1/5/13

Nếu ông Sang thật sự muốn ngưng 'Hèn với Giặc'

Ngô Đình Thu - DienDanCTM
Trong chuyến đi tham dự Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao (Boao Forum for Asia) tại Hải Nam hôm đầu tháng 4/2013, ông Tập Cận Bình, người mới lên cầm đầu đảng cộng sản Trung Quốc, đã đến thăm căn cứ quân sự Tam Á và ngư dân làng đánh cá Đàm Môn. Tại một căn cứ hải quân thuộc hạm đội Nam Hải, ông Tập kêu gọi quân đội của ông “sẵn sàng chiến đấu”. Hạm đội Nam Hải là đại đơn vị quân đội Trung Cộng đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như thường xuyên diễu võ dương oai, tập trận bắn đạn thật trên vùng biển Đông của Việt Nam; cho nên lời kêu gọi của ông Tập rõ ràng là một thông điệp đe nẹt đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philippine là những nước đang có sự “va chạm” với Trung Cộng ở Biển Đông. Trong chuyến viếng thăm ngư dân Đàm Môn, ông Tập cũng mạnh mẽ khuyến khích ngư dân Tàu kéo ra đánh cá ở Biển Đông thật đông để khẳng định chủ quyền của Trung Cộng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không đầy một tuần sau, ngày 15/4, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước VN, đã có chuyến viếng thăm và làm việc ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Theo báo chí thuật lại thì tại đây ông Sang đã “ân cần thăm hỏi những ngư dân can trường, bám biển quê hương.”
Ông cũng được nghe báo cáo của chính quyền địa phương về việc chỉ nội trong ba tháng đầu của năm 2013 đã có ít nhất 15 vụ tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ, ngăn chặn, đập phá, bắn cháy, cũng như tình trạng bị Trung Cộng phạt tiền, phạt tù, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thường xuyên xảy ra.

Trước những thực tế phũ phàng về tình trạng chủ quyền đất nước như vậy và những đe doạ trực tiếp đối với quyền làm ăn sinh sống trên chính ngư trường truyền thống của ông cha; ông Sang cũng chẳng làm gì hơn là nói những điều phủ dụ thông thường. Ông khuyên ngư dân hai điều: a) Cứ đánh bắt thủy sản trong phần chủ quyền biển đảo của ta, và b) Nhưng phải chú ý tránh “vùng biển của các nước lân cận”. Nhưng ông chẳng nói được vùng nào của ta vùng nào của nước lân cận, và cũng chẳng dám bảo biển Đông là của ta nhưng bị Trung Cộng lấn chiếm. Tóm tắt là chỉ đơn giản bảo dân ra biển tiếp.

Theo bản đồ vùng biển “lưỡi bò” của Trung Cộng thì đường ranh giới vùng biển này có nơi chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 hải lý. Trên thực tế thì tàu hải quân, hải giám cũng như ngư dân Trung Cộng cũng đã tung hoành trên vùng biển đó từ khi CSVN ký những hiệp định “hữu nghị” với ông bạn “4 tốt” ở phương bắc. Trong khi hải quân Việt Nam khoe khoang đã mua sắm đủ thứ tàu bè, chiến cụ tối tân, nhưng dường như chẳng có một hoạt động nào bảo vệ lãnh hải, mà chỉ thấy khoe “tuần tra chung” với hải quân Trung Cộng. Còn cảnh sát biển Việt Nam thì cũng chỉ ở trên bờ nhận báo cáo của ngư dân; hoặc thỉnh thoảng giúp đỡ cho sự an toàn của ngư dân... Trung Quốc khi họ "lạc vào" hải phận Việt Nam. Nay ông Sang “phủ dụ” ngư dân như trên, chẳng biết lực lượng nào sẽ bảo vệ ngư dân Việt ở các vùng biển truyền thống ở Hoàng Sa – Trường Sa; và ai là người chỉ ra cho ngư dân Việt Nam đâu là vùng biển các nước lân cận để tránh hầu khỏi bị bắn giết, bắt cóc, hoặc bị hủy hoại tài sản?

Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang là người đã từng có những tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền đất nước cũng như về quốc nạn tham nhũng. Ở cương vị nguyên thủ quốc gia, những tuyên bố của ông Sang có lúc đã đem lại sự phấn khởi cho một số người, đặc biệt là khi người ta so sánh ông với 3 người còn lại đầy tì vết trong “tứ tụ” triều đình cộng sản (Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng). Tuy nhiên, những tuyên bố “mạnh mẽ” của ông Sang đã mau chóng trở thành những lời nói suông khi không có một hành động nào theo sau để minh chứng. 

Còn nhớ vào tháng 5 năm 2011, khi trả lời cử tri ở Quận 1, Sài Gòn, ông Sang trong cương vị trưởng ban Bí thư Trung ương đã nói rằng “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không lẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là chết cái đất nước này.” Lối nhận định ví von đầy ấn tượng của ông Sang đã làm nức lòng người nghe. Ngày 17/10/12, cũng trong một dịp tiếp xúc với cử tri ở Sài Gòn, ông Sang lại nói về tình trạng tham nhũng, và kêu gọi dân chúng “đừng sợ bị trù úm”. Ông nói rất ngon lành “Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này.” Người nghe lại hoan hô và muốn làm theo lời kêu gọi của ông.

Nhưng rồi mọi người thất vọng tràn trề khi đối với kẻ tham nhũng lớn nhất nước mà chính các thành viên Bộ Chính trị đảng CSVN xác nhận, thì ông chỉ dám gọi len lén là “đồng chí X”. Nhắc đến tên ông Nguyễn Tấn Dũng, hay chỉ dùng chức danh thủ tướng để nói đến con “sâu sư tổ” đó vẫn không vượt qua nổi cái sợ bị trù úm của chính ông Sang. Rồi đến khi cô sinh viên 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên bị bắt giam vì dám viết câu kêu gọi: “Vì tương lai dân tộc, chống tham nhũng”, một câu đúng y như ông Sang khuyến khích dân làm, thì ông im lặng như tờ. Gia đình Phương Uyên gởi thơ kêu đích danh ông Sang để kêu cứu, ông vẫn nhất định không lên tiếng. Lần này còn ai dám hưởng ứng các kêu gọi của ông Sang nữa không?

Hay rõ hơn, ông Sang có muốn tiếp tục nói lấy tiếng rồi thôi không? Ông muốn người dân tiếp tục xem ông chỉ là chủ tịch chậu kiểng hay một người có thực quyền và thực tâm?

Lần này, sau chuyến đi thăm đảo Lý Sơn, nếu thực sự ông không muốn tiếp tục đi theo con đường ô nhục “hèn với giặc” mà chế độ theo đuổi lâu nay, ông phải có một hành động cụ thể nào đó. Chí ít ông cũng phải lên tiếng khi những kẻ như Trần Đăng Thanh, Nguyễn Chí Vịnh tuôn ra những lời nhục mạ người Việt dùm cho Bắc Kinh.

Đại tá - Giáo sư - Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh dạy bảo giới giáo dục tại các trường đại học muốn giữ sổ hưu phải “nhớ ơn Trung Quốc”. Còn Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cứ mỗi lần hải quân Trung Cộng cướp bóc, bắn giết ngư dân Việt, ông lại thống thiết thề hứa sẽ không để dân Việt kéo nhau ra phản đối và không để lính Việt ra nghênh chiến.

Sự cam kết trung thành bằng mọi giá với Bắc Kinh của những người như Nguyễn Chí Vịnh, Trần Đăng Thanh được mặc nhiên coi là chính sách của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, vì chưa bao giờ có lãnh tụ nào tỏ ý bất đồng về những tuyên bố đó.

Vì vậy, nếu ông Trương Tấn Sang muốn chứng tỏ ông có lập trường quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước như ông vẫn nói và vẫn muốn thể hiện như tại đảo Lý Sơn, và nếu những người như Nguyễn Chí Vịnh, Trần Đăng Thanh nay đã trực thuộc Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội, thì chí ít trong cương vị chủ tịch nước, ông phải lên tiếng cho mọi người thấy là ông không có cùng quan điểm với họ. Ông phải phê phán đó là loại quan điểm của những con cháu Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống, chứ không phải của những người Việt Nam yêu nước.

Hãy bắt đầu bằng chuyện nhỏ đó đi ông Sang. Nghĩa là vẫn bằng lời nói thôi chứ chưa phải làm gì cả, nhưng nói về một vấn đề sinh tử của đất nước và nói cho đến nơi đến chốn đối với những kẻ bán nước ngày càng trắng trợn.

Thời gian còn tại chức của ông Sang, tức khi tiếng nói của ông còn nhiều trọng lượng, không còn nhiều nữa đâu. Với tiền lực và quyền lực của Đồng Chí X, thì ước mơ lên ghế tổng bí thư của ông Sang không có hy vọng gì đâu. Chính vì thế mà nay là lúc phải lên tiếng ông Sang ạ. Đừng để đến thời nghỉ hưu rồi lại mới thở dài hối tiếc như hàng loạt các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An, Vũ Khoan, Nguyễn Khoa Điềm, v.v; mới thấy mình quá hèn – hèn với giặc, hèn với những tên côn đồ chung quanh, và hèn với chính mình.

Cho đến nay trong giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ có trường hợp duy nhất của ông Trần Xuân Bách (1924-2006). Khi ĐANG ngồi ở ghế ủy viên Bộ chính trị, ông đã can đảm phân tích và kêu gọi đảng phải cải tổ chính trị song song với cải tổ kinh tế, khai thông dân chủ thực sự để đưa đất nước tiến lên. Ở cấp thượng đỉnh đó, ông Bách dư biết hình phạt mà những tên côn đồ quanh ông sẽ dành cho những tiếng nói dám đặt vận mạng đất nước lên trên cái ghế cai trị của đảng như thế nào, nhưng ông vẫn lên tiếng, vẫn sống xứng đáng với giá trị và sự tự trọng của mình. Tên tuổi Trần Xuân Bách chắc chắn sẽ còn trong sử sách như một điểm sáng hiếm hoi khi các thế hệ tương lai học về chương sử đen tối hiện nay của đất nước.

Liệu ông Trương Tấn Sang có theo chân được ông Trần Xuân Bách đi vào sử sách và lòng người không?

1 nhận xét:

  1. Nam kỳ thẳng cánh cò07:28 2/5/13

    Bài viết rất thuyết phục nhưng không biết đủ để thuyết phục ông Sang không.

    Tôi nghĩ già rồi còn sợ gì nữa chứ!?

    Chờ đến lúc ngồi chơi xơi nước mới "ứa nước mắt" như ông Nguyễn Khoa Điềm, kêu gọi hoà giải như ông Võ Văn Kiệt, hay chẩn bệnh cơ chế như ông Nguyễn Văn An ư? Dân họ hơi bị ngấy màn "lương tâm chợt tỉnh khi hết mồi" rồi.

    Ông Sang còn chút cơ hội cho người ta kính nể. Bắt trái banh này đi anh Tư ơi. Tui thực lòng mến anh mới dám khuyên vậy đó.

    Trả lờiXóa