Tác
giả: TS .David Sambaugh
Người dịch: Huỳnh Phan
Ngày tàn của chế độ cộng sản ở
Trung Quốc đã bắt đầu, và các biện pháp tàn nhẫn của Tập Cận Bình chỉ đưa nước
này tới đổ vỡ sớm hơn.
Hôm thứ Năm, Quốc hội Trung Quốc họp tại Bắc Kinh theo nghi thức đã trở nên quen thuộc hàng năm. Khoảng 3.000 đại biểu “được bầu” từ khắp nơi trên đất nước – từ nhóm sắc tộc ít người, ăn mặc sặc sỡ, cho đến các tỉ phú trang nhã – sẽ họp một tuần để thảo luận về tình trạng đất nước và tham gia vào việc làm chính trị giả vờ.
Một số người coi việc tụ tập đầy ấn tượng này là một dấu hiệu về sức mạnh của hệ thống chính trị Trung Quốc – nhưng nó che đậy nhiều điểm yếu nghiêm trọng. Chính trị Trung Quốc luôn khoác vỏ bọc màu mè, với các sự kiện được trình diễn như hội nghị nhằm phô trương uy quyền và sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quan chức cũng như công dân đều biết rằng họ
buộc phải tuân theo những nghi thức này, vui vẻ tham gia và lặp lại như vẹt các khẩu hiệu chính thức. Hành vi này trong tiếng Trung được gọi là biaotai (表态: biểu thái), “biểu lộ thái độ/ lập trường”, nhưng nó chỉ hơn hành động tuân theo hình thức một ít.
Mặc dù vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị của Trung Quốc đang đổ vỡ tệ hại, và không ai biết điều đó rõ hơn chính Đảng Cộng sản. Người đầy quyền lực của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang hy vọng rằng, việc truy dẹp bất đồng chính kiến và tham nhũng sẽ củng cố sự cai trị của đảng. Ông cương quyết tránh trở thành một Mikhail Gorbachev của Trung Quốc, ngồi điều khiển sự sụp đổ của đảng. Nhưng thay vì là phản đề của Gorbachev, Tập Cận Bình rốt cuộc có thể đi tới cùng hậu quả. Sự chuyên quyền của ông đang đè nén nghiêm trọng hệ thống và xã hội Trung Quốc – và đưa nó tới gần chỗ đổ vỡ hơn.
Dự đoán sự sụp đổ của các chế độ độc tài là một việc đầy rủi ro. Vài chuyên gia phương Tây dự đoán sự sụp đổ của Liên bang Xô viết trước khi nó xảy ra vào năm 1991; CIA hoàn toàn bỏ qua điều đó. Hai năm trước khi nó xảy ra, việc sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu bị miệt thị là mơ tưởng của những người chống Cộng. Các cuộc “cách mạng màu” hậu Xô Viết ở Georgia, Ukraine và Kyrgyzstan từ 2003 đến 2005, cũng như các cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập năm 2011, đều nổ ra ngoài dự đoán.
Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc đã cảnh giác cao đối với những dấu hiệu mục ruỗng và xuống dốc của chế độ từ trải nghiệm kề miệng hố của chế độ tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Kể từ đó, nhiều nhà Trung Hoa học dày dạn đã đánh cược uy tín nghề nghiệp qua việc khẳng định rằng sự sụp đổ quyền cai trị của ĐCSTQ là không thể tránh khỏi. Những người khác thì thận trọng hơn, trong đó có tôi. Nhưng thời thế ở Trung Quốc thay đổi nên phân tích của chúng ta cũng phải thay đổi theo.
Tôi tin rằng ngày tàn của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu, và điều đó đã diễn tiến xa hơn nhiều người nghĩ. Tất nhiên chúng ta không biết con đường từ nay cho đến lúc kết thúc sẽ như thế nào. Có lẽ sẽ hết sức bất ổn và lộn xộn. Nhưng cho đến khi hệ thống bắt đầu rã ra theo cách rõ rệt nào đó thì những yếu tố bên trong sẽ diễn trò theo – do đó cùng góp phần làm bộ mặt ổn định.
Việc cai trị của cộng sản ở Trung Quốc khó có vẻ sẽ kết thúc thầm lặng. Một sự kiện đơn lẻ khó có khả năng kích thích làm nổ tan chế độ một cách hoà bình. Sự sụp đổ của nó có khả năng sẽ kéo dài, lộn xộn và bạo lực. Tôi không loại trừ khả năng Tập Cận Bình sẽ bị lật đổ trong một cuộc đấu tranh quyền lực hoặc đảo chính. Với chiến dịch chống tham nhũng hùng hổ – trọng tâm của Quốc hội trong tuần này – ông đang dùng sở đoản của mình quá mức, gây hoang mang cho các cử tri đảng, nhà nước, quân sự và thương mại then chốt.
Người Trung Quốc có một câu tục ngữ, waiying, neiruan (外硬内软: ngoại ngạnh, nội nhuyễn, tức ‘cứng bề ngoài, mềm bên trong’). Tập Cận Bình là một nhà cai trị thực sự cứng rắn, lộ rõ sự tự tin và thuyết phục. Nhưng nhân cách cứng rắn này là biểu hiện trái ngược bề ngoài của hệ thống đảng và chính trị vốn vô cùng mong manh bên trong.
Hãy xét năm chỉ dấu phô lộ về các chỗ nhược của chế độ và những yếu kém mang tính hệ thống của đảng.
Thứ nhất, giới chủ chốt kinh tế của Trung Quốc có một chân thò ra ngoài, và họ sẵn sàng bỏ đi hàng loạt nếu hệ thống thực sự bắt đầu sụp đổ. Năm 2014, Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun), Thượng Hải chuyên nghiên cứu về giới giàu có Trung Quốc, phát hiện ra rằng 64% các “cá nhân có lợi tức ròng cao” mà họ thăm dò – 393 triệu phú và tỉ phú – thì hoặc đang di cư hoặc đang có kế hoạch di cư. Giới nhà giàu Trung Quốc gửi con đi du học với con số kỷ lục (bản thân điều này là một cáo trạng về chất lượng của hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc).
Tạp chí này tường thuật ngay trong tuần này rằng
các nhân viên liên bang đã lục soát nhiều địa điểm ở Nam California mà chính
quyền Mỹ cho là có liên hệ tới “hoạt động kinh doanh du lịch sinh con trị giá
nhiều triệu đô la đã đưa hàng ngàn phụ nữ Trung Quốc sang đây du lịch rồi trở về
với con vừa mới sinh là công dân Hoa Kỳ”. Giới giàu có Trung Quốc cũng đang mua
bất động sản ở nước ngoài ở mức độ và giá cả kỷ lục, và họ cũng đang chuyển tài
sản ra nước ngoài, thường ở những nơi dễ trốn thuế và các công ty vỏ bọc.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố tìm
cách giải về nước một số lượng lớn những kẻ trốn chạy đem tiền ra sống ở nước
ngoài. Khi giới ưu tú của một đất nước – trong đó nhiều người là đảng viên –
trốn chạy với số lượng lớn như vậy, đó là một dấu hiệu rõ ràng của sự thiếu
niềm tin vào chế độ và tương lai của đất nước.
Thứ hai, từ khi nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã tăng cường mạnh mẽ đàn áp chính trị vốn bao trùm khắp Trung Quốc từ năm 2009. Mục tiêu nhắm vào bao gồm báo chí, truyền thông xã hội, phim ảnh, nghệ thuật và văn học, các nhóm tôn giáo, Internet, trí thức, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, bất đồng chính kiến, luật sư, tổ chức phi chính phủ, sinh viên đại học và sách giáo khoa. Ban Chấp Hành Trung Ương đã ra một chỉ thị hà khắc đưa xuống cấp dưới vào năm 2013 gọi là văn bản số 9, yêu cầu tất cả các đơn vị phải tìm ra mọi biểu hiện có vẻ tán đồng “các giá trị phổ quát” của phương Tây – gồm dân chủ lập hiến, xã hội dân sự, tự do báo chí và kinh tế tân tự do.
Một chính phủ vững vàng và tự tin
sẽ không tiến hành đàn áp khốc liệt như vậy. Đó là triệu chứng lo âu và bất an
sâu đậm của lãnh đạo đảng.
Thứ ba, ngay cả nhiều người trung thành với chế độ cũng chỉ hành động xu thời. Thật khó có thể bỏ qua những biểu hiện diễn kịch giả tạo đã thấm đẫm khắp bộ máy chính trị Trung Quốc trong vài năm qua. Mùa hè năm ngoái, tôi là một trong số ít người nước ngoài (và là người Mỹ duy nhất) tham dự hội thảo về “Giấc mơ Trung Quốc”, một ý tưởng mang dấu ấn của Tập Cận Bình, tại một nhóm nghiên cứu trực thuộc đảng CS ở Bắc Kinh. Chúng tôi ngồi suốt hai ngày mệt óc, nghe hơn hai chục diễn giả đảng trình bày liên tục – nhưng mặt họ lạnh lùng vô cảm, ngôn ngữ điệu bộ khô cứng, và nỗi chán nản của họ hiển hiện. Họ giả vờ tuân thủ theo đảng và các câu thần chú mới nhất của lãnh đạo đảng. Nhưng rõ ràng là công tác tuyên truyền đã mất đi sức mạnh, và hoàng đế chẳng có quần áo trên người.
Tháng 12, tôi trở lại Bắc Kinh dự
hội nghị tại trường Đảng Trung Ương, cơ quan cao nhất lo việc dạy dỗ chủ thuyết
của đảng, và một lần nữa, các quan chức chóp bu và chuyên gia chính sách đối
ngoại lại đọc thuộc lòng các khẩu hiệu đúng từng lời. Trong giờ ăn trưa một
ngày nọ, tôi đến gian hàng sách của trường – luôn luôn là một điểm dừng quan trọng
để tôi có thể tự cập nhật những thứ cán bộ lãnh đạo Trung Quốc đang được dạy.
Những tập sách trên các kệ của cửa hàng từ “tuyển tập” của Lenin đến hồi ký của
Condoleezza Rice, và một cái bàn ở lối vào chất đầy các cuốn sách nhỏ của Tập
Cận Bình về chiến dịch đề cao “đường lối quần chúng” của ông – tức về liên hệ
giữa đảng với quần chúng. Tôi hỏi nhân viên bán hàng: “Sách này bán thế nào?”
Cô trả lời. “Ô, không. Chúng tôi chỉ biếu không”. Chồng sách cao nghệu cho thấy
nó khó có thể là sách đắt hàng.
Thứ tư, tệ tham nhũng lan tràn trong nhà nước độc đảng và quân đội cũng thâm nhập vào toàn xã hội Trung Quốc nói chung. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình dai dẳng và khốc liệt hơn so với các chiến dịch trước đó, nhưng không có chiến dịch nào có thể khử hết được vấn nạn này. Nó có cội rể sâu trong hệ thống độc đảng, mạng lưới đỡ đầu – đàn em, nền kinh tế hoàn toàn thiếu minh bạch, phương tiện truyền thông nhà nước kiểm soát và sự thiếu vắng của nhà nước pháp quyền.
Hơn nữa, chiến dịch của Tập Cận
Bình ít nhất đang biến thành một cuộc thanh trừng chọn lọc không kém gì
một chiến dịch bài trừ tham nhũng. Nhiều người trong số các mục tiêu nó nhắm
tới cho đến nay là các tay em và các đồng minh chính trị của cựu lãnh đạo Trung
Quốc Giang Trạch Dân. Hiện 88 tuổi, ông ta vẫn
là một thế lực bảo trợ chính trị ở Trung Quốc. Truy theo mạng lưới bảo trợ của
Giang Trạch Dân khi ông vẫn còn đang sống là điều rất nguy hiểm cho Tập Cận
Bình, đặc biệt là vì ông có vẻ chưa tập hợp được phe nhóm dưới tay trung thành
khi lên vị trí cầm quyền. Một vấn đề khác nữa là Tập Cận Bình, con của thế hệ
cách mạng chủ chốt đầu tiên của Trung Quốc, là một trong những “thái tử đảng”,
nên các mối quan hệ chính trị của ông chủ yếu chỉ mở rộng đến các thái tử đảng
khác. Thế hệ hưởng lộc (silver spoon) này đang bị chửi rủa cùng khắp trong xã
hội Trung Quốc.
Cuối cùng, nền kinh tế của Trung Quốc – theo các quan điểm phương Tây, như là một lực kéo áp đảo (juggernaut) không dừng được, bị mắc kẹt trong một loạt các bẫy hệ thống không có lối thoát dễ dàng. Tháng 11 năm 2013, Tập Cận Bình chủ trì Hội Nghị Trung Ương 3 của đảng, công bố một gói đồ sộ các đề xuất cải cách kinh tế, nhưng cho đến nay, vẫn còn trên bệ phóng. Vâng, chi cho tiêu dùng có tăng lên, tệ lót tay cửa quyền có giảm xuống, và một số cải cách tài chính đã được đưa vào, nhưng trên tổng thể, các mục tiêu đầy tham vọng của Tập Cận Bình đã chết yểu. Gói cải cách này thách thức các nhóm lợi ích đầy quyền lực có gốc rể sâu xa trong hệ thống – như các doanh nghiệp nhà nước và các cán bộ đảng địa phương – và họ đang thẳng thừng ngăn chặn việc thực hiện nó.
Năm vết nứt ngày càng hiện rõ này trong việc kiểm soát chế độ chỉ có thể chỉnh sửa thông qua cải cách chính trị. Cho đến khi và trừ khi có sự nới lỏng kiểm soát chính trị hà khắc, Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một xã hội sáng tạo và một “nền kinh tế tri thức” – một mục tiêu chính của các cải cách của Hội Nghị 3. Hệ thống chính trị đã trở thành những trở ngại chính cho các cải cách kinh tế và xã hội cần thiết của Trung Quốc. Nếu Tập Cận Bình và các lãnh đạo đảng không nới lỏng quyền kiểm soát thì họ có thể phải đối mặt với kết cục định sẵn mà họ muốn tránh.
Trong nhiều thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc luôn bị ám ảnh về sự sụp đổ của nước cộng sản anh em khổng lồ này. Hàng trăm phân tích hậu nghiệm ở Trung Quốc đã mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô.
“Giấc mơ Trung Quốc” thực của Tập
Cận Bình phải tránh cơn ác mộng Liên Xô. Chỉ một vài tháng lên cầm quyền, ông
ta đã đưa ra một bài phát biểu nội bộ dè bỉu sự sụp đổ của Liên Xô và than
phiền Gorbachev phản bội, cho rằng Moscow đã thiếu một “người đàn ông đích
thực” dám đứng lên chống lại nhà lãnh đạo cải cách cuối cùng. Làn sóng đàn áp
hiện nay của Tập Cận Bình làm điều trái ngược với perestroika (cải tổ) và
glasnost (cởi mở) của Gorbachev. Thay vì cởi mở, Tập Cận Bình lại tăng sự kiểm soát
đối với bất đồng chính kiến, nền kinh tế và thậm chí cả các đối thủ trong đảng
lên gấp đôi.
Nhưng phản ứng lại và đàn áp không
phải là lựa chọn duy nhất của Tập Cận Bình. Các tiền nhiệm của ông, Giang Trạch
Dân và Hồ Cẩm Đào, đã rút ra những bài học rất
khác từ sự sụp đổ của Liên Xô. Từ năm 2000 đến năm 2008, hai ông đã thể chế hoá
nhiều chính sách nhằm mở cửa hệ thống với các cải cách chính trị có giới hạn
một cách cẩn thận.
Hai ông đã tăng cường các cấp uỷ
đảng địa phương và thử nghiệm việc bầu bí thư với nhiều ứng cử viên. Hai ông
thu nhận vào đảng nhiều doanh nhân và trí thức. Hai ông đã mở rộng tham vấn với
các nhóm ngoài đảng và làm cho các thủ tục làm việc của Bộ Chính trị minh bạch
hơn. Hai ông đã cải thiện cơ chế phản hồi trong đảng, áp dụng tiêu chí tài đức
nhiều hơn cho việc đánh giá và đề bạt, và tạo ra hệ thống bồi dưỡng nghiệp vụ bắt
buộc cho toàn bộ 45 triệu cán bộ đảng và nhà nước. Cả hai đã đưa vào thực hiện
các đòi hỏi về hưu trí và luân chuyển công tác của cán bộ, sĩ quan cứ mỗi vài
năm.
Trên thực tế, trong một quảng thời gian Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã tìm cách quản lý sự thay đổi chứ không phải chống lại nó. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không thích điều nào trong số này. Từ năm 2009 (khi mà ngay cả Hồ Cẩm Đào trước đây cởi mở cũng đã chuyển hướng và bắt đầu kiểm soát chặt chẽ), chế độ ngày càng bất an đã rút lại tất cả những cải cách chính trị (trừ hệ thống huấn luyện cán bộ). Những cải cách này do cánh tay chính trị đắc lực của Giang Trạch Dân, cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng đạo diễn, là người đã nghỉ hưu vào năm 2008 và hiện đang bị nghi ngờ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập – thêm một dấu hiệu về sự thù địch của Tập Cận Bình với các biện pháp có thể làm dịu những căn bệnh của hệ thống đang phân rã.
Một số chuyên gia cho rằng chiến thuật hà khắc của Tập Cận Bình thực ra có thể báo trước một hướng cởi mở hơn và cải cách về sau trong nhiệm kỳ của ông. Tôi không đồng tình điều này. Nhà lãnh đạo và chế độ này xem chính trị như cuộc chơi có tổng zero: Theo quan điểm của họ, nới lỏng kiểm soát chắc chắn là một bước hướng tới sự huỷ diệt của hệ thống và sự sụp đổ của chính họ. Họ cũng có cách nhìn theo thuyết âm mưu rằng Hoa Kỳ đang tích cực hành động để lật đổ Đảng Cộng sản [Trung Quốc]. Không có điều nào trong gợi mở này cho thấy rằng các cải cách sâu rộng sắp quay trở lại.
Chúng ta không thể dự đoán Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ lúc nào, nhưng không khó để kết luận rằng chúng ta đang chứng kiến giai đoạn cuối cùng của nó. ĐCSTQ là chế độ cầm quyền lâu thứ hai trên thế giới (chỉ sau Bắc Triều Tiên), và không có một đảng nào có thể thống trị mãi mãi.
Nhìn về phía trước, các nhà theo dõi Trung Quốc nên để mắt vào các công cụ kiểm soát của chế độ và vào những người được phân công sử dụng những công cụ này. Một số lượng lớn các công dân lẫn đảng viên đã bỏ phiếu bằng chân rời bỏ đất nước hoặc thể hiện sự thiếu thành thật bằng cách giả vờ tuân theo mệnh lệnh của đảng.
Chúng ta cần quan sát ngày mà các nhân viên tuyên truyền và bộ máy an ninh nội bộ của chế độ bắt đầu trở nên lỏng lẻo trong việc thực thi mệnh lệnh của đảng – hoặc khi họ bắt đầu đồng nhất mình với bất đồng chính kiến, như nhân viên Stasi (an ninh) của Đông Đức trong phim “The Lives of Others” (Mảnh đời của nhưng kẻ khác), anh đã thông cảm với các đối tượng bị theo dõi. Khi sự đồng cảm của con người bắt đầu chiến thắng bộ máy cầm quyền cứng nhắc thì ngày tàn của cộng sản Trung Quốc sẽ thực sự bắt đầu.
Tác giả: TS Shambaugh là giáo sư về các vấn đề quốc tế và là giám đốc Chương Trình Chính Sách Trung Quốc tại Đại Học George Washington, cộng tác viên cao cấp tại Viện Brookings. Sách của ông gồm có “China’s Communist Party: Atrophy and Adaptation” (ĐCS Trung Quốc: hao mòn và thích ứng”), và gần đây nhất, “China Goes Global: The Partial Power.” (Trung Quốc vươn lên toàn cầu: một thế lực cục bộ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét