Olympic Tàu, Olympic Tây

Quang Tường
Tác giả gửi đến DienDanCTM

Thế vận hội mùa hè 2012 đã chính thức khai mạc vào thứ sáu rồi tại Luân Đôn, Anh Quốc. Đây là thế vận hội thứ 30 tiếp nối kỳ thế vận thứ 29 tại Bắc Kinh cách đây 4 năm về trước, năm 2008. Đáng lẽ tựa đề của bài viết phải là "Olympic Tàu, Olympic Anh" mới đúng, nhưng dân ta cứ cái gì bên Tây phương thì quen gọi là Tây ráo trọi thành ra tác giả cũng quen miệng gọi là "Olympic Tây".

Mỗi kỳ thế vận là dịp để quốc gia chủ nhà có dịp khoe những cái hay, cái đẹp, cái tốt, và giấu riệt đi những cái tệ, cái dở, cái xấu. Cũng là dịp để quốc gia đăng cai thế vận tìm cách để chơi trội, chơi nổi hơn những kỳ thế vận khác. Đi theo sau thế vận Bắc Kinh 2008 rất xôm tụ với các hạ tầng cơ sở thế vận mới toanh, bề thế, với buổi lễ khai mạc vĩ đại, hoành tráng, thiên hạ thắc mắc là không biết Luân Đôn có qua mặt nổi Bắc Kinh không.


Để trả lời câu hỏi đó, đạo diễn Danny Boyle đã cho khán giả toàn thế giới thưởng ngoạn một buổi lễ khai mạc thế vận độc đáo, không giống những buổi khai mạc khác, không hơn và cũng không thua Bắc Kinh 2008. Đạo diễn Danny Boyle cùng với con người và đất nước Anh có sự tự tin của chính họ để kể lại câu chuyện của Anh quốc, tầm ảnh hưởng lên trên lịch sử thế giới, di sản của nền văn hóa Anglo.

Trong câu chuyện kể của lịch sử đất nước và con người của Anh quốc, có những lúc khán giả sẽ không hiểu hết mọi chi tiết. Nhưng điều nổi bật nhất mà tác giả bài viết cảm nhận được khi xem và so sánh lễ khai mạc thế vận Luân Đôn 2012 với lễ khai mạc thế vận Bắc Kinh 2008 là: một bên xiển dương con người trong khi một bên ca tụng hệ thống.

Bắc Kinh 2008 dùng hết sức mạnh của hệ thống để dựng lên một khuôn mặt của cường quốc qua các cơ sở thế vận mới toanh, hiện đại, qua những màn trình diễn đông đảo, choáng ngộp mà con người bị chìm dưới sự hoành tráng đó.

Trong khi đó lễ khai mạc Luân Đôn cho chúng ta thấy con người đóng vai trò then chốt trong sự thay đổi của đất nước Anh từ một quốc gia nông nghiệp sang một quốc gia kỹ nghệ và từ đó bung rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu và làm thay đổi lịch sử con người. Vốn liếng và giá trị con người được ca ngợi trong suốt câu chuyện của lễ khai mạc.

Sự nhân bản của xã hội Anh được tôn vinh khi bản quốc ca được ca đoàn của các trẻ em câm và điếc trình diễn. Tương phản việc đó với 4 năm về trước ở Bắc Kinh khi bé Yang Peiyi tuy có giọng ca tuyệt vời nhưng khuôn mặt thì không mấy xinh xắn vì thế bị gạt ra và thay thế bằng một bé gái khác với ngoại hình xinh đẹp đứng hát... "nhép".

Con người được quý trọng qua từng chi tiết nhỏ, chẳng hạn như khi ngọn đuốc Olympics được rước vào vận động trường, đứng dọc suốt đường hầm tiến vào vận động trường là nhóm người góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở thế vận. Họ được cảm tạ qua ống kính của thế giới. Còn khi các phái đoàn lực sĩ diễu hành tiến vào vận động trường, đi đầu là các cô gái mang bảng tên của quốc gia đó. Y phục của các cô ấy có in hình của những tình nguyện viên đóng góp cho thế vận.

Ban tổ chức thế vận Bắc Kinh 2008 có nỗi sợ canh cánh trong lòng là sợ mất thể diện với thế giới. Vì vậy mà mới có xì-căn-đan hát nhép, xì-căn-đan pháo bông giả. Ngược lại, ban tổ chức thế vận Luân Đôn 2012 có sự tự tin tới mức độ tự giễu ghẹo chính mình, một đặc tính của dân Ăng Lê. Điểm nổi bật phản ảnh điều này là khi Nữ Hoàng Anh (giả) nhảy dù từ trực thăng xuống vận động trường có điệp viên James Bones 007 hộ tống.

Một số đối chiếu tương phản vừa nêu trên không phải để ca tụng thế giới Tây phương và chê bai thế giới Đông phương mà đích xác hơn là sự khác biệt của một Olympic do một quốc gia độc tài tổ chức và một Olympic của một quốc gia tự do tôn trọng phẩm giá con người. Tác giả ngừng bút và mời độc giả so sánh, tìm thêm những khác biệt nữa của Olympic Tàu, Olympic Tây trong lúc thưởng thức những cuộc tranh tài thể thao hấp dẫn của hơn 2 tuần lễ trước mắt.

Quang Tường

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More