Mặc Bộ nào cho Sang?

Hòa Bình - DienDanCTM

Bộ tứ Sang Dũng Trọng Hùng
Kể từ khi kết thúc Đại Hội Đảng XI vào đầu năm 2011 phân chia lại các ghế quyền lực đến nay đã gần một năm rưỡi. Hầu hết các quan chức lớn đều đã ổn định chỗ ngồi và quen thuộc với công việc. Ở các vị trí tại chót đỉnh người ta thấy:

- Tổng Bí Thư mỗi khi hướng về phương Bắc đều đã nhuần nhuyễn với thao tác cúi đầu sao cho "Trọng".
- Chủ Tịch Quốc Hội cũng đã nắm bắt qui tắc: Dù chẳng mấy khi áp dụng nhưng cứ đẻ thêm luật cho "Hùng".
- Thủ Tướng đã chẳng còn lo mất ghế, mà chỉ lo sửa thế để ngồi kiểu nào cho "Dũng".
- Và phần lớn các văn phòng đảng và nhà nước cấp trung ương khác cũng vậy ...

Duy chỉ mỗi Chủ Tịch Nước là vẫn còn bức súc với nỗi băn khoăn: mặc bộ nào cho "Sang"?


Thật vậy, đang có nhiều quả bóng thăm dò được tung ra gần đây trong hàng ngũ đảng viên trung và cao cấp, đặc biệt tại buổi hội thảo chính thức tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào đầu tháng 7/2012, rằng 3 bộ Quốc Phòng, công an, và Ngoại Giao nên được giao cho chủ tịch nước nắm thay vì đặt dưới văn phòng thủ tướng như hiện giờ.

Thoạt nhìn thì có vẻ đây là một tiến trình lành mạnh, và hơi na ná như chiều hướng phân quyền tại các nước dân chủ. Nếu ở Việt Nam chưa có tam quyền phân lập thì chí ít cũng chia bớt quyền ra, không tập trung tất cả vào 1 người. Tuy nhiên, càng nhìn kỹ, người ta càng bật ra nhiều dấu hỏi. Một số người, cả trong thế giới mạng lẫn thế giới thật, lập tức phân tích nguồn gốc của các đề nghị này kèm theo nhiều dẫn chứng. Họ tin là đã biết tác giả của các đề nghị "chuyển giao 3 bộ" đó là ai. Và từ chỗ biết đó, họ thú nhận là phải thán phục mưu trí của tác giả. Sau đây là các phân tích:

Trước hết, đề nghị “chuyển bộ” này phù hợp với xu thế "bỏ ghế ... chạy lấy người, giữ lấy của" hiện nay trong giới cầm quyền. 3 thí dụ tiêu biểu rất lớn vừa xảy ra gần đây. Với những ô dù ở tầm cỡ như các ông Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa, và Nông Đức Mạnh mà còn phải rút Nguyễn Thanh Phượng, Tô Linh Hương, và Nông Quốc Tuấn về hàng hậu vệ, và nhường các vị trí tiền đạo cho các “anh chị tuổi dê” khác. Cũng có người xem đây là xu thế: sau khi phủi tay trách nhiệm xong với Vinashin, Vinalines, và một loạt Vina khác, đã đến lúc cũng phải giảm bớt các “của nợ trách nhiệm” ở cấp bộ. Lý do là vì bộ nào cũng có những đường giây làm ăn theo kiểu “lời thì chia nhau -- lỗ nhà nước chịu” và đang lỗ lã nặng nề.

Bằng chứng thứ nhì là việc tổ chức rình rang hội thảo tại ngay Đại học Quốc gia Hà Nội do một giáo sư tiến sĩ chủ nhiệm khoa Luật, ông Phạm Hồng Thái, chủ trì. Hiển nhiên, mục tiêu thật được giấu khéo léo dưới tấm băng rôn “bàn về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992”. Ai cũng biết vị trí của một ông giáo sư trưởng khoa Luật tại đại học có các đặc tính giống như các chánh án và các quan chức khác trong ngành luật pháp. Họ phải là đảng viên “có nhân thân tốt hơn nhiều người, được Ban Tổ chức Trung ương đảng tuyển lựa, và quan trọng hơn cả, đảng biết chắc rằng họ chấp nhận không nói theo ý của mình, mà chỉ đọc các quyết định có sẵn từ một văn phòng đảng ủy nào đó gởi tới.  Do đó, chẳng ai tin ông giáo sư khoa trưởng, dù có gan rồng, dám tự ý đưa ra nhận xét rằng “người đứng đầu chính phủ (tức thủ tướng) đang nắm quá nhiều quyền”. Hơn thế nữa, tiếp theơ sau lời ông khoa trưởng, liền có một loạt giáo sư khác đứng ngay lên ủng hộ và chẳng ai dám bàn ngang - chứ chưa nói gì đến bàn ngưọc - lại càng chứng minh đây là một vở kịch ngắn được viết trước. Và khi báo đài nhà nước đồng loạt đăng tải chuyện nhạy cảm chưa từng có như thế - chia quyền giữa các lãnh đạo tối cao - thì đã rõ mười mươi đây không phải là chuyện “các giáo sư tự phát”. Chắc chắn đã có chỉ thị đưa xuống Đại học Quốc gia Hà Nội từ cái văn phòng đang cai quản cả 3 bộ Quốc phòng, Ngoại Giao, và Công an ... cũng như bộ Giáo dục – Đào tạo.

Nếu đã rõ như thế thì câu hỏi kế tiếp: tống khứ 3 bộ đó đi thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mất hay được những gì?

Trước hết, trong suốt lịch sử đảng CSVN, Bộ Ngoại Giao chỉ là nơi lo thi hành các tiểu tiết đã được quyết định bởi Bộ Chính Trị. Những khi có vụ việc lớn, ủy viên Bộ Chính Trị trực tiếp ngồi vào bàn hội nghị còn các Bộ trưởng Ngoại Giao và toàn thể nhân viên ngành Ngoại Giao chỉ lo chuyện trà nước. Nguyên tắc này đã được áp dụng suốt từ các hội nghị Geneva 1954, Paris 1973, và nhất là tại Thành Đô, Trung Quốc 1990 -- Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải đứng ngoài cửa, không được vào phòng họp. Vì vậy tống Bộ Ngoại Giao đi, quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng thay đổi gì.

Còn các mặt lợi cho ông Dũng bao gồm: (1) Không chịu trách nhiệm về các lỗ lã trong các đường giây làm ăn của Bộ Ngoại Giao; (2) Không còn là mục tiêu oán ghét của quần chúng mỗi lần lãnh đạo đảng có những hành động “hèn với giặc, ác với dân”. Thật vậy, khi thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn sang Tàu nhận lệnh dẹp biểu tình năm 2011, làn sóng căm hận của dư luận không ngừng ở ông Sơn mà nhắm vào cấp trên cao nhất của ông Sơn là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; (3) Đỡ lo mật vụ TQ trả thù nếu Bộ Ngoại Giao lỡ lời làm mất lòng Bắc Kinh. Điều này tưởng là chuyện đùa nhưng lại là nỗi lo thật được tiết lộ từ vòng nội bộ các quan chức cao cấp. Hầu hết các vụ đột tử gần đây, kể cả vụ lật xe giữa đêm của vợ tướng công an đều bị nghi ngờ có bàn tay mật vụ TQ.

Kế đến, Bộ Quốc Phòng cũng gần giống như Bộ Ngoại Giao nhưng còn tệ hơn nữa. Mọi cấp quân đội đều bị Bộ Chính Trị trói chặt trước trách nhiệm lớn nhất và hầu như duy nhất của họ hiện nay là bảo vệ đất nước trước các bước xâm lược liên tục của Trung Quốc. Ngay cả Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng chỉ còn ngồi làm vì và không còn được tin tưởng nữa. Hầu hết cách vận hành hiện nay là các quyết định đi thẳng từ Bộ Chính Trị đến thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh – vị tướng duy nhất được Bắc Kinh tin tưởng; vị tướng duy nhất thề hứa trên đất Tàu rằng sẽ về “giải quyết triệt để” hiện tượng biểu tình tại Việt Nam. Nhưng cũng chính sự tê liệt đó đã và đang khiến Bộ Quốc Phòng đón nhận nhiều sự mắng nhiếc, phê phán của dân chúng, đặc biệt mỗi khi hải quân Trung Quốc đánh đập, cướp phá, bắc cóc, hay giết hại các ngư dân Việt vô tội không một tấc sắt trong tay. Hơn thế nữa, Bộ Quốc Phòng cũng là nạn nhân gián tiếp của Bộ Công An. Công an càng "ác với dân", người ta càng so sánh và càng căm hận thái độ quân đội quá "hèn với giặc".

Bên cạnh đó, Bộ Quốc Phòng cũng được nhiều người biết tới qua các đường giây làm ăn riêng, từ dịch vụ đưa người ra lao động nước ngoài đến khai thác rừng độc quyền xuất khẩu gỗ. Các đường giây buôn bán này đều vi phạm đủ loại luật lệ và đều được làm ngơ vì ăn chia đầy đủ với hệ thống quản lý hành chính trực thuộc văn phòng thủ tướng. Nay với việc tái lập Ban Nội Chính dưới quyền ông Nguyễn Phú Trọng để điều tra nội bộ, và tước quyền Trưởng Ban Chỉ Đạo Bài Trừ Tham Nhũng từ tay thủ tướng để giao cho luôn cho ông Trọng, người ta sẽ không ngạc nhiên khi xuất hiện trong những tháng tới các vụ phanh phui phạm pháp và tham nhũng tràn lan dưới bóng Bộ Quốc Phòng. Chính vì vậy mà đây là lúc tốt nhất để đẩy gấp các trách nhiệm dính tới Bộ Quốc Phòng sang cho người khác. Và sau hết, nỗi sợ cái bóng ma mật vụ TQ còn ám ảnh các tướng quân đội và cấp trên của họ còn nhiều hơn cả ngành ngoại giao.

Đến Bộ Công An thì ông Nguyễn Tấn Dũng càng không sợ mất ảnh hưởng dù cho bộ này trên danh nghĩa nằm ở đâu đi nữa. Đối với các cấp cao nhất tại Bộ Công An, qui luật vẫn là "Chỉ biết còn tiền còn mình" và ông Nguyễn Tấn Dũng đang nắm chặt qui luật đó, nghĩa là nắm gần như toàn bộ các nguồn tiền mà các tướng công an trông cậy. Kế đến, thẩm quyền công an hiện nay không tập trung toàn bộ ở tầng trung ương như trước đây mà đã được giao khoán rộng rãi đến cấp tỉnh, thành, quận, huyện. Và tại các cấp địa phương, một lần nữa qui luật "chỉ biết còn tiền còn mình" được hệ thống làm ăn của gia đình ông Dũng áp dụng hàng ngày.

Cùng lúc, Bộ Công An là bộ bị dân chúng thù ghét nhất. Bị thù ghét vì trấn áp người yêu nước chỉ là một phần rất nhỏ. Sự căm thù của người dân đối với công an đến từ hàng triệu những vụ đòi tiền hối lộ, những vụ đánh dân – ngay cả đánh chết, nhũng vụ cưỡng chế đất đai, v.v ... đang xảy ra hàng ngày trên cả nước. Đặc biệt trong tình trạng kinh tế suy xụp nhanh chóng hiện nay, hiện tượng công an “kiếm ăn” ngày càng bạo và thường xuyên hơn. Và thù công an bao nhiêu người dân lại thù kẻ dung túng hệ thống công an bấy nhiêu. Hiện nay phải nói là tên ông Nguyễn Tấn Dũng được toàn dân “nhắc đến” nhiều nhất.

Rõ ràng Bộ Ngoại Giao bất lực, Bộ Quốc Phòng tê liệt, và Bộ Công An ác ôn đang là 3 cột thu lôi trước cơn tức giận sấm sét ngày càng lớn của dân tộc khi quân Tàu tiến càng lúc càng sâu vào nội địa Việt Nam và đời sống ngày càng khó khăn.

Tóm tắt lại, nếu thành công trong việc tống đi 3 cái của nợ này cho người khác và giữ lại hết các bộ béo bở khác, với thực lực không thay đổi nhiều, cũng như tước bớt đi các vũ khí mà đối phương  muốn dùng để đánh ông qua các Ban Nội Chính và Bài Trừ Tham Nhũng, thì rõ ràng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thắng lớn qua kế hoạch chuyển bộ này.

Ngược lại, nhiều người cũng kết luận: nếu ông Trương Tấn Sang hân hoan hồ hởi nuốt trọn 3 lưỡi câu đó vào bụng, thì một lần nữa ông Sang không đáng là đối thủ của một người mà nhiều kẻ trước ông đã ngã gục chỉ vì lầm lẫn khinh thường "cựu y tá".

Và vì thế mà cái băn khoăn "mặc bộ nào cho Sang?" cứ còn hoài. 

3 comments:

Toi nghi gi khi nhin buc anh "Sang, Dung, Trong, Hung"?
4 vi "tu ban do-tai to mat lon", dai dien cua nhan dan lao dong VN , "nhung nguoi con uu tu cua gia cap cong nhan VN", cac ngai co biet duoc nhung dieu bat cong, ngheo kho cua nong dan que huong Viet-nam the ki 21 ?
Nhung gi la "toi ac cua chu nghia thuc dan Phap", nhu "bac Ho" tung vach toi CN Thuc dan, doi voi nong dan VN duoi thoi Phap thuoc:
"Cha chon ra Hon-gai cuoc mo
Anh chay vao dat do lam phu
Ban than doi lay dong xu
Thit xuong vui goc cao-su may tang".
Thi nay con toi te hon the, "dat mo Hon-gai va dat do Tay nguyen" da gianh cho Trung-cong, nong dan ta mat dat, chi co mot con duong, lang thang noi gam cau xo cho cua "do thi phon hoa", hoac tha huong noi xu troi Nga gia lanh, de kiem mieng banh mi, gui nam xuong tan duoi mien tuyet phu.
Que huong VN la the day !

Bác Quang Vinh nói đúng thật!

Dân tộc mình, từ nông dân đến trí thức, mọi thành phần đều đang bị khổ, bị trói, bị đạp vào mặt hơn cả thời Bắc Thuộc.

Thời Pháp nông dân ít bị thuế, ít bị cướp đất trắng trợn hơn bây giờ.
Thời Pháp có tới cả chục tờ báo độc lập, hết lớp này đến lớp khác. Bây giờ một tờ cũng không.
Ngay cả mật thám ác ôn Pháp cũng ít dánh chết dân Việt hơn công an bây giờ. Chúng cũng ít dám đánh dân ngoài đường phố như công an trên cả nước bây giờ.
Và quan trọng nhất, Pháp giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam hơn xa các lãnh đạo đảng hiện nay. Đến độ sau gần 13 năm ký kết, lãnh đạo vẫn không dám công bố các bản đồ biên giới mới vì sợ dân so với bản đồ Pháp ký với nhà Thanh và nhận ra tất cả những vùng đã dâng nhượng.
.....

Tôi ngẫm nghĩ khá lâu và đành phải đi đến kết luận: lãnh đạo đảng CSVN đối xử với dân Việt tồi tệ hơn xa bọn thực dân Pháp, những kẻ từng nô lệ hóa nước ta.

Tôi thấy có blogger đăng lại bài này nhưng thắc mắc không biết cái tên "DienDanCTM" có phải là Diễn Đàn Chân Tay Miệng không.
Nghe cũng ngồ ngộ.

Ai biết trả lời giùm với.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More