11/5/12

Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức

Hà Sĩ Phu
Từ Nguyễn Phú Trọng (phải) đến Lê Hiền Đức (trái),
một khoảng cách vừa rất gần mà cũng rất xa
Con người có thể nhận thức được chân lý khách quan là nhờ biết KHÁI QUÁT HÓA, đúc kết, xâu chuỗi những hiện tượng của thực tiễn thành các quy luật để hướng dẫn cho hành động, tác động vào thực tiễn, rồi lại lấy kết quả thực tiễn để tiếp tục kiểm tra sự đúng sai của nhận thức đã có… Nhưng nếu những khái quát, đúc kết thực tiễn ban đầu đã sai mà lại quyết tâm “kiên trì” và phát triển những sai lầm gốc rễ ấy thì nguy hiểm biết chừng nào? Bài giảng về chủ nghĩa xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thuyết trình tại Cuba vừa rồi là một ví dụ điển hình như vậy.

Trò chuyện với một vị đảng viên già, từng lão luyện trong nghề tuyên giáo về bài viết ấy của ông Tổng Bí thư, tôi bất ngờ về một nhận xét thú vị:
Người ta cứ bảo ông Trọng là Trọng Lú, hay Trọng Cuội như hỗn danh của đám dân đen gọi ông, nhưng đến bài này tôi thấy ông ấy cũng khôn, có tính toán đáo để, và có pha chút tự tin tự hào thật sự nữa mới khổ. Cả bài lý luận thì ông ấy “cóp” y nguyên những gì đã học được ở trường Đảng của Liên Xô, duy có một điểm sáng tạo để ghi dấu ấn Nguyễn Phú Trọng vào lịch sử Mác-Lê, đó là ông tự cho mình đã đem lại cho nền kinh tế thị trường của nhân loại một khái niệm, một hình thái kinh tế-chính trị mà loài người chưa từng biết đến là “Kinh tế thị trường với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa”, tương tự như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đóng góp cho nhân loại cái lý thuyết “Làm chủ tập thể” vậy. Cuba là diễn đàn thích hợp nhất để ông tung ra luận điểm “đột phá” này.

Tôi gật gù: Ừ thì, “đã sinh ra ở trong tuyên giáo, phải có danh gì với Mác-Lê” một tý chứ lỵ, đường đường một Tiến sĩ Xây dựng Đảng chứ có phải…

Thú thật, bây giờ cứ trông thấy ông nào nói đến Mác-Lê một cách trịnh trọng là tôi lại thấy mủi lòng mà ái ngại thế nào ấy, chẳng lẽ ông này là đồ đệ của Kim Jong In hay sao mà không biết rằng đó chỉ là một thứ “rác tư duy” mà lịch sử đã vứt vào sọt? Bà Tổng thống Brasil tỏ ý ghê tởm một tín đồ Mác-Lê và chốt cửa không cho vào thì cũng phải thôi.

Phải công nhận những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã rất “dũng cảm” khi quyết làm một cuộc tổng kết KHÁI QUÁT HÓA vĩ đại bao trùm hết thế giới và bao trùm hết lịch sử. Tiếc rằng ý đồ quá lớn nhưng lực bất tòng tâm nên cuối cùng chỉ là những “khái quát vội” và “khái quát nhầm” một cách trầm trọng.
Ví dụ:
- Lầm tưởng chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn sau cùng của chủ nghĩa tư bản trước giờ cáo chung,
- Lầm tưởng lịch sử loài người chỉ là những chuỗi đấu tranh giai cấp,
- Lầm tưởng tư hữu là kẻ thù duy nhất sinh ra bất công nên dùng quyền lực để tiêu diệt tư hữu,
- Lầm tưởng nhà nước chỉ là công cụ của giai cấp này đàn áp giai cấp khác nên hướng tới nhà nước tự tiêu vong,
- Lầm tưởng sản xuất tư bản càng phát triển thì người lao động càng bị bần cùng hóa nên xã hội tư bản sẽ đi vào đường cùng,
- Lầm tưởng giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất có sứ mạng đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản,
- Lầm tưởng rằng vô sản toàn thế giới có thể liên hiệp lại vượt qua mọi ranh giới quốc gia,
- Lầm tưởng một số diễn biến tại châu Âu bấy giờ là khái quát chung cho thế giới,
- Lầm tưởng có thể thiết kế lại thế giới và uốn nắn lại con người, có thể điều khiển loài người một cách có kế hoạch và theo một quỹ đạo do những đầu óc siêu việt nghĩ ra… vân vân và vân vân…

Nhưng, nghĩ cho cùng thì Mác-Lê có cả nghìn điều sai lầm cũng chẳng cần để ý làm gì, chỉ biết một điều, còn Mác-Lê thì còn Đảng, còn Đảng thì vẫn còn câu Quốc tế ca “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” là được rồi. Tim đen ấy ai mà chẳng biết, “bạn đời ơi ta đã hiểu nhau rồi” (thơ Tố Hữu nhiều câu trứ danh thật!).

Mác-Lê đã khái quát nhân loại một cách trật khấc như vậy, thì dưới ánh sáng ấy ông Tổng Bí thư có khái quát tình hình Việt Nam thế nào cũng có thể đoán trước. Có người bảo Tổng Bí thư mô tả hiện tình Việt Nam như lời một kẻ mộng du, thực tiễn một đằng đúc kết một nẻo. Ông Hạ Đình Nguyên thì gọi đó là “sự khốn cùng của đúc kết thực tiễn và tư duy lý luận” thật chẳng sai chút nào.

Nhưng không phải tư duy của đảng viên cộng sản nào cũng “khốn cùng” như ông Tổng Bí thư. Trong những đảng viên có nhận thức khái quát ngược chiều với Tổng Bí thư và sát với thực tiễn không ai bằng cụ Lê Hiền Đức. Cụ Lê Hiền Đức không phải nhà lý luận và không hề có ý định viết lý luận, nhưng “đằm mình” trong thực tiễn ở những nơi xung đột nóng bỏng nhất của mâu thuẫn xã hội, cụ đã khái quát thực tiễn thành những kết luận đanh thép như dao chém đá, nổi bật nhất là hai luận điểm sau đây:

1- Chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lí, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự PHÓNG TO của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi. Kết luận này đánh tan một luận điểm cố hữu được dùng như tấm lá chắn cho sự sống còn của Đảng Cộng sản luôn coi mọi sự bê bối chỉ là những hiện tượng cá biệt, chỉ là sai lầm trong việc thực hiện ở cấp dưới. Cụ Lê Hiền Đức đã khái quát rằng trên dưới đều cùng một giuộc, càng lên trên thì đám “cướp ngày, cướp cạn” chỉ càng “phóng to” hơn mà thôi, vấn đề thuộc về bản chất rồi.

2- Sau khi xét về nhiều mặt, tình cảnh người dân Việt Nam hiện nay còn kém cả thời chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít”, sau khi thấy nhà nước hiện nay đã đi ngược lại các khẩu hiệu cách mạng trước đây, đã “nghiền nát hai chữ nhân dân” trong tên gọi của nhiều tổ chức do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cụ Lê Hiền Đức kết luận về Đảng và nhà nước hiện nay là“phản cách mạng đã rõ ràng rồi”.

Một đảng, một nhà nước tự xưng cách mạng nhưng hiện nay đã đi vào con đường “phản cách mạng” cũng tức là phản động, chống lại nhân dân!

Luận điểm này quan trọng, nó đánh tan luận điểm tuyên truyền cố hữu rằng “ý Đảng là lòng Dân”, Đảng với Dân là một!

Một khi “một bộ phận không nhỏ” trong giới cầm quyền đã phản cách mạng, phản lại nhân dân, dân và họ đã đi trên hai con đường ngược nhau thì làm gì có “thời cơ vàng của dân tộc cũng (đồng thời) là thời cơ vàng của Đảng ta” như tác giả Nguyễn Trung đã “phát hiện” và rất nhiều đảng viên tương tự cũng tán thành?

Và cũng không thể bàn về “sự lựa chọn nào cho Việt Nam” nói chung khi Việt Nam bao gồm hai thành tố ngược chiều khác nhau về lợi ích: một nhân dân Việt Nam lương thiện và một thế lực cầm quyền đã thoái hóa đến độ “phản cách mạng rõ ràng”, tức đã không còn đồng hành cùng nhân dân (mặc dù bác Nguyễn Trung phân tích thế giới bên ngoài rất kỹ càng, chí lý). Đây cũng là đề tài để những người cùng chung khát vọng canh tân đất nước phải suy nghĩ.

Sau cùng cho phép tôi nhắc đến mấy lời đồng cảm của riêng tôi, một người khác hẳn cụ Lê Hiền Đức, vì tôi không là đảng viên cũng chẳng có hoạt động thực tiễn nào ngoài lĩnh vực nghiên cứu sinh học, về xã hội tôi chỉ là kẻ “lý thuyết suông”. Vậy mà, may cho tôi, “tư duy lô-gích” trong bài “Chia tay Ý thức hệ” và bài “Từ vụ Bô-xít nghĩ về vận nước, đã giúp tôi mường tượng ra cái viễn cảnh dằn vặt trước sự PHẢN BỘI không thể tránh khỏi của tất cả những ai đã dấn thân theo con đường cộng sản:
Học thuyết chuyên chính vô sản là bà đỡ cho cả nạn NỘI XÂM lẫn NGOẠI XÂM, hai kẻ sinh đôi này tất nhiên câu kết với nhau để cùng tước đoạt quyền làm chủ của dân đối với đất nước”.

Hậu quả là ngày nay bất cứ người cộng sản nào cũng phải chọn một trong hai sự ‘PHẢN BỘI’ không thể thoái thác: hoặc là phản lại (hoặc từ bỏ) học thuyết sai lầm để trung thành với nước với dân (cũng là trung thành với tấm lòng và mục tiêu chân chính của Mác), hoặc là cứ ‘trung thành’ với học thuyết sai lầm thì lại phản dân tộc, phản tiến hoá. Người cộng sản tử tế chọn cách ‘phản’ thứ nhất! Còn phần lớn người cộng sản có quyền bính trong tay thì chọn cách ‘phản’ thứ hai, và gọi sự ‘phản’ của họ là đức tuyệt đối trung thành. Thái độ im lặng thực chất là gián tiếp đồng loã với cách phản bội thứ hai”.

Tôi cảm phục cụ Lê Hiền Đức một phần, vì sự dũng cảm của người đảng viên già dấn thân vào thực tế đấu tranh gian khổ cùng những người nông dân nghèo khó và oan ức, thì tôi càng cảm phục bội phần khả năng tư duy và khái quát chặt chẽ, rành mạch của cụ. Người đảng viên già sở dĩ rành mạch được vì trong tâm khảm của cụ chỉ có một nỗi đau đáu duy nhất: Tôi thương dân tôi lắm! Chỉ một câu đơn giản thế thôi mà nghe đến ứa nước mắt.
Trước bài thuyết trình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thực tiễn ViệtNam, cụ Lê Hiền Đức sừng sững là một đối chứng.
Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức, một khoảng cách vừa rất gần mà cũng rất xa.
Người phụ nữ được Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế chẳng những MINH BẠCH trong hoạt động đấu tranh thực tiễn mà càng MINH BẠCH trong tư duy, trong khi tư duy của rất nhiều nhà trí thức khoa bảng hiện nay, kể cả trí thức tiến bộ xem chừng còn xa mới đạt đến độ… MINH BẠCH!
8/5/2012
Hà Sĩ Phu
nguồn: http://www.procontra.asia/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét