23/6/12

Một Hội Thảo Giành Lại Sự Thật Cho VNCH

Tâm Việt
11 thuyết trình viên tại cuộc Hội thảo tại University Cornell Symposium các ngày 11-12 June 2012.
Từ trái qua phải, các ông: Nguyễn Đức Cường, Lữ Lan, Trần Văn Sơn, Trần Quang Minh, Trang Sĩ Tấn, Bùi Diễm, Hoàng Đức Nhã, Phan Quang Tuệ, Phan Thanh Tâm, Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Văn Kỳ Thoại.
Hai ngày 11 và 12 tháng Sáu vừa qua, Viện Đại-học Cornell đã tổ-chức một cuộc hội-thảo thật ý nghĩa, quy tụ 10 diễn-giả gốc từ miền Nam Việt-nam và gần 50 giáo-sư người Hoa-kỳ đang giảng dạy về Việt-nam (và chiến-tranh VN) trên khắp nước Mỹ, Canada và Pháp.

Những tiếng nói bị lãng quên

Cuộc hội-thảo hai ngày mang tên “Voices from the South” (“Những tiếng nói từ miền Nam”) là một nỗ lực của Giáo-sư Sử-học Keith W. Taylor, khoa-trưởng Khoa Á-đông-học tại Cornell, nhằm đem lại một vài sự thực bị lãng quên/xuyên tạc trong mấy chục năm qua.
  Mở đầu buổi hội-thảo vào sáng thứ Hai, 11/6, G.S. Taylor cho rằng những người viết về lịch-sử VN và chiến-tranh VN trong hàng chục năm qua đã không mấy quan tâm đến những tiếng nói của miền Nam VN, nhất là của thời Đệ-nhị Cộng-hoà.  Thì đây, cuộc hội-thảo này sẽ nhằm khoả lấp được phần nào những thiếu sót của sử-học về VN trong hàng chục năm qua.  Nếu trong tiếng Anh đã có những sách viết về thời Đệ-nhất Cộng-hoà của Tổng-thống Ngô Đình Diệm thì những sách viết về thời Đệ-nhị Cộng-hoà (1967-1975) phải nói là rất hiếm, gần như không có.

Vì những lý-do trên, cuộc hội-thảo đã mời một số nhân-chứng cuối cùng của thời Đệ-nhị Cộng-hoà để cho họ có thể giúp ta nhìn lại vấn-đề một cách chính-xác hơn.

Được tài-trợ bởi một ngân-quỹ của sáng-hội Einaudi, cuộc hội-thảo đã cho các tham-dự-viên cơ-hội nghe một số tiếng nói của những người đã thực-sự đóng những vai trò đáng kể trong giai-đoạn 10 năm sau cùng của Việt-nam Cộng-hoà.



Hội-luận đầu: Các ông Bùi Diễm, Hoàng Đức Nhã và Phan Công Tâm

Mở đầu hai ngày hội-thảo, cựu-Đại-sứ Bùi Diễm đã nói đến những khúc mắc trong bang-giao Việt-Mỹ, gồm nhiều sự hiểu nhầm nhau từ cả hai phía.  Nếu Tổng-thống Franklin D. Roosevelt thì muốn trao trả độc-lập cho VN thì sự thắng thế của Trung-Cộng trên Hoa-lục đã làm cho Mỹ, lúc đầu ủng-hộ Pháp để ngăn chặn làn sóng CS xuống Đông-Nam-Á, về sau ngày càng lún chân thêm vào cuộc chiến mà thực lòng chưa chắc họ đã muốn.  Vì thế mà cuối cùng, Mỹ đã phải tìm cách rút chân ra khỏi VN, đưa đến Quốc-hội Mỹ không giữ lời hứa với VNCH, để cho Bắc-Việt tràn vào dựa trên một sự yểm trợ dồi dào của Liên-Xô và Trung-Cộng.

Như để minh-hoạ những khó khăn trong bang-giao Mỹ-Việt, ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng-trưởng Dân-vận Chiêu hồi, đã mô-tả lại những bất đồng giữa ông Kissinger, người được Tổng-thống Nixon giao cho việc thương thuyết hoà-bình với Hà-nội, và Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu, người bị ép quá trong cuộc thương lượng mà giờ đây ông Kissinger cũng phải công-nhận là đã bị Lê Đức Thọ đánh lừa.

Tuy chiến-đấu trong những tình cảnh khó khăn như vậy, về mặt tình-báo chiến-lược, ông Phan Công Tâm cũng cho rằng miền Nam đã có những thành công nhất định mà ngay bây giờ cũng chưa thể tiết-lộ hết được.  Vì thế nên ông chỉ đưa ra một vài trường-hợp mà giờ đây đã được nhiều người biết đến.

Hội-luận 2: Vai trò của Quân-đội

Sang phần hội-luận 2, Đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã kể lại trận chiến giữa Hải-quân VNCH và Hải-quân Trung-Cộng vào tháng 1 năm 1974.  Ngay trong khi Mỹ đã quyết định không can-thiệp vào chiến-tranh VN nữa, ông Thiệu vẫn đã cho lịnh đánh trả Trung-Cộng để khẳng-định chủ-quyền của ta trên quần-đảo Hoàng-sa.Chính do vậy mà trận Hoàng-sa, tuy thất bại, vẫn là một trang sử đẹp trong lịch-sử Hải-quân VN.

Người quân-nhân thứ hai tham-gia trong hội-luận này là Trung-tướng Lữ Lan.  Trong một bài trình bày bằng tiếng Anh rất lưu loát và gẫy gọn, ông đã nói về trận Tết Mậu Thân và vùng II Chiến-thuật.  Sau đó đến lượt ông Trang Sĩ Tấn trình bầy vì sao mà cuộc Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy của Cộng-quân đã chỉ xảy ra phần Tổng Công Kích mà không có phần Tổng Nổi Dậy, một thất bại lớn của đối-phương.  Đó là vì Cảnh-sát VNCH đã ngăn chặn được hết cả các nút vận-động quần-chúng của địch.

Hội-luận 3: Các lãnh-vực thông tin tuyên-truyền, tư pháp và lập pháp

Sang ngày thứ hai của cuộc hội-thảo, tức sáng thứ Ba, 12/6, ông Nguyễn Ngọc Bích, một người đã gánh vác nhiều chức-vụ về thông tin, từ thời-gian còn phục-vụ ở Toà Đại-sứ Washington, đến khi về VN làm Trung-tâm-trưởng Trung-tâm Dân-vụ, rồi Cục-trưởng Cục Thông tin Quốc-ngoại, và Tổng-giám-đốc Việt Tấn Xã cuối cùng, đã trưng ra được nhiều những trường-hợp phải đương đầu với bọn phản chiến ở Mỹ, với báo chí ngoại-quốc ở Sài Gòn (lúc nào cũng có từ 200 đến 300 ký-giả ngoại-quốc hoạt-động ở VN vào những năm cuối cuộc chiến), rồi cả với những quốc gia không thân thiện với ta.

Thẩm-phán Phan Quang Tuệ đã kể lại kinh-nghiệm cá-nhân của ông như là một luật-gia có lúc làm việc ở Toà Án Tối Cao của VNCH cũng như có lúc đã ra tranh cử thành công để vào Quốc-hội.  Ông cho biết là ngành tư pháp của miền Nam là một ngành được đào luyện tử tế nên có những luật-sư, thẩm phán được đào tạo chính-quy và ngành Tư pháp của miền Nam đã giữ được tính-cách tương-đối độc-lập của mình, không lệ-thuộc vào một đảng phái nào như hệ-thống luật pháp hiện-hành ở VN.  Tóm lại, nền dân-chủ thời bấy giờ ở miền Nam, tuy chưa hoàn-hảo nhưng vẫn tôn trọng nguyên-tắc tam quyền phân lập thực-sự để đảm bao dân-chủ cho người dân.

Cuối cùng là phần trình bầy của cựu Dân-biểu Trần Văn Sơn trong khối Dân-chủ Xã-hội.  Theo ông Sơn thì đối-lập là có thật trong Quốc-hội VNCH tuy rằng đối-lập lúc bấy giờ chưa đủ mạnh để có thể ảnh-huởng nhiều đến chính-sách của nhà nước.  Dầu sao, trả lời một câu hỏi từ cử toạ, ông Trần Văn Sơn cho biết ông hoàn-toàn tự do trong những phát biểu hay chỉ-trích cả chính-phủ của ông hay những khối đối-lập trong Lập pháp.

Hội-luận 4:

Xây dựng xã-hội trong một tình-cảnh chiến-tranh khốc-liệt

Phần cuối cùng của hội-nghị hai ngày đã dành cho tiếng nói của ông Hoàng Đức Nhã và hai vị thứ và tổng-trưởng cũ của VNCH.  Mở đầu, ông Nhã cho rằng người ta dễ quên là ở miền Nam trước năm 1975, vẫn có một xã-hội dân-sự rất phát triển trong đó người dân và nhiều lực-lượng xã-hội khác nhau vẫn đem được sức lực của mình vào việc xây đựng một quốc gia tân-tiến.  Như các tôn-giáo lớn có cả một hệ-thống trường học trên toàn-quốc, như Phật-giáo thì có các trường Bổ Đề, có cả trường đại-học như Vạn Hạnh của Phật-giáo, hay trường Đại-học Đà Lạt của bên Công-giáo, Đại-học An-giang của Hoà Hảo, Đại-học Cao Đài ở Tây-ninh.  Các công-tác cứu trợ hay xã-hội được nhiều cơ-quan tư-nhân đảm trách, như các cô-nhi-viện, các trường khuyết tật, các trường tư trên khắp nước tiếp tay với chính-phủ để lo cho người dân.

Chính vì thế mà những phong trào như Hướng Đạo, Gia-đình Phật-tử hay Thanh Sinh Công đã đóng góp rất đáng kể vào việc huấn luyện tuổi trẻ, tạo cho họ một tinh-thần phục-vụ xã-hội, và giữ được những nề nếp của một xã-hội văn-minh, tân tiến.

Để cho thấy xã-hội miền Nam vẫn thăng tiến không thua gì các nước lân-bang, ông Nguyễn Đức Cường, cựu Tổng-trưởng Kinh tế, đã trình bầy những nỗ lực của chính-quyền kềm lạm-phát, phát triển các ngành nghề (như ta đã làm được xe hơi La Dalat), thậm chí tìm được cả dầu hoả ở gần Côn-sơn.Về mặt tạo cơ-hội bình-đẳng cho người nông-dân, ông Thứ-trưởng Trần Quang Minh đã trình bầy thật hùng hồn về chương-trình “Người Cày Có Ruộng” do Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu chủ-trương và phát động, đem lại được rất nhiều công-bằng xã-hội, chuẩn-bị cho những bước nhảy vọt sau này về sản-xuất nông-phẩm và ngư-nghiệp.

Một cử-toạ rất chuyên-môn

Vì đa-phần những tham-dự-viên đến nghe hai ngày hội-thảo là những giáo-sư hiện đang phụ trách giảng dậy về VN nên những câu hỏi hay đóng góp ý-kiến của họ xem ra rất có chất-lượng, đôi khi làm cho cử-toạ giật mình vì sự hiểu biết của họ.  Chính vì thế mà sự đánh giá sau hai ngày hội-thảo đã được xem là khá cao.  Và không ít người ngỏ ý là muốn được thấy những sinh-hoạt tương-tự trong tương-lai gần, để cho những nhân-chứng cuối cùng còn có cơ-hội chia xẻ với chúng ta những kinh-nghiệm sống thật của họ trong một cuộc chiến lớn, cả đối với lịch-sử VN và lịch-sử Mỹ.

Tâm Việt
DienDanCTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét