16/4/15

Khoảng cách của sự ngạo mạn

RadioCTM - Cánh Cò
Đối với một công trình to lớn trước nhất đòi hỏi thiết kế, độ bền, tính mỹ cảm, thông số chuyên môn và còn phải biết ngay từ lúc khởi đầu công trình đó sẽ tác động và ảnh hưởng ra sao với thế giới bên ngoài. Vai trò xã hội, cũng như các hỗ trợ, tiếp sức cho công trình ấy cũng là yếu tố không thể thiếu và khi thành hình giai đoạn phát triển, gìn giữ nó lại không phải là chuyện dễ dàng nếu một công trình không có lợi ích thiết thực.
Một công trình công cộng còn thêm những đòi hỏi mang tính xã hội đồng thuận và thường thì nó phải được một hội đồng xét duyệt trong đó chuyên gia liên quan trong lĩnh vực công trình, đại diện người dân sống gần công trình sắp được xây dựng, cơ quan báo chí loan tải những thông tin tới cộng đồng và cuối cùng là ngân sách thực hiện có hợp lý, được theo dõi, cân nhắc và sử dụng một cách minh bạch hay không.
Những chuẩn mực đó hoàn toàn không hề có tại Việt Nam. Công trình do cơ quan nào đó đề nghị chỉ cần hai yếu tố: tính Đảng có đủ cao và ngân sách có hấp dẫn cho người duyệt hay không.
Trước tiên là “tính Đảng”. Không khó lắm để nhận biết tính Đảng là gì trong tất cả các tượng đài nơi công cộng. Hầu như tất cả mọi tượng đài lớn nhỏ từ nam chí bắc đều là hình tượng của anh công nhân, chị lao công, chiến sĩ hay người nông dân tất cả đều phải gân guốc, phải mạnh mẽ và phải ngước mắt nhìn trời hay chí ít phải nhìn cao cao một chút. Tuyệt đối không có hình thức trừu tượng, ẩn dụ hay nghệ thuật xa lạ nào ở đây. Phải thật, hưu ra hưu nai ra nai, và phải đồng dạng với nhau.
Tính Đảng nếu không rõ thì đừng hòng xuất hiện nơi công chúng. Không ngạc nhiên khi những tượng đài ngập tính Đảng thiếu tính người ấy bị dân chúng quay lưng vì họ thấy không có hình ảnh thật của mình trong đó.
Yếu tố thứ hai để một công trình công cộng hình thành là ngân sách. Số tiền càng lớn thì cơ may được duyệt càng cao. Sự thật này không có gì bí ẩn vì một đồng bỏ ra cho chi phí thì cũng bằng ấy hoặc hơn dành cho việc bôi trơn. Bôi trơn là yếu tố hàng đầu và yếu tố này không ít lần vỡ mặt. Vì trơn quá nên bộ máy không thể chạy cứ nằm ì một chỗ trong nhiều năm vì tiền để trả cho vật tư, công nhân đã bị phí bôi trơn ăn vào gần hết.
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại núi Cấm thuộc tỉnh Quảng Nam hội đủ hai yếu tố bắt buộc ấy và vì vậy nó gặp phản ứng của người dân. Trước nhất là kinh phí.
Tượng đài có chiều dài 120 mét và cao 18 mét do đó kinh phí xây dựng không hề nhỏ : 411 tỷ và kéo dài 7 năm. Trong 7 năm ròng rã ấy số tiền tự nhỏ đi bởi những chi phí đột xuất nhưng do quá lớn, người trách nhiệm đã bằng mọi cách xin nhà nước trung ương bù vào con số phát sinh để cuối cùng ai cũng có lợi.
Yếu tố thứ hai, tính Đảng, cũng không có gì bàn cãi trong tượng đài này.
Hình thức chính của tượng là chân dung của bà Nguyễn Thị Thứ, bà mẹ Anh hùng của 11 con cháu đã hy sinh. Dọc dưới tượng bán thân của bà là các bà mẹ khác đứng ngồi chung quanh tạo thành một quần thể những người đàn bà có cùng một lịch sử: hy sinh con cái cho chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ thần thánh.
Tình Đảng do đó rất cao, rất rõ và rất ấn tượng.
Thế nhưng càng ấn tượng thì câu hỏi phát sinh càng nhiều.
Công trình nào thì cũng cần người xem. Tượng đài được dựng lên không phải dành riêng cho các bà mẹ anh hùng mà nó chuyển tải thông điệp của Đảng tới mọi người trong và ngoài đảng. Tượng đài là cách ghi ơn các mẹ. Ghi ơn và cổ vũ người dân đừng quên các hy sinh to lớn ấy.
Tuy nhiên phải công bình mà nói, các mẹ Việt Nam Anh hùng trên tượng đài hoành tráng này nhắc nhở cho người xem chú ý tới điều gì nhất? quá khứ anh hùng và sự hy sinh vô bờ bến của họ chăng?
Rất khó mà có cảm giác này. Không phải vì người nghệ sĩ thiếu khả năng thiết kế nhưng đời sống và mạch chảy xã hội đồng hành với ngày sinh của tượng đài đã tạo một khoảng cách thật rộng trong quan sát của người xem nó.
Xem một tượng đài bằng đá, dù là đá quý, trong khi biết chắc là đâu đó trong khắp đất nước còn hàng chục ngàn bà mẹ bằng xương bằng thịt không có miếng ăn qua ngày phải còng lưng mò tôm, bắt cá, đi khuya về tối như hồi mẹ còn nuôi con đi làm cách mạng thì đành lòng nào mà thốt lên tiếng khen cho công trình 7 năm 411 tỷ này ?
Trong ngày khai mạc hoành tráng chắc chắn sẽ không có bà mẹ Việt Nam Anh hùng nào dám bỏ tiền túi đi từ Cà Mau hay Lạng Sơn vào Quảng Nam để xem khuôn mặt của mình. May lắm là một vài mẹ ở gần sẽ được xe tới rước mang đi làm cảnh, như một pho tượng sống chứng giám những pho tượng chết đang đứng ngồi chung quanh tượng của mẹ Nguyễn Thị Thứ .
Đá hoa cương, sa thạch được chọn lựa kỹ càng khắc họa lên hình ảnh những bà mẹ nhăn nheo xuất hiện trong những tư thế khác nhau và từ những tượng đá ấy có khi người xem nghe được tiếng thở dài không chừng.
Các mẹ đã mất quá linh thiêng nay đã thành ma chăng ? Không, chắc chắn là không. Tiếng thở dài ấy không phải của ma mà là của người. Của chính các mẹ đang còn tại thế. Còn sống nhưng sống không được như những người già khác.
Không hiếm những bà mẹ anh hùng sẽ tự hỏi sao nhà nước không cho các mẹ một ít gạo thay vì cái tượng đài bằng đá ? Ít ra gạo cũng giúp các mẹ no lòng trong khoảnh khắc, mẹ đã ăn bánh vẽ quá nhiều năm, chiếc bánh bằng đá làm sao nhai được?
411 tỷ là con số khổng lồ, nó không thể đếm bằng tay mà phải dùng tới máy đếm tiền nếu ai đó mang số tiền này đi gửi ngân hàng. Nó đủ để xây dựng hàng trăm mái trường cho các em miền núi, nơi mà tỉnh Quảng Nam chưa giải quyết được tình trạng thiếu phòng, lớp trong hàng chục năm nay. Với số tiền ấy tỉnh dư sức làm công tác dạy nghề cho hàng ngàn người dân đang thất nghiệp trên khắp địa bàn các huyện vùng sâu vùng xa. Tỉnh Quảng Nam là một trong các tỉnh nghèo nhất nước lại có tượng đài cao to nhất nước là tính chất mâu thuẩn truyền kiếp của chế độ này.
Nghèo nàn nhất nhưng phung phí nhất cũng là đặc trưng mà chỉ các chế độ cộng sản mới có.
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được tính toán, bàn định trong một thời gian rất dài và có lẽ lý do khiến nó vượt qua mọi chướng ngại vì người cộng sản không muốn chiến công anh hùng của họ trong thời chống Mỹ bị quên lãng.
Những người cộng sản ấy mặc dù đang tự trả công cho những việc họ làm trước đây, hay do cha mẹ họ làm chứ không phải họ, vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa xứng tầm nếu không có một biểu tượng hoành tráng trước mắt mọi người để nhắc nhở rằng, vị trí họ ngồi hôm nay trong tất cả các cơ quan quyền lực đều do sự hy sinh lớn như bức tượng đài kia. Vậy thì mọi so sánh, đánh giá bổng lộc của họ có nghĩa lý gì? Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nào lại muốn cho con mình thua kém những thường dân không có đóng góp cụ thể cho độc lập tự do với đất nước như con của mẹ?
Thực ra cái góc khuất lớn nhất không phải là sự to đùng của tượng đài mà chính cái nhỏ nhất ẩn sâu bên dưới mới làm người ta thắc mắc.
Bao nhiêu bà mẹ không phải là anh hùng của các anh bộ đội khác bây giờ ra sao? Họ không anh hùng nhưng họ có xứng đáng được hưởng những chính sách an sinh mà lẽ ra chính phủ phải tính tới trước khi lấy tiền thuế của dân xây tượng dài hàng trăm tỷ.
Bao nhiêu bà mẹ của người lính chế độ cũ đứng xem cái tượng đài hoành tráng này sẽ nghĩ gì khi người ta mang cả dãy núi ra để ngăn cách hai bà mẹ đều có con như nhau. Một đứa chết vì đảng còn đứa kia chết vì chống đảng. Cùng là mẹ nên nước mắt của họ khóc con không thể có độ mặn khác nhau.
Tính đảng ở đây vì thế mang nặng sự chia cắt vẫn còn day dứt sau 40 năm dài.
Khoảng cách ấy khi nhận dạng thật kỹ thì bản chất của nó sẽ là sự ngạo mạn. Sự ngạo mạn mà chỉ người cộng sản mới có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét