19/5/12

Về biểu tình: Cần cho nhiều người biết quyền lợi của công dân theo hiến pháp

 VRNs  - Sài Gòn
Dân Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng 
Về biểu tình: Cần cho nhiều người biết quyền lợi của công dân được ghi trong hiến pháp

VRNs (18.05.2012) – Sài Gòn – Đây là cuộc phỏng vấn với Ông Lý Thái Hùng, tổng bí thứ đảng Việt Tân, ngày 17.05.2012 về vấn đề Biển Đông hiện nay, nhân sự kiện đối đầu rất quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cát ngầm Scarborough còn gọi là đảo Hoàng Nham vừa qua. Qua sự kiện đó nhân dân Phi có những cuộc biểu tình chống lại sự xâm lăng từ Trung Quốc và Trung Quốc điều đến 33 tàu lớn nhỏ đến khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa các nước trong vùng, trong đó có cả Việt Nam nữa.

Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn về Biển Đông này:


Thomas Việt (PV): Chào Ông Lý Thái Hùng, tôi là Thomas Việt từ Truyền Thông Chúa Cứu Thế, VRNs, như Ông Lý Thái Hùng cũng biết Trung Quốc và Philippines đang có đối đầu tại Biển Đông, nhândân Phi đang biểu tình chống lại sự xâm lăng từ Trung Quốc, việc biểu tình này cũng giống như hơn 10 cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội gần một năm trước đây, bắt đầu từ việc tàu Hải Giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí BìnhMinh 02 vào ngày 26/05 và ngay sau đó vào ngày 09/06 tàu Viking 2 lại tiếp tục bị cắt cáp. Xin chào ông Lý Thái Hùng phân tích là tại sao Phi Luật Tân đã có những chống đối khá mạnh mẽ đối với Trung Quốc quanh vùng biển có chủ quyền gần bãi cát ngầm Scarborough trong thời gian gần đây và liệu có dẫn đến những xung đột lớn trên biển Đông hay không?

Lý Thái Hùng (LTH): Thưa anh, giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc đã có những xung đột về biển Đông từ hai thập niên qua, khởi đi từ lúc Trung Quốc chiếm bãi đá ngầm Vành Khăn nơi hải quân Phi Luật Tân đóng quân trong một cuộc tấn công bất ngờ vào năm 1995.
Từ năm 2009, khi Trung Quốc ngang ngược công bố chủ quyền với bản đồ 9 khúc – hình lưỡi bò, chiếm 75% diện tích biển Đông thì những cuộc xung đột giữa Trung Quốc với một vài quốc gia ASEAN nằm trong khu vực biển Đông bắt đầu leo thang. Với chủ trương nói trên, Trung Quốc đã thường xuyên cho ngư dân của họ vào đánh cá trong các vùng biển của Phi cũng như đưa một số tàu thăm dò dầu khí ở vùng bãi cát ngầm Scarborough còn gọi là đảo Hoàng Nham.
Bãi cát ngầm Scarborough cách đảo Luzon của Phi Luật Tân khoảng 230 cây số trong khi phần đất gần nhất của Trung Quốc cách bãi cát này là đảo Hải Nam, xa đến 1.200 cây số. Do đó theo Công Uớc Quốc Tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc thì rõ ràng, Trung Quốc đã cố tình và ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của Phi Luật Tân.
Vì thế Phi Luật Tân đã có những phản ứng khá mạnh đối với Trung Quốc là điều dễ hiểu. Nếu mà chính quyền Phi Luật Tân không làm mạnh thì Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn chiếm các quần đảo khác của Phi.
Hơn thế nữa, Phi Luật Tân dưới thời của nữ Tổng Thống Gloria Macapagal Arroyo đã có những hành xử quá khiếp nhược đối với Bắc Kinh, khiến dân chúng bất mãn, nên khi Tổng thống Benigno Aquino III lên nhậm chức vào năm ngoái, đã có chính sách cứng rắn đối với Bắc Kinh để bảo vệ phần lãnh hải đã bị hải quân Trung Quốc xâm phạm trước đó.
Hiện nay Trung Quốc đã đưa 33 tàu gồm tàu hải giám, ngư chính và một số tàu đánh cá đến khu vực bãi cát ngầm Scarborough để ngăn chận cũng như quấy nhiễu những ngư dân Phi Luật Tân đến đánh cá trong vùng biển này. Trong khi đó, Phi Luật Tân chỉ có hai tàu phòng vệ bờ biển được điều đến khu vực này để bảo vệ ngư dân và Hoa Kỳ thì phái Tàu ngầm cao tốc USS North Carolina đến cảng Subic Freeport của Phi Luật Tân nằm gần bãi đá ngầm Scarborough.
Mặc dù không khí hiện nay khá căng thẳng vì quân đội của phía Trung Quốc và Phi Luật Tân đều tuyên bố sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, nhưng tôi không nghĩ là cuộc xung đột hiện nay sẽ leo thang thành cuộc chiến lớn vì hai lý do:
Thứ nhất, Trung Quốc đang gặp khá nhiều khó khăn nội bộ qua vụ Bạc Hy Lai và nhất là thành phần lãnh đạo thế hệ thứ tư gồm các ông Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo sắp ra đi, thay thế bởi thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường vào tháng 10 năm nay nên họ không muốn gây phức tạp tình hình.
Thứ hai, Trung Quốc biết rằng nếu họ ra tay tấn công Phi Luật Tân vào thời điềm này thì chỉ làm lợi cho Hoa Kỳ tranh thủ công luận và thu phục các quốc gia ASEAN đứng về phía Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

PV: Có ý kiến cho rằng trước những sự kiện như 2 nhà báo bị đánh tại Văn Giang; ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, tuyên bố rằng:“Nhà nước ta không tam quyền phân lập”; hay những tin tức loan tải liên quan vụ xét xử các nhà báo thuộc câu lạc bộ nhà báo tự do, Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn… làm giảm sự chú ý của người dân Việt Nam trước sự xâm lăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Lý Thái Hùng có nhận xét gì về về ý kiến này?

LTH: Qua những tin tức loan tải trên các báo chí và trên các mạng tại Việt Nam thì những điều mà anh vừa đề cập đã xảy ra như vậy. Tức là có bàn tay của Ban Tuyên Giáo trong việc “điều hướng” nội dung biên tập để không đề cập nhiều về sự cứng rắn của Phi Luật Tân đối với Trung Quốc qua những xung đột bãi cát ngầm Scarborough kể từ đầu tháng 4 cho đến nay.

PV: Theo ông thì tại sao Cộng sản Việt Nam lại phải làm như vậy?

LTH: Điều này cũng dễ hiểu thưa anh. Họ không muốn người dân thấy rằng chính họ quá yếu và quá hèn đối với Trung Quốc so với lãnh đạo Phi Luật Tân.
Vì bị mắc kẹt vòng kim cô “16 chữ vàng”, lãnh đạo CSVN không muốn phá vỡ tình hữu nghị môi hở răng lạnh hiện nay giữa họ với Bắc Kinh nên phải tìm cách ngăn chận mọi lỗ xì gây lên phong trào chống bá quyền Trung Quốc tại Việt Nam.
Tuy nhiên tôi nghĩ là những nỗ lực đánh lạc hướng dư luận như CSVN đang làm hiện nay sẽ không thành công vì làn sóng công khai và bạch hóa mọi chuyện đang xuyên qua mạng Internet đến từng gia đình Việt Nam.

PV: Ông Edwin Lacierda, Người phát ngôn của tổng thống Philippines, nói rằng: chính phủ không thể chặn những người biểu tình vì “hiến pháp của chúng tôi bảo vệ quyền tự do biểu đạt và quyền tụ tập hòa bình”. Hiến pháp Việt Nam cũng có những điều khoản tương tự, nhưng dân Việt mà biểu tình thì bị đánh đập, bỏ tù. Vậy thì chúng ta phải làm gì để chống lại cách hành xử vi hiến của nhà cầm quyền?

LTH: Trước hết, qua sự so sánh của anh về giá trị thực tiễn của hai bản hiến pháp Phi Luật Tân và Việt Nam, cho chúng ta thấy quyền con người tại Việt Nam là “đồ xa xí phẩm”. Nó chỉ để trưng bày trong tủ kiếng để phô trương với thế giới nền dân chủ ảo, hoặc đúng ra là để lãnh đạo Hà Nội tự lừa chính họ … như một đứa trẻ chơi ú tim đứng giữa đám đông, tự bịt mắt mình và tưởng là không ai trông thấy nó cả.
Kế đến, hiến pháp Phi Luật Tân là kết quả trưng cầu ý kiến của mỗi người dân và đặt trên nền tảng phục vụ quyền lợi của người dân. Trong khi hiến pháp CSVN là kết quả của những nhượng bộ mà lãnh đạo cần phải sửa để thích ứng với các nhu cầu duy trì quyền lực độc tôn của đảng.
Sau cùng, chúng ta đừng bao giờ chờ đợi đảng CSVN thay đổi hiến pháp để cho phép người dân không những được đi biểu tình mà còn được bảo vệ như Phi Luật Tân. Chúng ta chỉ có một con đường, là muốn thay đổi phải tích cực tạo áp lực, qua 2 nỗ lực:
1/Cần cho nhiều người biết quyền lợi của công dân được ghi trong hiến pháp, lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải thi hành. Ví dụ việc Quốc hội CSVN khóa XII đã hứa rằng trong nhiệm kỳ này họ phải thông qua luật biểu tình. Việc Quốc Hội CSVN có giữ đúng lời hứa này hay không tùy thuộc vào sự kiên trì đấu tranh và đòi hỏi liên tiếp của chúng ta bây giờ cũng như về sau.
2/Phải tạo điều kiện để có những phản kháng tập thể bằng phương thức đấu tranh bất bạo động. Sự kiện hàng ngàn đồng bào Huyện Văn Giang hay Nam Định đã cùng nhau tụ họp chống việc cưỡng chế chiếm đất trái phép của nhà cầm quyền cần phải làm sao lan rộng ở nhiều nơi thì CSVN mới thấy bị áp lực đủ để phải thay đổi hiến pháp.

PV: Câu hỏi sau cùng liên quan đến nghĩa vụ chung của người Việt Nam chúng ta là khi nhà cầm quyền cứ núp đàng sau 16 chữ vàng để không dám có những phản kháng mạnh mẽ đối với sự xâm lấn từ Trung Quốc, thì chúng ta phải làm gì để chống lại sự xâm lăng này?

LTH: Thưa anh, trước đây biểu tình là điều khó xảy ra dù là để lên tiếng chống Trung Quốc đã từng sát hại ngư dân Việt Nam xảy ra hồi năm 2005 rồi năm 2009. Nhưng sự kiện đồng bào và giới trí thức đã thực hiện 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm ngoái, sau vụ họ cắt cáp tàu Bình Minh 02 trên phần lãnh hải của Việt Nam, đã cho thấy không có chế độ nào có thể ngăn nổi lòng yêu nước của người dân.
Do đó, tôi nghĩ là chúng ta phải hành xử quyền yêu nước của mình đi biểu tình trong ôn hòa bất bạo động như nhân dân Phi Luật Tân, Đài Loan đã làm. Đồng thời vận động dư luận quốc tế và Hoa Kỳ cho vấn đề này, với sự liên kết cùng các quốc gia trong vùng biển tranh chấp.

PV: Cảm ơn Ông Lý Thái Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét