Sống và chết từ “Điều chưa biết”của Trần Đức Thạch.

Bảo Nam

Tập thơ “Điều chưa biết” của Trần Đức Thạch
Sau mấy chục năm bươn chải đây đó, cơm áo, va vấp, tan hợp tình duyên, chiêm nghiệm trước nhân tình thái thế, năm 2006 Trần Đức Thạch cho ra đời tập thơ “Điều chưa biết” thật khiêm nhường, mỏng tanh, nhưng trĩu nặng bao nỗi đau. Đọc cả tập thơ không thấy thấp thoáng một lần anh cười, có chăng đó là cái cười (không khóc được nữa) để rồi phía sau lặng phắc, quặn xé.
                                   ***       
Sinh 1952, đang chiến tranh chống Pháp, và cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, như bao đứa trẻ khác, Thạch đói khổ triền miên. Lớn lên anh vào quân ngũ, đánh đấm qua nhiều chiến trường. Thật may không bỏ xác như nhiều trai tráng khác, anh trở về xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi mình sinh ra. Không nghề nghiệp, lại đói khổ. Đây là giai đoạn ở miền Bắc, với những khẩu hiệu “Mo cơm quả cà, tấm lòng cọng sản, chúng ta tiến lên XHCN”. Nhân một lần bất lực trong đấu tranh, bất đồng trong chính kiến, anh đã tự thiêu. Nhưng ngọn lửa của anh chưa kịp bùng lên thì bị dập tắt. Anh sống mà lửa lòng vẫn âm ỉ, chờ cơn gió mới. Trước mắt là thơ đã được chiêm nghiệm, trăn trở “Điều chưa biết”. Trang đầu tiên của tập thơ là bài “Xuân Ất Dậu”  anh cũng hóm hỉnh đáo để. Nói đến mùa xuân, anh không ca ngợi gì ráo mà chỉ vẽ lên bức tranh chú gà trống đang hứng tình với ả gà mái:

“Chóp mào đỏ
Bộ lông tía
Tiếng gáy vang
Nghiêng mình xòe vũ điệu
Nhấc viên sỏi lên

Cô gà mái ngấm duyên ào tới
Âm dương hòa khúc hoan ca
Cành đào chồi nụ đơm hoa”.

Đó là sự quan sát tinh tế, thể hiện độc đáo, vui một tý về dậu (gà) để rồi u sầu chia ly ập đến với thìn (rồng) tuổi của anh

“Anh lên tàu khuất hút biển mênh mông
Em làm bạn với vầng trăng khuyết
Lặng lẽ theo từng tin thời tiết
Trăng chênh vênh trống vắng vòng tay”.

Một cuộc chia tay mà ai soi vào cũng thấy mình, thấy ta. Từ tình yêu đôi lứa, đến tình yêu quê hương, anh đã chuyển sang thể thơ lục bát, mềm dịu, tha thiết

“Lao xao bến nước Lạch Cờn
Thuyền ai nửa đậu, nửa vờn bóng trăng” 
Trần Đức Thạch
              
Mở tập thơ, đọc ba bài thơ đầu tiên “Xuân Ất Dậu. Lặng lẽ. Lạch Cờn” xem ra không có gì đáng kể, cả mặt ý tưởng và nghệ thuật, nhưng không cần tinh ý cũng nhận ra có sự sắp xếp, đánh lừa độc giả, để rồi các bài thơ tiếp theo các trang sau bắt đầu mở ra những gai góc, sống chết . Đó là khi đọc đến bài thơ “Lạ” đầy ẩn dụ từ lá, hoa, trái. Từ xanh, thắm, chín. Nhưng sang khổ thơ thứ hai các từ trên chuyển thành: Vàng, tàn, rụng

“Đời người
Xanh như lá
Thắm như hoa
Chín như trái
Để rồi
Lá phải vàng
Hoa phải tàn
Trái rụng”

Từ triết lý sinh tồn của hoa quả, lại nói về sự sống của con người, mong manh trước nghiệt ngã tự do, dân chủ, trước bão tố của cuộc đời, để rồi cũng thoáng chốc lụi tắt .

Khát vọng sống sung sướng, mong có vua quan chuyên chăm lo cho trăm dân, không có thù địch, chiến tranh, đó là bài thơ “Nghe chuyện nước Brunay”

“ở Brunay
Dân có vua
Có cung điện giát vàng lộng lẫy
Thần dân nằm viện không phải mất tiền
Học sinh đến trường không phải lo học phí
Giàu như nước Mỹ
Nhiều người vẫn mơ”…

Không bàn đến nghệ thuật, nhưng tư tưởng khát vọng của nhà thơ đã xuất hiện, quặn xé, tan nát qua từng cung bậc nâng dần lên, cho dù anh cố giấu nó bằng những lạc quan gượng gạo. “Đêm cùng bạn” là một bài thơ như thế

“ Ngất ngưởng nâng ly bên bể sóng
Trăng gầy sao vụn nhạt nhòa đêm
Vạc toác rụng rời ngang trời thẳm
Thơ đọc dốc lòng rượu rót thêm…
Gió hắt sương chan sướng đã đời
Trời cho được sống còn vui chán
Lý giải  bạc đầu cũng thế thôi”.

Đến bài thơ “Chiêm nghiệm” thì sự chết chóc hiện lên, chết vung vãi, chết tơi tả

“Thời gian xé tôi thành trăm mảnh
Vung vãi đó đây
Trên rừng dưới bể
Nam- Bắc- Đông- Tây”…

Tôi đã đọc nhiều thơ, nhất là những nhà thơ quen biết như Thạch Qùy, Tùng Bách, Mai Hồng Niên, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đức Thạch, Chu Vĩnh Phương, và chợt nhận ra mỗi nhà thơ có một lối đi riêng để đến lòng bạn đọc. Trong đó Trần Đức Thạch có một cách nhìn từng trải, chiêm nghiệm thật chín chắn, bởi anh mất mát nhiều hơn, đau xé thường chìm vào ly rượu rồi vắt kiệt viết thành thơ. Người anh lúc nào cũng bơ phờ, ngơ ngác, cái ngơ ngác của một thi nhân trước mọi biến động của đất nước. Có câu “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng Trần Đức Thạch thì ngược lại, mọi riêng tư gia cảnh như chưa làm được gì, nhưng chuyện “lớn” đã làm nhiều kẻ phải giật mình phong thánh. Thời gian vô tận, không gian mênh mông, ở đâu bắt đầu, nơi đâu điểm cuối là một câu hỏi khó có câu trả lời xác đáng. Chúng ta đừng chần chừ, mà phải làm ngay những việc mình thấy xác đáng, đúng với chân lý, lẽ đời. Xuân đất trời đến rồi đi, rồi trở lại như một điệp khúc, xuân con người chỉ mấy mươi cục lịch vèo bay và cát bụi, nhà thơ đang chạy đua với thời gian, tuy nhiên cái đích của lý tưởng sẽ không nói hết những điều trả giá. Mừng cho anh phong tình, có duyên trong đôi lứa, cho dù cuộc vui nào cũng chẳng tày gang, cuộc tình nào cũng sớm phai tàn như một định mệnh mà không ai mong muốn. Trong bài “Phai mùa” đọc lên nghe man mác một nỗi buồn đơn chiếc, như hối tiếc, như bất lực trước sự nghiệt ngã của thời gian. Một thoáng tâm tư, một buổi chiều của đời người như xiêu vẹo đi trên đường trắng tay

“Ngày ngắn và đêm càng ngắn
Như ngựa phi trên đường đua
Lốc lịch treo tường quên xé
Gỡ xem mới biết phai mùa

Em đến- em đi-chớp mắt
Đâu đây lẻ sót tiếng ve
Cành phượng đóm hoa nguội tắt
Đường chiều chơm chớm lạnh se”.

Chỉ một tập thơ “Điều chưa biết” chắc chắn Trần Đức Thạch đã vắt kiệt sức mình để đến với bạn đọc biết về mình, một thi nhân sinh nhầm thế kỷ. Trong tập thơ để được xuất bản này chắc chắn còn bao điều tiềm ẩn khác chưa phát lộ tính tư tưởng. Như bài hát của nhạc sỹ tài hoa Trịnh “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, dõi suốt trăm năm một cõi đi về”…Mấy chục năm rồi Trần là một người như thế, đây đó bươn chải, mất mát, tan hợp, rồi tất cả như vô nghĩa, anh vội vã quay về với chính mình, kiên cường hy sinh cho một lý tưởng cho dù phía sau đó những điều gì xẩy ra chưa thể biết. Bài thơ “Điều chưa biết” cũng là cái tít của tập thơ gánh tất cả trọng trách, chấp nhận mọi sự đấu tranh cho lẽ đời. Bài thơ mở đầu như một chân lý, lẽ đời, khẳng định con đường đi đến hạnh phúc của mỗi con người

“Là con tàu bánh sắt nghiến đường ray
Chấp nhận không chạy đường nào khác

Là cá
Chấp nhận làm mồi cho loài cá lớn hơn
Là cỏ bị đè dưới đổ nát bê tông
Chấp nhận leo queo trắng thân bễu đọt
Chim bị nhốt lồng đói no cũng hót
Chấp nhận quên dần trời xanh bao la
Vang một bài ca
Chấp nhận đi vào đoạn kết
Còn tôi ư ? Tôi ư ?
Chấp nhận được gì chưa biết”…

Đã nói “chấp nhận cá lớn nuốt cá bé, chim nhốt lồng, cỏ bị bê tông đè trắng thân bễu đọt”…nghĩa là nhà thơ đã biết trước tất cả mọi trả giá, nhưng ý chí lại kiên định “Là con tàu bánh sắt nghiến đường ray. Chấp nhận không chạy đường nào khác”. Có nhiều người, kể cả bạn bè thơ phú nói nhỏ, Trần Đức Thạch là một con người đầy chí khí, nhưng kỳ dị. Kỳ dị rất rộng nghĩa, có thể khác thường với đa số, có lẽ đúng, vì mấy ai nổi tiếng như anh, tự thiêu vì bất đồng chính kiến, bất đồng với xã hội, vào tù rồi ra tù cũng chỉ “Chấp nhận không chạy đường nào khác”. Không, anh không kỳ dị như một số nhận định, anh là người kỳ diệu. Điều này không chỉ thể hiện trong cuộc sống đang “đào đất nhặt cỏ” hàng ngày để kiếm sống mà nó còn thể hiện trong giao tiếp, trò chuyện “một mình một diễn đàn” đầy chí lý và thuyết phục. Mong sao hậu phương, tình duyên của anh lần này là nơi vững chắc, không tan hợp nữa để anh có thêm nghị lực đi trên con đường đã chọn.

Bảo Nam
Tác giả gửi đến DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More