Nguyễn Quang Duy
Ts Nguyễn Quang Duy
Nhân kỷ niệm 30-4-1975, xin được chân thành cảm tạ những nhà giáo dục miền Nam, những thầy cô đã dìu dắt tôi trở thành một người hữu ích phục vụ gia đình và xã hội.
Được BBC phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Vương Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Giáo dục xưa nay là một trong những lĩnh vực chịu sự chi phối của chính trị. Thực ra nền giáo dục nào, ở đâu cũng là vậy thôi. Chính trị vẫn cứ đặt ra những mục tiêu, những đích đến và đòi hỏi mọi nền giáo dục phải phục vụ cho nó.”
Ông Trần Ngọc Vương nhận xét: “Nền giáo dục của miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975 có những thành tựu rất quan trọng và cần được tổng kết một cách thực sự nghiêm túc”
Ông Vương cho biết: “Tôi cũng có quen biết những trí thức được trưởng thành trong giai đoạn đó. Một số khá đông trong lứa tuổi của tôi lẫn lớn hơn một chút từ miền Nam cũng là sản phẩm của nền giáo dục của miền Nam cũ, nhiều người trong số họ rất xuất sắc.”
Mặc dù ông Vương đã nhìn nhận kết quả của nền giáo dục tại miền Nam, nhưng có thể ông chưa nhận ra chính sự độc lập giữa giáo dục và chính trị tại miền Nam là nhân tố tạo ra kết quả này.
Căn Bản Nền Giáo Dục Miền Nam
Vào năm 1958, một Đại hội Giáo dục quy tụ phụ huynh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện quân đội, chính quyền, các tổ chức quần chúng và cơ quan văn hóa giáo dục đã được tổ chức tại Sài Gòn nhằm đề ra một triết lý giáo dục cho miền Nam. Đại Hội đồng thuận chọn ba nguyên tắc dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản.
Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, năm 1964, một Đại Hội khác lại được tổ chức tại Sài Gòn nhằm xem xét lại triết lý nói trên. Kết quả Đại Hội tiếp tục nhìn nhận ba nguyên tắc.
Đây là một bằng chứng cụ thể,
mục tiêu chiến lược và những đích đến của nền giáo dục tại miền Nam là một
quyết định dân chủ hòan tòan độc lập với chính trị. Có chăng chính quyền chỉ
chính danh đứng ra triệu tập và tổ chức các Đại Hội về Giáo Dục.
Giáo Dục là công việc chuyên môn của những người làm giáo dục
Về mặt quản lý, chính quyền miền Nam đề ra những chính sách và quyết định việc chi tiêu nhằm thực hiện những mục tiêu cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên việc giáo dục từ điều hành, đến soạn thảo chương trình và giảng dạy là công việc chuyên môn của những người làm giáo dục.
Tại miền Nam nhiều bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục được bổ nhiệm là những người xuất thân từ ngành giáo dục.
Trong Bộ Giáo dục ngoài trừ một số chức vụ có tính chất chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư… các chức vụ khác đều do những nhà giáo dục có chuyên môn đảm trách.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa nhận xét những người làm giáo dục tại miền Nam đều am hiểu công việc chuyên môn, có kinh nghiệm, giàu tâm huyết, và xem chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới trọng đại.
Ông Liêm cho biết “những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.”
Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện đều là những nghị sĩ dân biểu xuất thân từ nhà giáo.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị. Bộ Giáo dục có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học nhưng công việc của vị này chủ yếu là lo thực thi những chính sách về giáo dục đại học.
Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai. Các khoa trưởng của các trường phân khoa không do Bộ Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.
Giáo dục nhân bản lấy con
người làm gốc
Triết lý nhân bản mà miền Nam chọn làm căn bản cho giáo dục lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào.
Triết lý nhân bản chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt tư tưởng chính trị, giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… con người có giá trị như nhau, và mọi người đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
Nói rõ hơn nền giáo dục miền Nam lấy quyền con người, quyền dân sự và lấy với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền làm nền tảng để xây dựng con người.
Chính vì dựa trên nền tảng nhân bản nên không có vấn đề lý lịch trong học đường miền Nam. Ngay cả con em của cán bộ cộng sản tập kết ra Bắc, những người miền Nam công khai theo cộng sản đều được đối xử bình đẳng như mọi học sinh sinh viên trong học đường miền Nam.
Một số trường Quốc gia nghĩa tử được lập ra để trợ giúp việc giáo dục cho học sinh có cha mẹ là quân nhân đã hi sinh bảo vệ miền Nam. Một số trừơng do tư nhân, do các tôn giáo hay do các cộng đồng sắc tộc điều hành. Nhưng tất cả các trường đều theo nguyên tắc cơ bản và chương trình giảng dạy chung.
Công Dân Giáo Dục
Dựa trên nền tảng nhân bản học sinh miền Nam từ lớp mẫu giáo đến hết bậc Trung Học đều được dạy môn Công Dân Giáo Dục. Ở bậc tiểu học học sinh được dạy về quyền và bổn phận của một công dân.
Lên Trung Học Đệ Nhất Cấp chúng tôi được học những bài học về: cá nhân và gia đình, tổ chức ở học đường, bổn phận của học sinh, đời sống xã hội và tôn giáo, quyền và bổn phận một công dân.
Bước sang Đệ Nhị Cấp nhà trường tiếp tục giáo dục về Quốc Gia (dân tộc, lãnh thổ, chánh phủ, hiến pháp, lập pháp, hành pháp, tư pháp), Liên Hiệp Quốc (tổ chức, UNESCO, các tổ chức khác), Phong Tục, Kinh Tế (các lý thuyết, sản xuất, thương mại, tiền tệ, ngân hàng), Chính Trị (dân chủ, chính đảng, chính thể, độc tài, phát xít, cộng sản).
Từ bậc Trung Học chúng tôi đã được thực hành dân chủ qua việc bình bầu Ban Điều Hành lớp. Việc chọn lựa từ Trưởng lớp cho đến các Trưởng ban do quyết định của học sinh, quyết định hòan tòan độc lập với nhà trường và chính quyền.
Mặc dù giáo dục độc lập với chính trị chúng tôi được dạy và thực hành cơ bản chính trị dân chủ để khi cần sẵn sàng tham gia việc quản trị đất nước.
Độc lập vì thế không có nghĩa là “phi” chính trị mà là không bị phụ thuộc vào các đảng chính trị, đảng cầm quyền hay chính quyền.
Học đường miền Nam giáo dục học sinh trở thành những công dân với ý thức chính trị và ý thức dân chủ sẵn sàng đóng góp cho gia đình, đất nước và nhân lọai.
Ngược lại nền giáo dục tòan trị tại miền Bắc trước 30-4-1975 và tòan quốc sau này dựa trên căn bản giáo dục là một công cụ nhằm duy trì và phục vụ thể chế chính trị cộng sản. Nó chính là nguyên nhân đưa đến khủng hỏang giáo dục, khủng hỏang xã hội.
Bài viết “Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?” dẫn đến kết luận muốn vượt qua tình trạng khủng hoảng xã hội hiện nay, Việt Nam cần quay lại với triết lý giáo dục lấy dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản, và lẽ đương nhiên giáo dục cần độc lập với chính trị.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne Úc Đại Lợi
25-4-2014
Tác giả gửi đến DienDanCTM
0 comments:
Đăng nhận xét