Việt Luận
Ông Lý Thái Hùng |
Việt Luận:
Ông có thể cho biết mục đích chuyến đi Úc của ông lần này?
Lý Thái Hùng (LTH): Trước hết xin cảm ơn Ban Biên Tập
Báo Việt Luận đã cho tôi có cơ hội được chia sẻ đến quý đồng hương tại Úc Châu
về tình hình đấu tranh của phong trào dân chủ tại Việt Nam và những nỗ lực của
đảng Việt Tân.
Mục đích
chuyến đến Úc Châu của tôi lần này nằm trong khuôn khổ chung là hướng dẫn một
số hướng hoạt động cho các cơ sở đảng Việt Tân tại Úc trong tình hình mới hiện
nay, đồng thời gặp gỡ một số thân hữu và quý vị nhân sĩ để trao đổi thêm về
những hợp tác hỗ trợ cho phong trào dân chủ đang có những chuyển biến tích cực
tại quê nhà.
Việt Luận:
Tình hình chính trị tại Việt Nam có nhiều biến động trong thời gian gần đây,
chẳng hạn như sự chia rẽ trong đảng CS, các phong trào đòi hỏi tự do dân chủ,
kinh tế xuống dốc, sự bất mãn chế độ của người dân…, ông có thể cho biết đường
lối tranh đấu hiện nay của đảng Việt Tân?
LTH: Thưa
anh, một cách tổng quát, chúng tôi nhìn những diễn biến của tình hình Việt Nam
hiện nay là đảng CSVN sẽ không còn có thể tồn tại lâu nữa.
Mặc dù đang
bị đàn áp nặng nề nhưng phong trào dân chủ Việt Nam đang như ngọn triều dâng
với số người tham gia ngày càng nhiều, dũng cảm và triệt để; trong khi đảng
Cộng sản Việt Nam lại rơi vào thế bị động, cố thủ trong lô cốt ngõ cụt giáo
điều, do những phân hóa trầm trọng không chỉ trong thượng tầng lãnh đạo mà còn
từ mọi cấp trước sự phá sản về niềm tin xã hội chủ nghĩa.
Hình ảnh
tiêu biểu nhất của đảng CSVN hiện nay là tình trạng bè phái trong đảng dựa trên
tiền và quyền lợi để khuynh loát lẫn nhau, đang làm suy yếu khả năng kiểm soát
của đảng. Do đó để đẩy cho CSVN mất dần khả năng kiểm soát và giúp cho phong
trào dân chủ tại Việt Nam lớn mạnh và liên tục tạo áp lực đáng kể, buộc CSVN
phải thoái lui, đảng Việt Tân đã và đang tiếp tục tiến hành một số nỗ lực sau
đây:
Thứ nhất là
tiếp tục quảng bá phương thức đấu tranh bất bạo động để giúp cho người dân vượt
qua sự sợ hãi, cùng nhau liên kết thành số đông và công khai lên tiếng đòi hỏi
CSVN phải đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời đẩy mạnh
chiến dịch Tự Do Internet để phá vỡ bưng bít thông tin của CSVN.
Thứ hai là
liên kết và hỗ trợ các nhà dân chủ, các trí thức yêu nước và các thanh niên
sinh viên để cùng đấu tranh trên các mặt trận như giúp dân oan, chống Trung
Quốc, chống khai thác Bauxite, giúp công nhân lao động đình công đòi cải thiện
cuộc sống.
Thứ ba là
vận động các tổ chức phi chính phủ, chính giới và bộ ngoại giao các quốc gia để
lên tiếng áp lực CSVN phải tôn trọng nhân quyền và ngưng các chính sách trả thù
các nhà dân chủ, Blogger.
Thứ tư là
hỗ trợ tài chánh và phương tiện cho các dân oan, nhà dân chủ, các blogger, các
thanh niên sinh viên khi bị sa cơ để không bị chế độ cô lập tài chánh hay ngưng
đấu tranh vì thiếu phương tiện.
Những nỗ
lực của Việt Tân tuy còn rất giới hạn nhưng chúng tôi đã phần nào gây cho
CSVN những áp lực rất lớn trên ba mặt: quốc tế, truyền thông và hỗ trợ
phương tiện cho các nhà dân chủ trong thời gian qua. Chính vì thế mà CSVN đã
tìm mọi cách tấn công và truy bức các hoạt động của Việt Tân như gán ghép Việt
Tân là khủng bố để qua đó tìm cách cô lập tiềm lực hoạt động. Nhưng phải nói là
CSVN đã hoàn toàn thất bại và họ càng tấn công VT khủng bố họ càng bị
quốc tế lên án.
Việt Luận:
Theo ông, để thay đổi tình hình bế tắc tại VN hiện nay, những yếu tố nào là
quan trọng nhất?
LTH: Yếu
tố quan trọng nhất cần phải thực hiện ngay, đó chính là xóa bỏ thể chế chính
trị độc tài và tôn trọng ý nguyện của người dân. Thể chế chính trị mà người dân
Việt Nam mong muốn thay đổi đó chính là một nhà nước dân chủ đích thực, chính
quyền phải tôn trọng và thực thi đúng đắn các quyền căn bản của người dân, dựa
trên bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Để đạt được
những thay đổi căn bản nói trên, phía CSVN phải thể hiện đầu tiên:
-Ngưng ngay
các hành vi bán nước quá nguy hiểm hiện nay. Ngưng ngay việc tiếp tay với Bắc
Kinh bịt mắt dân tộc Việt Nam về mối quan hệ hữu hảo không hề có.
-Thả hết
những tù nhân lương tâm, những nhà yêu nước đang bị giam giữ một cách phi lý và
phi nhân trong suốt mấy thập niên vừa qua.
-Trực tiếp
đối thoại TRƯỚC HẾT với giới trí thức, các nhà dân chủ, các nhà yêu nước ngay
tại quốc nội một cách nghiêm túc. Các đảng viên Việt Tân chúng tôi trong nước
sẽ cùng đứng với các nhà yêu nước trong giai đoạn thử thách cam go đó.
-Từng bước
bỏ các điều luật đang xiềng xích đất nước như điều 4 Hiến pháp, điều 79, điều
84, điều 88 luật hình sự, v...v...
Việt Luận:
Quan điểm của đảng Việt Tân như thế nào đối với việc đảng CSVN kêu gọi người
dân góp ý thay đổi hiến pháp?
LTH: Việc
nhà cầm quyền CSVN tung ra chiến dịch sửa đổi hiến pháp lần này nhắm vào 2 mục
tiêu: 1/Tạo hình ảnh tôn trọng nhân quyền khi họ đưa hẳn một chương về quyền
con người trong hiến pháp mới mà trước đây chưa hề có; 2/Nâng cấp bộ máy
hành chánh nhà nước mà cụ thể là gia tăng quyền của chủ tịch nước để kiềm chế
bớt sự lộng quyền của thủ tướng vì dần dần vai trò tổng bí thư đảng sẽ bị lu
mờ.
Khi thấy rõ
ý đồ của nhà cầm quyền CSVN như vậy, việc họ kêu gọi người dân góp ý kiến chỉ
là tạo dáng vẻ “dân chủ hình thức” hay là mị dân mà thôi.
Hôm 20
tháng 5, báo cáo trước quốc hội về tình hình góp ý kiến hiến pháp, ông Phan
Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992, cho biết là trong non 5 tháng có hơn 26 triệu lượt ý
kiến góp ý. Và theo ông Nguyễn Phú Trọng nói trong diễn văn bế mạc hội nghị lần
thứ 7 của trung ương đảng khóa XI, hôm 11 tháng 5 thì “tuyệt đại đa
số” người dân đã tán đồng nội dung sửa đổi hiến pháp 1992.
Đối chiếu
với chủ trương và những phát biểu của lãnh đạo CSVN về kết quả góp ý, chúng
ta thấy rõ là CSVN không để ý gì đến nguyện vọng thay đổi của người dân.
Đây là bản chất sợ thay đổi, nhất là thay đổi chính trị của mọi chế độ độc
tài. Kinh nghiệm của các cuộc cách mạng dân chủ từ thập niên 1980 khi
biến cố Đông Âu xảy ra cho đến nay, chính những trì hoãn thay đổi và đàn áp
mạnh mẽ của các chế độ độc tài đã làm gia tăng sự căm phẫn và đưa đến tình
trạng “tức nước vỡ bờ” kết liễu chính họ một cách chóng vánh.
Việt Luận:
Theo ông, tình hình chính trị quốc tế hiện nay có những thuận lợi và bất lợi
nào trong việc tranh đấu tự do, dân chủ cho Việt Nam?
LTH: Tình
hình chính trị quốc tế hiện nay rất thuận lợi cho cuộc tranh đấu của chúng ta.
Xu thế chính trị của thế giới hiện nay là dân chủ hóa toàn cầu. Đồng thời nhờ
cuộc cách mạng tin học với sự ra đời của mạng xã hội, quyền con người hiện được
thế giới đề cao hơn bao giờ hết và những chế độ độc tài không còn có thể bưng
bít thông tin đối với người dân. Sự kết hợp đấu tranh và phát huy chính nghĩa
dân tộc theo nguyên tắc đấu tranh bất bạo động trong thời đại Internet đã như
rơm khô bén lửa, bộc phát mạnh mẽ và lan tràn nhanh chóng.
Cuộc đấu
tranh dân chủ hóa đất nước của người Việt Nam phải nói là được sự đồng tình và
ủng hộ của hầu hết các chính quyền, nhân dân và các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Có ba thành phần quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta gồm:
-Những tổ
chức nhân quyền quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, Quan Sát Nhân Quyền, Ủy ban nhân
quyền Liên Hiệp Quốc…
-Những tổ
chức phi chính phủ (NGOs) giúp gia tăng quyền con người, tự do internet, bảo vệ
người dân tại những xứ độc tài như Tổ chức phóng viên không biên giới, Defend the Defenders, Media Defend…
-Những
chính giới và bộ ngoại giao các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Úc Châu, Pháp, Cộng
đồng EU, Canada….
Đa số những
thành phần quốc tế nói trên đều hỗ trợ rất thuận lợi dưới nhiều hình thức như
trao giải thưởng, giúp đỡ tài chánh, lên án sự đàn áp hay áp lực chế độ Hà Nội
giảm án. Điểm bất lợi nếu có là đối với một số chính quyền vì những quan hệ
ngoại giao tế nhị đã chưa có những áp lực đủ mạnh mà thôi. Tuy nhiên,
điều mà chúng ta cũng cần quan tâm để ý là người Việt Nam phải tự lực gánh vác
lấy công cuộc đấu tranh của mình, không thể ỷ lại hay mong chờ những giúp đỡ
hoàn toàn từ bên ngoài.
Việt Luận:
Nhiều người có thắc mắc là tại sao những người trẻ trong nước chẳng hạn như mới
đây là Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha… chỉ vì thể hiện lòng yêu nước mà bị đảng
CSVN kết án từ 6 đến 8 năm tù, trong lúc đó có một số thành viên của đảng Việt
Tân từ hải ngoại về VN tranh đấu như TS Nguyễn Quốc Quân (Mỹ), bà Võ Hồng (Úc)… thì chỉ bị bắt giam một thời
gian ngắn rồi được thả? Ông có thể giải thích tại sao có sự khác biệt này?
LTH: Thưa
anh, đây cũng là điều dễ hiểu, vì những người từ nước ngoài như Úc Châu, Hoa
Kỳ, Nhật Bản về nước đấu tranh đều mang giấy thông hành của quốc gia liên hệ.
Khi bị bắt vô cớ, CSVN phải có nghĩa vụ báo cho tòa đại sứ của quốc gia liên hệ
biết và đương nhiên bộ ngoại giao của quốc gia có công dân bị bắt phải làm cho
ra lẽ.
Tiến sĩ
Nguyễn Quốc Quân hay chị Võ Hồng vào Việt Nam với giấy tờ hợp lệ và họ bị bắt
hoàn toàn không có lý do chính đáng. Vì thế mà chính giới và nhiều tổ chức nhân
quyền đã áp lực Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hay Úc đòi hỏi CSVN phải thả những công
dân này của họ vô điều kiện và cuối cùng CSVN đã phải âm thầm trục xuất.
Trong khi
đó những nhà dân chủ và những đảng viên Việt Tân sống tại Việt Nam khi bị CSVN
bắt giữ, hoàn toàn không có lý do chính đáng; nhưng phải chịu sự ràng buộc và
chi phối bởi luật rừng của CSVN. Thế giới lên tiếng, chính quyền nhiều quốc gia
can thiệp nhưng CSVN núp sau cái gọi là “không được can thiệp nội bộ” để trốn
tránh những áp lực này.
Trước ngày
CSVN mang sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ra xử tại Long An hôm
16 tháng 5, Tổ Chức Human Right Watch đã lên tiếng yêu cầu CSVN không thể đưa
ra tòa và kết án một người chỉ phân phối truyền đơn chống Trung Quốc, và gọi đó
là tuyên truyền chống chế độ. CSVN đã làm ngơ. Lý do là sự lên tiếng của Human
Right Watch tuy có tác động trong dư luận nhưng CSVN sợ làm phật lòng Bắc Kinh
nếu ngưng hay xử nhẹ vụ án.
Điều mà tôi
muốn chia sẻ thêm ở đây là từ một nơi an bình, tự do, một số đảng viên Việt Tân
về nước tham gia đấu tranh, dù bị bắt và bị cầm tù trong một thời gian ngắn đi
chăng nữa, họ muốn bày tỏ tinh thần “đồng cam cộng khổ” với những hy sinh và
gian lao của các nhà dân chủ tại quốc nội. Chúng ta hiện rất cần nhiều người từ
hải ngoại về nước – dù có bị ở tù một thời gian ngắn – nhưng đó là những cơ hội
để chia sẻ những hy sinh của đồng bào quốc nội và nhất là gây sự chú ý của dư
luận quốc tế về những hành động vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị của CSVN.
Việt
Luận xin cám ơn ông
--------------------------------------------
* Vài hàng giới thiệu
về ông Lý Thái Hùng:
Ông Lý Thái Hùng sinh năm 1952; du học tại Nhật Bản
vào năm 1971. Ông tốt nghiệp Kỹ Sư và Cao Học Công Chánh tại Đại Học Tokyo
Metropolitan, Nhật Bản vào năm 1980. Ông là một trong những thành viên lãnh đạo
của Tổ Chức Người Việt Tự Do, một tổ chức đấu tranh đầu tiên của người Việt tại
hải ngoại sau năm 1975, và cũng là tổ chức nòng cốt thành lập Mặt Trận vào năm
1980 và sáng lập ra Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (VNCTCMĐ) vào tháng 9 năm
1982. Trước khi sang phục vụ toàn thời gian cho công cuộc đấu tranh tại Hoa Kỳ
vào năm 1985, ông đã cùng với nhiều chính giới và trí thức Nhật Bản thành lập
Hiệp Hội Liên Đới Giúp Đỡ Người Tỵ Nạn Đông Dương, nay đổi tên là Hiệp Hội Liên
Đới Người Đông Dương tại Nhật Bản. Ngoài lãnh vực đấu tranh, ông còn là nhà bình
luận sắc bén với những bài phân tích về thời sự Việt Nam và Á Châu và nói
chuyện trên các chương trình phát thanh Việt ngữ. Ông cũng là tác giả tập biên
khảo chính trị "Đông Âu tại Việt Nam" phát hành đầu năm
2007. Ông được đề cử giữ trách vụ Tổng Bí Thư Đảng VNCTCMĐ từ năm 2001 và
được tái tín nhiệm trách vụ này trong Đại hội VI (2006) và Đại hội VII (2012).
Nguồn: Việt Luận
0 comments:
Đăng nhận xét