Bắc Triều Tiên, đất nước không internet


Thụy My


« Bình Nhưỡng từ chối không cho 200 lao động Bắc Triều Tiên bị kẹt ở Libya trở về nước, vì sợ họ sẽ loan truyền thông tin về cái chết của Mouammar Kadhafi và phong trào Mùa xuân Ả Rập ». Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã khẳng định như thế ngày 27/10/2011 trước báo chí Hàn Quốc, nhân vòng công du châu Á của ông (theo tin AFP). Một chuyện có vẻ khó tin trong thế kỷ 21. 

Tổ chức Phóng viên Không biên giới ghi nhận những trường hợp kết nối internet đầu tiên từ quốc gia khép kín này vào đầu năm 2011. Tuy nhiên đây là ưu tiên dành cho một số viên chức cao cấp của chế độ, và các nhà ngoại giao nước ngoài.

Vì vậy cũng dễ hiểu khi người dân Bắc Triều Tiên không biết gì về tình hình thế giới. Những người đào thoát được sang Hàn Quốc cho biết, qua những cuộn băng video phim Hàn Quốc nhập lậu được bán lén lút, họ mới biết cuộc sống của những người anh em phương nam ở xứ « tư bản giãy chết » ấy ra sao.

Sau đây là bài báo « Bình Nhưỡng đã khóa kín không gian ảo như thế nào ? » đăng trên tờ báo Shindonga xuất bản tại Seoul, được Le Courrier International dịch lại (các tựa nhỏ trong bài là của người dịch).

Vào tháng 6/2006, một cuộc họp khẩn được tổ chức tại cơ quan an ninh Bắc Triều Tiên (BTT). Đó là do một người sử dụng trang web Nae nara (Tổ Quốc) -Trung tâm tin học đầu tiên của BTT – đã có sáng kiến kêu gọi tham gia một sự kiện thể thao mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập trang này, và đã có 300 người trả lời sẽ tham dự. Chính quyền cho điều này là nguy hiểm, vì tất cả các cuộc hội họp không phép đều bị cấm. Hơn nữa, sân vận động liên quan chỉ cách trụ sở đảng có 10 phút đi bộ. Lực lượng an ninh đã giải tán cuộc tập họp này, và hủy bỏ buổi lễ. Sau đó là một cuộc thanh lọc toàn bộ không gian ảo ở BTT.


Mạng internet BTT giống như mạng nội bộ intranet hơn là internet, vì khép kín với thế giới bên ngoài. Kể từ thời điểm đó, toàn bộ các quán cà phê internet bị đóng cửa, chỉ có các định chế nhà nước và các công ty mới có thể truy cập được internet. Thực ra, việc thanh trừng này không thực sự làm những người sử dụng internet tại BTT ngạc nhiên. Họ vẫn nghi ngại là chính quyền khó thể dung thứ cho những trao đổi trên mạng. Nhưng các biện pháp trừng phạt đã diễn ra sớm hơn dự tính.


Cho đến lúc đó, chính quyền BTT vẫn cố gắng phát triển kỹ thuật mới này, nhiều hơn là người ta nghĩ. Mong ước được đứng ngang tầm với phần còn lại của thế giới, và nỗi lo ngại thay đổi, là hai cực của thế lưỡng nan tại quốc gia khép kín. Trong trường hợp xung đột lợi ích, luôn luôn an ninh của chế độ phải được đặt lên hàng đầu. Việc phát triển kỹ thuật thông tin cũng giống như một tảng băng, người ta đi trên đó mà không biết nó có vững chắc hay không.


Ngược dòng thời gian


Chiếc máy tính đầu tiên xuất hiện tại BTT vào năm 1982, được sản xuất với các linh kiện nhập từ Nhật. Năm 1983, các trung tâm nghiên cứu tin học đầu tiên đã ra đời, tại trường Khoa học Quốc gia, và đại học Kim Chaek. Hai năm sau, khoa tin học được thành lập tại Bình Nhưỡng và Hamhung. Đại học Kim Il Sung có được trung tâm tin học vào năm 1986. Tháng 10/1990  Trung tâm Tin học BTT, một tòa nhà hiện đại có diện tích 23.000m2 được khai trương tại Bình Nhưỡng. Và kể từ 1992 trong sách giáo khoa môn toán cấp trung học có dành một chương cho chương trình tin học.


Việc thành lập Nae nara vào năm 1996 và trung tâm Kwangmyong (Ánh Sáng) – trang mạng của Cơ quanTuyên truyền Khoa học Kỹ thuật – một năm sau đó, là một bước ngoặt trong lịch sử internet của BTT. Sau một thời kỳ lúng túng, mạng lưới đã nhanh chóng phát triển từ năm 2000, đặc biệt là những trao đổi trên mạng, cho đến năm 2006, khi cơ quan an ninh quốc gia can thiệp.

Các tin nhắn trao đổi qua lại tất nhiên có thể được cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng các cuộc thảo luận trên mạng đã hấp dẫn các thanh niên BTT. Họ thấy đây là một cách để thoát khỏi cuộc sống đơn điệu thường ngày, và nhất là cơ hội để gặp được một tâm hồn đồng điệu khác phái.

Đương nhiên những công dân mạng đầu tiên của BTT có xuất thân từ tầng lớp được ưu đãi. Chiếc máy vi tính nhanh chóng trở thành một dấu hiệu của sự giàu sang, sau tivi và xe đạp, và góp phần vào việc phát triển internet tại nước này. Các diễn đàn thảo luận của nhiều trang mạng thu hút nhiều người sử dụng mong muốn chia sẻ các thông tin, nhất là về tin học. Các trang thương mại xuất hiện. Đã có thể đọc được trên mạng các tờ báo Rodong Sinmun, Pyongyang Sinmun và xem kết quả các trận thi đấu thể thao. Mạng internet hạn chế này cũng đã sinh ra một thế hệ hacker (*), và các quán cà phê internet xuất hiện tại các thành phố lớn vào đầu những năm 2000. Kim Hung Gwang, cựu giáo sư tin học tị nạn tại Hàn Quốc từ năm 2004 cho biết « việc truyền thông tin rất chậm và bấp bênh ». BTT từ đó đến nay đã tái cơ cấu hạ tầng để cải thiện chất lượng đường truyền.


Tháng 9/2007, BTT được Tổ chức cấp phát số hiệu internet ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) cho phép sử dụng đuôi okp làm tên miền cấp cao nhất dành cho BTT. Có nhiều ngàn địa chỉ tại BTT, tất nhiên là những định chế chính thức, nhưng cũng có cả các công ty có làm ăn với nước ngoài. Một số trường học có trang web riêng, và sinh viên các trường đại học Kim Il Sung hay Kim Chaek có thể theo dõi các bài giảng trên mạng. Nhất là Kim Chaek – thánh địa của giảng dạy khoa học tại nước này – được tin học hóa rất nhiều, với một thư viện điện tử gồm các tác phẩm của Kim Il Sung và Kim Jong Il, các thông cáo của trường, các bài báo khoa học, sách giáo khoa. Nhân viên của trường bắt đầu một ngày làm việc bằng cách tham khảo trang web.


Việc hình thành các trang web BTT thường phức tạp chứ không như người ta nghĩ, vì có nhiều quản trị viên mạng tài năng so với số lượng trang web hiện hữu. Người BTT không hề biết đến Google cũng như Yahoo ! Các trang web dành cho việc giáo dục và của Cơ quan Tuyên truyền Khoa học Kỹ thuật cho phép tìm kiếm tài liệu, nhưng các tài liệu này không tham khảo được trên mạng. Các tài liệu hiếm hoi xem được chỉ dành cho một thiểu số người có mật mã truy cập.


Máy vi tính: Gian nan cho người sử dụng


Các máy vi tính thường được trang bị Pentium III hay IV, được bán trong các cửa hàng nhà nước với giá rất cao. Đa số người dân chuộng việc mua lại máy cũ từ Trung Quốc, thường là mang nhãn hiệu Hàn Quốc như Samsung, LG hay Sambo. Một số máy nhập lậu vào vẫn còn lưu giữ các dữ liệu của người sử dụng trước đó. Một máy tính cũ giá 150 đến 250 đô la, trong khi ngân sách cả năm của một hộ gia đình trung lưu chỉ có từ 400 đến 500 đô la.


Mua máy vi tính là một việc, còn lắp đặt máy lại là chuyện khác. Cần phải có giấy phép chính thức, mà giấy phép này rất khó xin. Trước tiên phải trình biên nhận chứng minh máy được mua một cách hợp pháp. Sau đó chiếc máy phải được đưa đi « chặn sóng » – từ khi chính quyền nhận ra được việc vệ tinh có thể định vị được máy. Cuối cùng là được cấp giấy chứng nhận đăng ký, một khi đĩa cứng đã được cơ quan kiểm duyệt kiểm tra xong.


Theo những người tị nạn BTT, thì thời gian gần đây kỷ luật có bị lơi lỏng. Người ta có thể xin được mọi thứ giấy cần thiết nếu chịu chi hối lộ. Có điều vẫn có khả năng bị kiểm tra đột xuất, một việc vẫn thường diễn ra ở BTT. Nếu tìm thấy một tài liệu « có vấn đề » trong máy, có thể bị xử lý hình sự.


Dù vậy, ngày càng có nhiều gia đình BTT muốn trang bị máy tính. Vào đầu năm 2010, có khoảng 200.000 hộ ở Bình Nhưỡng có máy vi tính – dân số thủ đô BTT khoảng ba triệu rưỡi người. Chiếc máy được sử dụng chủ yếu vào việc chơi game hoặc xem phim, từ khi chính quyền cấm cá nhân truy cập internet kể từ năm 2006.


Ngày nay chỉ có các máy tính được đăng ký của các tổ chức nhà nước hay các doanh nghiệp mới truy cập được vào mạng. Cũng từ đó, các hoạt động trong không gian ảo BTT hết sức nghèo nàn. Nhưng dù sao cũng vẫn có sự hiện diện của các cư dân mạng, trong đất nước khép kín và cô lập vốn nổi tiếng là một địa ngục này, nơi mà người dân phải chạy trốn nạn đói.


(*) : Theo tổ chức Phóng viên Không biên giới, Bình Nhưỡng có hẳn một đội ngũ hacker trẻ chuyên phá hoại các trang web thù địch hay để trộm thông tin. Còn New York Times cho biết, ngày 04/08/2011 cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 5 người đã tổ chức ra mạng lưới 30 hacker trẻ, chuyên khai thác các sơ hở của các game online Hàn Quốc như Lineage, Dungeon, Fighter. Trong một năm rưỡi gần đây, nhóm hacker trên đã kiếm được 6 triệu đô la, 55% số tiền này vào túi chính quyền Bình Nhưỡng.

1 comments:

Trong năm nay thì người dân Bắc Hàn mới được phép mở cửa tiệm hay buôn bán trên lề đường tự do và cũng được phép bán nhà. Từ đó thì phải nói là sự cởi mở tại Việt Nam đã vượt xa Bắc Hàn trong nhiều năm qua và trong mọi lĩnh vực. Nhưng đáng tiếc là những người lảnh đạo Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng nghĩa của sáu chữ vì dân, do dân, cho dân. Thế cho nên chiếc thuyền dân tộc hiện nay vẫn còn đang lênh đênh trên sóng cả.
Mong rằng 15 vị Thuyền Trưởng hiện nay sẽ nghĩ đến sinh mạng của 90 triệu người dân trên thuyền "trong đó có luôn cả gia quyến của các vị" nầy và rồi sẽ chọn một Thuyền Trưởng và rồi các vị sẽ cùng nhau đưa thuyền vượt sóng. Có như thế thì chiếc thuyền dân tộc mới có cơ hội cập bến dù là bến trong hay bến đục.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More