“Ông trời
con” Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ
Trịnh Hữu
Long - Nguyễn Anh Tuấn - Phạm Đoan Trang
Ảnh không rõ nguồn |
Thứ sáu,
ngày 25/4/2014, trao đổi với tờ báo “nhà trồng được” là Công An Nhân Dân, Trung
tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Bộ Công an, tuyên bố đại ý: Vào
cùng ngày, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố một vụ án hình sự về tội vu khống,
liên quan đến bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn
Hùng trên BBC tiếng Việt.
Đáng chú ý
là bài báo của phóng viên Nguyễn Hùng chỉ mới đăng trên BBC Việt ngữ vào thứ
năm, ngày 24/4. Nghĩa là vừa đăng hôm trước, thì hôm sau Cơ quan ANĐT đã khởi tố
liền. Đồng thời chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, cơ quan ấy cũng đã kịp “xác
minh, làm rõ và xác định” một người tên Tiệc nào đó là ông Ngô Xuân Tiệc, sinh
năm 1961, thường trú tại 277 Phạm Văn Hải, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí
Minh, là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh
Nghĩa.
Chưa hết, Cơ quan ANĐT còn kịp buộc được ông Tiệc này “viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai”.
Chưa hết, Cơ quan ANĐT còn kịp buộc được ông Tiệc này “viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai”.
Mọi sự diễn
ra quả là nhanh chóng. Tướng Tư nói thêm: “Quá trình điều tra, nếu xác định
phóng viên Nguyễn Hùng đang làm việc ở Ban Việt ngữ đài BBC ở Vương quốc Anh là
tác giả bài báo thì Cơ quan ANĐT sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết yêu cầu cơ
quan tư pháp Vương quốc Anh hỗ trợ triệu tập phóng viên Nguyễn Hùng về Việt Nam
để điều tra… và xử lý theo quy định của pháp luật…”.
Bài trao đổi
của tướng Tư với cơ quan ngôn luận của ngành có thể cho chúng ta thấy hai điều:
Thứ nhất, ông hiểu rất ít về báo chí. Thứ hai, ông có cách hành xử của người tưởng
mình là ông trời (con).
Không
phải cứ thích kết tội báo chí là kết tội được
Ở đây, cần
phải nói rõ là ông Tư không hiểu về báo chí nói chung và các nguyên tắc chung của
nghề báo, chứ không phải thứ báo chí công cụ mà Đảng và Nhà nước vốn quen xài ở
Việt Nam.
Một cách
chung nhất thì có thể nói rằng việc đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến
uy tín của một cá nhân/ tổ chức cấu thành một thứ tội trong báo chí, gọi là tội
vu khống, bôi nhọ (defamation/ slander/ libel). Trên tinh thần bảo vệ quyền tự
do báo chí, tự do ngôn luận, các nền luật pháp cũng như các nền báo chí lớn
trên thế giới (Mỹ, Anh) đều không hình sự hóa tội này, đặc biệt khi người nại rằng
họ bị báo chí làm mất uy tín lại là người của công chúng (public figure), nghĩa
là bao gồm cả quan chức chính quyền.
Tại Mỹ, Tu
chính án số 1 bảo vệ tuyệt đối các quyền tự do tư tưởng, trong đó có quyền tự
do báo chí: “Quốc hội không làm luật để tôn xưng sự khai lập một tôn giáo, hoặc
ngăn cấm sự tự do hành đạo, hoặc hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí,
hoặc quyền của người dân được tụ tập ôn hòa và quyền ra yêu sách buộc chính phủ
sửa sai những bất công”. Luật pháp cho nhà báo quyền được viết về gần như tất cả
mọi thứ và hầu như luôn được miễn trách nhiệm hình sự khi họ chỉ trích quan chức
chính quyền. Thậm chí nhà báo không bị yêu cầu phải đưa tin có trách nhiệm, công
bằng. Mike Farrell, một giáo sư về truyền thông và luật báo chí Mỹ, từng nhận định:
“Tu chính án số 1 không buộc nhà báo phải công bằng, phải nghiên cứu toàn diện
các vấn đề, phải phản ánh câu chuyện đặt trong bối cảnh của nó, phải nhận lỗi,
xin lỗi”. (Đấy là chưa nói thêm, Tu chính án số 1 không để cho chính quyền có
quyền cấp thẻ nhà báo.)
Trong một
án lệ nổi tiếng năm 1964, Sullivan kiện New York Times, Chánh án
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Brennan ra phán quyết rằng quan chức nhà nước chỉ có thể
được phục hồi danh dự nếu chứng minh được là việc báo chí đưa tin sai sự thật
xuất phát từ dụng ý xấu, nói cách khác là cố tình tung tin sai. Nhưng điều này
rất khó chứng minh, cho nên có thể thấy là quan chức, nếu kiện báo chí cũng khó
mà thắng. Với án lệ này, báo chí Mỹ được bảo vệ gần như tuyệt đối.
Trong Bộ
luật Hình sự của Việt Nam, “dụng ý xấu” được diễn giải là “bịa đặt, loan truyền
những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây
thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác…” (Điều 122). Trường hợp
phóng viên Nguyễn Hùng của BBC (người mang hai quốc tịch Việt Nam và Anh), Cơ
quan ANĐT chưa cần biết ông Hùng có “biết rõ là thông tin bịa đặt” hay không mà
đã vội khép tội, quả là nhanh chóng lắm thay! Dù sao đi nữa, trách nhiệm chứng
minh thông tin đó là bịa đặt và ông Hùng cố ý loan truyền thuộc về cơ quan
ANĐT. Nếu không chứng minh được thì quý cơ quan thua.
So với Mỹ,
luật pháp Anh ít bảo vệ nhà báo hơn. Tiền bồi thường thiệt hại danh dự cho các
nạn nhân của báo chí trong các vụ liên quan đến tội “libel” khá cao, có thể lên
tới hơn 500.000 bảng Anh (gần 1 triệu USD) như trong một vài vụ nổi tiếng.
Nhưng luật pháp Anh cũng quy định quyền miễn trừ dành cho báo chí, chẳng hạn
như khi phản ánh một vấn đề thuộc về lợi ích công (hoặc được công chúng quan
tâm) theo một cách có trách nhiệm; khi đó, báo chí được miễn trừ ngay cả khi
thông tin họ phản ánh không đúng sự thật. Chánh án Donald Nicholls còn đưa ra một
danh sách 10 tiêu chí mà báo chí, căn cứ vào đó, có thể được miễn trách nhiệm,
chẳng hạn giọng điệu, ngôn ngữ của bài báo – chú ý rằng báo chí được quyền nêu
nghi vấn và/hoặc kêu gọi tiến hành điều tra – và thời gian tác nghiệp hay là “độ
nóng” của sự kiện – rõ ràng là trong nhiều tình huống cần đưa tin gấp rút, liên
quan đến lợi ích công, nhà báo có thể không có điều kiện kiểm chứng thông tin.
(Đó là chưa kể, ngay cả nếu BBC Việt ngữ gọi điện từ nước ngoài về cho một cán
bộ nào đó của Bộ Công an để kiểm chứng thông tin, cũng gần như chắc chắn 100%
là không có câu trả lời).
Một điều
quan trọng là ở các nền luật pháp bảo vệ quyền con người, “tội” đưa tin sai sự
thật của báo chí không bao giờ bị hình sự hóa và càng không có chuyện nhà báo bị
bỏ tù. Ở Việt Nam thì khác: Đưa tin đúng hay sai sự thật, không cần biết, nhưng
hễ động chạm các ông trời con thì nhà báo chắc chắn bị xử lý nghiêm khắc, bao gồm
cả đi tù.
Đối với
báo chí Việt Nam, luật pháp dĩ nhiên chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý báo chí
và định hướng tư tưởng nhân dân. Các tội liên quan đến “bảo vệ lợi ích, uy tín,
danh dự, nhân phẩm” chỉ được dùng để bảo vệ các quan thôi, còn với dân thường
mà nhất là “thế lực thù địch, phản động” thì báo chí cứ việc vô tư mà mạt sát,
vu khống. Điều đó thì chắc ông Hoàng Kông Tư và Bộ Công an biết rõ.
Ảnh không rõ nguồn |
Có dẫn
độ được không?
Liên quan
đến việc dẫn độ tội phạm, đầu năm 2009, Anh và Việt Nam có ký Hiệp định Tương
trợ Tư pháp. Theo đó, về phía Anh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận yêu cầu
dẫn độ tội phạm là Quốc vụ khanh (Secretary of State) và Tổng cục Thuế vụ và Hải
quan (HMRC). Phía Việt Nam, cơ quan duy nhất có thẩm quyền gửi yêu cầu dẫn độ
là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Vì đơn vị này lâu nay vốn dĩ “phối hợp ăn ý”
với an ninh, công an, cho nên Cơ quan ANĐT của ông Kông Tư có thể dễ dàng có được
yêu cầu dẫn độ cộp dấu của Viện Kiểm sát, nếu muốn.
Tuy nhiên,
Nhà nước Việt Nam đòi Anh dẫn độ ông Nguyễn Hùng (mang hai quốc tịch Anh và Việt)
là một chuyện, Anh có đồng ý không lại là chuyện khác. Nhìn chung, việc dẫn độ
có khả năng được thực hiện với các tội nghiêm trọng như khủng bố, giết người,
chứ chẳng nhà nước có chủ quyền nào lại dẫn độ một công dân của mình vì người
đó đã… viết báo động chạm tới quan chức của nước khác (!). Bên cạnh đó, Điều 4
Hiệp định Tương trợ Tư pháp cũng quy định rõ về các trường hợp “Từ chối Hỗ trợ”,
chẳng hạn, từ chối:
- nếu như
việc dẫn độ ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng và
các lợi ích căn bản khác của bên nhận được yêu cầu dẫn độ;
- nếu như
yêu cầu dẫn độ liên quan đến những thủ tục khởi tố hình sự có động cơ
chính trị;
- nếu như
bên yêu cầu dẫn độ (Việt Nam) không đáp ứng được các quy định của luật
pháp Anh về “phạm tội ở cả hai nước”.
“Phạm tội ở
cả hai nước” (dual criminality) là một quy định trong luật liên quan đến dẫn độ
ở nhiều quốc gia, kể cả Anh; theo đó, một nghi phạm chỉ có thể bị dẫn độ từ một
nước A sang một nước B để chịu xét xử vì vi phạm luật nước B, nếu ở nước A cũng
có luật tương tự.
Do vậy, nếu
pháp luật ở Anh không hình sự hóa việc nhà báo đưa tin không vừa ý cơ quan công
quyền, thì theo nguyên tắc “dual criminality”, ông Nguyễn Hùng không thể bị dẫn
độ khỏi Anh để sang một nước mà tại đó ông sẽ bị kết tội.
Nguồn: Tuổi Trẻ. |
Khởi tố
để làm gì?
Khó mà tin
rằng Hoàng Kông Tư không biết những nguyên tắc nêu trên khi ngành công an của
ông có cả một văn phòng Interpol chuyên phụ trách lãnh vực hợp tác quốc tế, dẫn
độ tội phạm và điều tra xuyên quốc gia.
Nhưng, nếu
biết chắc việc Vương quốc Anh dẫn độ phóng viên Nguyễn Hùng là bất khả thi, tại
sao tướng Tư lại chủ động “mượn” báo ngành công an để phát lệnh khởi tố và đưa
ra yêu cầu dẫn độ như trên? Nói nôm na là, biết rằng không thể, hà cớ gì vẫn
làm?
Có thể lý
giải hành động của tướng Tư khi giả định là dường như ông ta có một mục tiêu
khác và việc khởi tố phóng viên Nguyễn Hùng chỉ là cái cớ.
Vậy mục
tiêu đó là gì?
Có người
đoán rằng tướng Tư muốn “rung cây dọa khỉ”: đưa nhà báo Nguyễn Hùng ra để dọa
các facebooker, blogger trong nước. Nhưng giả định này bất hợp lý ở mấy điểm
sau:
(1) Mục
tiêu dọa nạt chỉ thực sự đạt được khi Vương quốc Anh dẫn độ ông Nguyễn Hùng cho
Việt Nam xử lý. Mà điều này chắc chắn sẽ không xảy ra, như phân tích ở trên; vậy
thì làm sao có thể khiến các blogger và facebooker sợ được?
(2) Ông Nguyễn
Hùng sống ở nước ngoài, quốc tịch Anh, làm việc cho một hãng thông tấn quốc tế
lớn trong khi các blogger thì sống trong nước, quốc tịch Việt Nam và chỉ hoạt động
một cách độc lập. Khác nhau về hoàn cảnh và thế đứng như vậy, làm sao mà việc
người này bị bắt có thể khiến người kia sợ sệt cho được? Vả lại, lâu nay chính
quyền bỏ tù hàng chục blogger, cũng đã đủ cho mục tiêu dọa nạt của họ, đâu cần
phải thêm vào danh sách một nhà báo quốc tế như ông Nguyễn Hùng mà cho dù có bắt
được chính quyền cũng sẽ gặp phải những tổn thất nặng nề về mặt ngoại giao và
hình ảnh quốc tế.
Như vậy, sẽ
là hợp lý hơn khi giả định rằng, lệnh khởi tố dường như không phải nhắm vào người
bị khởi tố mà có hơi hướng phục vụ cho một mục tiêu nội bộ nào đó, đặc biệt khi
xem xét đến bối cảnh là phiên tòa xử Dương Chí Dũng đang có những diễn biến mới
và chưa thể ngã ngũ trong thời gian ngắn.
Mức độ xác
thực của giả định trên sẽ chỉ được đánh giá sớm nhất là sau khi phiên tòa Dương
Chí Dũng kết thúc. Nhưng dù kết cục có là thế nào đi chăng nữa, báo chí và dư
luận Việt Nam, một lần nữa, buồn thay, vẫn chỉ là những lá bài trong canh bạc
chính trị của các phe.
0 comments:
Đăng nhận xét