Trước khi Đệ Nhị Thế Chiến hoàn-toàn kết thúc thì cái gọi
là tình đồng-minh giữa Mỹ và Liên Xô đã
gẫy đổ. Sự “dang dở” này đưa đến tình-trạng cạnh tranh mãnh-liệt giữa hai đại-cường
trên toàn thế giới về mọi lãnh-vực chính-trị, kinh-tế, ý-thức-hệ, văn-hoá, vũ-khí
hạch nhân…tạo thành cuộc chiến tranh lạnh. Từ 1945 đến 1991, chiến tranh lạnh đã
chi-phối chính-trị toàn cầu nhưng rồi cũng đã chấm dứt khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào khoảng giữa năm
1989-1990, kéo theo chủ nghĩa cộng sản ra khỏi toàn cõi Đông Âu.
Trường-hợp Miền Nam Việt-Nam bị cưỡng chiếm vào ngày 30-4-1975
cũng là hệ-quả của hoàn-cảnh thế-giới lưỡng cực này. Gọi là cuỡng chiếm vì vận-mệnh
của một nước nhược-tiểu bao giờ cũng hoặc
là bị chi-phối hoặc là nằm ngay trong quỹ-đạo của những mối bang-giao chính-trị giữa các nước đại-cường. Sự thật này mới chính
là điều cần lý-giải cho cả hai bên khi muốn luận về sự thắng bại theo bất cứ lẽ nào khi nhìn về 37 năm qua trên đất nuớc. Có đơn
giản nhất thì cũng như Việt Khang đã cảm-nghiệm
rồi anh đã phải hát lên “Việt-Nam ơi, thời gian
quá nửa đời người và ta đã tỏ tường rồi. Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói. Mẹ
Việt-nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời, người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ
quyên uy giầu sang dối gian”. Lời hát này đủ tóm gọn thành-quả cũng như hậu-quả mà
cả nước phải gánh chịu cuộc
đời ngày sau tàn lửa khói…
Những người đã ra đi, tuy tránh được cảnh đời này song tâm-thức vẫn bị dằn vặt không phải vì hoài-niệm quá khứ mà là vì nghĩ mãi không yên về hiện tại của Quê-hương và của anh em cùng chung một bọc. Vì vậy, hằng năm, cứ đến ngày đau thương này thì đâu đâu trên khắp cùng mọi quốc-gia tạm dung, người Việt-Nam tỵ-nạn đều có các sinh-hoạt nhắc nhở cho nhau biến-cố lịch-sử này làm kinh nghiệm sống cho mình và cho con cháu mai sau.
Năm nay, bên cạnh các sinh-hoạt sẵn có, cộng-đồng Người Việt tỵ nạn tại Úc-châu nói riêng và ở khắp nơi trên thế giới nói chung còn được thêm một niềm an-ủi đặc-biệt từ nơi một tâm-hồn đồng cảm của một người con của Mẹ Việt-Nam, một người anh em cùng đuợc sinh ra trong cùng một bọc trăm trứng Rồng Tiên. Và cho dù đang mang trọng trách thiêng-liêng của Hội-thánh Công-giáo trao ban trong sứ-vụ rao giảng Tin Vui Cứu-độ, song cùng một lúc người anh em này vẫn mang trong lòng trọn vẹn mối tình Quê-hương, tình Đất Nước và tình Đồng Bào.
Tâm tình của một mục-tử
Vào ngày 19-4-2012, linh-mục Nguyễn Hữu Quảng, chính xứ St. Margaret Mary’s Parish có gửi đi một thông báo mời cộng-đồng tín-hữu tham dự Thánh-lễ cầu nguyện cho Quê-hương nhân ngày 30-4, có nội-dung như sau: “Đánh dấu 37 năm thương đau Miền Nam Việt-Nam rơi vào tay cộng sản, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ-tá Melbourne sẽ dâng Thánh-lễ cầu nguyện cho Quê hương và những ai đã bỏ mình vì tự do. Thánh-lễ đuợc cử hành lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật 29-4-2012 tại nhà thờ Saint Margaret Mary’s 51 Michell St. Brunswick….”
Bài giảng của Đức Giám-mục
Vincent trong Thánh-lễ
Kính thưa toàn thể quý ông bà
anh chị em
Một lần nữa, ngày 30 tháng 4, ngày ghi sâu trong ký ức của toàn dân Việt
Nam như một ngày Quốc Nạn lại trở về với chúng ta, nhất là những người Việt tỵ
nạn cộng sản ở khắp nơi trên thế giới. Có nhiều người nói rằng chúng ta không nên nhìn về qúa khứ nữa, chúng ta
không nên tưởng niệm ngày quốc nạn hay quốc hận nữa mà hãy hướng về tương lai.
Có không ít người còn nói rằng: “Việt Nam bây giờ
đã đổi mới, chính thể Cộng Sản đã thay đổi với thời đại, đâu còn gì để chúng ta
phải ôn lại dĩ vãng xa xưa, hãy bắt tay vào việc xây dựng tương lại của đất nước
trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc”.
Nhưng làm sao
chúng ta có thể tiến về tương lai nếu chúng ta không biết nhận ra những bài học
của lịch sử? Có “ôn cố mới biết
tri tân”. Tôi thiển nghĩ rằng, không ai thiết
tha với vận mệnh của dân tộc Việt Nam có thể làm ngơ trước những bài học của lịch
sử. Nếu lịch sử là một dòng sông thì những bế tắc trong chiều dài của nó phải
được đả thông cặn kẽ. Lúc đó dòng
sông mới được chảy
đều và làm
tươi mát phì nhiêu cho đất Việt thân yêu; lúc đó chúng ta mới mong có tương lai tươi sáng.
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu một khúc ngoặt quan trọng
trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nó cũng đánh dấu một bế tắc dẫn đến một sự băng
hoại toàn bộ cho cả đất nước và dân tộc Việt Nam. Khi bao nhiêu bom đạn của cuộc
chiến ý thức hệ đã gây chết chóc thương tích và tàn phá trên những người dân vô
tội; khi bao nhiêu những chiến sĩ bỏ mình nơi chiến trận, phơi thây không một nấm
mồ hay chết dần mòn tức tưởi trong các trại cải tạo; khi những thương phế binh
bị ruồng bỏ trong một xã hội vô nhân bản; khi cả triệu người phải bỏ nước ra
đi, làm nạn nhân trên biển cả trong bao tủi nhục đắng cay; khi cả khối dân Việt
tại quốc nội phải sống trong một xã hội hoàn toàn băng hoại, bị cai trị bởi một
chính thể đã bị đào thải trong thế giới tiến bộ; khi những người dân lưu vong tại
hải ngoại chưa cơ hội đóng góp vào tiến trình canh tân đất nước. Đây chẳng phải
là những mệnh đề của của người nhìn dưới lăng kính của kẻ chiến bại hay một nhóm người còn mang đầu
óc hận thù chia rẽ. Nhưng
đây là những bế tắc của lịch sử mà chỉ khi được khai thông mới mở ra một kỷ
nguyên mới cho dân tộc.
Kính thưa toàn
thể quý vị và nhất là các bạn trẻ,
Hôm nay chúng
ta cùng “ôn cố tri tân” trong niềm tin vào tiến trình tất yếu của lịch sử. Lịch sử sẽ đào thải những
gì không còn thích hợp. Dù có ngoan cố cưỡng lại, không ai có thể ngăn cản thế
lực của lịch sử, cũng như không chính thể nào có thể làm ngược lòng dân mà tồn
tại. Hôm nay chúng ta tưởng nhớ đến những nạn nhân trước và sau 30 tháng 4 năm 1975. Chúng ta cùng ôn lại những bài học của
lịch sử. Nhưng trên hết, chúng ta hãy góp một bàn tay khai thông những bế tắc hầu
cùng với toàn thể dân tộc mở ra một kỷ nguyên mới cho quê hương Việt Nam.
Lời Chúa hôm
nay cho chúng ta sự an ủi và niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một
bình minh mà bóng tối của tà thần sẽ không chế ngự được.
Thánh Phêrô đã dùng lời Thánh Vịnh để nói với dân chúng về Đức Kitô rằng “Phiến đá mà người thợ xây lọai bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”.
“Người thợ xây” trong bối cảnh này chính là những con người tượng trưng cho thế lực của bóng tối và tội lỗi. “Người thợ xây” đây là Giuda, là quân dữ, là những kỳ mục, là Philatô, là Cêsarê và đồng thời là tất cả những ai đứng về phía của sự dữ. Họ đã loại bỏ Đức Kitô, tức là loại bỏ ánh sáng và sự sống, công lý và sự thật cùng tất cả những giá trị nhân bản và siêu nhiên. Nhưng Đức Kitô là phiến đá bị họ loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường.
Ngài đã chiến thắng trên tà thần và tội lỗi. Chiến thắng của Ngài vượt không gian và thời gian, để rồi những ai đứng về phía công lý và sự thật đều được thông phần vào chiến thắng của Ngài. Quả thế, dù cho thế lực của sự dữ lấn án sự lành, dù cho những kẻ cường bạo giết hại những bậc chí nhân, nhưng chúng ta có thể tin chắc vào sự viên mãn của công lý và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy vọng chúng ta.
Thánh Phêrô đã dùng lời Thánh Vịnh để nói với dân chúng về Đức Kitô rằng “Phiến đá mà người thợ xây lọai bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”.
“Người thợ xây” trong bối cảnh này chính là những con người tượng trưng cho thế lực của bóng tối và tội lỗi. “Người thợ xây” đây là Giuda, là quân dữ, là những kỳ mục, là Philatô, là Cêsarê và đồng thời là tất cả những ai đứng về phía của sự dữ. Họ đã loại bỏ Đức Kitô, tức là loại bỏ ánh sáng và sự sống, công lý và sự thật cùng tất cả những giá trị nhân bản và siêu nhiên. Nhưng Đức Kitô là phiến đá bị họ loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường.
Ngài đã chiến thắng trên tà thần và tội lỗi. Chiến thắng của Ngài vượt không gian và thời gian, để rồi những ai đứng về phía công lý và sự thật đều được thông phần vào chiến thắng của Ngài. Quả thế, dù cho thế lực của sự dữ lấn án sự lành, dù cho những kẻ cường bạo giết hại những bậc chí nhân, nhưng chúng ta có thể tin chắc vào sự viên mãn của công lý và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy vọng chúng ta.
Trong bối
cảnh của đất nước chúng ta hôm nay, “người thợ xây” là ai nếu không
phải là chế độ phi nhân vong bản; “người thợ xây” là ai nếu không
phải là những công cụ đàn áp cưỡng chiếm đất đai của người dân vô
tội như công an, cảnh sát cơ động và côn đồ. Và “phiến đá bị họ
loại bỏ” là ai nếu không phải là những người đấu tranh cho công lý
và sự thật, là người giáo dân Thái Hà với lá cây vạn tuế, là Đồng
Chiêm với một cây thánh giá, là Cồn Dầu với một nghĩa trang
thiêng liêng, là anh Việt Khang với một bài ca ái quốc, hay là dân oan
với chỉ những tiếng kêu than vô vọng. Như Thiên Chúa đã thực hiện qua
sự khổ nhục, sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, Ngài cũng sẽ
thực hiện nơi những ai đứng về phía của công lý và sự thật. Chúng
ta hãy vững tin và liên đới với nhau trong cùng một lý tưởng, một
giấc mơ, một mục đích là ngày khải hoàn của chân thiện mỹ trên quê
hương mến yêu.
“Ta là mục
tử nhân lành. Ta hiến mạng sống vì chiên ta”. Lời Chúa trong bài Phúc
Âm hôm nay nói lên một chân lý bất hủ là chỉ có tình yêu hiến thân
cho người khác mới là lẽ sống của người tín hữu. Sứ
mạng của Đức Kitô cũng chính là hiến thân để sự sống viên mãn được
thể hiện nơi con người. Hôm nay, một cách đặc biệt, chúng ta tưởng
nhớ đến những người con của tổ quốc đã vì nước vong thân. Họ đã
chẳng màng danh vọng, vinh quang, phú quý hay trường thọ. Họ hy sinh chính
mạng sống ngay trong tuổi thanh xuân để quê hương có ngày tươi sáng.
Chúng ta nghiêng mình kính cẩn trước những gương anh linh của tổ quốc.
Chúng ta hãy cùng nhau hướng về mục đích mà chính họ đã làm những
viên gạch lót đường: đó là sự sống viên mãn cho tha nhân, sự phục
hưng cho dân tộc và sự trường tồn của cơ đồ tổ quốc.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Ngày 30 tháng 4 không chỉ là một ngày quốc hận hay quốc nạn.
Nó là ngày mà chúng ta, nhất là những thế hệ trẻ phải “ôn cố tri
tân”. Nó là ngày chúng ta cùng động viên tranh đấu cho một tương lai
Việt Nam tươi sáng hơn. Trong tinh thần Phục Sinh, người tín hữu chúng
ta nhìn vào biến cố lịch sử đó như là đoạn đường chúng ta phải đi
để tiến vào tương lai vinh thắng. Chúng ta phải can trường bước theo
con đường mà các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta, vững tin vào sự viên mãn của công lý và
sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy
vọng chúng ta. Hãy liên kết thành sức mạnh để phá tan xiềng xích của sự bạo tàn, dối
trá và gian ác là chế độ cộng sản. Hãy cùng nhau khai thông dòng sông lịch sử để nó được chảy và làm tươi mát
phì nhiêu cho đất Việt thân yêu. Xin Thiên Chúa chúc lành và kiện toàn cho
mọi hy sinh và nỗ lực của chúng ta, người con dân của tổ quốc trong
và ngoài nước đang khát khao và tranh đấu cho công lý. Hãy vững tin
tiến về bình minh mới, ngày mùa gặt mới của quê hương, vì “người đi
gieo trong đau thương sẽ về giữa vui cười”.
Và tiếp đến là sáu Lời nguyện giáo dân được ba chị trong ca-đoàn lên đọc
1.
Cầu cho những nạn
nhân của cuộc chiến
Trong cuộc chiến kéo dài hai thập niên đã gây ra biết bao tương tàn khốn
khổ cho người dân nuớc Việt từ Bắc xuống Nam. Bao nhiêu bom đạn đã gây chết
chóc, thương tích và tàn phá trên những người dân vô tội. Mẹ Việt-Nam đã quằn
quại trong đau đớn và bao tủi nhục. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những nạn nhân
bất hạnh trong cuộc chiến. Xin Chúa đền bù cho họ những gì họ đã chịu đựng hầu
họ sớm đuợc phục hồi sống trong một tương lai tươi sáng
2.
Cầu cho những người
đã hy-sinh cho tự-do:
Bao nhiêu chiến sĩ đã bỏ mỉnh nơi chiến trận. Nhiều người phải phơi thây không có lấy một nấm mồ. Lại có nhiều người phải chết dần mòn trong các
trại cải tạo hay phải sống tủi nhục như những thương phế binh, nhưng đặc biệt
là các chiến sĩ vị quốc vong thân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Xin Thiên
Chúa của tự do, công bằng và bác ái cho họ hưởng hạnh phúc nước trời vì họ đã
hy sinh mạng sống mình cho tự do và cho dân tộc.
3.
Cầu cho những thương
phế binh
Họ là một trong số những người bất hạnh nhất trong một xã hội hoàn toàn băng hoại và vô nhân bản, trong một xã hội cộng sản vô thần. Họ bị hất hủi
và ruồng bỏ vì một chính quyền đã đổi dân tộc tính lấy một ý thức hệ ngoại lai và phi nhân.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ được can đảm đủ sức chịu đựng và tinh thần cao
thượng luôn bất diệt trong những đắng cay của cuộc đời.
4.
Cầu cho những nạn
nhân đã bỏ mình trên đường tìm tự do
Đây là một trong những trang sử bi đát, nhục nhã và thương tâm trong bi kịch chiến tranh và cộng sản hoá
của đất nước chúng ta. Ba muơi bảy năm năm trôi qua nhưng những vết thương này còn ghi sâu trong ký ức, trong
gia đình. Các nạn nhân của cuộc vượt biên vĩ đại và vô tiền khoáng hậu với hàng
trăm ngàn người đã bỏ mình trên biển cả, trong rừng sâu. Bao nhiêu tủi nhục
kinh hoàng, bao nhiêu mất mát đắng cay. Chúng ta hãy cầu xin cho những nạn nhân
này được bàn tay an ủi và chữa lành của Thiên Chúa phục hồi mạng sống và danh dự
cho họ. Xin Ngài biến mọi oan ức, tủi nhục thành an lạc, vinh quang.
5.
Cầu cho đồng bào
trong nước
Việt-Nam quê hương mến yêu của chúng ta còn chìm đắm trong tương tàn.
Ba muơi bảy năm dưới chế độ cộng sản đã đem cả đất nước chúng ta tới một
xã hội băng hoại. Một xã hội đầy rẫy bất công và tương phản. Xin cho người dân
của đất nước chúng ta sớm thấy ngày tươi sáng và quyền sống trong nhân phẩm làm
người.
6.
Cầu cho người Việt khắp
nơi
Chúng ta cầu nguyện cho công cuộc phục hưng đất nước trước hiểm hoạ giặc trong thù ngoài đang hủy hoại tiền đồ Tổ Quốc. Xin cho khối người
Việt hải ngoại biết chung vai sát cánh với đồng bào quốc nội, ngõ hầu chúng ta
đạt được mục đích tối hậu là một Việt-Nam tự do, dân chủ pháp quyền, một Việt-Nam
công bằng, thịnh vượng xứng với những hy sinh của tiền nhân.
Tâm tình của
cộng-đồng
Riêng tại Melbourne
– Victoria, vì cách xa thủ-đô Canberra gần tám trăm cây số, nên đồng bào phải
lên đuờng từ tối Thứ Sáu, 27-4-2012. Trước
giờ khởi hành, một nghi thức dâng hương tưởng-niệm các chiến sĩ vị quốc vong thân
đã diễn ra tại Đền Thờ Quốc Tổ lúc 10 giờ 30 tối.
Vào trưa ngày Thứ Bảy, 28-4-2012, hàng ngàn người Việt tỵ nạn tại Úc-châu
từ các tiểu bang Queensland, New South Wales, Victoria, South Australia,
Western Australia và Australian Capital Territory đã tề tựu về thủ-đô Canberra,
cùng tổ chức cuộc biểu tình vừa để tưởng niệm những đau thương trong biến cố
30-4-1975, vừa bày tỏ thái độ và tố cáo tội ác của nhà cầm quyền cộng sản Hà-nội
đang tác hại trên toàn cõi Việt-Nam.
Đồng bào đang từ những xe buýt đổ về nơi quy tụ trước toà đại-sứ Việt cộng |
Cùng tham dự nghi-thức này với đồng bào tỵ nạn còn có các giới chức Úc, các chức sắc tôn giáo. Linh-mục Chu Văn Chi, đại diện phía Công-giáo đã từ Sydney đến đặt vòng hoa tưởng niệm.
Đêm tâm tình
giới trẻ
Sau khi các
sinh hoạt chung chấm dứt, đồng bào các nơi lên đuờng trở lại điạ-phương mình thì
hàng trăm bạn trẻ Việt-Nam tiếp tục ở lại Canberra.
Họ tập-trung tại Art
Center của thủ đô Canberra để cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ
về vai trò của mình trong công cuộc chung. Cuộc họp mặt được mang tên là Đêm Tâm
Tình Giới Trẻ.
Năm nay, các bạn trẻ đã thảo-luận, trao đổi về hiện-trạng
khác nhau giữa giới trẻ Việt-Nam trong nước và hải ngoại nhưng cùng chung ý-thức là phải
lên tiếng trước hiện tình đất nuớc. Sau phần thảo-luận, là phần tâm-tình. Tất cả
im lặng trong giây lát, rồi từng người nói lên suy nghĩ riêng của mình như một
lời nguyện, một ước hẹn với nhau phải làm gì cho Quê Hương, cho Đất Nước.
Trong Đêm Tâm Tình tối ngày Thứ Bảy 28-4-2012 |
Ngoài
ra, Cộng-đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria còn tổ chức một đêm thắp nến
vào lúc 7 giờ 30 tối ngày Thứ Hai, 30 tháng Tư 2012. Hàng trăm đồng bào đã tụ họp
tại Đền Thờ Quốc Tổ để cầu nguyện cho Quê-hương Việt-Nam.
Phạm Minh-Tâm ghi nhận và tường thuật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét