VRNs – Sài Gòn
Lúc 20 giờ, tối qua, 28.12,
cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT đã chủ sự thánh lễ đồng tế cầu
nguyện cho công lý và hòa bình theo định kỳ hàng tháng.
Trong thánh lễ có sự tham dự của gia đình tù nhân Hồ Duy
Hải tại Long An. Ngoài Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Duy Hải, còn có em gái, và một
số người thân trong gia đình. Được biết, gia đình của anh Hồ Duy Hải đã thuê xe
đi từ Long An lên Sài Gòn dự thánh lễ và trở về ngay khi thánh lễ kết thúc.
Như mọi khi, trước thánh lễ, cha Giuse Đinh Hữu Thoại đã
đọc các ý được cầu nguyện cách đặc biệt trong thánh lễ: Cầu nguyện cho Hồ Duy Hải
và Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình nhưng có nhiều dấu hiệu oan sai mà gia
đình đã đi kêu oan trong những năm tháng qua và được công luận trong và ngoài
nước chú ý đến. Ý lễ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho các nhà
lãnh đạo các quốc gia bỏ án tử hình.
Cùng đồng tế với cha Vinhsơn Phạm Trung Thành trong thánh
lễ còn có cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Nhứt, dòng Đaminh, và bảy linh mục khác của
DCCT Sài Gòn và đông đảo giáo dân cũng như một số người không cùng tôn giáo vẫn
thường xuyên đến tham dự thánh lễ này vào mỗi cuối tháng.
Trong bài giảng, cha Vinhsơn Phạm Trung Thành nhấn mạnh đến
sự sống là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người và “không ai có quyền lấy đi sự
sống của người khác”. Ngài nói rằng: “Hỡi những ai ủng hộ sự chết, hỡi những ai
chủ trương sử dụng sự chế, nhân danh bất kỳ một lợi ích nào, hãy biết: phương
tiện xấu không thể mang lại sự tốt. Hãy chấm dứt ngay những hành động uy hiếp sự
sống! Hãy dừng tay lại, đừng tiến hành bất cứ một hành động nào gây ra cái chết,
cho dù nhân danh bất cứ điều gì. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chấm dứt án tử
hình. Chúng tôi kêu gọi suy xét lại các án tử hình, nhất là các vụ án có dấu hiệu
oan sai, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Xem xét lại cẩn thận
và công minh. Chúng ta không mất gì cả, nhưng nếu quả thật là oan sai, chúng ta
cứu được mạng người; mà sự sống thì vô giá, không ai gầy tạo được sự sống”.
Gia đình của anh Hồ Duy Hải ngồi hàng ghế đầu trong thánh
lễ cầu nguyện cho công lý hòa bình tối 28.12. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ anh Hải
(áo vàng nhạt) và em gái (áo trắng)
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành kêu gọi bỏ án tử hình và yêu
cầu “hãy chấm dứt ngay những hành động uy hiếp sự sống!”
Vào mỗi Chúa nhật cuối tháng, quý cha lại dâng thánh lễ đồng
tế cầu nguyện cho công lý hòa bình.
Cộng đoàn thắp nến cầu nguyện sau bài giảng
Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành và Giuse Đinh Hữu Thoại thăm
hỏi gia đình của anh Hồ Duy Hải sau thánh lễ
Nội dung bài giảng:
Kính thưa anh chị em.
Chúng ta đang sống trong một xã hội đổ vỡ mọi mặt, mọi
giá trị đạo đức luân lý bị phá sản, mọi trật tự đảo lộn và mối hiểm nguy là sự
bình an biến dạng khỏi cuộc sống, nhường lại cho sự chết với cái lối sống, lối
lý luận, trật tự của nó mà người ta gọi đó là “văn minh sự chết”, cho dù sự chết
chẳng bao giờ có thể là một sự văn minh.
Chúng ta không bi quan khi nói với nhau như vậy. Cứ nhìn
vào các tờ báo phát hành mỗi ngày, ngay báo của nhà nước hoàn toàn, cứ nhìn vào
các kênh truyền hình, dĩ nhiên là truyền hình nhà nước, thì rất nhiều sự ác, rất
nhiều điều bất ổn, rất nhiều sự đảo lộn phơi bày trên các phương tiện truyền
thông. Thực tế khi ra khỏi nhà, mà ngay cả ở trong nhà, thì mọi tai họa do
chính con người gây ra cho nhau cũng không ngừng đe dọa chúng ta.
Hơn lúc nào hết chúng ta mong ước sự bình an, sự bình an
đích thật và trường cửu, sự bình an mà bất kỳ một mãnh lực nào cũng không thể lấy
đi được. Đó chính là sự bình an do chính Chúa Kitô mang đến cho chúng ta như
chính lời Chúa hứa “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em phúc
bình an của Thầy” đó chính là sự bình an mà “thế gian không thể ban tặng và
cũng không thể lấy đi”. Chúa Giêsu nhấn mạnh sứ mạng của Ngài “tôi đến để cho
anh em được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Sự sống bình an, hạnh phúc là chính sự sống với sự hiện
diện của Chúa Giêsu, vì thế khi Chúa bước vào trần gian, muôn loài muôn vật nhận
ra chính Chúa Giêsu là vua bình an. là Chúa bình an, là vua hòa bình. “Vinh
danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đón nhận sụ
bình an, sự sống là đón nhận chính Chúa Giêsu. Gia đình thánh mà hôm nay chúng
ta mừng kính chính là gia đình của Chúa Giêsu, gia đình có sự hiện diện của
Chúa Giêsu, chính sự hiện diện của Chúa Giêsu làm cho gia đình nên thánh. Trở
thành gia đình thánh.
Bất kỳ cách nào người ta từ chối sự hiện diện của Chúa
Giêsu, người ta tự rút mình ra khỏi sự thánh thiện và nhận chìm mình trong sự
chết. “Ðiều đã thành sự nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại.”
(Ga 1, 4) Chúa đến mang sự sống, sự sống là sự sáng chiếu soi. Từ chối sự sống
là từ chối sự sáng, là tự nhận sự chết, tự gian mình trong bóng tối.
Hỡi những ai ủng hộ sự chết, hỡi những ai chủ trương sử dụng
sự chết nhân danh bất kỳ lợi ích nào, hãy biết, phương tiện xấu không thể mang
lại sự tốt. Hãy chấm dứt ngay những hành động uy hiếp sự sống, hãy dừng tay lại
đừng tiến hành bất cứ một hành động nào gây ra cái chết, cho dù nhân danh bất cứ
điều gì. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chấm dứt án tử hình, chúng tôi kêu gọi
suy xét lại các án tử hình, nhất là các vụ án có dấu hiệu oan sai, đặc biệt vụ
án Hồ Duy Hải và Nguyễn văn Chưởng, xem xét lại cẩn thận và công mình chúng ta
không mất gì cả, nhưng nếu quả thật là oan sai chúng ta cứu một mạng người, mà
sự sống thì vô giá, không ai gầy tạo được sự sống, không ai có quyền lấy đi sự
sống nhất là những cuộc lấy đi không chứng cớ.
Về phần người Kitô hữu, Tin Mừng dạy chúng ta không được
phép thờ ơ trước những điều sai trái, không được phép đứng về phía quyền lực mà
đối địch với người nghèo, người bị loại bỏ, người bị chà đạp. Không được phép
thỏa hiệp với sự dữ để mưu cầu yên thân, và càng không được phép thỏa hiệp để
thu hoạch lợi ích bản thân, lợi ích nhóm. Mọi sự quay lưng lại với người nghèo,
người bị bỏ rơi, người tù đày đau khổ sẽ phải trả giá bằng chính sự sống đời đời
“khi xưa Ta đói ngươi đã không cho ăn, Ta khát ngươi đã không cho uống, ta rách
rưới mình trần ngươi không cho áo mặc, Ta tù đày ngươi đã không viếng thăm” (Mt
25, ), những lời của Chúa Giêsu văng vảng trong ngày Chúa nhật cuối năm phụng vụ
vừa qua có đánh động tâm hồn chúng ta hay không ? Hay chúng ta vẫn lòng chai dạ
đá, ôm ấp suy nghĩ, giữ vững quan điểm theo ý của mình, tự hào sự chính thống,
trí thức, và cho rằng đó là đúng đắn ?
Trong Tin Mừng có câu chuyện người phụ nữ Samari bên bờ
giếng, câu chuyện để lại cho những người tự hào về truyền thống, tự hào về sự
giàu có, sang trọng, tự hào về sự nguy nga sầm uất, tự hào về những gia trị của
con người phải đặt lại vấn đề và đặt lại cuộc đời của mình nếu không muốn tiếp
tục trong mê lầm. Vì trong câu chuyện ấy, nơi bờ giếng Giáo Hội, Chúa Giêsu
nói “đã đến giờ các người sẽ thờ phượng
Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem.
…… Nhưng giờ đã đến – và chính lúc này đây giờ những người
thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật,” (Ga 4,
21 – 23)
Sẽ không là đền thờ trên núi, sẽ không là đền thờ
Giêrusalem, nhưng là trong chân lý, trong sự thật. Sự thật là Chúa thuộc về người
nghèo, người bị bỏ rơi, bị áp bức, sự thật là Chúa hóa thân và chờ đợi chúng ta
nơi những người đau khổ bé mọn nhất. Đừng bình an giả tạo với hoa nến, đèn màu,
đừng bằng an giả tạo với áo quần xúng xinh, lễ nhạc tưng bừng, càng đừng thỏa
mãn với lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Hãy tỉnh thức vì không biết
ngày giờ nào Chúa đến.
Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 48, Đức Thánh Cha
Phanxico nói rất rõ :
… Hội Thánh phải đến với mọi người, không loại trừ một
ai. Nhưng phải đến với ai trước? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một dấu hiệu
rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có của chúng ta, nhưng trên
hết là những người nghèo khổ bệnh tật, những người thường bị khinh dể và ruồng
rẫy, những người “không có gì để trả lại ngươi” (Lc 14:14). Không có chỗ cho sự
hoài nghi hay những lời giải thích vốn chỉ làm yếu đi một sứ điệp rõ ràng như
thế. Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin
Mừng”,và việc Tin Mừng được tự do rao giảng cho họ là dấu chỉ về vương quốc mà
Chúa Giêsu đến để thiết lập. Chúng ta phải nói thẳng ra rằng “có một dây liên kết
không thể phân ly giữa đức tin của chúng ta và người nghèo”. Chúng ta đừng bao
giờ bỏ họ.
Mừng lễ Thánh gia thất không chỉ để đề cao một vài gía trị
luân lý, cổ võ một vài giá trị đạo đức những phải là cơ hội để nhận ra rằng
Thiên Chúa đến giữa trần gian, trong một khung cảnh rất bình thường là gia đình
và mọi mối dây liên hệ xã hội, để mang đến sự thật cho nhân loại, đó là sự sống,
sự sáng chiếu soi, và sự thật giải thoát nhân loại, đồng thời kêu gọi chúng ta
lên tiếng bảo vệ và xây dựng sự thật , sự sáng và sự sống cho mọi người. Không
có chỗ cho sự vô cảm, thờ ơ và đi ngược với sự sống.
28 tháng 12 năm 2014
VRNs
0 comments:
Đăng nhận xét