Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc (Giao Chỉ), cựu Đô đốc Trần Văn Chơn,
cựu ĐT Trần Thiện Khiêm, cựu TT Nguyễn Khắc Bình tại
Đài Kỷ Niệm các cựu chiến binh San Jose hy sinh tại
Việt Nam. (Photo Mỹ Lợi)
|
Tháng tư, 38 năm sau, cựu thủ tướng Sài Gòn Trần Thiện Khiêm
nói với chính quyền cộng sản Hà Nội: "Các anh trật đường rầy…"
Chuyện ông Tư mắt kiếng.
Tháng tư năm nay 2013, như vậy là đã 38 năm nước mất nhà
tan, tôi mới có dịp gặp gỡ nói chuyện với niên trưởng Trần Thiện Khiêm lần đầu
tiên. Suốt 21 năm ở lính, chỉ biết ông qua tin tức. Có lúc làm việc ngay tại bộ
tổng tham mưu nhưng vẫn xa cách. Ngày xưa báo chí Saigon gọi thủ tướng Việt Nam
là ông Tư mắt kiếng. Tin tức chính thức và chuyện bên lề đều ghi nhận đại tướng
Trần thiện Khiêm là nhân vật quan trọng của các cuộc cách mạng từ cuộc đảo
chánh thứ nhất cho đến cuộc đảo chánh thứ hai. Tiếp theo là các cuộc binh biến.
Lại cũng có tin đồn ông Khiêm là Cần Lao số 1, là con nuôi tổng thống Diệm, người
của CIA và tin đồn cuối cùng là thủ tướng Khiêm sẽ làm tổng thống sau ông Thiệu.
Trong lần gặp gỡ hết sức đặc biệt, vị niên trưởng sinh năm 1925 năm nay 88 tuổi
đã nói rằng xin đừng gọi tôi là đại tướng hay thủ tướng. Chuyện đó xưa rồi. Anh
em gọi tôi là niên trưởng hay gọi thân mật là anh Tư. Đôi mắt ông đã được giải
phẫu, không còn đeo kiếng nữa. Bây giờ ông chỉ là anh
Tư rất thường dân. Không còn là ông Tư mắt kiếng. Tôi chuẩn
bị nhiều câu hỏi để hỏi thăm anh Tư. Toàn chuyện tháng tư…
Chiều chủ nhật thật dài.
Nhờ ông tham mưu trưởng của thời xưa là thiếu tướng Nguyễn
khắc Bình sắp xếp, chúng tôi có dịp tiếp đón 2 vị niên trưởng hết sức cao niên
trong ngày chủ nhật vừa qua. Tinh thần đơn vị trưởng của quân đội vẫn còn trong
huyết quản, chúng tôi làm được một vài thành quả nên rất muốn khoe khoang với
thượng cấp, dù rằng binh nghiệp đã tan hàng, nhưng tình huynh đệ chi binh vẫn
tràn đầy . Hai vị thượng cấp rất xưa cũ là tướng hải quân Trần văn Chơn 93 tuổi
và ông tướng lục quân Trần thiện Khiêm 89 tuổi. Cứ coi như một chuyến thăm tiền
đồn, rất vất vả vào lúc tận cùng của hoàng hôn cuộc đời. Ông Bình cũng đã 82 tuổi
làm tài xế cho 2 niên trưởng. Xe chạy vào khu History Park San Jose gặp ngày đại
hội Cars Show người Mỹ tham dự đông nghẹt. Nhờ xe riêng của Việt Museum ra đón
mở đường có cảnh sát hướng dẫn để quan khách vào thăm vào viện Bảo tàng Thuyền
nhân và Việt Nam Cộng Hòa. Niên trưởng hải quân đã từng đến Museum nhiều lần
nên chỉ thăm viếng tầng dưới rồi ngồi nghỉ. Niên trưởng Khiêm chậm chạp lần bước
lên được lầu 2 chấm dứt với tiếng vỗ tay của anh em. Ông nói là sức khỏe vẫn
OK, ngày uống 7 viên thuốc các loại, nhưng hai chân yếu. Đứng lên và đi lại khó
khăn. Kỳ tới trở lại chắc Việt Museum cần gắn thang máy cho niên trưởng.
Sau Museum phái đoàn đi thăm tượng đài tử sĩ San Jose hy
sinh tại Việt Nam. Lại gặp đúng ngày chủ nhật có trận đấu khúc côn cầu tại HP
Arena San Jose. Xe cộ và người đi bộ tấp nập nên việc đổ bộ khó khăn. May nhờ
anh em hộ tống dẫn các niên trưởng đến với bia đá khắc tên 142 lính Mỹ được gọi
là Sons of San Jose chết cho Saigon. Hàng ngàn người Mỹ trẻ ồn ào đi ngang qua
khu tượng đài để vào vận động trường đã tò mò nhìn thấy các ông già Việt Nam
đang lấy tay sờ vào bia đá đen có tên tử sĩ. Ngậm ngùi nhớ đến chiến trường xưa
tại Việt Nam. Không ai nghĩ rằng có ngày các nhà lãnh đạo Việt Nam một thời,
nay ở tuổi 90 mà còn sống, đứng dưới trời nắng Cali để tưởng niệm những đứa con
trai San Jose. Những thanh niên Hoa Kỳ 20 tuổi, sinh trưởng tại đây 40 năm trước
chết tại nơi xa lạ, gia đình còn bị phản chiến chê cười. Cho đến nay tên tử sĩ
mới đưa ra ánh sáng, và chợt có người lãnh đạo cuối cùng của Nam Việt Nam ghé
thăm trong niềm thương cảm.
Từ giã khu tượng đài, phái đoàn đi đến thư viện Luther King.
Đây là cao ốc 9 tầng, biểu tượng của nền giáo dục cộng đồng tại miền Tây Hoa Kỳ.
Thư viện thành phố kết hợp với trường đại học San Jose State. Việt Museum triển
lãm ở lầu 5, khu văn hóa truyền thống. Từ lầu 4 trở xuống là văn hóa cộng đồng.
Lầu 5 trở lên là khu dành cho đại học. Mỗi tuần có 12 ngàn người thăm viếng.
Khu đại học dành cho 35 ngàn sinh viên ghé lại tham khảo. Trong 40 ngày triển
lãm là dịp sinh viên biết đến thuyền nhân Việt Nam và chiến tranh Việt Nam.
Khai mạc từ tuần cuối của tháng 4. Trải qua ngày quốc hận 30 tháng 4 rồi tiếp đến
là đi hết tháng 5. Tháng 5 của Hoa Kỳ dành cho di dân Á Châu Thái Bình Dương. Tại
đây các vị cao niên của chúng tôi đã thấm mệt. Phải nhờ xe đẩy của thư viện có
4 bánh di chuyển các xếp của tôi thăm viếng khu triển lãm. Quan khách rất ngạc
nhiên khi thấy thư viện vĩ đại 9 tầng lầu với 6 dàn thang máy và 6 đường thang
cuốn. Trên lầu 9 nhìn ra ngoài bao quát thành phố. Phía trong hàng trăm sinh
viên ngồi trước dàn máy tính kín các khu vực. Giữa khu văn hóa lầu 5 là nơi triển
lãm với các tài liệu hết sức đặc biệt.
Tuy còn lưu luyến nhưng các quan khách cao niên của chúng
tôi đã thấm mệt. Ngồi trên xe lăn, vị đô đốc nguyên tư lệnh hải quân Việt Nam
nói nhỏ bên tai. Tàu đã đến bến rồi. Về đi thôi.
Tâm sự với anh Tư.
Chiều thứ hai, chúng tôi có buổi tâm sự riêng với vị thủ tướng
của Việt Nam Cộng Hòa. Các vị lãnh đạo quốc gia từ Bảo Đại, Ngô đình Diệm, Nguyễn
Khánh, Phan khắc Sủu, Nguyễn cao Kỳ, Nguyễn văn Thiệu, Trần văn Hương, Dương
văn Minh, Nguyễn bá Cẩn đều không còn nữa. Thậm chí đến các tư lệnh quân đoàn
vào thời kỳ 75 cũng chẳng còn ai. Các ông Phạm văn Phú, Nguyễn khoa Nam, Nguyễn
văn Toàn, Ngô quang Trưởng đều lần lượt ra đi.
Duy nhất còn thủ tướng Trần thiện Khiêm. Tôi cầm trên tay 1
cuốn ghi chú các điều xin niên trưởng giãi bày cho hậu thế. Ông không trả lời
trực tiếp và rất ngần ngại nói lại chuyện quá khứ. Hỏi về nhân vật, phần lớn
ông nói tốt cho mọi người với lời phê phán rất nhẹ nhàng. Không hề nói điều gì
để gây sóng gió. Khi hỏi đến việc rút quân, tan hàng và những hệ lụy lỗi lầm,
ông đều không muốn đề cập đến. Tóm lại là bao nhiêu thắc mắc về chính trị, về đời
binh nghiệp, về một chiến trường tồi tệ, về cuộc chiến lầm than, niên trưởng của
tôi không muốn nhắc lại. Tuy nhiên, ông vẫn nhận lời dành cho một cuộc phỏng vấn
chính thức trên TV. Có lẽ cũng như các chiến hữu, tôi trộm nghĩ vị niên trưởng
gần 90 tuổi, chuyện cũ ông biết rất nhiều lại không muốn nói đến. Hy vọng gì
ông biết đến chuyện hiện tại trên trường quốc tế đang biến chuyển không ngừng.
Cũng có chút ngại ngần là ông xếp sẽ nói năng không rõ ràng, không theo kịp thời
sự và có thể lạc đề lẩm cẩm. Nhưng chúng tôi vốn kính trọng niên trưởng nên
không nói ra. Cũng chờ xem.
Lên diễn đàn.
Sáng ngày thứ ba 23 tháng 4-2013, chúng tôi đến phòng thu
Dân Sinh. Anh Phạm phú Nam và anh Lê thái Phúc đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi đóng
vai phóng viên già 80 ngồi hỏi chuyện tâm tình vị tư lệnh gần 90 tuổi. Hỏi rằng
niên trưởng quê quán ở đâu. Té ra ông Khiêm gốc là người Bắc. Cụ tổ nguồn gốc họ
Trần từ bên Kiếp Bạc qua sống tại Hải Dương rồi lưu lạc vào Nam lấy vợ gốc Quảng
Ngãi. Dòng họ Trần đã lập nghiệp ở Tân An đến đời thứ tư có được vị thủ tướng
VNCH. Nhưng trước khi lên đến chức vụ lãnh đạo, trung úy Trần thiện Khiêm cũng
chỉ là chàng sĩ quan trẻ tuổi vô danh lấy vợ Rạch Giá. Ông kể rằng khi đổi ra Bắc
ông lên cấp đại úy có gặp lại các ông Nguyễn văn Thiệu, Cao văn Viên lúc đó còn
là trung úy. Tôi có nhắc thêm ông Viên thuộc gia đình gốc Bắc, ông Thiệu gốc miền
Trung, Phan Rang và ông Khiêm là người Nam. Các ông sĩ quan trẻ Bắc Trung Nam
ngày xưa có ai nghĩ sau này trở thành cột trụ của Nam Việt. Anh Tư nói rằng
không ai có thể ngờ được. Niên trưởng tâm sự rằng, thời kỳ cấp úy, đặc biệt
trung úy độc thân là sung sướng nhất. Nhân vui câu chuyện tôi tiếp tục muốn hỏi
lại niên trưởng về chuyện ngày xưa. Chuyện thời ông Diệm, chuyện thời ông Thiệu,
chuyện thời ông Khiêm. Chuyện hiệp định Paris, chuyện rút quân. Biết bao nhiêu
trăn trở, biết bao nhiêu nghi vấn, biết bao nhiêu giận hờn. Lại một lần nữa
niên trưởng Khiêm từ chối. Ông nói rằng sau hơn 30 năm, bao nhiêu là tin tức giải
mật, tài liệu tràn ngập bằng tiếng Pháp, tiếng Tàu, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng
Việt. Đánh vào máy một chữ Trần thiện Khiêm là ra cả ngàn tin tức. Có chuyện
đúng có chuyện sai. Tôi cũng không cần cải chính. Bây giờ tuy tôi già rồi,
nhưng vẫn còn khả năng và tâm huyết muốn nói chuyện hiện tại và tương lai.
Hỏi rằng ông lấy tin tức ở đâu. Ông cho biết vẫn lên Net
hàng ngày. Đọc tin trên các hệ thống Hoa Kỳ. Đọc các bài bình luận, các bài diễn
văn của chính khách. Đọc báo trong nước. Đọc các bài trên diễn đàn dân chủ, các
Bloc chống Cộng. Tóm lại là đọc tất cả. Ông còn nhờ anh em sưu tầm các tài liệu
khắp nơi. Nói chuyện với ông đến đây, tôi hết sức khâm phục. Ngày xưa vốn được
biết tướng Khiêm ít nói. Ông Thiệu tuy thận trọng nhưng vẫn thường lên tiếng.
Ông Kỳ thì hết sức ồn ào. Nhưng lần nầy nhận thấy một niên trưởng Trần thiện
Khiêm khác biệt, rất minh mẫn và có trí nhớ phi thường. Ông không cần giấy tờ,
nhớ hết các ngày tháng và dữ kiện lịch sử.
Nhận định về hiện tình thế giới.
Bỏ qua chuyện quá khứ, chúng tôi mở đầu câu chuyện về hiện
tình thế giới, về nội tình Việt Nam, về chính sách của Hoa Kỳ, về tương lai tuổi
trẻ. Đặc biệt mối quan tâm về ngoại xâm từ phương Bắc, về việc cộng sản Việt
Nam trưng cầu dân ý qua việc sửa đổi hiến pháp. Lần trước ông Khiêm có đề cập đến
việc góp ý với chính quyền cộng sản về việc thay đổi hiến pháp. Có dư luận đả
kích là ngây thơ, có tinh thần hòa giải với cộng sản. Bây giờ ông có ý nói rõ
là ông hoan nghênh các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam từ Phật giáo đến hội
đồng Giám mục đều lên tiếng đáp lời cộng sản mà đòi hỏi viết lại hiến pháp thay
đổ chế độ, xây dựng đa đảng, dân chủ tự do thực sự. Ông nói đó không phải là
hòa hợp hòa giải, đó không phải là ngây thơ tin lời cộng sản. Đây chính là đường
lối đấu tranh chính trị. Đưa ra lời kêu gọi là cộng sản hở đòn. Bên các cha gọi
là chính quyền bị hớ. Tương kế tựu kế phải đáp lời mà phát động phong trào chống
đối. Ông nhấn mạnh rõ ràng. Tôi ủng hộ công cuộc đấu tranh trong nước. Góp ý kiến
cho tài liệu thu hình, ông Nguyễn khắc Bình xin anh Tư nói riêng một đoạn kêu gọi
giới trẻ và đồng bào hải ngoại tiếp tay đốt lửa cho công cuộc đấu tranh quốc nội.
Ông Tư tán thành và cho thu hình. Anh Phạm phú Nam xin niên trưởng có lời nói
trực tiếp với nhà cầm quyền Hà nội. Nguyên thủ tướng VNCH, 88 tuổi đã đồng ý
lên ngay diễn đàn nói trực tiếp với các nhà cai trị cộng sản Việt Nam. Ông nói,
các anh trật đường rầy. Xã hội chủ nghĩa không thể thành công đem đến cho dân tự
do và hạnh phúc. Còn cộng sản sẽ không có tự do dân chủ. Thế kỷ này là thế kỷ của
tự do dân chủ thực sự. Sự sai lầm của các anh sẽ làm đất nước rơi vào tay cộng
sản Tàu. Trung quốc giúp Việt cộng trong chiến tranh không phải là giúp Việt
Nam. Từ khi ký hiệp ước Thiên Tân giao Việt Nam cho Pháp là Tàu coi như tạm
giao một xứ chư hầu cho Tây Phương. Người Tàu từ xưa đến nay luôn luôn coi Việt
Nam là một phần của Trung quốc. Các anh không sớm chuyển hướng đất nước về với
tự do dân chủ thực sự thì Việt Nam sẽ bị lệ thuộc Tàu. Bằng một giọng nói rất mạnh
mẽ và rõ ràng, vị cựu thủ tướng họ Trần trải qua thời gian dài trên đất khách
quê người, nay đã tìm lại được những lời chỉ dạy của các vị vua nhà Trần cả
ngàn năm trước. Ông chỉ cần nhắc lại mà thôi. Sau cùng ông cho biết, trải qua lịch
sử Việt Nam, thần tượng anh hùng của ông là vua Quang Trung. Người đã đại thắng
quân Thanh trong trận Đống Đa ngoài Bắc và thắng quân Xiêm trong trận Rạch Gầm
trong Nam. Ông cũng bầy tỏ ghi ơn các vị anh hùng nhà Nguyễn đã mở nước Nam tiến
cho chúng ta có đưọc giải non sông gấm vóc ngày nay. Toàn bộ nội dung buổi nói
chuyện sẽ được Dân Sinh media San Jose đưa lên TV, Radio và báo chí nhân ngày
quốc hận 2013.
Đoạn kết cho niên trưởng.
Trong một gian phòng thu hình đơn giản vào chiều tháng tư 38
năm sau, là hình ảnh một ông già Tiền Giang gần 90 tuổi vẫn còn trăn trở với
quê hương và tiền đồ dân tộc. Ông nói đi nói lại về sự sai lầm của lý thuyết
Mác Lê, chuyến xe trật đường rầy của xã hội chủ nghĩa. Con đường trở lại Á Châu
của Hoa Kỳ qua bài diễn văn 3 điểm của Obama trên đất Úc ngó xuống Thái Bình
Dương. Ông ước mơ đất nước hồi sinh như Miến Điện. Ông mong ước Việt Nam có một
mùa Xuân Ả Rập. Và ông lo lắng thực lòng về hiểm họa Bắc phương. Không còn thấy
hình ảnh của vị thủ tướng 4 sao của thời xưa oanh liệt. Con người từng cứu giá
Ngô tổng thống, kiến trúc sư của cuộc cách mạng tháng 11, đại sứ tại Hoa Kỳ, đối
ẩm với Tưởng Giới Thạch tại Đài Bắc, tổng tham mưu trưởng quân lực, rồi thủ tướng
VNCH. Bây giờ chỉ còn là anh Tư bình dị hiền lành với mọi người nhưng hết sức
sôi nổi khi nói đến tương lai đất nước. Ông Tư Khiêm, qua cuộc sống lưu vong đã
trải qua hơn 10 năm vất vả đích thân nuôi vợ vì tai nạn bà phải nằm bất động
trên giường. Trong suốt thời gian dài, ông đọc tài liệu để suy ngẫm về thế sự
và ngộ được những bước đi của chính trị toàn cầu. Nhưng sau cùng ông cũng chỉ
mơ ước được sống mãi trong tuổi hoa niên thời trung úy độc thân khi mới vào đời.
Phải mà được sống lại, chúng ta ai cũng sẽ sống tử tế hơn để có thể làm những
điều tốt đẹp hơn cho đất nước và dân tộc. Ông Tư Khiêm của miệt vườn Tân An
cũng mong như thế. Đó là nơi quê hương mà ông sẽ không bao giờ gặp lại…
Giao Chỉ, San Jose.
Này ông Tư Khiêm cùng quý vị VIP một thời vang danh của hậu bán thế kỷ trước hãy nhận nơi đây lòng trân trọng của một người trong thế hệ hậu sinh mang nhiều lo lắng và suy tư về tương lai đất nước trước biến cố 30/4 và hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc.
Trả lờiXóaDanh từ nào xứng đáng cho những cấp lãnh đạo đã bỏ quân, dân chạy ra hải ngoại lúc miền Nam đang lâm nguy ?
Trả lờiXóaBIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG MỸ BỎ MIỀN NAM VN CÚP VIỆN TRỢ TRONG KHI CỘNG SẢN LẠI NHẬN ĐỦ VIỆN TRỢ CHI VIỆN KHỔNG LỒ TƯ 2 NƯỚC TRUNG QUỐC VÀ LIÊN XÔ CHO NÊN BẢO TOÀN HỆ THỐNG LẢNH ĐẠO LÀ ĐIỀU CƠ YẾU VHỜ CƠ HỘI PHỤC DỰNG LẠI GIANG SƠN ĐÓ MỚI ĐÚNG LÀ CHÍ CỦA KẺ SỈ RẤT TRÂN TRỌNG NHỮNG TƯỚNG LẢNH CỦA VNCH TỰ DO
Trả lờiXóaNHỮNG NGƯỜI QUẢN LÝ TRANG MẠNG CỦA ĐÀI VOA CÓ VẤN ĐỀ KHI NHỮNG Ý KIẾN NÓI VỀ TỘI ÁC CỘNG SẢN THƯỜNG BỊ XOÁ SẠCH
Trả lờiXóasâu khấu đã hạ màn
Trả lờiXóa