Thu nhập của Bạn bao nhiêu tiền 1 tháng?

Ngọc Trinh: ‘Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?’

LUBI

KHÔNG CÓ TIỀN CẠP ĐẤT MÀ ĂN À?

Kiếm tiền là việc mà bất cứ ai cũng phải làm. Có tiền mới có thức ăn, nước uống, nơi ở, mới duy trì được những nhu cầu cơ bản nhất của mỗi con người. Ở Việt Nam có 1 cô siêu mẫu nổi tiếng là Ngọc Trinh, cô đã từng có một phát ngôn khiến nhiều người sốc: “Cái gì cũng có 2 mặt: Tình yêu và tiền. Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Nhiều người khen, nhiều người chê cô ấy não ngắn, nhiều người thích thú, nhiều người thì đã ghét cô ấy từ trước nên cô ấy nói gì cũng chửi. Chưa biết đúng sai ra sao nhưng tất cả đều sốc vì cô ấy nói quá thẳng, nói quá trần trụi đến từng câu từ.
Tiếp tục sau đó cô ấy còn có 1 phát ngôn khác khiến người ta tranh luận nhiều hơn: “Không đi làm, tôi vẫn sống dư dả vì có bạn trai lo. Tôi đi làm để đỡ buồn thôi”. Cô ấy nói thế nhưng có thể chắc chắn với sự nổi tiếng của mình, bản thân cô ấy có thể kiếm ra nhiều tiền hơn rất nhiều người trong chúng ta. Cô ấy có quan niệm về đồng tiền và dám thể hiện
quan niệm đó. Dù bạn có thể không đồng ý với ý kiến đó nhưng bạn không thể phủ nhận vai trò to lớn của tiền bạc.
Bạn quan niệm thế nào về đồng tiền?
Bạn có nghĩ nghèo tức là thanh cao, trong sạch?
Bạn có nghĩ tất cả người giàu đều là kẻ tham lam, xấu xa, bóc lột và tàn ác?

QUAN NIỆM VỀ TIỀN BẠC
Tôi lớn lên với lời dạy bảo rằng: “Nghèo cho sạch rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Quan niệm này bản thân tôi cho là chính xác, nó là lời dạy về đạo đức mà ông bà cha mẹ tôi vẫn dạy tôi. Dù cho có nghèo khó cũng không được làm những việc làm trái với đạo lý, với lương tâm. Nó bắt nguồn từ quá khứ nghèo khó của ông cha.

Nhưng chưa có ai dạy tôi làm thế nào để trở nên giàu có, chưa ai dạy tôi phải làm gì để quản lý đồng tiền. Tôi không dám trách bất cứ ai về điều này bởi vì ông cha tôi chưa bao giờ có nhiều tiền để mà dạy tôi. Nhưng có một điều mà tôi nhận ra đó là quan điểm của rất nhiều người xung quanh tôi cho rằng: “Người nhiều tiền là người xấu, người nhiều tiền chắc phải làm những việc sai trái nên mới nhiều tiền như vậy”.

Ngược dòng thời gian qua những lời kể của ông nội tôi lờ mờ hiểu được điều gì đó. Ông tôi đã phải trải qua thời kỳ của cải cách ruộng đất, cách mạng tư tưởng. Ông tôi được tuyên truyền về đấu tranh giai cấp, về giai cấp địa chủ phong kiến, những người có của cải là thành phần phải loại trừ. Thời kỳ mà vợ tố cáo chồng, con tố cáo cha, chị tố cáo em. Thời kỳ mà người giàu là người có tội. Tôi lao vào tìm kiếm tài liệu về thời kỳ này để hiểu những gì cha ông đã trải qua nhưng gần như không có chứ đừng nói đến được đề cập trong sách giáo khoa lịch sử. Và từ đó rất có thể ông tôi sợ giàu, sợ tiền.

Lớn lên tôi đi học, người ta dạy tôi rằng giai cấp tư sản là giai cấp xấu xa là giai cấp bóc lột, những người chỉ biết vơ vét tiền của làm giàu trên sức lao động của những người vô tội. Cha tôi học như vậy, tôi học như vậy và có lẽ con cháu tôi cũng sẽ học như vậy. Quan điểm của bạn về vấn đề này ra sao? Có cho rằng nó đúng không?

Tôi không dám nhận xét đả kích quan niệm của bất cứ ai dù nó có thể giống hay không giống của tôi. Áp đặt quan điểm của mình cho người khác là một điều không tưởng và thiếu tự trọng. 

Nhưng càng lớn lên cái thế giới mà tôi được biết qua sách vở và thế giới thực tại tôi đang sống mang lại cho tôi quá nhiều câu hỏi, quá nhiều thắc mắc. Cái tư tưởng tôi ôm ấp suốt thời đi học giờ đây thử thách khả năng nhận biết của tôi.

Ông bà cha mẹ tôi được hứa rằng giai cấp vô sản: nông dân, công nhân sẽ được đảm bảo về quyền lợi, đảm bảo cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhà nước này khởi nguồn từ đó, được hứa rằng quyền lợi giai cấp vô sản là sứ mệnh tối cao. Tôi nhìn ra xung quanh, anh chị em bạn bè tôi đi công nhân lương tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng, qua báo chí tôi biết ở Bình Dương, Long An điều kiện sống của công nhân quá khổ sở. Người nông dân Bắc Giang khốn khổ vì được mùa vải, người nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long bị thương lái ép giá lúa. Còn nhiều rất nhiều nữa mà tôi không thể nói hết ở đây. Tại sao lại như vậy?

Giai cấp tư sản là xấu xa là bóc lột tại sao họ lại xuất hiện tại Việt Nam. Được chào mời, săn đón để vào bóc lột công nhân Việt Nam. Và điều đáng ngạc nhiên hơn là họ mang tiền tới, mang công ăn việc làm tới. Họ tốt đấy chứ, họ giúp ta phát triển đấy chứ. Liệu có phải họ xấu xa, tàn bạo ác độc chỉ biết bóc lột? Và nếu họ bóc lột tại sao lại chào mời họ?

Tôi được học rằng quốc hữu hóa tư liệu sản xuất là điều phải làm, tức là việc dồn mọi nguồn lực vào cho nhà nước quản lý là tốt. Tại sao Nhật, 1 đất nước gần như về con số không, thất bại trong chiến tranh, suy kiệt vì chiến tranh, nghèo nàn về tài nguyên, đi theo đường lối tư nhân hóa trong 20 năm lại vươn lên là cường quốc thứ 2 thế giới? Tại sao những nước tư bản chủ nghĩa lại giàu gấp nhiều lần những nước đi theo đường lối quốc hữu hóa và đương nhiên mức sống họ cao hơn nhiều lần? Đơn giản hơn, ở Việt Nam 1 doanh nghiệp tư nhân và 1 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả hơn? Tại sao các bê bối xây dựng, tham nhũng lại xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước?

Vậy có nhiều tiền là tốt phải không? Trở thành 1 ông chủ doanh nghiệp có nhiều công nhân là tốt phải không? Tạo công ăn việc làm cho người nông dân, công nhân là tốt phải không? Vậy tại sao con tôi sẽ lại phải học những điều sẽ lại gây cho nó những thắc mắc, chiếm quá nhiều quỹ thời gian cuộc đời giống như tôi? Tôi chắc chắn sẽ nói con tôi những điều đúng đắn và giá trị của tiền bạc mà tôi tìm hiểu được.

BẠN CÓ THÍCH CÔNG VIỆC MÌNH ĐANG LÀM KHÔNG?
Câu hỏi ở đây là bạn có thật sự đam mê với công việc mình đang làm không? Bạn có cảm giác thoải mái và sung sướng mỗi khi làm việc không? Bạn có cảm giác nặng nề mỗi khi phải làm công việc bạn đang làm hàng ngày không? Tan giờ làm, bạn bước ra về có cảm giác như vừa trút bỏ được 1 gánh nặng không? Khi làm việc bạn có lướt web, facebook đến phát chán nhưng không nghĩ ra việc gì để làm không?

Một câu nói kinh điển về thành công: “Thành công có 1% là yếu tố bẩm sinh và 99% là yếu tố chăm chỉ”. Câu nói rất hay và chính xác nhưng nhìn rộng ra thì cái chăm chỉ là cái gì mà quan trọng vậy. Làm sao để chăm chỉ? Cái chăm chỉ có được khi người ta thích cái người ta làm. Chỉ có tình yêu với cái đang làm mới giúp có đủ nghị lực, kiên nhẫn để theo đuổi công việc. Vậy lại là câu hỏi đó: “Bạn có thích việc bạn đang làm không?”

Ước mơ thầm kín của bạn là gì? Làm nghề gì? Trở thành người như thế nào? Làm được việc gì? Và bạn có sống với ước mơ của mình không? Và nếu bạn làm một công việc bạn không thích thì tại sao?

Bộ Nội Vụ Việt Nam thừa nhận trong đau xót rằng 30% công nhân viên chức trong bộ máy nhà nước là thừa. Tại sao thừa? Vì có cũng được không có cũng được, họ chẳng đóng góp gì trong bộ máy đó cả. Việc họ làm là đến và về rồi cuối tháng lĩnh lương. Tôi có anh bạn chạy công chức mất 200 triệu để vào làm y tá tại một bệnh viện huyện mà mỗi tháng chỉ nhận 1 triệu 200 ngàn tiền lương. Đây rõ ràng là một việc làm phi lý nếu nói về đầu tư và thu lợi nhưng nó lại diễn ra vô cùng nhiều ở Việt Nam.

Hầu hết thanh niên thế hệ này phấn đấu để vươn đến 2 chữ: “Ổn định”. Một từ rất mơ hồ và khó đo đếm nhưng thật đơn giản: ổn định tức là làm nhà nước. Để vươn đến 2 chữ này thì việc đầu tiên phải hoàn thành là đỗ đại học. Người ta chọn trường đại học chọn nghề nghiệp tương lai không dựa vào ham muốn hay sở thích mà là chạy theo thị hiếu. Hậu quả là có đến 162.000 cử nhân, thạc sỹ hiện nay thất nghiệp không kiếm nổi việc làm. Đồng ý là việc làm không đủ thì phải chịu nhưng cũng có muôn vàn cách làm muôn vàn cách cống hiến cho xã hội nhưng sao lại không làm. Vì cử nhân ai lại đi làm công nhân, ai lại đi theo con đường chợ búa. Cử nhân là phải vào nhà nước!

Học xong đại học công cuộc vẫn tiếp tục với nhiều người đó là học lên cao học. “Học, học nữa, học mãi”! Đúng là học thì tốt thật, điều ấy không sai nhưng học để làm gì. Nhiều bạn trẻ có thể không biết đến ý nghĩa thật sự của 2 từ HOÀI BÃO. HOÀI BÃO: Đơn giản là mong muốn được đem sức lực của mình để cống hiến phục vụ cộng đồng. Lưu ý là cộng đồng chứ không phải bản thân. Rất nhiều người không có hoài bão nên áp dụng tôn chỉ học mãi mãi sản sinh thêm 24.000 tiến sĩ và gần 9000 giáo sư. Năm 2011, theo thống kê Việt Nam không có bất cứ một bằng sáng chế nào được đăng ký tại Mỹ. Vậy công việc thường ngày của các vị giáo sư, tiến sỹ trong thơ Nguyễn Khuyến bước ra này làm gì?

Bằng đại học tại sao lại quan trọng như vậy? Nó quan trọng đến độ nhiều người thi trượt đại học đã tự tử vì không chịu nổi áp lực của gia đình và xã hội. Bởi vì nó là tấm vé thông hành nhất định phải có để bước vào cuộc đời. Hãy đem Bill Gate, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg tới đây. Có bằng đại học không? Gia đình có ai làm quan không? Không à! Làm công nhân thôi.

Nhưng đó vẫn không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề quan trọng nhất nằm ở các bạn. Những người quyết định cuộc sống của chính mình. Các bạn đi học theo sự sắp đặt của bố mẹ người thân, chọn công việc chọn nơi làm theo bố mẹ người thân. Các bạn đã bỏ quên bản thân mình, bỏ quên ước mơ cháy bỏng đang chảy trong huyết quản mình. Đổi một cuộc sống thử thách nhưng thú vị để lấy 2 từ “Ổn Định”.
Tuổi trẻ là tuổi của cống hiến, tuổi của sự xông xáo năng động. Hãy cho đi trước khi đòi hỏi. Hãy sống có Hoài bão. Hãy nhớ lại cảm giác vui sướng khi chỉ đường cho 1 ai đó bất chợt hỏi bạn, hãy nhớ cảm giác lâng lâng khi bạn nhặt đồ giúp ai đó. Hãy làm thứ mình thích hết khả năng của mình có để có một tuổi trẻ sôi nổi, ý nghĩa. Đừng vứt bỏ những năm tháng đẹp nhất cuộc đời để đổi lại 2 từ vô cùng giả tạo “ỔN ĐỊNH”.

“CUỘC ĐỜI MỖI NGƯỜI CÓ HAI NGÀY QUAN TRỌNG: NGÀY BẠN ĐƯỢC SINH RA VÀ NGÀY BẠN BIẾT ĐƯỢC Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA VIỆC BẠN TỒN TẠI TRÊN ĐỜI” – MARK TWAIN -

LUBI
Tác giả gửi đến DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More