Người Việt tị nạn tại Thái cần biết ơn Chính Phủ Hoàng Gia và nhân dân Thái Lan!

Một linh mục chụp ảnh chung với các con chiên
người Việt trong trại tị nạn Si Kew - Thái Lan 1982

Lê Nguyên Hồng

Tác giả gửi đến DienDanCTM

Đối với đại đa số người Việt, họ chỉ nghe nói đất nước Thái Lan là một quốc gia nhiều đồng bằng, ít đồi núi, người Thái sống bằng nghề nông và du lịch. Đó là những thông tin trên sách báo. Nhưng ít người biết rõ nếp sống và bản chất của người Thái. Người Thái ít nói, dễ gần, chan hòa dung dị. Người ta khó mà thấy được cảnh phân biệt giàu nghèo ngoài xã hội. Riêng thủ đô Bangkok của họ đã được thế giới âu yếm đặt tên là “thành phố thân thiện”.

Khi cuộc chiến tương tàn Nam – Bắc của người Việt kết thúc năm 1975, tiếp ngay vài năm sau đó là làn sóng di cư tìm đường tị nạn của hàng triệu người Việt. Những quốc gia đệ nhị
mà những người tị nạn Việt hướng tới đó là Thái Lan, Malayxia, Philipine, Indonesia, Hồng Kông, Úc vv… Riêng đối với Thái Lan, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có ít nhất 117 ngàn thuyền nhân Việt đặt chân được đến đất Thái. Hầu hết trong số 117 ngàn người tị nạn vừa kể đã được đất nước Thái cưu mang đùm bọc và hợp tác cùng Liên Hợp Quốc tạo điều kiện cho họ đến được bến bờ tự do tại các quốc gia đệ tam khắp châu Âu, Châu Mỹ và Úc.

Hiện nay người Việt tị nạn chế độ Cộng Sản tại Thái và những nước khác không còn được gọi là “thuyền nhân” như trước đây nữa, đơn giản là họ không vượt biên bằng tàu thuyền, tất cả đều đi theo đường bộ theo hai ngả chính là Lào và Cambodia. Theo số liệu sát với thực tế, hiện có khoảng hơn 600 người Việt tị nạn đang tá túc tại Thái Lan. Nhưng chỉ có chưa đến 80 người là đã được Cao Ủy Về Người Tị Nạn (UNHCR) công nhận tư cách tị nạn, và chiếm số đông tuyệt đối là 49 người Cồn Dầu (đã lên đường định cư 5 người).  Số còn lại đang chờ xét quy chế hoặc đã bị UNHCR từ chối.

Câu chuyện những thuyền nhân Việt trước đây vượt biển phải đối mặt với nguy cơ đắm tàu chôn thây nơi bụng cá, hoặc bị cướp bóc nếu gặp cướp biển là có thật. Nhiều vụ cướp tàn bạo đã từng xảy ra, các nhóm cướp chủ yếu là người Việt, Cambodia, Malayxia, Thái, và Indonesia vv… Nhưng các thuyền của bọn cướp biển thường hay đổ vấy cho người Thái bằng cách kéo hẳn cờ Thái trên cột buồm, chúng làm vậy cũng một phần che mắt nhà chức trách Thái Lan và đánh lạc hướng điều tra của quốc tế. Người tị nạn Việt bị cướp bóc, không biết ngôn ngữ của bọn cướp cứ một đồn năm, năm đồn mười, là “cướp biển Thái Lan” thay vì nói “cướp biển trong Vịnh Thái Lan”… 

Một thực tế là chính phủ Thái tuy rất vất vả với làn sóng tị nạn ồ ạt tràn vào nước mình. Nhưng họ vẫn quyết tâm trừng trị bọn cướp biển. Thậm chí họ còn có hẳn một phi đội máy bay chiến đấu và nhiều hải thuyền túc trực trên Vịnh Thái Lan để sẵn sàng ngăn chặn và trừng trị bọn cướp. Đối với quốc tế, vào ngày 30/4/1981, một ủy ban Chống Hải Tặc bao gồm nhiều tổ chức nhân đạo phi chính phủ đã ra đời ở Geneva. Sau 5 tháng làm việc, ủy ban này cũng đã cử hẳn một con tàu ra khơi để ngăn chặn nạn cướp biển và cứu vớt thuyền nhân Việt Nam.

Trong 5 năm đầu của chiến dịch bài trừ hải tặc, đội đặc nhiệm Thái Lan đã bắt được 30 tên cướp biển, đồng thời Hoa Kỳ và các cố vấn của UNHCR đã kết hợp cùng đội đặc nhiệm Thái Lan, năm 1986 bắt thêm được 50 tên cướp biển. Có những tên cướp biển đã bị tòa án Thái Lan tuyên án tử hình. Thống kê ngoại vi cho thấy, số lượng thuyền nhân bị cướp giảm từ khoảng 70% trong năm 1980 xuống còn 44% trong năm 1986 và  chỉ còn dưới 15% trong năm 1987.

Tuy nhiên chương cuối của trang sử “Thuyền Nhân” đã đóng lại vào ngày 14/03/1989 sau khi UNHCR tuyên bố đóng cửa hàng loạt trại tị nạn người Việt trên một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan. Có một số ít thuyền nhân Việt không đủ điều kiện được UNHCR cấp quy chế tị nạn đã bị buộc hồi hương. Số này chủ yếu là người Việt gốc Hoa, vốn chẳng liên quan gì đến chuyện chính trị của Việt Nam kể cả trước và sau năm 1975.

Như đã giới thiệu về sự thân thiện của người Thái trong phần mở đầu bài viết này. Theo quan sát trực tiếp của người viết và nhiều nhân chứng, những người tị nạn Việt Nam đến Thái từ trước đến nay đều được giúp đỡ và không hề phải chịu sự khinh miệt nào mặc dù họ là những người nhập cư bất hợp pháp theo luật pháp Thái Lan. Đây là kết quả của việc Chính Phủ Hoàng Gia Thái Lan chưa ký kết Công ước Về người Tị Nạn năm 1951 và Nghị định Thư về Người tị Nạn năm 1977 với Liên Hợp Quốc.

Hãy xem những thuyền nhân Việt Nam trước đây đã được đối xử như thế nào, xin mời bạn đọc cùng đọc một trích đoạn tâm sự hồi ức ngắn của một thanh niên sống trong trại tị nạn trên đất Thái Lan: “Lương thực được phân phối cho mỗi khẩu phần đủ dùng cho mỗi ngày gồm có gạo, thịt tươi, rau củ, mắm, muối, than củi v.v. Những người nào có tiền có thể ra chợ mua đủ thứ, từ lương thực tươi ngon cho đến quần áo và đồ gia dụng, kể cả thuốc lá đầu lọc các loại. Chợ này nằm ngay trong khu Transit chiếm hẳn một khu đất rộng do người Thái quản lý, hàng hóa tươi sống cung cấp hàng ngày. Nhóm chúng tôi thường mua rau sà lách và cà chua tươi thêm cho bữa ăn”. (Đinh Thức – Trại tị nạn Phanat Nikhom). Đối với những thuyền nhân mà hoàn cảnh của họ trong những năm 80 của thế kỷ trước, nếu còn sống tại Việt Nam thì có thể bị tù tội, phân biệt đối xử, mất tự do, và đói khổ, thì việc có được một cuộc sống tạm dung như trên đã là một chốn thiên đường…

Những người tị nạn Việt Nam hôm nay trên đất Thái thì sao? Mặc dù họ đều là những kẻ phạm pháp vì đã nhập cư trái phép, nhiều người quen nếp sống ồn ào, thiếu vệ sinh, xả rác bừa bãi khi đi đường, nhưng người Thái vẫn quan tâm giúp đỡ, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ. Người viết tận mắt chứng kiến một gia đình người H’Mong Việt Nam có tới 6 người con từ mới sinh đến 16 tuổi. Gia đình này năm 2010 sống ở soi 29/4/1 Inthamara, Sutthisarn Bangkok. Mặc dù chưa có quy chế tị nạn nhưng họ đã được nhà thờ, các hội đoàn của khu phố cho thuốc men quần áo và tiền bạc hàng tháng. Đặc biệt là một phụ nữ hàng xóm có tên là Ket Mesi quan tâm chăm sóc hàng ngày… Điển hình nhất là nhóm bà con Cồn Dầu, Đà Nẵng Việt Nam. Ngay khi họ vừa mới đến đất Thái nhờ sự chỉ dẫn của linh mục Hùng ở Đài Loan. Nhóm người này đã được Hội thánh Catholic ở Phathima rồi Mahathai, và hiện nay là nhà thờ Saphan Mai bao bọc, nuôi nấng và che chở cả về thể xác và vấn đề bồi linh.

(Xin vào link http://lenguyenhong.blogspot.com.au/2012/08/nguoi-viet-ti-nan-tai-thai-can-biet-on.html để xem Video Nhà nước Thái Lan thả nhóm người Thượng Việt Nam ra khỏi trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép IDC)

Ngoài những hội đoàn tôn giáo của Catholic, Tin Lành, Đạo Phật giúp đỡ. Những người tị nạn khắp các quốc gia đến Thái, như Myanmar, Lào, Cambodia, Somali, Nepal, Srilanka vv..,  trong đó có người Việt Nam còn được một cơ quan có tên dịch ra tiếng Việt là “Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia Thái Lan” (NHRC) giúp đỡ về mặt pháp lý. Cơ quan này tham gia tiếp cận chủ động bất cứ khi nào xác định được trường hợp có nguy cơ xâm phạm quyền con người trên đất Thái. NHRC phổ biến kiến ​​thức, tiến hành nghiên cứu và truy cập thông tin về quyền con người. NHRC cũng thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, các hội đoàn tư nhân và bất kỳ bên nào khác liên quan đến vấn đề nhân quyền. Cũng nhờ sáng kiến của NHRC mà cuối năm 2011 vừa qua trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép IDC Bangkok đã tiến hành tha bổng có điều kiện một nhóm người Thượng Tây Nguyên Việt Nam ra ngoài để cho con em họ được đi học.

Lẽ ra theo phép công bằng, những người tị nạn vượt biên trái phép vào Thái đều là tội phạm. Nhưng trái lại, họ đã được Chính Phủ Hoàng Gia Thái Lan và các hội đoàn dân sự trên đất Thái giúp đỡ. Bởi nhà nước và nhân dân Thái biết rằng, người tị nạn đều là những người đau khổ. Họ phải rời bỏ quê hương ra đi tìm bến bờ tự do là điều bất đắc dĩ. Vì nhân đạo và bản tính thân thiện thương người của người Thái, nước này đã trở thành một quốc gia hàng đầu trên thế giới về cứu giúp người tị nạn. Liên tục trong mấy chục năm qua, hàng năm Thái Lan luôn có số lượng người tị nạn tạm dung thường trực lên đến vài trăm ngàn người. Nhiều nhất là người Myanmar.

Trên thực tế, nhiều người tị nạn đơn thuần vì lý do kinh tế. Họ không hề nằm trong quy định chấp nhận của UNHCR về lý do tị nạn như có vấn đề về chính trị, tôn giáo, chủng tộc vv… Một số người tị nạn Việt Nam sang Thái bằng con đường du lịch thăm thân, phá hợp đồng lao động tại Malayxia, trốn nợ, trốn án hình sự cũng đệ đơn xin tị nạn tại UNHCR Thái. Đây là những nỗi khó chịu không những cho nhà nước Thái mà còn là áp lực công việc rất nặng nề của UNHCR. Tuy nhiên, những thành phần “tị nạn” vừa kể khó qua được con mắt và nghiệp vụ của các nhân viên tài giỏi của UNHCR, hầu như tất cả những thành phần tị nạn kinh tế đều bị từ chối cấp quy chế. Tuy vậy cũng có một vài trường hợp người tị nạn Việt Nam đúng ra là đủ điều kiện để UNHCR cấp quy chế. Nhưng vì họ đã làm mất các hồ sơ bằng chứng hoặc đơn giản là họ không biết cách khai báo với UNHCR theo các tiêu chí của Liên Hợp Quốc đã ấn định nên đã bị từ chối. Nhìn chung có thể khẳng định về độ sàng lọc của UNHCR là công bằng. 

Với những dữ kiện và thông tin giản lược như trên, những người tị nạn trên đất Thái tuy trong vị trí và tư cách của những tội phạm, nhưng họ vẫn được Chính Phủ Hoàng Gia Thái Lan và nhân dân Thái hết lòng bao dung che chở. Đây có thể nói là một “nghịch lý đáng yêu”, và là một món quà quý giá đối với người tị nạn nói chung. Người tị nạn Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay cần biết ơn nước Thái, một đất nước tự do dân chủ, bằng lòng nhân ái truyền thống, họ đã bước qua rào cản luật pháp  theo cách đặc biệt để giang tay cứu giúp người tị nạn.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More