Hôm 21-4-2013 vừa qua, gia đình blogger Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải, trong lần thăm viếng vào dịp tròn 5 năm kể từ ngày ông bị bắt giam, đã bị công an trại giam cố tình cản trở việc thăm gặp.
Vào ngày nói trên, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu
Cày cùng con trai là anh Nguyễn Trí Dũng sau khi đã vượt hàng trăn cây số đến
trại giam Xuyên Mộc làm thủ tục thăm nuôi định kỳ, nhưng công an đã viện lý do
không chính đáng để từ chối và làm khó dễ gia đình. Phản đối trước việc làm sai
pháp luật của công an trại giam K3, Xuyên Mộc, bà Tân quyết đấu tranh đòi cho được thăm nuôi
người thân thì bị công an trại giam hành xử một cách thô bạo. Tiếp tục phản đối việc làm sai trái này của công an cán bộ trại giam, hôm nay 25-4, gia đình một lần nữa đã làm đơn khiếu nại đích danh Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Hữu, Đại Úy Phạm Văn Huyên, Thượng Sĩ Nguyễn Văn Quân.
Được biết, blogger Điếu Cày đã đang bị biệt giam gần 3 tháng
qua trong trại giam Xuyên Mộc. Ông bị khởi tố bắt giam kể từ ngày 21/4/2008 tới
nay tính ra đã tròn 5 năm với những tội danh áp đặt không rõ ràng, mà lý do chính
chỉ vì ông dám mạnh dạn đứng lên chống Trung quốc xâm lược.
Dưới đây là nôi dung Đơn khiếu nại của gia đình blogger Điếu Cày Nguyễn
Văn Hải:
*
Ngày 25 tháng 4 năm 2013
ĐƠN KHIẾU NẠI
Về những việc làm trái pháp luật, lợi dụng chức vụ quyền hạn xâm
phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tù nhân và thân nhân đi thăm nuôi của các
cán bộ quản lý phân trại K3 trại Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
I. NGƯỜI KHIẾU NẠI:
Tôi tên là Nguyễn Trí Dũng. Sinh năm: 1986 Số CMND: 024208493
cùng mẹ tôi là Dương Thị Tân. Sinh năm: 1958 Số CMND:
Thường trú tại: 57/31 Phạm Ngọc Thạch Phường 6 Quận 3 TP. HCM
Là thân nhân của tù nhân Nguyễn Văn Hải - sinh năm 1952 hiện đang
thi hành án phạt tù tại phân trại K3 Xuyên Mộc (T345) với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” điều 88 bộ luật hình sự.
II. ĐỐI TƯỢNG BỊ KHIẾU NẠI:
- Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Hữu
- Đại Úy Phạm Văn Huyên
- Thượng Sĩ Nguyễn Văn Quân.
Nguyên là các cán bộ tiếp dân kiêm cán bộ tổ chức thăm gặp tại
phân trại K3 Xuyên Mộc (T345-Bà Rịa Vũng Tàu).
III. NỘI DUNG:
1) Vi phạm về thời hạn thông báo cho thân nhân
về việc tiếp nhận người thi hành án tù
- Ngày 7 tháng 2 năm 2013 mẹ tôi và tôi lên đường đi Bố Lá (Bình
Dương) và hoàn toàn bất ngờ khi biết tin cha ruột tôi là ông Nguyễn Văn Hải đã
bị chuyển trại ngày 1 tháng 2 năm 2013 đến trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng
Tàu). Ngày 8 tháng 2 năm 2013 mẹ tôi và tôi đến trại Xuyên Mộc và phải mất gần
2 tiếng đồng hồ mới tìm được cha tôi là ông Nguyễn Văn Hải đang bị giam tại
phân trại K3. Cho đến tận ngày 2 tháng 3 năm 2013, gia đình tôi mới nhận được
thông báo của trại Xuyên Mộc về việc “ông Hải vào chấp hành án phạt tù tại trại giam Xuyên Mộc và chưa
đóng án phí 400.000 VNĐ” ký bởi Phó giám thị trại
là Thượng Tá Đỗ Công Vụ. Mặc dù trên Thông báo đề ngày 1 tháng 2 năm 2013 nhưng
trên phong bì chuyển phát nhanh còn đóng dấu ngày 16 tháng 2 năm 2013. Như vậy
ngoài sự nhập nhằng ở ngày tháng của Thông Báo, ở đây đã có sai phạm về thời
hiệu thông báo cho thân nhân của người thi hành án phạt tù theo điều 26 khoản 3
Luật Thi Hành Án Hình Sự (LTHAHS) là, gây tổn thất về thời gian và tiền bạc cho
thân nhân đi thăm nuôi.
(Trích Điều 26: Tiếp nhận người chấp hành án phạt tù: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp
nhận người chấp hành án, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, thân
nhân của người chấp hành án phạt tù biết và báo cáo cơ quan quản lý thi hành án
hình sự.)
2) Không phát hành nội quy, quy chế trại giam
- Từ những ngày đầu tiên bước vào trại, cha ruột tôi là ông Hải đã
đề nghị các cán bộ cung cấp nội quy định của trại giam cụ thể là Thiếu Tá
Nguyễn Ngọc Hữu. Cho đến nay ông Hải đã yêu cầu rất nhiều lần nhưng không được
đáp ứng. Việc không cung cấp nội quy, quy chế trại cho người tù và chỉ sửa dụng
quy chế miệng là sai phạm rõ ràng và cơ bản nhất mở đầu cho hàng loạt các vi
phạm sau đây.
3) Ép buộc người tù từ bỏ tư trang và đồ dùng
cá nhân
- Ngày 8 tháng 2 năm 2013, trong lần thăm gặp đầu tiên tại trại
Xuyên Mộc. Các cán bộ trại K3 đã ép ông Hải phải gửi những đồ đạc tư trang (đã
mang theo suốt 5 năm, qua hơn 7 trại giam) cụ thể là sách, báo (tuổi trẻ, thanh
niên, pháp luật), chăn mền, khăn, quần áo, tập vở trắng, bút bi. Với lý do là “Trong nhà giam đã có những thứ cần thiết”. Điều đáng nói là các cán bộ trại K3 không cho
ông Hải “gửi trại giam” như điều 26 khoản 2 mục (a)
quy định đối với đồ dùng tư trang chưa dùng đến, cũng như không giải thích một
cách hợp lý là những đồ vật đó thuộc danh mục cấm đem vào trại giam nào như
điều 26 khoản 2 mục (c) quy định. Mà chỉ một mực bắt phải gửi về cho gia đình nếu không sẽ bị
cưỡng chế tịch thu.
4) Ngăn cấm gửi báo chí
- Cùng với sự việc trên, việc ngăn cấm thân nhân gửi báo chí cho
ông Nguyễn Văn Hải diễn ra quyết liệt. Các cán bộ phân trại K3 Xuyên Mộc cụ thể
là Đại Úy Phạm Văn Huyên thường xuyên kéo báo chí ra khỏi những đồ đạc thăm
nuôi và gạch bỏ mục báo chí trong giấy kê quà của ông Hải ngay tại chốt tiếp
dân mà không cần phải kiểm duyệt cũng như giải thích cho thân nhân ông Hải được
biết báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động thuộc danh mục cấm nào do Bộ công
an và Bộ quốc phòng quy định. Cán bộ Huyên nói “trong trại giam đã có đầy đủ sách, truyện, báo chí nên không cần
gửi báo chí nữa”. Những lời nói đó đã
được làm rõ ngay trong cuộc gặp ngày 24 tháng 3 năm 2013. Cha tôi đã khẳng định
hoàn toàn không có truyện, sách, báo chí nào ngoài 3 số báo Nhân Dân ông được
trại phát từ ngày bước vào trại cho đến nay (gần 2 tháng). Hơn nữa, việc trại
giam có trang bị sách báo, tạp chí, truyện hay không cũng không thể lấy làm lời
giải thích cho việc loại bỏ sách báo của nhà nước xuất bản ra khỏi danh mục đồ
thăm nuôi của thân nhân ông Hải được. Cũng trong buổi thăm gặp ngày 24 tháng 3
năm 2013 cha tôi là ông Hải đã phản đối với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hữu “Không có trại giam nào, luật nào cấm tù nhân
đọc báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ cả”. Thì cán bộ Hữu đáp “Cũng không có luật nào yêu cầu chúng tôi phải cho phép anh đọc
báo cả. Anh có thể khiếu nại.” Câu trả lời của cán bộ Hữu là thiếu hiểu biết luật pháp và
có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn xâm phạm lợi ích hợp pháp của người
chấp hành án cụ thể là Điều 46 Khoản 2 LTHAHS.
(Trích Điều 46: Chế độ gặp thân nhân và nhận quà của phạm
nhân: Khi gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác, phạm nhân
được nhận thư, tiền mặt, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm. Đối với tiền
mặt, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện quản lý. Việc quản lý, sử dụng đồ vật, tiền mặt của phạm nhân
được thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này.)
Việc ngăn cấm thân nhân gửi bất kỳ loại báo giấy nào và cấm người
tù đọc bất kỳ loại báo nào khác ngoài báo Nhân Dân trong trại giam mà không cần
phải kiểm duyệt và cho biết lý do chính đáng đã vi phạm một loạt các chính sách
của nhà nước về quyền lợi của người chấp hành án phạt tù được quy định nhiều
lần và lặp đi lặp lại tại các Điều 28 khoản 1 và 2; Điều 44 Khoản 1 và 2
LTHAHS; Điều 12 Khoản 3 Nghị Định Số 117/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2013
của Chính phủ.
5) Biệt giam
- Từ ngày đầu bước vào trại giam ngày 1 tháng 2 năm 2013, Cha ruột
tôi là ông Nguyễn Văn Hải đã bị các cán bộ phân trại K3 Xuyên Mộc biệt giam tại
1 khu phòng giam riêng. Mặc dù đã nhiều lần phản đối nhưng cho đến lần gặp mặt
gần nhất ngày 24 tháng 3 năm 2013 ông Hải vẫn báo với gia đình rằng tình trạng
biệt giam vẫn chưa hề thay đổi. Việc làm này được cán bộ Hữu cho rằng “không phải biệt giam mà là Giam Riêng, vì loại
phạm nhân chính trị như ông Hải hiện giờ ở đây chỉ có một.” và dẫn Điều 27 Khoản 4 LTHAHS để trả lời cho
quyền được phân loại người tù và “giam riêng” của trại giam. Một lần nữa Thiếu Tá
Nguyễn Ngọc Hữu thể hiện sự hạn hữu về pháp luật và không đủ tư cách để là một
cán bộ tiếp dân và tổ chức thăm gặp. Nếu đủ tư cách và am hiểu pháp luật thì
việc cố tình viện dẫn luật để khuất lấp quyền lợi của người tù chính là lợi
dụng quyền hạn xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp
hành án tại Điều 27 khoản 2 LTHAHS ; Điều 9 Khoản 2 trong Nghị Định Số
117/2011/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2011.
(Trích Điều 27: Giam giữ phạm
nhân
1. Trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân như sau:
a) Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù trên 15 năm, tù
chung thân, phạm nhân thuộc loại tái phạm nguy hiểm;
b) Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù từ 15 năm trở
xuống; phạm nhân có mức án tù trên 15 năm nhưng có kết quả chấp hành án tốt, đã
được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 15 năm.
2. Trong các khu giam giữ quy định tại khoản 1 Điều này, những
phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng:
a) Phạm nhân nữ;
b) Phạm nhân là người chưa thành niên;
c) Phạm nhân là người nước ngoài;
d) Phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy
hiểm;
đ) Phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm
mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời
gian chờ quyết định của Tòa án;
e) Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại
giam.
4. Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và
sinh hoạt. Căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân
của phạm nhân, kết quả chấp hành án, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam
quyết định việc phân loại, chuyển khu giam giữ.
Trích Điều 9. Chế độ ở của phạm nhân
1. Việc giam giữ phạm nhân được thực hiện theo quy định tại Điều
27 Luật Thi hành án hình sự và quy định tại Nghị định này.
2. Phạm nhân được ở theo buồng giam tập thể, trừ các trường hợp
quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự.
Chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân là 02 mét vuông (2 m2), có bệ gạch
men, ván sàn hoặc giường. Đối với phạm nhân có con nhỏ ở cùng thì được bố
trí chỗ nằm tối thiểu là 03 mét vuông (3 m2), có bệ gạch men, ván sàn hoặc
giường.)
Việc trích dẫn luật một cách mập mờ và (cố tình) tỏ ra thiếu hiểu
biết pháp luật nhằm bỏ qua quyền lợi hợp pháp của người tù của cán bộ phân trại
K3 Xuyên Mộc là vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, khi vận dụng quyền
phân loại và chuyển khu giam giữ (Điều 27 Khoản 4) để biện hộ cho việc đã biệt
giam ông Hải ròng rã gần 3 tháng nay. Điều 27 Khoản 4 không hề có một câu, chữ
nào cho phép hoặc cán bộ có quyền biệt giam hay “giam riêng” để phân loại phạm
nhân. Những trường hợp phải biệt giam hoặc “giam riêng” đã được quy định riêng
biệt và rõ ràng trong cùng Điều 27 và ở Khoản 2 LTHAHS. Sau này đã tiếp tục
được bổ sung làm rõ hơn bởi Điều 9 trong Nghị Định 117/2011/NĐ-CP.
6) Hạn chế thời gian thăm gặp
- Trong tất cả những lần thăm gặp ông Hải tại phân trại K3 Xuyên
Mộc, một lần duy nhất tôi được gặp cha tôi hơn 15 phút. Còn lại đều chỉ 10 phút
hoặc ít hơn, khi tôi cùng cha tôi là ông Nguyễn Văn Hải phản đối thì các cán bộ
Phạm Văn Huyên nói “Phạm nhân mỗi tháng
được gặp thân nhân 1 lần, mỗi lần không quá 1 tiếng. Như vậy tùy theo tình hình
thăm gặp mà chúng tôi bố trí cho gặp từ 1 phút đến không quá 60 phút. Miễn sao
dưới 1 tiếng là không vi phạm”. Như vậy cùng với việc không cung cấp quy định, quy chế trại giam
cụ thể về thời gian thăm gặp và việc LTHAHS không có quy định cụ thể về thời
gian thăm gặp tối thiểu. Các cán bộ quản lý phân trại K3 Xuyên Mộc đã lợi dụng
để thực hiện hành vi hạn chế thời gian thăm gặp của ông Hải với thân
nhân.
7) Những chế độ khác của người tù bị loại bỏ
không lý do
- Người tù khi chấp hành án hình sự ngoài những chế độ giam giữ
tập thể, học tập, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, xem tin
tức thời sự, nghe đài còn được hưởng chế độ gửi thư mỗi tháng hai (2) lần và
gọi điện thoại mỗi tháng một lần không quá năm (5) phút quy định tại Điều 47
LTHAHS. Những thắc mắc của tôi với cán bộ tiếp dân trại về vấn đề này đều bị lờ
đi và không trả lời.
- Cha ruột tôi là ông Nguyễn Văn Hải đang gặp vấn đề về chèn ép
dây thần kinh cột sống gây căng gân chân và đau đớn khi cử động. Hiểu rõ cơ thể
mình bất thường, ông Hải đã nhiều lần thông báo với cán bộ trại biết là “chỉ uống thuốc của trại phát không thấy thuyên
giảm”. Nhưng cho đến thời
điểm này gia đình chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ trại giam về việc đưa
ông Hải đi khám chữa bệnh theo quy định tại Điều 48 Khoản 2 LTHAHS.
(Trích Điều 48: Chế độ chăm sóc
y tế đối với phạm nhân
2. Phạm nhân bị ốm, bị thương thì được khám và điều trị tại cơ sở
y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở chữa bệnh cấp huyện. Trường
hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của các
cơ sở chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở chữa bệnh cấp tỉnh, bệnh viện quân
đội hoặc bệnh viện trung ương để điều trị; trại giam, trại tạm giam, cơ quan
thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải thông báo cho thân nhân hoặc đại
diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát
thuốc, bồi dưỡng do cơ sở chữa bệnh chỉ định.)
8) Cán bộ tiếp dân thiếu tư cách, vô trách
nhiệm, vượt quyền hạn, và xúc phạm nhân phẩm công dân
- Ngày 24 tháng 3 năm 2013, Mẹ tôi là bà Dương Thị Tân đề nghị Đại
úy Phạm Văn Huyên trực tiếp dân trả lời về cách thực hiện xin thăm gặp ông
Nguyễn Văn Hải theo Điều 46 bổ sung và có hiệu lực ngày 1 tháng 7 năm 2011. Thì
cán bộ này nói “giải quyết sau”. Mẹ tôi yêu cầu cán bộ này sau khi tổ chức thăm
gặp xong phải hướng dẫn và trả lời những thắc mắc liên quan thì cán bộ này tiếp
tục nói “chị là ai mà yêu cầu tôi”. Sau khi thăm gặp cán bộ này đã không ra
ngoài bàn tiếp dân nữa mà để cho một cán bộ khác là Thượng sĩ Nguyễn Văn Quân
trực thay, buộc lòng mẹ tôi phải nhờ cán bộ Quân tư vấn về “ngày đi thăm gặp sớm hơn hoặc trễ hơn có được
không?” thì cán bộ này trả lời “miễn sao mỗi tháng một lần, sớm hơn hay trễ hơn
vẫn được”.
Thể theo lời hướng dẫn, tôi và mẹ lên trại để tiến hành thăm nuôi
cha tôi là ông Nguyễn Văn Hải ngày 21 tháng 4 vừa qua, nhưng cán bộ trực tiếp
dân là Đại Úy Phạm Văn Huyên và Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Hữu (đã cất bảng tên vào
túi) nói rằng “Không giải quyết vì
chưa đến ngày 24”. Mẹ tôi vô cùng bức xúc
nói rằng chính bà đã được cán bộ Quân hướng dẫn, thì hai vị này tiếp “Quân nào? Quân không có trách nhiệm trả lời”. Dù vô cùng bức xúc, mẹ tôi tiếp tục đề nghị
cán bộ Huyên giải thích cho công dân được biết thủ tục xin thăm gặp ông Hải là
cha ruột của tôi thì cán bộ Huyên nói “Tôi không tiếp chị, chị không có quyền công dân ở đây”. Như để hùa theo, cán bộ Hữu nói “Khi người ta vào tù thì chị bỏ người ta, bây
giờ lại vào đây đòi gặp” và kêu 6 cán bộ mặc sắc
phục khác không đeo bảng tên chạy xe máy đến và ra lệnh “lôi ra khỏi khu vực làm việc”. Khi tôi phản đối “như vậy là vi phạm pháp luật” thì ông Hữu đề nghị tôi “cứ việc khiếu nại”. Như vậy trong hai ngày 24 tháng 3 và 21 tháng 4 năm 2013, các
cán bộ tiếp dân tại phân trại K3 T345 Xuyên Mộc đã thể hiện một loạt sai phạm
vô cùng nghiêm trọng mà tối thiểu một cán bộ tiếp dân phải có. Cụ thể là việc
các cán bộ không đeo bảng tên và sử dụng cán bộ khác không có trách nhiệm tham
gia trực tiếp dân và trả lời thắc mắc của công dân, gây tổn thất về thời gian
tiền bạc của thân nhân đi thăm nuôi;
Vô trách nhiệm quan liêu khi Huyên và Hữu nguyên là cán bộ tiếp
dân lại có lời lẽ “Chị là ai mà yêu cầu
tôi” gạt bỏ quyền được yêu
cầu trả lời thắc mắc, hướng dẫn của người đầy đủ quyền công dân là mẹ tôi bà
Dương Thị Tân.
Xúc phạm danh dự nhân phẩm khi ông Hữu có tuyên bố sai trái về đời
tư của mẹ tôi là bà Dương Thị Tân trước đám đông.
Vượt trên quyền hạn của mình khi thay tòa án tuyên bố “chị không phải là công dân”, và ra lệnh cho 6 cán bộ mặc sắc phục khác “lôi ra khỏi khu vực làm việc”.
IV. YÊU CẦU:
1) Đề nghị thẩm tra, xác minh trả lời bằng văn bản tám nội dung mà
tôi đã nêu trên.
2) Chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, phục hồi quyền lợi và chính
sách chính đáng được pháp luật quy định của ông Nguyễn Văn Hải cũng như thân
nhân. Cụ thể là:
- Quyền được biết Nội quy và Quy chế trại giam của người chấp hành
án tù và thân nhân đi thăm gặp (2);(6).
- Quyền được đọc sách báo, học tập, được phổ biến pháp luật và
được biết thông tin thời sự, chính sách của nhà nước (3);(4).
- Quyền được gửi, nhận, lưu giữ đồ vật miễn không phải là đồ có
trong danh mục cấm của bộ công an (3);(4).
- Thực hiện đúng chế độ giam giữ theo LTHAHS và các văn bản (Thông
tư; Nghị định) bổ sung liên quan (5).
- Thực hiện chính sách về liên lạc điện thoại và gửi thư hằng
tháng theo đúng quy định của LTHAHS (7).
- Quyền được Yêu Cầu cán bộ trực tiếp dân trả lời khi có thắc mắc
(8).
3) Đề nghị áp dụng hình thức xử lý thích đáng đối với sai phạm của
những cán bộ tiếp dân tại phân trại K3 - T345 Xuyên Mộc - Bà Rịa Vũng
Tàu.
V. CAM ĐOAN:
- Tôi xin cam đoan những thông tin đã nêu trong tám nội dung khiếu
nại trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại của mình.
- Những sai phạm trong việc tổ chức thăm nuôi, tư vấn luật pháp,
và những quyền lợi cơ bản nhất bị hạn chế đã gây không ít khó khăn cho thân
nhân đi thăm nuôi và bản thân của người chấp hành án phạt tù là ông Nguyễn Văn
Hải. Những tổn thất về tài chính có thể khắc phục được nhưng những tổn hại về
thời gian, sức khỏe, tinh thần, và niềm tin vào luật pháp thì rất khó khắc
phục. Những phát ngôn, tác phong, hành vi vi phạm luật pháp của chính những
người mặc sắc phục tiếp dân tại phân trại K3 Xuyên Mộc là có hệ thống và sự
quan liêu thiếu trách nhiệm đã quen thuộc đến mức các cán bộ tại đây tự tin yêu
cầu tôi cứ việc khiếu nại. Tôi mong quý cơ quan sớm xem xét, giải quyết. Trước
hết để trả lại quyền lợi chính đáng cho Ông Nguyễn Văn Hải và Thân nhân đi thăm
nuôi sau là để giữ gìn diện mạo của pháp luật và của những người đại diện luật
pháp tại phân trại K3 nói riêng và đất nước chúng ta nói chung.
Nguyễn Trí Dũng và Dương Thị Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét