23/4/13

Rumani phải bồi thường các nạn nhân bị thảm sát thời cộng sản

Hoàng Nguyễn / Trọng Thành  RFI
Hình ảnh vụ thảm sát Timisoara.(Reuters / Cristel Bogdan)
Tòa án Nhân quyền Châu Âu, trụ sở đặt tại Strasbourg, đã ra phán quyết buộc nhà nước Rumani bồi thường chừng 350 ngàn euro cho 72 nguyên đơn. Đấy là thân nhân, gia đình các nạn nhân của vụ thảm sát Timişoara cách đây gần 24 năm. Trong tuần, Bucarest vừa ban hành luật bồi thường các nạn nhân dưới thời cộng sản toàn trị.

Cho dù, sau khi thể chế toàn trị cộng sản sụp đổ ở Rumani, chính phủ nước này coi tất cả những người bị thiệt mạng đều là nạn nhân của sự đàn áp cộng sản, song việc họ bị sát hại chưa được làm rõ ràng và cụ thể. Rumani từng được xếp là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách những nước ở Châu Âu phải bồi thường nhiều tiền cho công dân bởi những vi phạm dưới chế độ cộng sản, theo nhận định của Tòa Strasbourg.

Vụ án trên được khởi tố trên cơ sở đơn kiện của thân nhân các nạn nhân đã qua đời trong cuộc đàn áp đẫm máu của lực lượng vũ trang cộng sản trong những ngày cuối của thể chế độc tài Ceausescu năm 1989. Tòa Strasbourg nhận định rằng Rumani đã không thực hiện bổn phận của mình khi nước này không xem xét cặn kẽ trách nhiệm của những kẻ đã gây tội ác.

Tuy nhiên, phán quyết vừa qua đã tạo ra một cơ hội xác đáng để quốc gia hậu cộng sản này một lần nữa phải trực diện với quá khứ của mình, với hơn ba thập niên đen tối dưới sự ngự trị của “Người chỉ đường” (Conducător) Nicolae Ceauşescu. Để thấu hiểu về ý nghĩa của phán quyết trên của Tòa Strasbourg, cần nhắc lại một số nét chính của diễn biến diễn ra ở Timişoara, đã là cú hích khiến chính thể Ceausescu bị sụp đổ trong vòng chưa đầy mười ngày.

Thảm sát Timişoara

Ngày 15/12/1989 chính quyền muốn cưỡng bức mục sư Tin lành (gốc Hungary) Tőkés László - người có quan điểm đối lập với chính quyền - phải rời nơi cư ngụ. Đây là nơi có rất đông người gốc Hung sinh sống. Từ sáng sớm, các tín đồ đã tập trung đông đảo trước căn hộ ông ở. Thoạt tiên, chính quyền muốn giải quyết êm thắm tình thế này, nhưng đám đông ngày một tăng và sự phản kháng vẫn tiếp tục trong ngày hôm sau.

Ngày 16/12/1989 bắt đầu có những phát biểu và một vài động thái huyên náo chống chế độ và Ceauşescu. Mặc dù đến hôm sau, mục sư Tőkés László đã bị đưa đi, song càng ngày càng đông người tụ tập tại trung tâm Timişoara và họ tràn cả vào tòa nhà của Thành ủy tỉnh. Sau khi giới lãnh đạo địa phương hoàn toàn mất khả năng kiểm soát các sự kiện diễn ra, các sĩ quan quân đội cấp cao đã được cử tới Timişoara. Đường phố của đô thị này tràn ngập các đơn vị quân đội và nội vụ.

Súng phun nước đã được huy động nhưng vẫn chưa đủ để đẩy lui đoàn người. Các đơn vị an ninh đã được lệnh nổ súng. Trong vòng 3-4 ngày, những cuộc đụng độ đẫm máu đã làm khoảng 72 thường dân thiệt mạng, hơn 250 người bị thương và rất nhiều người phản kháng bị bắt giữ.

Để giấu nhẹm vụ thảm sát đã dẫn đến sự sụp đổ của chính thể Rumani này, 43 tử thi đã được chở về thủ đô Bucharest và thiêu ở đó.

Sự truy trách nhiệm đã diễn ra như thế nào ?

Nhân 20 năm kỷ niệm cuộc chính biến 1989, tổng thống tái đắc cử khi đó, ông Traian Băsescu, đã kêu gọi cư dân Bucharest vinh danh những nạn nhân của biến cố tháng 12/1989 và gọi họ là “những anh hùng đã hy sinh cho tự do”. Thành phố Timişoara - được coi là nơi khởi đầu cuộc cách mạng 1989 với sự xuống đường của hàng trăm ngàn người - cũng có nhiều kỷ niệm lớn.

Ông Tőkés László, trên cương vị nghị sĩ Nghị viện Châu Âu của Rumani, đã được nhận huy chương Ngôi sao Rumani (Steaua Romaniei), phần thưởng cao quý nhất của nước này, cho vai trò lớn lao trong biến cố 1989. Tuy nhiên, trách nhiệm các thủ phạm của vụ thảm sát Timişoara thì vẫn chưa được làm sáng tỏ và còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chính phủ cánh tả hay cánh hữu nắm quyền ở xứ sở này.

Cho dù ngay vào tháng 1/1990, Viện Công tố Timişoara đã tiến hành điều tra và ra kết luận là những người bị thiệt mạng trong biến cố 1989 đều là nạn nhân của thể chế cộng sản, nhưng thời kỳ ông Ion Iliescu - một nhân vật từng có chút vai vế thời cộng sản ở Rumani - đứng đầu nội các, vụ thảm sát đã không được đụng tới. Chỉ tới năm 1997, hai vị tướng đã ra chỉ thị xả súng bắn vào dân - các ông Victor Stanculescu và Mihai Chitac - mới bị truy tố, sau khi Liên minh Dân chủ cánh hữu thắng cử.

Ông Marius Mioc, một nhà nghiên cứu về cuộc cách mạng diễn ra ở Timişoara, cho hay : Viện Công tố nước này chỉ xác nhận trách nhiệm của binh lính hoặc các sĩ quan mật vụ chính trị Securitate trong vài trường hợp, còn đối với những nạn nhân khác, thì hai vị tướng bị coi là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Hai vị tướng nói trên đã bị án tù giam 15 năm, nhưng tới năm 2000 sau khi cánh tả lên nắm quyền, họ đã được thả. Năm 2008, khi cánh hữu lại giành thắng lợi trong kỳ bầu cử quốc hội, Tòa án Tối cao Rumani lại ra phán quyết xử tù giam 15 năm đối với hai vị tướng, coi họ là thủ phạm chính trong vụ thảm sát. Những cuộc điều tra kéo dài và vô hiệu quả vào năm 2009 đã khiến 4 nguyên đơn Rumani kiện tổ quốc họ với lý do chính quyền Rumani đã vi phạm quyền được hưởng một nền tư pháp công bằng và tử tế của công dân. Trong vụ kiện này, Tòa Strasbourg đã ra phán quyết xử phạt nhà nước Rumani phải bồi thường tổng cộng 20 ngàn Euro cho 4 nguyên đơn.

Trực diện với quá khứ cộng sản

Phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu không phải là biến cố duy nhất khiến Rumani buộc phải trực diện nghiêm túc với quá khứ cộng sản.

Đất nước, vốn bị coi là tụt hậu trong khối các nước XHCN cũ trong việc xử lý những hệ lụy của Chủ nghĩa Cộng sản, vài ngày trước đây đã phải lên tiếng xin lỗi dân vì sự trưng dụng nhà cửa, đất đai của người dân và các giáo hội trong 7 thập niên trước đây.

Ngày thứ Tư vừa qua, đích thân thủ tướng Victor Ponta - thay mặt nội các - đã đưa ra lời xin lỗi đó. Thủ tướng Rumani trong phiên họp chung của Lưỡng viện, đã nhận phần trách nhiệm tạo dựng khả năng “tái lập” công lý đối với những bất động sản từng bị chính quyền cộng sản tịch thu trái pháp luật. Một điểm đặc biệt : Đạo luật này sẽ tự động có hiệu lực pháp luật trong vòng vài ngày mà không cần Quốc hội thông qua, nếu không bị coi là vi hiến, hoặc phe đối lập không lật được chính phủ.

Thủ tướng Victor Ponta khẳng định đạo luật mới này được ra đời nhằm bồi thường những tổn thất do lịch sử gây ra, và lời xin lỗi của ông đặc biệt ứng với Giáo hội Công giáo Hy Lạp, đã chịu nhiều tổn thất nhất bởi những biện pháp trưng thu của chính quyền cách đây 70 năm. Không chỉ bị cấm hoạt động, tất cả hệ thống nhà thờ và tài sản của giáo hội này đều bị tịch thu vào năm 1948 và chỉ được trả lại một phần nhỏ vào năm 1989, khi Giáo hội Công giáo Hy Lạp được phép tái hoạt động.

Thủ tướng Victor Ponta lý giải việc không cần đưa đạo luật ra thảo luận ở Quốc hội bởi lẽ trong hai thập niên qua, cơ quan lập pháp nước này đã ra nhiều đạo luật liên quan đến việc bồi thường cho những chủ nhân của những bất động sản bị tịch thu thời cộng sản, nên mọi thế lực chính trị đều cần đồng thuận để hệ thống pháp luật Rumani được vận hành một cách hiệu quả và hợp lý.

Tính đến nay, đã có 3.500 công dân Rumani kiện tổ quốc mình tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu vì nhà cửa, điền trang của gia đình họ từng bị tịch thu dưới thời cộng sản. Năm 2010, quá trình bồi thường bị dừng lại và vô hiệu hóa bởi sự hoành hành của những nhóm đầu cơ bất động sản và quan chức tham nhũng. Trước sự thể này, Tòa Strassbour đã lên tiếng đòi Rumani phải đưa ra được một hệ thống luật hữu hiệu trong vấn đề này.

Theo số liệu mà thủ tướng Ponta đưa ra, chừng 10 ngàn tòa nhà và 1,3 triệu hecta đất bị nhà nước cộng sản tịch thu, nay đã được hoàn trả về chủ cũ. Khoảng 4 tỉ euro tiền mặt và trái phiếu cũng đã được trao cho những gia đình bị thiệt hại. Đạo luật mới đảm bảo việc trao trả lại cho chủ cũ hoặc người thừa kế trong vài năm tới những nhà cửa đất đai hiện vẫn do nhà nước quản lý - còn đối với những bất động sản mà không thể hoàn trả được, nhà nước sẽ bồi thường bằng tiền mặt theo lộ trình được luật ấn định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét