Sự "Mất Ổn Định Chính Trị" quí báu tại Nhật

Ngô Quảng - DienDanCTM

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda,
thủ lãnh đảng Dân Chủ Nhật
Do nhiều hứa hẹn như không tăng thuế tiêu thụ ít nhất trong thời gian 4 năm nếu nắm được chính quyền, tăng tiền trợ cấp tiền cho nhi đồng, không thu phí xa lộ trên khắp cả nước, tiết giảm ngân sách, cải cách quỷ hưu trí, bảo hiểm sức khỏe nên đảng đối lập Dân Chủ đã thắng lớn trong kỳ bầu cử Hạ viện Quốc hội Nhật vào cuối tháng 8 năm 2009. Thế nhưng sau khi lên nắm quyền. mặc dù cố gắng hết sức đảng Dân Chủ vẫn không thể thực hiện được những gì mình đã hứa với cử tri.

Đã không thực hiện được thì thôi lại đòi tăng thuế tiêu thu, tăng tiền bảo hiểm sức khỏe khiến người dân bất mãn, rất nhiều người cho rằng đảng Dân Chủ nói láo. Ngày 14 tháng 11 vừa qua, tức là sau 3 năm 4 tháng lên nắm quyền qua ba đời Thủ tướng, đảng Dân Chủ mới chính thức lên tiếng xin lỗi người dân vì không thực hiện được những gì đã hứa trước đây. Lý do không thực hiện được vì lúc đó đảng Dân Chủ chưa nắm quyền lần nào cả nên thiếu kinh nghiệm, không biết chính xác ngân sách quốc gia có được bao nhiêu nên đưa ra những chính sách không đúng với thực tại. Rút kinh nghiệm đó, đảng Dân Chủ sẽ đưa ra chính sách mới phù hợp với khả năng của mình để xin đồng bào ủng hộ trong kỳ Tổng tuyển cử tới.

Các đảng đối lập, đặc biệt là đảng Tự Do khai thác triệt để sự hứa cuội này để công kích đảng cầm quyền Dân Chủ tối đa. Mặc dù người dân bất mãn đảng Dân Chủ, nhưng không phải vì thế mà xoay qua ủng hộ đảng Tự Do vì mọi người đều biết tác nhân đưa đến sự thâm thủng ngân sách như hiện nay không ai khác hơn là đảng Tự Do, một đảng đã nắm quyền gần như liên tục trong 50 năm.

Bất mãn đảng cầm quyền Dân Chủ, không ủng hộ đảng đối lập Tự Do vậy mùa bầu cử tới người dân Nhật sẽ bỏ phiếu cho đảng nào? Đây là một ẩn số chưa có giải đáp. Nắm được xu hướng chung là như thế nên nhiều chính trị gia ở trong đảng cầm quyền lẫn đảng đối lập Tự Do tách ra thành lập các đảng mới rồi liên kết với nhau để hy vọng hốt phiếu trong kỳ bầu cử sắp tới .

Hội Duy Tân Nhật Bản mới thành lập mà người Đại diện là ông Ishihara, cựu Đô trưởng Tokyo, quy tụ được nhiều chính trị gia trẻ đang lên, dám nói, dám làm là một thế lực thứ ba trong kỳ bầu cử này.

Tình hình chính trị Nhật chưa biết ngã ngũ về đâu thì tại Quốc hội các đảng đối lập gia tăng áp lực đòi Thủ tướng Noda phải giải tán Hạ Viện, tổ chức Tổng tuyển cử. Mặc dù rất muốn kéo dài thời gian cầm quyền thêm ngày nào tốt ngày đó, nhưng Thủ tướng Noda cũng biết rằng người dân muốn chọn lại người lãnh đạo nên vào ngày 14 tháng 11 vừa rồi đã phải tuyên bố sẽ giải tán Hạ Viện với điều kiện là các đảng đối lập phải cho thông qua một số dự án quan trọng như tăng thuế tiêu thụ, phát hành trái phiếu, tăng giảm số ghế dân biểu Quốc hội trong kỳ bầu cử tới theo tỷ lệ dân số từng địa phương mà Tối cao Pháp viện đã phán quyết, v.v. Vì muốm sớm giải tán bầu lại nên đảng Tự do và đảng Công Minh đã đồng ý bỏ phiếu tán thành, thế là Thủ tướng Noda tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu lại.

Nhìn vào các diễn biến như vậy rồi cho là rằng chính trường Nhật đang bất ổn thì thì quả thật cũng không sai. Nhưng có sống ở Nhật rồi mới biết rằng đảng cầm quyền không muốn điều hành đất nước khi bị nhiều người dân phản đối, có kéo dài thêm cũng chẳng được bao lâu, chỉ làm cho xã hội thêm bức xúc mà thôi, giải tán để người dân bầu lại, nếu còn được tiếp tục tín nhiệm thì khi nắm quyền điều hành quốc gia mới suông sẽ, còn không thì nhường lại cho đảng phái khác lên.

Phải có ý thức đặt quyền lợi đất nước và dân tộc lên trên hết và ý thức dân chủ cao mới có thể coi việc nắm chính quyền chỉ là phương tiện để phục vụ quốc gia, chứ không phải nắm quyền bằng mọi giá. Và ở trong vai trò đối lập cũng có thể góp phần xây dựng đất nước.

Việc Nhật Bản giải tán Quốc hội đã được báo đài ở Trung quốc lẫn Việt Nam loan tin rộng rãi theo chiều hướng phê phán: đa nguyên, đa đảng chỉ dẫn đến bất ổn chính trị. Họ lờ đi mặt tích cực của việc chính quyền tôn trọng ý kiến nguời dân, để rồi kết luận rằng độc đảng là tốt nhất để biện minh cho sự độc tài cai trị của mình.

Chính quyền và người dân ở những nước tự do dân chủ chẳng ai chọn giải pháp ổn định giả tạo bằng công an trị. Chỉ có lá phiếu của người dân mới quyết định tất cả. Nhờ vậy ma chẳng quốc gia nào bị đi thụt lùi về tư duy lẫn đời sống vật chất. Tất cả đều tự tin trong việc sẽ đưa đất nước đi lên.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More