Mẫu số chung: Nhân quyền

Blog / Bùi Tín / Voa
Gia đình nông dân Ðoàn Văn Vươn bị đưa ra xét xử tại 
Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng, ngày 2/4/2013.


x
Gia đình nông dân Ðoàn Văn Vươn bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng, ngày 2/4/2013.
Các vấn đề thời sự Việt Nam nóng hổi hiện nay hầu như tập trung vào một mẫu số chung là Nhân quyền. Vụ án «Cống Rộc» vừa được xử sơ thẩm ở Hải Phòng, kết tội một cách khắc nghiệt những công dân lương thiện, nhẹ nhàng với các quan chức đảng tham ô là một bằng chứng sống động về tình trạng vi phạm nghiêm trọng Nhân quyền có hệ thống ở Việt Nam. Người công dân lương thiện cảm thấy bất an vì chính quyền và nền tư pháp độc đảng vẫn ngang nhiên chà đạp lên quyền sống tự do của con người.

Việc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp theo kiểu cưỡng ép của lãnh đạo đảng Cộng sản, vừa đưa ra một bản dự thảo rồi coi mọi ý kiến khác biệt là suy thoái, là phản động, rồi cho phổ biến những con số bịa đặt, thổi phồng quá đáng - thoạt tiên là 20 triệu, kế đó là 22 triệu, phóng bừa lên 40 triệu, rồi 44 triệu ý kiến đồng tình - nay rút xuống còn 9 triệu, chỉ phơi bày thêm rõ nét tình trạng nhân phẩm, quyền tự do của con người bị chà đạp nghiêm trọng đến mức nào.


Cuộc đối thoại định kỳ về Nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng nhạt nhẽo, đình đốn suốt năm 2012, cũng như quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu gặp trở ngại cũng chỉ vì thành tích về Nhân quyền của Việt Nam đã liên tục tuột dốc trong 4 năm qua, khi đảng Cộng sản ngày càng ngả về phía Trung Quốc, giảm rõ nhiệt độ trong quan hệ với Hoa Kỳ và châu Âu. Lãnh đạo đảng Cộng sản không thể sử dụng chiến thuật ngoại giao «đi dây thăng bằng» giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để che giấu chiến lược nhất quán «nhất biên đảo» của họ đối với Trung Quốc.


Không phải ngẫu nhiên mà gần đây các mối quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ không tiến triển được chút nào, lại có những dấu hiệu giảm sút. Cuộc kỷ niệm ồn ào «đánh thắng đế quốc Mỹ» nhân dịp kỷ niệm 40 năm «Điện Biên Phủ trên không» (tháng 12-1972/12/2012) khác hẳn với không khí im lìm kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt - Campuchia và Việt - Trung (1978/2013). Cũng gần đây các nhà tuyên huấn cấp cao đều lặp đi lặp lại luận điệu mang hơi hướng hoài cổ «chống đế quốc Mỹ», rằng Hoa Kỳ «chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam», như viên Đại tá Trần Đăng Thanh đăng đàn rêu rao về «tội ác tày trời của đế quốc Mỹ ở Việt Nam».


Cũng không phải ngẫu nhiên các blogger tự do, các nhà dân chủ trong nước vẫn nhắc đến lời nhắn nhủ chân tình của Tổng thống Barack Obama khi nhậm chức hướng đến các chính quyền độc đoán: «Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược dòng lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm». Rất nhiều blogger tự do đã nhắc lại phát biểu sáng suốt của Luật sư Cù Huy Hà Vũ: «Liên minh quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại ». Cũng như chính kiến của tướng Đặng Quốc Bảo: «Đất nước ta cần liên minh với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản … để đối phó với hiểm họa Trung Quốc».


Cũng không phải ngẫu nhiên mà cả Hạ viện lẫn Thượng viện Hoa Kỳ hiện nay đều tỏ ra sốt ruột về thành tích Nhân quyền của Việt Nam đi xuống một cách tệ hại, không thể chấp nhận được, và các nhân vật có thế lực đều đòi Hà Nội phải tỏ ra biết điều với chính đồng bào của mình bằng hành động nếu muốn có quan hệ chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Dân biểu Chris Smith còn yêu cầu đưa lại Việt Nam vào danh sách «các nước cần quan tâm đặc biệt» - CPC - vì Hà Nội đã và đang vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống.


Việc Việt Nam xin gia nhập tổ chức kinh tế rộng lớn xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Strategic Economic Agrement) đang bị trở ngại vì cơ cấu kinh tế quốc doanh quá cứng nhắc đi cùng hệ thống chính trị phi nhân quyền. Nếu được thu nhận vào tổ chức này - có thể gồm 10 nước: Chile, Brunei, New Zealand, Singapore, Úc, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam - Hà Nội sẽ có thêm nhiều điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh xuất nhật khẩu và thu hút vốn đầu tư ước ngoài. Thế là lại thêm một thời cơ thuận lợi nữa của nước ta bị bỏ qua, nước ta lại bị lỡ thêm một chuyến tàu dẫn đến hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, có lợi không nhỏ cho tốc độ phát triển kinh tế, vì đảng Cộng sản vẫn một mực duy trì chính sách phủ nhận quyền công dân, quyền làm người của nhân dân.


Chính do chính sách ngoan cố chà đạp quyền con người của những người lãnh đạo Cộng sản mà cả một phong trào công dân đòi tự do, đòi quyền làm người đang bật dậy mạnh mẽ, khắp nông thôn và đô thị, từ phong trào đòi công lý của dân oan, đòi quyền sở hữu tư nhân về đất đai, đồng ruộng của nông dân, đến phong trào công dân tự do của trí thức, sinh viên, người lao động, nhà kinh doanh vừa và nhỏ. « Chúng tôi là công dân tự do, là người tự do, từ khi sinh ra đã là như thế, không cần xin phép ai, không cần chờ ai cho phép cả». Đó là sự khẳng định công khai, đàng hoàng, rộng khắp, lan truyền mạnh mẽ, tuyên chiến ôn hòa với mọi thế lực độc đoán, chống sự đàn áp phi pháp của chính quyền cảnh sát, độc đảng, là nét chính trị đặc sắc nhất, mới mẻ nhất của năm 2013 này.


Là những con người tự do, các công dân Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, và có thể của cả Đà Nẵng, Huế nữa, đang vẫy gọi nhau tụ họp dã ngoại - nghĩa là ngoài trời - để cùng nhau trò chuyện, trao đổi về quyền sống, quyền con người, dựa vững trên những quyền tự do của công dân được hiến pháp bảo vệ. Đồng bào, bạn bè, người thân với nhau nói chuyện, trao đổi về cuộc sống của mình, của cộng đồng, ai có quyền cấm đoán, ngăn cản? Ai muốn ngăn cản, cấm đoán, hãy mời họ cùng nhau nói chuyện trước đã, trao đổi trước đã. Chúng tôi không nói xấu ai, không bôi xấu ai, không vu cáo ai, cũng không lật đổ ai, chúng tôi bàn về quyền con người được hiến pháp và các văn kiện quốc tế bảo đảm, thế thôi. Cuộc trao đổi về nhân quyền ở dã ngoại, nơi thanh thiên bạch nhật, giữa không khí tự do dưới ánh mặt trời, sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 5 năm 2013 tới, một ngày chủ nhật mùa Xuân tự do mát mẻ.


Ấy thế mà ông Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã vội vã vào cuộc. Ông ta đe dọa: «Yêu cầu cưỡng chế đám đông người tụ họp mang tính chất chính trị». Thế nào là mang tính chất chính trị? Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo có là tự do chính trị? Quyền con người có là vấn đề chính trị? Sao lại cấm? Chỉ có đảng Cộng sản được hội họp mang tính chất chính trị thôi ư? Đó là chính sách ngu dân, khủng bố nhân dân, chống quyền làm chủ của nhân dân, luôn coi dân là kẻ thù tiềm năng, vốn là căn bệnh cố hữu của một đảng độc đoán lại đang thất thế.


Tháng 5 tới dồn dập nhiều sự kiện lớn: Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 7 tổng kết về cuộc tự phê bình và phê bình các cấp ủy đảng từ Bộ Chính trị, trung ương trở xuống; cuộc họp Quốc hội giữa năm bàn về sửa đổi Hiến pháp, bổ sung Luật đất đai, chống tham nhũng, cơ cấu lại nền kinh tế - tài chính; rồi lại còn cuộc Đối thoại an ninh - quốc phòng ở Đông Nam Á Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore, nơi Thủ tướng Nguyển Tấn Dũng là một diễn giả sẽ bị săm soi chặt chẽ về thành tích nhân quyền.


Và trên hết là sắp tới lãnh đạo đảng Cộng sản có điều chỉnh gì không về thái độ của họ đối với quyền con người của nhân dân, mẫu số chung của mọi vấn đề. Họ vẫn coi 80 triệu đồng bào của họ là nô lệ thời hiện đại, hay họ sẽ tỉnh ra, coi đó là anh chị em ruột thịt bình đẳng, phải được sống trong tự do và nhân phẩm, như phần lớn đồng loại trên hành tinh này.
Bùi Tín
(nguồn Voa)
DienDanCTM

3 comments:

Bị thúc đẩy bởi những người vẫn giữ khư khư tư duy cũ về chế độ Cộng sản và những nhóm cử tri chống Cộng người Việt ở Hoa Kỳ và Châu Âu, ngày 18/4/2013 Nghị viện Châu Âu (EP) đã ra Nghị quyết về tình hình nhân quyền ở VN. Cứ theo ngôn ngữ và sự kiện thì người ta thấy các ông nghị chỉ copy thông tin trên các trang mạng chống Cộng . Chẳng hạn, Nghị quyết cho rằng: “Ba nhà báo báo nổi tiếng – Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải – đã bị kết án tù vì họ đã đăng tải các bài viết lên trang web của Câu lạc bộ Nhà báo tự do”. Hay “14 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị kết án tổng cộng hơn 100 năm tù vì thực thi quyền tự do ngôn luận...”
Những ai quan điểm khách quan về chính trị thì không thể hiểu được vì sao một cơ quan quyền lực cao nhất của một tổ chức khu vực lại có thể đưa ra những thông tin và nhận định dễ dãi như vậy. thử hỏi căn cứ vào đâu, tiêu chí nào mà các ông ấy cho rằng Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải là không vi phạm pháp luật, là “Ba nhà báo báo nổi tiếng” ?
Sự thật là Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải đã phạm tội tuyên truyền xuyên tạc chính sách của nhà nước CHXHCN VN…âm mưu chống nhà nước CHXNCH VN (Điều 88, Bộ luật hình sự ) và tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79, Bộ luật hình sự ).
Đương nhiên tòa án VN xét xử theo pháp luật quốc gia. Và pháp luật của mỗi quốc gia thì không thể giống nhau nhau được, nhưng đó là thẩm quyền của mỗi quốc gia, thiết tưởng các ngài phải hiểu điều đó.
Lại nói về 14 người phạm tội ở Nghệ An, tương tự như cách thu thập thông tin về “ Ba nhà báo nổi tiếng…” nói trên, các ngài ủng hộ Nghị quyết này của EP lấy thông tin từ đâu, nếu không phải từ những trang mạng chống Cộng ở hải ngoại?
Sự thật là họ bị kết tội vì hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Tại tòa án các bị cáo đã được tổ chức phản động lưu vong “VN Canh tân cách mạng đảng” móc nối, tìm cách sang Thái Lan huấn luyện. Những người này đã lên kế hoạch cụ thể nhằm lật đổ chính quyền. Họ đã được tổ chức “Việt Tân” kết nạp, đặt bí danh, giao nhiệm vụ, cung cấp tiền và phương tiện để về nước hoạt động. Trước tòa các bị cáo đã khai nhận với cơ quan điều tra, thừa nhận rằng họ hoạt động chống phá nhà nước bằng phương thức “bất bạo động”.
Có thể nói, người ta đã thật sự thất vọng về tầm chính trị-văn hóa và ngoại giao của những nghị sỹ EP đã ủng hộ Nghị quyết này. Bởi vì khi đọc Nghị quyết có đoạn người ta ngạo mạn phê phán các nhà lập pháp VN rằng: “Nhiều tù nhân lương tâm đã bị kết án theo các điều luật an ninh quốc gia mơ hồ mà không phân biệt giữa hành vi bạo lực và bày tỏ ôn hòa về quan điểm bất đồng hay tín ngưỡng” (theo văn bản Nghị quyết). Ai cũng biết Hiến chương Liên hợp quốc, Luật quốc tế về quyền con người đều khẳng định rằng tất cả các quốc gia- dân tộc đều bình đẳng, không phân biệt lớn nhỏ, phát triển hay đang phát triển; tất cả các quốc gia- dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết, theo đó các quốc gia có quyền quyết định: “thể chế chính trị, tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa” . Điều đó có nghĩa các quốc gia lựa chọn chế độ nào- Tư bản chủ nghĩa hay Xã hội chủ nghĩa; xây dựng hệ thống pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia mà không ai có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc.
Trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”- Văn kiện Hội nghị nhân quyền quốc tế ở Viên (Áo), năm 1993, khẳng định: ” Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và coi trọng như nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa…” Nói một cách cụ thể, các quốc gia, dân tộc có quyền đưa ra những hạn chế luật định phù hợp những đặc thù dân tộc.

Nhân đây xin hỏi các ngài rằng: vì sao ông chủ mạng Wikileaks, Julian Assange lại bị săn đuổi khắp Châu Âu kể cả khi phải nương nhờ sứ quán Ecuador ở London? Chẳng lẽ nhiều quốc gia Châu Âu truy lùng ông ấy chỉ vì có quan hệ bất chính với hai phụ nữ Thụy Điển? hay chính vì ông ta đã tiết lộ thông tin trên mạng của mình mà Hoa Kỳ không hài lòng? Bình luận về câu chuyện này, có người đã nói “ Cuộc trốn chạy của ông chủ WikiLeaks khỏi quyền “tự do ngôn luận” của phương Tây”. Như vậy là đâu phải chỉ có VN mới có những “điều luật an ninh quốc gia mơ hồ, không phân biệt giữa hành vi bạo lực và bày tỏ ôn hòa về quan điểm”.
Về lịch sử, nếu như ở các nước tư bản phát triển, như Anh, Mỹ, Pháp, quyền con người là thành quả của cách mạng dân chủ tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, xã hội thần dân từ thế kỷ XVII, XVIII, thì ở VN quyền con người do nhân dân đứng lên giành lại được trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, 1945. Chẳng có “ mẫu quốc”, “ Chính quốc “ nào cho họ quyền con người cả! Và nếu như người VN cũng như nhiều quốc gia đang phát triển ngày nay nghi ngờ về lòng tốt của các “ chính quốc” năm xưa thì cũng là bình thường, thiết tưởng điều này các vị phải hiểu.
Có thể nói Quốc hội VN có lý do của mình để đưa ra những quy định pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng. Những quy định này không nhất thiết chỉ là những tội phạm liên quan đến hành vị bạo lực mà cả phi bạo lực, đến cái gọi là “ bầy tỏ ôn hoàn về quan điểm” trong tội hình sự- tội tuyên truyền chống nhà nước, chống chính quyền nhân dân. Đó chính là vì trên thế giới vẫn còn những kẻ muốn thông qua thủ đoạn “chiến tranh thông tin, chiến tranh mềm”- tuyên truyền các quan điểm của mình, từng bước đi đến lật đổ nhà nước hiện hữu.
Liên quan đến quyền tự do thông tin và quyền giữ bí mật cua con người ở Châu Âu nói chung ở Anh nói riêng hiện nay, xin được thông tin: Chính phủ Anh đang bị Tổ chức Privacy International (Tổ chức Bảo mật Quốc tế ) kiện ra Tòa Tối cao ở London (16/3/2013 ) về một số quan chức Anh liên quan đến công ty Gamma International- bị tố cáo là đã bán công nghệ theo dõi cho một số chính phủ mà người ta gọi là “độc tài” như Bahrain, Ethiopia, Turkmenistan ...
Cũng về quyền tự do thông tin, tự do báo chí, còn nhớ năm 2011, Thủ tướng Anh David Cameron ra tuyên bố: cần “ xem xét khả năng kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn các hành vi kích động, gây bất ổn xã hội”. Ông nói: “ Chính phủ đang xem xét khả năng đóng cửa các trang mạng xã hội hay dừng dịch vụ tin nhắn khi cho rằng các phần tử tham gia bạo động, cướp phá, phóng hỏa đã sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, đặc biệt là ứng dụng tin nhắn của điện thoại BlackBerry (BlackBerry Messenger - BBM) để liên lạc và tổ chức tập thể” . Thiết nghĩ người ta không trách những quan chức Anh đã làm như vậy, mà chỉ trách rằng Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết chỉ trích nhân quyền Việt Nam không chỉ dựa trên những thông tin thất thiệt mà còn là trái với đạo lý vì chính EU đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” (applying double standards) trên lĩnh vực nhân quyền.

Hòa Lộc cột nhiều chuyện với nhau quá nên hơi tung tóe khó theo dõi và khó thảo luận.

Nhưng có lẽ tiêu điểm chính là biện minh cho nhà nước ta và lý luận chính là nước nào có luật và cách hành luật của nước đó.

Điều phản biện của tôi rất đơn giản thôi. Xin cứ xem lại một cách thành thật luật của VN hiện nay do ai viết ra? viết mơ hồ để ai diễn giải? ai ngồi xử? ai thi hành luật tùy tiện theo nhu cầu? hệ thống luât pháp đó nhằm phục vụ ai?

Nếu câu trả lời đều là: đảng, đảng, đảng, đảng, đảng, thì dù gọi đó là chuyên chính hay độc tài vẫn là cái mà người dân không chấp nhận nữa, đặc biệt khi nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ 3 rồi, khi cái tệ hại của các chế độ độc tài đã quá rõ rồi, và khi sự cần thiết của nền tảng tự do cho phát triển con người và đất nước cũng quá rõ luôn.

Sau hết, nếu người dân bị cai trị như hiện giờ thì còn tệ hơn những tháng ngày sống dưới thời Pháp thuộc. Nhiều dẫn chứng lắm, đặc biệt về các quyền con người, kể cả quyền của những người đang bị xét xử và các tù nhân.

Rõ ràng là giới lãnh đạo của Hòa Lộc độc ác lắm đối với dân tộc chúng ta.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More