Nhớ Nhất

Sao Hồng
Blogger Trương Duy Nhất

Quán cà-phê sáng cuối tuần. Lướt qua các tiêu đề của tờ Tuổi Trẻ, thứ Sáu, 26/7 (số 199/2013), mình dừng lại bài “Nổi đau người lính biển”. Giật nhẹ mình vì tiếng thoại bàn bên:
-      A-lô, Nhất hả? Đang ở đâu? Ra cà-phê đi !
Mình buông tờ báo và bần thần một chút. Thế là tròn hai tháng Blogger Trương Duy Nhất “nhập kho” vì… điều 258, ngày 26/5/2013.

Mấy hôm nay truyền thông các lề sôi sục các sự kiện tai biến tử vong do vắc-xin; thực phẩm ăn liền truyền thống nhiễm độc chất;  chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch nước,… Giá mà còn có Nhất nhỉ? Thế nào cộng đồng mạng sẽ được đọc những bài viết ngắn gọn trực diện về những nhân vật và sự kiện nóng hổi tuần qua.
***
Mình chưa gặp Nhất ngoài đời. Cũng chỉ mới bắt đầu đọc Nhất từ 2008, khi Nhất còn chơi bên Vnweblogs. Đọc là chính, hiếm khi bình luận. Nhưng mình nhớ có một lần, đọc được bài về đề tài mình đang quan tâm. Có viết vài dòng khá bức xúc. Nhất trả lời, “bạn bức xúc với vấn đề này nhỉ? Xin lỗi tôi phải xóa vì quá “nhạy cảm” !
Từ đó, mình biết Nhất là một cây viết có trách nhiệm, có ý thức.
Những bài viết của Nhất là những đề tài nóng hổi mà xã hội đang quan tâm. Những nhân vật trong bài viết của Nhất không từ một ai và rất trực diện. Từ chủ tịch nước, tổng bí thư đến thủ tướng. Những thông tin mà Nhất đưa ra cũng làm bạn đọc giật mình vì tính nóng hổi thời sự, tính nhạy cảm “cung đình”. Chính vì điều đó, nó thu hút người đọc rất cao.

Thực ra, những thông tin mà Nhất đề cập, nhiều nhà báo lề phải cũng có, nhưng họ chỉ có một “góc nhìn” chủ đạo đã được “định hướng” từ bên trên. Báo của họ còn phải chờ bật đèn xanh mới lên khuôn và cho ra báo. Cách viết bài theo “góc nhìn của Nhất” nó chỉ khác với truyền thông lề phải. Chứ so với xã hội và tự do báo chí ở phương Tây thì cũng chẳng có gì xa lạ
Hội nghị Trung ương lần 7 đã xong; kỳ họp Quốc Hội khóa 13 dầu năm đang diễn ra. Chỉ còn mấy ngày là lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc Hội bầu, thì Nhất bị bắt.

Trước đó, khi những “nghị quyết gia” ưu tú của Quốc Hội đang vắt óc lựa chọn thuật ngữ “xăng pha nhớt”, lơ lửng lập lờ (hai tính từ kẹp một danh từ) là “cao – tín – thấp”, để đặt tên cho lá phiếu (chẳng giống ai), thì Nhất tổ chức bỏ phiếu cho một số vị trí chủ chốt.

Phiếu của Nhất rành rẽ rõ ràng như quốc hội các nước vẫn thường làm: “tín nhiệm” & “không tín nhiệm”. Chỉ trong một ngày, số người tham gia đông gấp rưỡi số đại biểu Quốc Hội đang họp. Và dĩ nhiên, kết quả sự tín nhiệm của các vị đạt được thấp tệ. 
Được nick “Mèo Tôm” (Tom Cat) cảnh báo trước 6 tháng. Cư dân mạng cũng đồn đoán và lo cho Nhất. Nhưng sự kiện Nhất bị bắt cũng gây bất ngờ và xôn xao giới truyền thông.
Nhiều blogger viết bài phân tích lý do và thế lực nào bắt Nhất. Người thì nghiêng về sự đấu đá nội bộ chính trường. Có người nghĩ Nhất bị bắt để người ta tìm nguồn tin. Lại có người “chê” Nhất không khéo. Viết như “quan võ” mà thiếu cái khôn khéo trong ngôn từ của giới trí thức (?),…
Như thế thì còn gì là Nhất với “góc nhìn khác”; với bản tính và dòng máu người Quảng đang chảy trong Nhất!
Cũng như Nhà văn Phạm Viết Đào, sự thu hút độc giả và tầm ảnh hưởng của blog “Góc Nhìn Khác”, gây bất lợi cho hệ thống truyền thông có định hướng. Nhưng xem ra, xử Nhất theo điều 258 cũng đâu có dễ. Lý do bắt Nhất cũng không phải là “trốn thuế” hay vì… “hai bao cao su” để mà quy chụp theo điều 88 (!?). Hi hi..
Dù sao, sau khi Nhất và bác Đào “nhập kho”, các blogger nổi tiếng trong nước cũng chùn hẳn. Cách viết bài về đề tài nóng bỏng và nhạy cảm cũng bóng bẩy và ẩn dụ hơn. Có vẽ như lối xử thế thâm nho của kẻ sỹ bắt đầu… lên ngôi ?

Bổng dzưng mình lại nhớ Nhất. Giờ này Nhất đang làm gì nhỉ? Đang nằm xem anh Tư cụng ly với Kerry hay đang ngồi cà-phê đàm đạo bóng đá với anh Bá??

Nhất ơi, Mi đang ở lộ mô rứa ?

26/7/2013

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More