26/4/13

Để ngày 30/04 không còn là ngày quốc hận

Tấn Hà

Tác giả gửi đến DienDanCTM

Chiến tranh đã đi qua 38 năm – một quãng thời gian không nhỏ của đời người. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ phải nguôi ngoai. Nỗi hận dẫu có ngút trời rồi cũng sẽ bị thời gian chôn giấu. Trong lịch sử đầy biến động, nhiều quốc gia đã xuất hiện và vụt mất bởi chiến tranh giặc giã. Nhưng làm thế nào để có thể quên đi quá khứ đau thương?
Ngày 30/04 chắc chắn là Ngày quốc hận của toàn thể nhân dân Việt Nam. Sau chiến tranh, người ta nói “triệu người vui, triệu người buồn”. Nhưng điều đó nay không còn đúng nữa, ngày nay mỗi dịp 30/04 về, người ta thấy “triệu người buồn và triệu người rầu”. Đặc biệt, ở trong nước, không mấy ai còn mặn mà với ngày này vì nhiều lẽ. Và có lẽ lý do nổi bật nhất là những cựu chiến binh “nam tiến” khi xưa đã kịp nhận ra sai lầm của mình rằng họ đã bị lừa cuốn theo một cuộc chiến hoàn toàn vô nghĩa!


Khi cầm súng ra trận, người ta sẵn sàng hy sinh vì nhân danh những điều cao quý: Cứu nước, độc lập, tự do, hạnh phúc… Nhưng rốt cuộc, những điều cao quý chẳng thấy đâu, cái mà họ giành được lại là sự bất công, mất dân chủ, mất tự do, mất quyền sống. Sự băng hoại, tha hóa, kém cỏi của một nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã đẩy đất nước vào một tình cảnh bi đát, tan hoang, suy sụp. Những người có trách nhiệm, nắm được tin tức, bàng hoàng nhận ra là chính họ đã trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến không đáng có, và bản thân họ vừa là nạn nhân vừa là kẻ tội đồ…

Thực ra người cần được giải phóng lại chính là những người cầm súng nam tiến khi xưa. Nếu như ngược lại, Miền Bắc bị thất thủ, Miền Nam giành quyền thống nhất đất nước thì bối cảnh Việt Nam hôm nay đã khác một trời một vực với thảm trạng hiện có. Lấy ví dụ đối chứng như Hàn Quốc hay Tây Đức thì ta đã chắc chắn tin vào điều đó. Không ai khác Việt Nam Cộng Hòa khi xưa đã từng là một nước phát triển mạnh nhất Đông Nam Á, với danh hiệu “hòn ngọc Viễn Đông” được đặt thành tên cho thủ đô Sài Gòn.

Tất cả mọi sai lầm đều có nguyên do. Nhưng đối với người dân Việt Nam thì nguyên nhân quan trọng nhất, đó chính là việc họ đã trao nhầm lòng tin vào tay một nhóm thiểu số đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) vô tích sự, ngu dốt, cực đoan và lười biếng. Chủ thuyết “giai cấp công nhân lãnh đạo” chỉ là khẩu hiệu lừa bịp của những kẻ tiếm quyền. Còn thời hiện đại, người ta không thể nào chấp nhận những con người thiếu tầm nhìn, thiếu hiểu biết, thiếu trang bị kiến thức khoa học xã hội, đặc biệt là thiếu tinh thần tự do dân chủ lên nắm quyền điều hành đất nước.

Thật vô lý khi một anh trình độ tiểu học như Hồ Chí Minh lại lên làm chủ tịch nước, một anh vốn hành nghề hoạn lợn như Đỗ Mười lại làm đến chức tổng bí thư, một anh y tá đào tạo thậm chí còn vội vàng và sơ sài trong chiến tranh như Nguyễn Tấn Dũng lại lên làm thủ tướng. Người xưa nói “nhân bất học bất tri kỳ lý” quả không sai. Nếu có một cuộc thanh tra công bằng thì hầu hết các vị trí đầu não quan trọng của ĐCSVN tại các chức vụ từ tổng bí thư, chủ tịch nước, các bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành ở Việt Nam đều có thể khó đạt chuẩn phổ thông trung học chứ chưa dám mơ đến các học vị cử nhân, tiến sĩ…

Sở dĩ các đảng viên ĐCSVN giữ được vị trí cầm quyền mấy chục năm qua là vì họ đã áp dụng những thủ đoạn rất cổ điển nhưng lại dễ qua mặt được những người dân cả tin. Họ cho rằng vì công (!) của họ lãnh đạo đất nước nên đất nước mới có ngày “ba mươi tháng tư”, mới có được độc lập. Đó cũng là lý luận của họ khi cố tình áp đặt quyền cầm quyền tuyệt đối và lâu dài của họ trong chính bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này tại Điều 4.

Ngày nay người ta đã thấy rõ không phải như vậy! Cả dân tộc Việt Nam bị đẩy vào con đường phải hy sinh quyền lợi bản thân, thậm chí là sẵn sàng và đã hy sinh cả núi xương sông máu để giành lại cái độc lập mà họ bị tuyên truyền là đã mất. Vì vậy không những phải khẳng định đất nước này là của toàn thể người Việt, toàn thể nhân dân Việt Nam chứ không thể là của ĐCSVN, mà còn phải đặt lại vấn đề về sự lừa bịp của ĐCSVN – nhân danh mục tiêu độc lập dân tộc để bành trướng chủ nghĩa cộng sản quốc tế.

Ngay cả trong một cuộc chiến tranh cứu nước thực sự thì trách nhiệm cầm súng chiến đấu là quyền và nghĩa vụ chung, ĐCSVN không là ngoại lệ. Mỗi cá nhân trong ĐCSVN cũng chỉ là một công dân riêng lẻ. Họ không thể lấy cái trách nhiệm bắt buộc và bình thường là bảo vệ tổ quốc ra để cho rằng đó là công lao của mình. Thực tế nếu điều đó là sự thật (cứu nước) thì ĐCSVN cũng chỉ mới hoàn thành nghĩa vụ công dân mà thôi.

Hiện nay, tiếp bước những tiếng nói đa nguyên dân chủ từ hàng chục năm qua, rất đông nhân sĩ trí thức, các học sinh sinh viên, và mọi thành phần xã hội đã đứng lên cất tiếng phản đối và phản kháng cái gông cùm độc tài cứ tiếp tục tù hãm đất nước trong lạc hậu. Họ dám làm những điều đó vì họ đã có đủ kiến thức trong tay về lịch sử. Họ hiểu ngày 30/04 là một ngày đau thương. Mặc dù họ cũng mong muốn đất nước thống nhất nhưng phải bằng con đường hòa bình không đổ máu. Họ dám nhận diện cái hay từ mọi phía, đặc biệt là lòng trân quí những hy sinh của các chiến sĩ hải quân thuộc cả Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong nỗ lực cố gắng bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa trước dã tâm xâm lược của Trung Cộng.

Trong lịch sử nhiều đớn đau quằn quại để lập nước và mở rộng bờ cõi, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tàn khốc. Mỗi cuộc chiến đều để lại những nỗi đau hận như những vết thương rỉ máu. Đọng lại trong ta những điệu Ca Huế ai oán, những Tháp Chàm sừng sững buông xuôi, những Cửu Long cuộn sóng… Nhưng những điều đó nay đã phôi pha theo dòng thời gian và đi vào lịch sử.

Vậy ta phải làm gì để ngày 30/04 không còn là ngày quốc hận nữa? Người ta không thể nuốt hận khi không nhận được sự trả giá công bằng. Một người bị oan sẽ nhẹ lòng khi được minh oan và bồi thường danh dự. Muốn có được điều đó cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa, mà cụ thể là hàng trăm ngàn các quân cán chính của họ còn đang sống tại Việt Nam và lưu lạc nơi chân trời góc bể, cần được minh oan.

Liệu ĐCSVN có muốn làm điều trên hay không thì phải nói ngay rằng không! Nội việc công khai trận hải chiến Hoàng Sa bi hùng năm 1974 của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ tổ quốc trước quân xâm lược Trung Quốc, cũng đã là một điều khiên cưỡng. Vậy thì không bao giờ ĐCSVN chịu nhận tội xâm lược trước vong linh những chiến sĩ đã ngã xuống cả hai bên chiến tuyến (1954 – 1975), trước những gia đình đã tan nát vì chiến tranh, và trước hồn thiêng ngàn đời sông núi Việt Nam.

Chỉ có con đường duy nhất mà đại chúng nhân dân ngày nay đang chọn (công khai hoặc còn ngấm ngầm), đó là phải xóa bỏ sự cầm quyền trái phép của ĐCSVN. Chưa bao giờ - trong suốt 38 năm qua – cơ hội lại đến với người dân Việt Nam yêu hòa bình dân chủ và tự do lại rõ ràng như lúc này: Quốc tế đang ủng hộ mạnh mẽ cho việc dân chủ hóa Việt Nam, nội bộ ĐCSVN chia rẽ sâu sắc, nhân dân chán chường chế độ thối nát phi dân chủ, giặc ngoài nhòm ngó giang sơn, xã tắc trào sôi khát vọng tự do dân chủ, nhân quyền, đổi mới…

Muốn có được thành quả như mong ước, những người đấu tranh phải làm gì? Phải đấu tranh có phương pháp và có tổ chức – ĐCSVN sợ nhất là sự kết hợp của số đông. Đó cũng chính là lý do vì sao mặc dù họ vẫn cho mở cửa Internet và làm ngơ những tiếng nói phản đối đơn lẻ, nhưng thẳng tay kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cho những nhà đấu tranh có liên kết với nhau, và quyết tâm triệt hạ các tổ chức đấu tranh, nhất là các tổ chức đấu tranh có thực lực.

Vậy cái gì có thể đoàn kết và gắn kết những người đấu tranh với nhau? Không gì khác hơn là cùng hướng vào một mục đích tranh đấu! Tất cả những người có cùng mục đích đều dễ dàng cảm thông và sát cánh. Chưa bao giờ và ở đâu các tôn giáo (vốn là cái khó chấp nhận nhau nhất vì giáo lý và giáo luật) như ở Việt Nam lại sẵn sàng bắt tay nhau. Hiện nay ta đã thấy Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành.., hiệp thông với nhau, đó là những tín hiệu rất tốt!

Người ta cũng còn lác đác thấy những chuyện chống phá nhau hay nhẹ hơn là đối lập nhau về quan điểm trên mạng Internet. Nhưng những cái đó chính là sự đa nguyên. Người ta cũng nên biết “sống chung với lũ” đó là chấp nhận trên mạng Internet, hay ngay cả trong phong trào đấu tranh chung có sự hiện diện một cách tinh vi của an ninh do ĐCSVN “đánh” vào nhằm phá hoại phong trào từ bên trong. Nhưng chắc chắn sự sàng lọc thông qua những cọ sát đa nguyên bằng những phán bác, phản biện và phản phản biện, sự đúng đắn sẽ được công nhận và mọi thủ đoạn dù tinh vi đến mấy rồi cũng sẽ phải bị phơi bày…

Tại sao chúng ta – những người tranh đấu vì một sự thật và nhân quyền tự do – lại cần đến cái mà ĐSCVN sợ nhất, đó là những tổ chức? Lý do quan trọng nhất, đó là chỉ khi cùng đứng trong một tổ chức thì những bất đồng mang tính đa nguyên mới được dung hòa, đặc biệt là chỉ khi có tổ chức thì người ta mới lãnh hội được những kỹ năng, chiến thuật, chiến lược và phương pháp hành động có khoa học nhất. Một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là một khi quốc tế muốn hỗ trợ người đấu tranh về các mặt thì họ chỉ tìm đến các tổ chức chứ không ai lại tìm đến các cá nhân, nếu có việc đó thì chỉ là các động thái xã giao để tìm hiểu thực trạng nhân quyền mà thôi.

Cứ đi rồi sẽ đến! Nếu chúng ta cứ ngồi “ôm vết thương mà lòng đớn đau” như một bài ca nào đó thì muôn thủa vẫn vậy. Thời cơ ngàn năm có một đã đến: Chưa bao giờ quốc tế lại quan tâm đến vấn đề tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam như hiện nay, chưa bao giờ ĐCSVN lại bùng phát nhiều mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc không thể che đậy vì các (băng) nhóm lợi ích như lúc này, nhu cầu liên kết với các nước lớn để bảo vệ Giang sơn, xã hội bừng bừng giận dữ vì những bất công ngút trời dậy đất. Đó chính là cơ hội để ngày 30/04 không còn là ngày quốc hận vì mọi ân oán hận thù sẽ được gỡ bỏ khi chế độ độc tài sụp xuống và chân trời tự do dân chủ rộng mở trước mặt người dân Việt Nam ...

Tấn Hà


1 nhận xét:

  1. Toàn dân đã kinh qua ngày lịch sử đen tối nhất của dân tộc: 30/4/75. Ngày này được đặt tên như thế nào, hãy để lịch sử dân tộc quyết định sau này khi có một chế độ mới do toàn dân có thực chất lãnh đạo ra đời. Riêng chúng ta đang ở thời điểm mà cơ hội của toàn dân đang trên đà từng bước giành lấy lại tự do dân chủ đã bị tước đoạt từ nhiều thập niên qua. Giờ đây hãy bình tâm chiêm nghiệm: Lý do nào đã xảy ra ngày đen tối này? Đó mới là tiền đề cho sự sống còn của một quốc gia có thực quyền trên danh nghĩa dân chủ tự do. Bỏ điều 4 HP hiện tại là điều toàn dân hãy cùng chung lưng đấu cật khẩn cấp để xóa tan ngày đen tối này!

    Trả lờiXóa