Hóng hớt chuyện Gạc-Ma
Nguyễn Quang Vinh
Thắng hói nay ở cùng vợ con tại thị xã Dĩ An, Bình Dương. Anh là thủy thủ
trên tàu HQ 505 ra làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma. Anh đang kể, trưa 13/3 tàu anh
tới khu vực đảo Gạc Ma, gặp ngay tàu Trung Quốc đang chĩa loa nói ra rả bằng
tiếng Việt, tuyên bố đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Trung Quốc, yêu cầu tàu Việt
Nam đi xa khỏi khu vực.
Xa kia, hai tàu hàng nhỏ hơn chở đá và xi măng cũng đã tiến gần đến Gạc
Ma chuẩn bị cho việc xây mốc chủ quyền của ta.
Tối đó, tàu Trung Quốc thả thuyền cao su vào đảo, cắm cờ trên đảo Gạc Ma.
Sáng hôm sau ta mới phát hiện cờ Trung Quốc trên đảo.
Thắng kể, đến sáng ngày 14 khi ta cho bộ đội lên đảo (đảo chìm trong
nước) để chuẩn bị phương án giữ đảo thì tàu Trung Quốc lại cho lính lên thuyền
cao su vào đảo, trên thuyền trang bị súng bắn xối xả về phía các chiến sĩ.
Thắng và anh em nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống. Rồi pháo tàu Trung Quốc bắn
dồn dập về tàu của Thắng. Thuyền trưởng Lễ hạ lệnh lao tàu hết tốc lực về đảo.
Tàu lao bập vào đảo và nằm gác thân lên đá ngầm. Thân tàu nhiều lỗ thủng, lửa
khói bốc lên nghi ngút. Quanh đảo, mấy tàu chiến Trung Quốc vẫn vòng vèo nhả đạn.
Mãi chiều tối, anh em mới tiếp cận được trung tâm đảo, vớt được một số thi thể
đồng đội, số thi thể còn lại bị sóng biển cuốn đi.
Cả tháng sau đó, Thắng và 10 chiến sĩ khác cùng thuyền trưởng Lễ vẫn bám
trụ trên con tàu đã hư hỏng của mình, cương quyết không rời tàu.
Sau khi mọi việc đã êm, tàu Trung Quốc đã rút, Thắng và anh em mới
rời tàu vào đất liền. Con tàu hư hỏng, nằm lại ở chân đảo như một chứng tích.
Nhiều tháng sau đó nó mới được kéo đi.
Sau này thuyền trưởng Lễ được phong anh hùng. Thắng được nhận bằng khen.
Rồi anh được ra quân. Bây giờ thì làm thợ đụng tại thị xã Dĩ An, lấy cô vợ
người Nam,
sinh được hai cháu.
Anh còn tăng gia thêm gà.
Cuộc đời lính chiến với kỷ niệm cuộc chiến đảo Gạc Ma có lẽ là kỷ niệm
suốt đời anh không thể quên. Hình ảnh các đồng đội ngã xuống dưới làn đạn của
lính Tàu ám ảnh cả đời.
Hàng năm, cứ đến ngày 14/3, gọi là ngày Gạc Mạ, đồng đội cũ lại gặp nhau.
Mình sơ lược
vài dòng thế nhưng câu chuyện của Thắng hói là một tư liệu rất quý cho mình.
Nhìn những con gà nầy mà tôi cảm thấy thương và tội nghiệp cho những đồng hương trong nước, nhất là những người đã dám lên tiếng chống lại sự bành trướng của nhà nước Trung Hoa tại Hoàng- và Trường Sa và đường Lưởi Bò.
Trả lờiXóa