vốn đã đông càng đông hơn.

ĐCS đưa ra khẩu hiệu cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, nhưng lại tước quyền tư hữu ruộng đất của người dân, thì trong tương lai nước ta làm sao có được những chủ ruộng đất lớn, những chủ trang trại lớn có khả năng làm việc cơ giới hóa, công nghiệp hóa đó? Không có những người nông dân hay người trại chủ thật sự làm chủ ruộng đất của mình thì cái khẩu hiệu cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn chỉ là chuyện tào lao vô bổ của kẻ vô công rồi nghề hay những tên bịp bợm!

Tóm lại, suốt mấy chục năm nay, tấn bi kịch của người dân bị tước đoạt ruộng đất đã trở thành một nỗi đau nhức nhối của xã hội Việt Nam. Biết bao cuộc đấu tranh đã bùng nổ và đã bị ĐCS đàn áp tàn bạo; biết bao người, kể cả phụ nữ và trẻ con, đã ngã xuống vì súng đạn của «công an nhân dân» «hết lòng vì đảng»; biết bao người «dân oan» và những người bênh vực cho «dân oan» đã và đang phải ngồi rục xác trong tù!

Không thể để tình trạng này kéo dài mãi được nữa!  Các chiến sĩ, các tổ chức, các đảng phái đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền trong và ngoài nước cần phải đặt ngay việc đòi ĐCSVN trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho người dân, trước nhất là nông dân, vào chương trình hành động của mình, coi đó là một trong những mục tiêu đấu tranh căn bản cần toàn tâm toàn ý nhắm tới. Thiết nghĩ, việc đòi sửa lại Luật đất đai là cần thiết, nhưng cái căn bản nhất, trước mắt nhất vẫn là phải đòi xóa bỏ điều 17 trong Hiến pháp năm 1992, và Hiến pháp phải khẳng định quyền tư hữu ruộng đất của người dân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Việc đòi xóa bỏ điều 17 cũng như điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 phải là nội dung chủ yếu trong cuộc đấu tranh của mọi người trong dịp sửa đổi Hiến pháp lần này. Nhưng xét cho cùng, chừng nào còn ĐCSVN thì e rằng việc xóa bỏ hai điều vừa nói đó sẽ rất khó thực hiện được, cho nên phong trào dân chủ nước ta sẽ không dừng lại ở chỗ đấu tranh đòi sửa đổi Hiến pháp, mà phải nhắm tới cái đích xa hơn là đấu tranh đòi thay đổi hệ thống chính trị, kiến lập chế độ dân chủ đa đảng với ba quyền phân lập rõ rệt.

Nếu ĐCS không đủ thông minh để trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho người dân thì rồi đây sẽ còn có hàng chục, hàng trăm Đoàn Văn Vươn khác nữa, sẽ có nhiều cuộc bùng nổ to lớn hơn nữa, và nếu không khéo thì nỗi uất hận của người dân bị kìm nén lâu ngày sẽ bùng lên thành ngọn lửa vĩ đại thiêu rụi cái chế độ toàn trị của ĐCS. Lúc đó, ngay cả những binh lính, sĩ quan của quân đội và công an – vốn xuất thân từ nông dân, từ nhân dân – chắc chắn sẽ không còn là «thanh gươm và lá chắn» cho ĐCS nữa mà số đông sẽ đứng lên bảo vệ người dân và quay súng lại chống ĐCS./.

Moskva 24.04.2012
Nguyễn Minh Cần

1 nhận xét:

  1. Cam on Bac Nguyen Minh Can, hoi nhung nguoi ti nan chung toi con o trong nuoc thap nien 70,80 cung da duoc nghe mong manh ten tuoi cua bac, nguoi theo "chu nghia xet lai-Khoropsop", cho den khi hang trieu nguoi Viet chon chay khoi "to quoc Viet-nam", thi vo le ra rang: tat ca
    chung ta da bi DCS-VN lua doi. Ai chong doi, tu bo che do cong san, thi deu duoc goi la "xet lai, phan dong, thu nghich voi che do XHCN tot dep". Chung toi da may man xem tren internet: "Su that Ho chi minh" trong do bac Nguyen Minh Can, cuu bi thu Ha-noi, nguoi tra lai the dang, o lai Lien-Xo, va nay la nhung con chim dau dan, dan dat phong trao dan chu, dang vach tran toi ac DCS-VN & Ho chi Minh.
    Xin chuc suc khoe bac Nguyen minh Can. Hi vong mot ngay duoc gap bac tai Hoa-ky, de day manh cuoc dau tranh GIAI THE CHE DO CONG-SAN tren que huong Viet-nam.

    Trả lờiXóa