14/5/12

Văn Giang, Ngọc Năm và thơ Nguyễn Vĩ

Nguyễn Vĩ

Vũ Thị Phương Anh


Bài này tôi viết vội trước khi đi làm. Biết là sẽ không hay vì viết vội, nhưng vẫn không thể không viết. Tại sao thì các bạn cứ đọc đi rồi sẽ rõ.

Trước hết xin nói về Nguyễn Vĩ. Đó là tên một nhà thơ tiền chiến được nêu trong cuốn “Việt Nam thi nhân tiền chiến” của Hoài Thanh-Hoài Chân. Đọc đã lâu rồi, từ trước năm 1975, nên tôi chẳng còn nhớ gì mấy về nhà thơ này, trừ việc ông đã có mấy câu thơ bất hủ:

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó…

Đấy là tình cảnh của nhà văn nước ta thời Pháp thuộc, bị nô lệ, mất nước, vô cùng khổ nhục. Thế nên dân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta (mở ngoặc chút: tôi vẫn cứ thắc mắc về việc viết hoa chữ Đảng
trong “Đảng ta” mà chữ dân trong “dân ta”thì lại phải viết thường; nhưng thôi, quy ước như thế nào thì tôi cứ viết như thế ấy, cho nó … lành, vì tôi là công dân tốt của nước CHXHCNVN mà lại) đã phải tiến hành cuộc cách mạng để lật đổ thực dân,phong kiến, để xây dựng nên một chế độ ưu việt, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản. Wow, tôi phục mình quá, viết một lèo, câu dài ngoằng mà vẫn trơn tru không vấp, và quan trọng hơn là vô cùng đúng đường lối. Ấy là do nền giáo dục và truyền thông xã hội chủ nghĩa ưu việt mà tôi đã được hưởng từ năm 15 tuổi tới giờ, tức ngoài 50 rồi.

 Ngoài hai câu thơ trên, tôi cũng nhớ một câu thơ khác của Nguyễn Vĩ, đó là “Chửi Đông, chửi Tây, chửi tất cả”. Ý của ông là ông chửi lung tung, vì chán đời, vì ngông nghênh, thì nhà văn An Nam mà, đằng nào cũng đã khổ như chó rồi, còn sợ mất gì nữa mà không chửi vung thiên địa lên cho nó … sướng miệng. Thế nhưng, cũng chính vì câu thơ này mà ông đã bị mật thám Pháp mời lên làm việc, và hỏi: “Anh nói anh chửi Tây là anh chửi ai?” Chết cha, Tây … cũng là cách mà người Việt ta gọi bọn thực dân Pháp, vì chúng từ phương Tây đến mà. Mặc dù nếu nói như thế thì ta cũng có thể gọi … Ấn Độ, hoặc thậm chí Campuchia là Tây, vì những nước này cũng ở phía Tây của VN.

Đúng là khổ thật, người dân của một xứ nô lệ, mất nước mà, nên chẳng có tự do gì cả, nói gì cũng bị chụp mũ, bắt bớ, phiền hà …

Vâng, đấy là tất cả những gì tôi muốn nói về Nguyễn Vĩ, một nhà thơ mà theo đánh giá của Hoài Thanh-Hoài Chân là “chí lớn mà tài mọn”, chẳng có gì đáng nhớ, ngoài mấy giai thoại cỏn con nêu trên. Nhưng không hiểu sao hôm nay tôi lại nhớ đến Nguyễn Vĩ, khi đọc báo về vụ Văn Giang.

Văn Giang là gì ư, chắc tôi  không cần giải thích, vì chắc chắn là ở VN không có ai là không biết. Mà không chỉ ở VN, ở nước ngoài, nói thẳng ra là trên truyền thông thế giới, Văn Giang (và cùng với nó là Ecopark) đã trở nên một địa danh nổi tiếng. Với bức hình của “đoàn cưỡng chế” trùng trùng điệp điệp cả ngàn người, đầu đội nón bảo hiểm san sát nhau, đông lúc nhúc như một đàn ốc bươu xanh tràn vào phá nát ruộng đồng. Nhìn mà đau đớn, quặn cả ruột gan – tất nhiên, nếu đó là sự thật.

Nhưng may quá, đấy chỉ là sự xuyên tạc của bọn thế lực thù địch, phản động, chuyên chống phá nhà nước ta mà thôi. Chứ một nhà nước thực sự dân chủ, của dân, do dân, vì dân như nhà nước của ta thì ai lại làm thế. Những hình ảnh, video clip về vụ cưỡng chế lạnh lùng và tàn nhẫn, dứt khoát triệt hạ những người nông dân không chịu giao đất cho … bọn tư bản trong và ngoài nước (vốn một thời là đối tượng phải tiêu diệt của cuộc cách mạng XHCN), đối xử với dân đúng như đối xử với kẻ thù ghê gớm nhất, hóa ra chỉ là hình ảnh giả, ngụy tạo để bôi xấu, chống đối nhà nước ta mà thôi.

Bạn hỏi tại sao tôi  phát biểu chắc như đinh đóng cột, tự tin như thế ư? Thì đó chính là lời của ông Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ mà. Nguyên văn lời của Ông Hào như sau:

“Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền.”

OK, sự thực về Văn Giang là như thế đó. Thế còn Ngọc Năm thì sao?

À, đấy là tên của một trong hai nhà báo mà nghe đồn là đã bị đánh đập, hành hung tàn nhẫn vì dám thực hiện phân công của cơ quan (là Đài Tiếng nói Việt Nam) đến Văn Giang để lấy tin. Tin đồn về vụ ông và một đồng nghiệp khác bị đánh đập dã man đã râm ran trên mạng (truyền thông lề trái) ít lâu, nhưng rất lạ là sau đó cũng xuất hiện trên báo chí lề phải. Hừm, không lẽ báo lề phải cũng đã có bọn thế lực phản động chui vào rồi ư? Lại thấy cả cuộc phỏng vấn ông Ngọc Năm trên BBC (hình như là của thế lực thù địch, phản động nước ngoài?) nữa chứ. Tôi thắc mắc quá nên cũng có tò mò để nghe lời phỏng vấn ông trên đài, và thấy ông cũng xác nhận điều đó. Hừm, lạ quá.

 Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm thấy mừng, vì phải nói rằng ông Ngọc Năm là một công chức/viên chức rất ngoan, thực sự là một con người gương mẫu, là sản phẩm lý tưởng của nền giáo dục XHCN ưu việt. Những gì ông nói trong cuộc phỏng vấn cho thấy ông hoàn toàn tin tưởng vào chế độ và có tính chấp hành rất cao, dù “tinh thần có hơi mệt mỏi” do bị hành hung, đánh đập bởi các anh công an, vốn lãnh lương từ tiền thuế của dân để bảo vệ dân, khi đang làm nhiệm vụ. Theo thông tin lề trái thì ông không chỉ bị đánh mà còn bị chửi mắng thậm tệ, thậm chí bị sỉ nhục. Thế mà trong phần trả lời phỏng vấn của ông thì vẫn hết sức nhỏ nhẹ, không hề nóng giận, không có một câu nào than phiền, dù đơn thư của ông gửi đi để khiếu nại đã bao ngày nay cũng chưa hề có cơ quan chức năng nào hồi đáp. Ông vẫn thế, vẫn kiên định một lòng tin vào chế độ, và vẫn “bình tĩnh chờ”, như tất cả mọi người dân VN vẫn bình tĩnh chờ, chờ một ngày mai tươi sáng hơn khi chúng ta xây dựng thành công thiên đường cộng sản trên đất nước này.

Chỉ có điều, nghe ông nói xong, tôi bỗng thấy cổ họng đắng nghét, nghẹn ngào, và cay cay ở mắt.

Và, rất lạ, chẳng hiểu sao tôi bỗng nhớ Nguyễn Vĩ với mấy câu thơ bất hủ của nhà thơ ... khổ như chó ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét