Bắc Kinh tận dụng vụ máy bay mất tích

Ngô Quảng 
DienDanCTM

Tính đến nay đã trên 1 tháng rưỡi kể từ khi chuyến bay MH 370 của hãng hàng không dân dụng Malaysia bị rớt hay mất tích. Malaysia và nhiều nước khác vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay này ở hết vùng biển này đến hải dương nọ.

Trên chuyến bay MH370 có đến 152 hành khách mang quốc tịch Trung quốc nên nhà cầm quyền và người dân nước này quan tâm và hợp tác tìm kiếm chiếc máy bay này là chuyện đúng. Tuy nhiên, đến nay hầu hết giới quan sát quốc tế đều thừa nhận Bắc Kinh đang tận dụng tối đa vụ việc này để cố ra oai Trung Quốc là nước lớn và cố làm dáng rằng mạng người Trung Quốc rất giá trị.

Vẫn theo giới quan sát, có vẻ như cả 2 nỗ lực đó đều đang phản tác dụng mặc dù mức độ đồng
cảm của thế giới với các nạn nhân Trung Quốc đã dâng rất cao khi sự việc vừa xảy ra.

Trước hết là các cuộc biểu tình trước sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh. Theo yêu cầu của người biểu tình, nhân viên sứ quán Malaysia đã ra cúi đầu xin lỗi, trình bày tất cả các diễn biến mới nhất mà sứ quán nhận được và cho biết chính phủ Malaysia sẽ làm bất cứ chuyện gì có thể làm được để tìm kiếm cũng như bồi thường. Thế nhưng người biểu tình không chấp nhận lời xin lỗi đó. Họ lên tiếng sỉ vả thậm tệ, nhào đến đè nhân viên sứ quán Malaysia phải quỳ gối thú nhận đã phạm vào tội giết người. Các ký giả nước ngoài có mặt tại chỗ tin rằng đây là những hành động được khuyến khích và có sự sắp xếp của giới lãnh đạo. Các công an có mặt ở hiện trường khoanh tay đứng nhìn và không hề can thiệp vào cảnh "mất ổn định" hay "phá rối trật tự công cộng" này. Ký giả tờ The Wall Street Journal ấn bản Á châu nhận định: Mọi người đều đồng tình với nỗi đau khổ của tất cả gia đình nạn nhân, nhưng sự đồng tình đó không phải vô giới hạn. Có nhiều nguyên nhân đưa đến tai nạn này nhưng không thể bảo rằng Malaysia phạm vào tội giết người được.

Chính giới dân mạng Trung Quốc cũng nêu thắc mắc: Thử hỏi các quan chức Trung Quốc có làm được 1/10 hành động của các nhân viên sứ quán Malaysia trước các vụ tai nạn chết người trên đất Trung Quốc không? Hơn thế nữa, cả thế giới dư biết giới lãnh đạo coi mạng người Trung Quốc rẻ rúng tới cỡ nào ngay trên đất Tàu.

Một chứng cớ rõ nhất là ngay trong vụ tìm kiếm xác máy bay, hải quân Trung Quốc đã cho thế giới thấy số phận các nạn nhân không phải là ưu tiên cao nhất của họ. Tờ International New York Times số phát hành ngày 16/04/2014 tường thuật: vào ngày 4 và 5/04/2014, tàu Hải tuần 01 của Trung quốc đánh điện về Bắc Kinh cho biết là bắt được một làn sóng tín hiệu ở dưới đáy biển trong vùng tàu đang tìm kiếm. Có xác suất cao đây là sóng phát ra từ Hộp Đen (Black Box) gắn ở buồng lái chiếc máy bay Malaysia. Đáng lý ra hải quân Trung quốc phải báo cáo ngay cho đơn vị chỉ huy nỗ lực tìm kiếm ở vùng biển này là tàu hải quân Australia vì đó là qui ước mà mọi nước đã đồng ý và vì mọi nước đều đang chạy đua với thời gian trước khi Hộp Đen hết pin. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc lại giấu kín việc phát hiện tín hiệu và chỉ báo riêng về Bắc Kinh. Thế là phải mất thêm cả ngày nữa các lãnh đạo Bắc Kinh mới cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin rồi mọi người mới biết. Hơn thế nữa, khoảng biển được giao cho hải quân Trung quốc phụ trách tìm kiếm có độ sâu trên 4000 mét. Bộ Tư lịnh tìm kiếm đã yêu cầu Trung quốc sử dụng các dụng cụ thích ứng với độ sâu đó, nhưng các chứng cớ cho thấy Trung quốc không nghe theo mà chỉ sử dụng các dụng cụ tìm kiếm ở biển cạn. Một lần nữa, giới quan sát phải đặt câu hỏi là liệu Bắc Kinh có thực sự muốn tìm tông tích chiếc máy bay hay muốn kéo dài việc tìm kiếm này để phục vụ cho các mục tiêu khác.

Một trong những mục tiêu của Bắc Kinh là lợi dụng chuyến bay MH730 để đặt nhu cầu phải xây thêm phi trường và hải cảng ở Biển Đông, nghĩa là tại đảo Hải Nam và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mặc dù nay ai cũng tin chắc là xác máy bay chìm sâu dưới lòng Ấn Độ Dương.

Sự bực mình với thái độ của Bắc Kinh cũng đã vượt quá sự kiên nhẫn của giới truyền thông Malaysia. Trước thái độ trịch thượng và lợi dụng tình hình cũng như xúi bẩy của Bắc Kinh, báo đài tại Malaysia đã bắt đầu phản pháo lại. Giới bình luận tại đây lên tiếng yêu cầu truyền thông Trung quốc không nên sử dụng các ngôn từ đao to búa lớn, đừng gọi đây là "tội giết người của chính phủ Malaysia" vì gọi như thế thì hóa ra chính quyền Bắc Kinh cũng là kẻ sát nhân đối với tai nạn đường sắt cao tốc ở tuyến đường từ Hàn Châu đi Phúc Châu năm 2011 chẳng hạn, hay đối với bất cứ tai nạn giao thông nào xảy ra ở Hoa lục.

Về phía Trung quốc, thay vì điều chỉnh lại thái độ, Ban Tuyên Giáo Trung Ương trong những ngày qua lại cho lệnh tung ra những luận điệu cũ đổ tội cho truyền thông tây phương như: truyền thông tây phương luôn tuyên truyền chống phá Trung quốc; họ chỉ đưa toàn tin có lợi cho Malaysia trong khi Trung quốc là nạn nhân thì lại bị chỉ trích; họ xem nỗi khổ đau của các gia đình nạn nhân như một trò cười; …

Chưa rõ Bắc Kinh có thủ lợi được gì đáng kể đối với công luận quốc nội hay không (khi mà người dân đang dồn phẫn nộ vào các vụ biểu tình chống côn an đánh chết người ngay trên đường phố), nhưng các thiệt hại về mặt ngoại giao và đối với công luận quốc tế thì đã thấy rõ./.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More