Theo báo chí thông tin, ngày 18/09/201 Thường vụ Quốc hội họp trù bị, phần bàn về phòng chống tham nhũng.
Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ trình bày về kết quả phòng chống tham nhũng, nhiều vị tỏ ra không hài lòng về bản báo cáo của Thanh tra.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thắc mắc: “Kiểm tra 14 ngàn vụ nhưng chỉ chuyển sang hình sự có 11 vụ, không biết tội phạm chìm, nổi ra sao”…
Ông Nguyễn văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: “Tham nhũng phát hiện nhiều nhưng thu hồi tài sản ít, xử lý hành chính nhiều, áp dụng tình tiết nhẹ, xử lý dưới khung, án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ cao, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, một số vụ án nghiêm trọng và phức tạp bị kéo dài, bị đình chỉ điều tra”…
Đặc biệt, không biết với dụng ý gì, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thả lửng: “Không tham nhũng lấy đâu tiền chạy chức vụ này chức vụ kia”, “Lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, bao che không? Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không? …
Qua ý kiến thắc mắc của quý ngài đảng viên thuộc thành phần “gạo cội” của Quốc hội, tôi cảm nhận việc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta có gì đó không thực tâm, không nhằm triệt tiêu tham nhũng mà chỉ nhằm xả căng sự uất ức trong lòng dân về tệ tham nhũng.
Cũng tất nhiên thôi, những vụ tham nhũng được phát giác đưa ra xử lý ít nhất 90% can phạm là đảng viên, chức lớn tham lớn, chức nhỏ tham nhỏ, chia nhau đục khoét. Đã vậy thì chống tham nhũng đồng nghĩa với chống Đảng đang cầm quyền? Đảng đang cầm quyền “cầm dao” đi diệt tham nhũng tránh sao khỏi run tay? - “Tay cắt tay sao nỡ, ruột cắt ruột sao đành”, đó là câu truyền miệng của dân gian, có ứng vào đây không tôi cũng chưa chắc.
Đảng CSVN bao giờ cũng là bản sao của Đảng CS Trung Quốc, trong bài nói chuyện nội bộ có tựa đề “Tôi biết làm thế nào?” – đã đăng tải trên nhiều trang mạng Internet, Chủ tịch Đảng CSTQ Tập Cận Bình nói: “Mọi người đều biết, hiện nay tác phong của Đảng Cộng sản chúng ta có một số không tốt. Một số cán bộ hình thành Nhóm lợi ích, nó ảnh hưởng tới quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân… Là người lãnh đạo Đảng, đã được cán bộ đảng viên các cấp bầu lên, tôi không thể ăn cây này rào cây khác… Nói về “Đánh con hổ tham nhũng” thì các đồng chí yên tâm, đại bộ phận các đồng chí trong Đảng không sao cả, nhưng chúng ta vẫn phải tuyên truyền sâu rộng, chỉ cần quần chúng nhân dân đồng lòng vỗ tay hướng ứng, đánh giá tốt là được. Điều nầy có thể một số đồng chí cán bộ đảng viên cấp cơ sở không thông lắm”…
Lãnh đạo Việt Nam cũng đã xem tham nhũng là “nội xâm”, là “quốc nạn”, chúng làm phương hại đến uy tín của Đảng, gây thảm họa cho đất nước và dân tộc. Có lẽ vì vậy, từ khi nhậm chức, Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng luôn “cằn nhằn” với nội bộ Đảng qua bao kỳ hội nghị của nhiệm kỳ XI này, ông đưa ra nhiều giải pháp để trị bọn “sâu dân mọt nước” – gọi cho gọn “diệt sâu”.
Tôi còn nhớ: Ở hội nghi lần 4, ông khai thông tư tưởng cho đảng viên “Chỉnh đốn Đảng để bảo vệ chế độ”. Ở hội nghị lần 6, ông chỉ đạo dùng thuốc gia truyền “Phê, tự phê” trong Đảng theo kiểu mới từ trên xuống để tìm diệt sâu. Suốt hơn tháng trời, lùng sục hết trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến Ban Chấp hành chỉ phát hiện một con sâu chúa. Dùng thuốc gia truyền với độ đậm đặc khử nó mà vẫn trơ trơ kháng thuốc. Ở hôi nghị lần 7, việc dùng thuốc gia truyền được thay bằng việc “nhóm lửa” đốt sâu, ông Trọng gọi những người có máu mặt như ông Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ … về triều tái lập Ban Nội chính, làm mũi xung kích cho Ban Phòng chống tham nhũng do ông dẫn đầu. Để tạo thế cho ông Thanh, ông Huệ, Bộ Chính trị đề cử 2 ông này vào Bộ Chính trị. Không ngờ cả hai ông đều bị sâu chích rớt thê thảm.
Theo cảm nghĩ của tôi, phái chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không thể/được thắng, bởi vì phái ông thuộc thiểu số, hơn nữa nếu phái ông thắng thì Đảng do ông cầm đầu tan nát? – đàng nào Đảng CSVN cũng thọ nạn. Để duy trì được chừng nào hay chừng ấy, Đảng CSVN chỉ còn cách học theo Đảng CS Trung quốc chống tham nhũng “Cuội”.
Có lẽ Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nhận ra sự nan giải này, ngay trong hội nghị lần thứ 7, ông đã chỉ đạo “tăng cường công tác Dân vận” và cử ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, sang Mặt trận để hiệp đồng cùng Ban Tuyên giáo xả giận trong dân, gở gút sanh tử “Không dân Đảng tính làm sao!? ”.
Chống tham nhũng – Cuộc chiến đấu còn đang tiếp diễn – hạ hồi phân giải.
Những điều tôi viết ra đây là những suy tư, thuộc sản phẩn chủ quan – dĩ nhiên là nó đúng đối với tôi, còn với độc giả thì xin thỉnh giáo.
Ngày 23/09/2013
T.T.
0 comments:
Đăng nhận xét