Nguyễn Xuân Nghĩa (hồi ký từng phần - Phần 3)
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghiã
Xin phép đi trước thời gian để được cùng bạn đọc vài tâm sự.
Ba ngày sau khi anh Hải ngừng tuyệt thực, tại trại tù số 6, cả anh Hải và chúng
tôi được nghe bản tin của Đài truyền hình trung ương Việt Nam (có dùng thêm
những hình ảnh ngụy tạo) phủ nhận thông tin HĐC tuyệt thực. (Báo Nhân dân có
một bản tin tương tự, nhưng số báo này ban giám thị trại 6 cúp mất, không cho chúng
tôi xem).
Miễn cho tôi mô tả nỗi thất vọng và khinh bỉ đối với các cơ quan
truyền thông của cộng sản. Tôi và ông Kim chẳng biết làm gì chống lại các bản
tin lấp liếm kia ngoài vận động anh em bạn tù ký vào lá thư gửi trực tiếp đến
gã Trần Bình Minh, giám đốc đài truyền hình VN, ủy viên trung ương đảng cs phản
đối bản tin và yêu cầu cải chính. Tất nhiên lá thư nào từ nhà tù gửi ra xã hội
cũng phải qua cửa ban giám thị, vì vậy lá thư kia, chúng tôi biết sẽ bị đốt kín
trong nhà xí. Biết vậy nhưng vẫn viết. Viết để được nói lên sự thật dù chỉ
mình biết với mình.
Những ngày đầu mới ra tù một số cơ quan truyền thông quốc tế
như RFA, BBC... bạn bè, các trang mạng yêu cầu tôi xác định sự việc. Sự kiện
anh Hải tuyệt thực đã qua đi hơn một năm tính từ ngày xảy ra đến ngày tôi hết
án mà vẫn còn hot là điều ngạc nhiên. Sự kiện anh Hải bị chính quyền cộng sản
VN trục xuất qua Mỹ và chuyện cờ đỏ, cờ vàng rắc rối mà anh gặp phải bên kia
chỉ chục ngày sau khi tôi ra tù cũng làm tăng độ nóng... Các dư luận “lề đảng”
sợ tôi nói “có”. Khi tôi nói “có” họ bảo “Biết trước mà!. Sáu năm tù vẫn không
làm cho cha nhà văn tự phong này sợ”.
Khi hồi ký của tôi mới ra được hai phần, tôi nhận được sự
phản hồi của “lề dân” khi tôi viết “Tuy nhiên tôi vẫn không hiểu sao khi đã qua
Mỹ anh (ĐC) chỉ nói đến mục tiêu - Tự do ngôn luận.” Nhóm “lề dân” chia làm 2,
một thấy tôi nhận xét thế là đúng, một sợ chúng tôi bị chia rẽ. Có người lo cho
tôi bị ném đá.
Tôi mong không ai phải lo rằng tôi sẽ viết thế này hoặc viết
thế kia. Đã gọi là hồi ký người viết phải trung thành với các sự kiện như nó đã
từng xảy ra. Vả lại dù được cho là một người hoạt động dân chủ-nhân quyền,
nhưng là một nhà viết văn khi viết hồi ký, tôi phải đứng trên hai chân: sự thật
và nhân văn mà loại bỏ ý đồ tuyên truyền. Tóm lại hồi ký chỉ có giá trị khi
trong đó đưa ra sự thật.
Ta quay về những gì giữa chúng tôi trước ngày anh ĐC bị biệt
giam.
Ngẫu nhiên mà những ngày đó, chúng tôi gần gũi nhau hơn. Đã
2 tháng trôi qua kể từ ngày anh Hải nhập trại. Anh đã quen với cuộc sống tù
nhân trong một trại tù phía Bắc. Anh cũng nhận ra tấm lòng của tôi đối với anh.
Và anh cũng đã chia sẻ nhiều với riêng tôi về hoàn cảnh của cá nhân anh, mặc
dầu anh là một người đàn ông tương đối khô khan. Hôm tôi nhường cho anh tấm đệm
duy nhất của tôi, anh từ chối. Tôi nói:
- Người anh gầy thế kia đêm nằm xương hông nó miết lên sàn
gạch xi măng, đau lắm. Anh cứ dùng cái này của tôi, mấy hôm nữa vợ tôi vào, tôi
bảo bà ấy gửi cho tôi cái khác.
Hôm trao cái chăn (tôi nhận lại từ anh Phạm Văn Trội và anh
Vũ Hùng) cho anh, tôi nói với một ý nghĩa đặc biệt.
Tôi xin trích lại từ FB cá nhân:
“Bạn Hoàng Việt trao đổi:
Khi Điếu Cày mới lên trại 6 anh Nghĩa đưa cái mền đỏ sọc
đen nói của Trội để lại cho tôi giờ tôi chuyển qua anh. Khi Trương Duy Nhất mới
lên trại 6 Điếu Cày đưa cái mền đó cho Trương Duy Nhất sử dụng.
Ngày 26/5/2015 Trương Duy Nhất ra tù sẽ để lại cho ai???
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hồi Hải ĐC vào T.6 hầu như không mang
theo cái gì sứt, từ chăn, màn, quần áo rét... Anh ấy bảo biết sẽ chuyển trại
liên miên nên càng gọn nhẹ càng tốt. Tôi lo cho anh ấy từ cái bát ăn cơm, cái tô
pha mì tôm. Lúc này Phạm Thanh Nhiên đã ra tù, tôi nhường cho "cô nàng"
này cái vinh dự sắm cho anh Hải đôi quần cộc, đôi áo 3 lỗ, cái gối. (tôi suýt
bị kỷ luật vì nói qua điện thoại với vợ tôi rằng bảo Nghiên chuẩn bị những đồ
kia cho anh Hải) ). Tôi trao cho Hải cái mền len của Phạm Văn Trội và cái đệm
đã được may vỏ khá đẹp, sang trọng có cái mềm của chính tôi và cái mền nữa của
anh Vũ Hùng ở trại Ba sao Tôi nói với anh Hải: "Thường thì tù nào được ra
trại cũng cho đi các đồ dùng như một sự vất bỏ. Riêng tôi nghĩ mọi vật ta dùng
đều có cuộc sống riêng của nó, ta phải sử dụng sao cho cuộc đời của nó không
chết yểu để linh hồn nó không oán trách ta. Tôi giao lại cho anh những thứ này
cũng mong nó được như vậy. Nó mang hơi ấm của Trội, của tôi, của Vũ Hùng. Anh sử
dụng nó đồng nghĩa với việc anh nhận hơi ấm của chúng tôi, sự chia sẻ của chúng
tôi, vì anh xứng đáng. Sau này anh về nếu nó còn dùng được, hãy giao lại cho
người xứng đáng sau anh. Đừng giao lại cho người nào không xứng nhận hơi ấm của
chúng tôi. Với ý nghĩa này, tôi rất vui vì cái mền len của Trội đã được anh Hải
trao cho anh Trương Duy Nhất (như bạn kể) những cái còn lại anh H ĐC mang theo
sang bên Mỹ. Khi tôi chuẩn bị ra tù từ trại An Điềm, tôi trao cho LS Lê Quốc
Quân cái mền của Phạm Văn Trội (cái mền bông hóa học mới lắm- Cái vật nào của
Trội cũng mới tinh, chính chủ) và cái mền len của tôi, cũng chính chủ. Tôi nói
với Quân y hệt như đã nói với Hải ở trại 6. Mới đầu Quân không hiểu, rồi Quân
cười bảo: anh là nhà văn, nghĩ hay thật, và Quân nói: "em sẽ mang về, nếu
không trao được cho người xứng đáng..." Ta chờ xem rồi LS Quân sẽ trao nó
cho ai? Hơi ấm đồng chí trong lao ngục của chúng tôi ai sẽ nhận?. Tháng 6 này
Ls Quân ra tù...” (Hết trích)
Vào mỗi buổi sáng, khi anh em còn tuổi lao động đã ra lán
làm việc, ông Kim cũng ra ngoài thích thú với việc đan lát, ủ giá đổ cho anh em
có đồ đựng, đồ ăn cải thiện, chỉ mình tôi ở lại buồng với sách vở, ghi chép...
anh Hải thường sang với tôi. Chúng tôi tiếp tục nói về những đề tài chúng tôi
quan tâm. Anh Hải thường gợi ra đề tài chính trị, kinh tế, luật pháp, tôi
thường gợi ra đề tài về lịch sử, văn học, con người. Một lần anh tâm sự về
điều duy nhất anh canh cánh, và anh muốn tôi giúp khi tôi ra tù:
- Có thể tôi không còn thời gian tìm bố tôi nữa, anh
Nghĩa... Anh mở đầu.
Chưa bao giờ tôi nghe được âm sắc dịu ngọt như vậy từ cái
giọng khàn khàn cứng khô của Hải ĐC. Chuyện là... anh đã 61 tuổi. Anh còn phải
tù 10 năm nữa.. Họ anh không phải Nguyễn. Họ Nguyễn là của bố dượng anh. Mẹ anh
dùng họ của bố dượng anh thay vào khi cộng sản thiết lập quyền cai trị ở miền
Bắc. Bà lo anh sẽ bị đuổi học, sẽ khổ một đời khi chính quyền phát hiện ra bố
anh năm 1955 đã bỏ ba mẹ con anh lại Bắc, di cư vào Nam theo bọn “phản động làm
tay sai cho đế quốc Mỹ”. Khi còn trong quân ngũ Việt cộng đánh nhau ở Miền Nam, anh sợ bố
anh ở hàng ngũ bên kia. Anh không sợ chính anh sẽ bắn vào bố, vì anh là lính
thông tin. Nhưng đồng đội của anh sẽ bắn... Anh nhanh chóng tìm lý cớ rời quân
ngũ khi chiến tranh kết thúc. Với một chiếc ba lô lính phủ bụi anh trở ra Bắc
tìm mẹ và em gái, không có phía sau và trong chiếc ba lô kia con búp bê, cái khung
xe đạp, hay cái cat-xét nào hết - như là những chiến lợi phẩm của người lính
Bắc Việt khi đã “giải phóng miền Nam”. Tạm biệt mẹ và em gái, với
chiếc ba lô cũ chưa kịp phủi sạch bụi Nam, anh trở lại Sài Gòn. Anh biết
đấy mới là đất sống của anh: phóng khoáng, bao dung, hiền hòa... Nhờ những kiến
thức về thiết bị thông tin trong quân đội, anh học hỏi thêm, làm thợ sửa chữa
radio, cát-xét, ti-vi, rồi nâng cấp lên thành thợ sửa chữa máy ảnh, máy camara,
các thiết bị truyền hình kỹ thuật số, rồi anh kinh doanh các thiết bị điện tử
cấp cao, có tiền mua nhà ở con phố Phạm Ngọc Thạch sang trọng và vài con phố
khác, có nhà cho thuê... Suốt mấy chục năm qua, anh luôn tìm tung tích bố. Anh
nghĩ nếu bố anh không sống ở Sài Gòn thì ông đã qua Mỹ. Anh linh cảm bố anh còn
sống... Anh muốn lần tìm từ cái gốc của ông cụ. Có thể ông cụ, sau chiến tranh,
nước nhà thống nhất đã để ngoài đó vài thông tin về bản thân cho chú, bác. Đặc
biệt, anh nói về cuốn nhật ký của tuổi thanh niên, trước khi vào Nam đánh nhau,
anh gửi lại cho người bạn gái... Chiến tranh..., cái sống và cái chết, thì xuân
của người con gái... khiến họ không thành vợ - thành chồng. Anh muốn có lại
quyển nhật ký này. Anh tin người con gái kia, dù bây giờ đã thành một bà già,
vẫn còn giữ cuốn nhật ký của anh, giống như con tàu sang trọng nhất thế giới
thời năm 1912 lưu giữ chiếc giày của Rose DeWitt Bukater trong phim Titanic.
Cũng ngày hôm ấy, tôi biết anh và chị Tân đã ly hôn, khi
tôi hỏi sao chuyện tìm kiếm tung tích ông cụ, anh không ủy quyền cho vợ...
Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận thấy anh trầm tĩnh. Trong
đầu anh không bị ám ảnh danh từ Hoàng Sa, Trường Sa, cộng sản VN và cộng sản Tàu.
Tôi cũng ghi nhận một lần anh cười to thành tiếng (Anh chỉ
cười mỉm khi vui). Kể lại chuyện này có bị lan man chút xíu, nhưng vui.
Trại 6 có khoảng 300 tù hình sự nữ. Họ được làm trong lán,
không bị cái nắng chói chang miền tây xứ Nghệ hủy hoại, nên cô, chị, bà nào da
cũng trắng phau, mịn màng. Sản phẩm họ làm ra là lông mi và lông mày giả xuất khẩu
nên ai cũng “tham ô” được vài bộ. Có lông mi, lông mày gắn vào mắt bắt buộc
môi, má phải có son, có phấn. Không bố mẹ hoặc người chồng nào gửi son phấn cho
người tù. Họ chỉ gửi đồ ăn để ăn ngay và tiền để mua thực phẩm khi đồ ăn nhà
gửi đã cạn. Chị em tù nhịn ăn dùng tiền mua son phấn từ xã hội. Họ (thực và
giả) kết nghĩa chị-em, anh-em, vợ-chồng với tù trai và những tù trai được đi
làm bên ngoài xã hội mua giúp họ son phấn. Tiền mặt ở đâu ra khi tù không được
giữ tiền mặt theo quy định? Các tù trai có cách riêng của họ để có tiền mặt.
Giá tiền mặt là 800.000 đ ăn 1.000.000đ tiền âm phủ (tiền trong sổ lưu ký). Ai
đổi cho họ? Cán bộ cai tù đổi để “tăng thêm thu nhập”. Cán bộ căng tin đổi để
lấy lãi. Với tiền mặt tù nam dùng mua son phấn, mua hoa tặng bạn tù gái ngày
8/3, ngày Tình yêu, đánh bạc, cá độ bóng đá, chơi số đề và... mua ma túy. Ở trại
6 Nghệ An và trại An Điềm tôi chưa bắt gặp họ mua và sử dụng ma túy, có thể do
chế độ giam theo TT 13/Bộ CA khiến tù an ninh chúng tôi không còn được tiếp xúc
với tù hình sự; nhưng ở trại Ba Sao- Nam Hà. Trời! Đa phần lũ cai tù và lũ bị
tù đã biến thành quỷ.
Trong hoàn cảnh nghiệt ngã nào phái đẹp cũng muốn làm đẹp.
Không có chồng, bạn tình, họ làm đẹp với nhau, với cánh tù nam. Họ cũng yêu tạm
và ghen tuông tạm để chống lại thời gian tù đằng đẵng. Có đôi thành yêu thật,
ra tù bỏ vợ, bỏ chồng. Tình yêu có ở mọi nơi. Nhà tù là một xã hội thu nhỏ...
Lối đi ra xưởng làm và về buồng của tù nữ qua cửa khu tù an
ninh chúng tôi. Cánh cửa này lúc đó phải mở. Nó trùng với thời gian chúng tôi
nhận cơm. Phụ nữ còn có tính tò mò nên thường nhìn trộm vào khu an ninh. Họ biết
chúng tôi là tù chính trị, nên có phần kiêng nể, cảm mến. Họ đẹp lắm, lông mày
xanh, mảnh như lá liễu của Thúy Kiều, lông mi dài cao vút của Thúy Vân; môi
hồng, má trắng...
Mỗi lần bắt gặp cái nhìn trực diện của họ ít ai không thấy
não lòng.
Não lòng vì họ là những người phụ nữ bị giam cầm. Lúc ấy ta
quên, không biết họ đã phạm tội gì. Ta chỉ biết có những em bé trai, em bé gái
đang mòn mỏi chờ họ ngoài kia; những người chồng không còn chờ họ nữa, có thể đang
ôm ấp người đàn bà khác mà họ không hề biết, trong khi ở trong này họ đẹp mê
hồn. Ai không có cảm xúc như vậy, xin bỏ qua cho những dòng này.
Chính họ đã giúp cánh đàn ông cô độc vì tù đày chúng tôi
luôn nhớ ở ngoài xã hội có một nửa là phụ nữ, trong đó có những người vợ của
mỗi người.
Nhưng họ cũng tạo ra sự kích thích quá nhiều ở một vài người.
Trước đấy chị Ngô Thị Lộc đi thăm nuôi anh Nguyễn Kim Nhàn,
hai người đều được gặp nhau. Cho đến một ngày anh Nhàn ôm chầm lấy chị Lộc. Cán
bộ giám sát hốt hoảng gỡ tay anh chàng này ra và thế là xảy ra một cuộc tranh
luận gần như cãi vã:
- Ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng đi ra nước
ngoài, được đón tiếp, được bắt tay vợ, hôn vợ người khác. Sao vợ tôi, tôi không
được ôm? - Anh Nhàn la to.
- Theo nội quy- Cán bộ nói
- Anh Nhàn lặp lại:
- Ông Nguyễn Tấn Dũng...
Viên cán bộ lặp lại:
- Theo nội quy!
Không chỉ ở trong buồng thăm gặp, ra đến lối đi về khu giam
giữ, anh Nhàn vẫn oang oang cái câu cụt ngủn, không lý lẽ, có tính cả vú lấp miệng
như trên. Hàng chục tù hình sự dạt ra hai bên nhìn vào kinh ngạc. Lần đầu tiên
họ thấy một anh tù quát to hơn cán bộ.
Từ đó, chị Lộc bị tước quyền gặp anh Nhàn. Ban giám thị giở hồ
sơ tù nhân biết anh Nhàn và chị Lộc về pháp lý không phải vợ chồng.
Chuyện của vợ chồng anh Nhàn không giống vợ-chồng anh Hải.
Lần thăm gặp nào hai mẹ con chị Tân cũng đi cùng nhau, nhưng chỉ con trai chị
được gặp bố. Các giám thị của 4-5 trại tù anh đã qua đều biết anh chị đã ly hôn.
Vả lại, với anh, gặp được con trai là đủ...
(Còn tiếp)
2 comments:
tuyệt thực thì làm sao nào, kệ cha chúng mày, nhà tù thì vẫn đáp ứng thứ ăn còn chúng mày không ăn thì kệ cha chúng mày, cái trò tuyệt thực chả mang ý nghĩa gì cả, giới dân chủ chúng mày chỉ dừng lên những trò điên khùng, tuyệt thực đi sao không tuyệt thực đến 1 vài tháng đi, như con bùi hằng đấu tranh tuyệt thực đến 50 ngày cơ à, cuối cùng mụ ta cũng vẫn sống nhăn răng đó thôi
Tôi chỉ mong có ngày Tuyết Bông và các thủ trưởng của Tuyết Bông cũng ngồi tù như chị Bùi Hằng hiện nay.
Tôi dám cá TB sẽ rất to mồm đòi quyền của tù nhân.
Đợi đấy TB ạ. Vô số kẻ như TB tại Đông Âu và các nước CS cũ cũng từng nói những câu vô liêm sỉ, vô đạo đức, và lương tri như thế.
Đăng nhận xét