Lãnh Đạo Hai Mang

. Đinh Tấn Lực

Bắt Cá Hai Tay Trên Thiên Đường là một tiểu thuyết hư cấu dành cho giới trẻ tuổi teen Hàn Quốc. Tác giả ký tên là Aramis. Truyện được chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi dịch giả Quốc Đạt. Nghe nói bán khá chạy một dạo.

Một tác giả khác viết cùng chủ đề và tỏ ra tài ba nổi trội, đến mức nâng toàn bộ hành vi bắt cá hai tay lên tầm Nghệ Thuật Lãnh Đạo Hai Mang…

Kính mời đồng bào cả nước đón đọc quyển sách để đời, lừng danh kim cổ, của kịch tác gia kiêm ảo thuật gia kiêm chính trị gia kiêm đại hoạ sĩ Nguyễn Tấn Dũng, sẽ ra mắt nay mai trên toàn cõi VN.

Bài giới thiệu sách này sẽ không hé lộ những chi tiết bất nhân, bất nhẫn đến bất ngờ trên từng trang sách, và để dành những khám phá động trời đó cho từng độc giả. Do vậy, chỉ xin được lướt qua một vài điểm nhấn mà tác giả quyển sách muốn bày tỏ sự trăn trở khôn nguôi trên từng xăng ti mét của dải đất tiền rừng bạc biển hình chữ S này.

Mờ mờ nhân ảnh, tác giả quyển sách cho thấy phảng phất hình ảnh của chính mình tích cực hiện diện và tham gia trên môi trường truyền thông ảo. Thời buổi này mà không có mặt trên Thế Giới Phẳng thì chắc chắn là sẽ khó ai biết tới (kẻ thù của nhân dân là đứa nào). Chân Dung Quyền Lực ra đời là vì nhu cầu đấu tranh dập mặt đó.

Trong mắt các đối thủ, CDQL là loại máy chém được lê khắp ba miền đất nước, hay chí ít cũng là một khẩu Cheytac .408 cal bửu bối của những tay bắn tỉa (mỗi viên một mạng). Nhưng, trong mắt chủ nhân thì đó chỉ là một loại game Pacman thời đại, nuốt trửng nhau theo đúng luật chơi (mở rộng dân chủ nội bộ) của đảng.

Chính thực và ngắn gọn, đó là một nguyên tắc sống còn.

Cái khéo không phải chỉ ở chỗ đòn phép của CDQL là cực độc, hay ở chỗ mọi người đều có thể đồn đoán kẻ sau lưng nó là ai mà không làm gì được. Cái khéo chính ở chỗ nó vừa cực độc, lại vừa mở ra một cánh cửa khác cho chủ nhân của nó rao giảng về Đạo Đức Kách Mệnh: Phải “Kiên trì chặn thông tin xấu về lãnh đạo trên mạng”.

Tức là một cách gom tụ đầy mưu lược: CDQL tấn công khiến đối thủ rụng như sung thì được, thậm chí là quá được. Lại còn thêm một thông điệp gia cố nữa là “Không thể ngăn cấm thông tin trên mạng xã hội”. Ai chẳng nức lòng?

Nhưng ngược lại, ngay sau đó,, chỉ cần rao giảng về tai hoạ chia rẽ lãnh đạo, thì nhất định bổn phận của ban tuyên giáo TW, hệ báo đài toàn quốc, tất cả nhà báo/phóng viên/phát thanh viên có thẻ, công an mạng, và ngay cả hệ DLV… cũng phải vì đạo đức kách mệnh và vì sự đoàn kết lãnh đạo mà ngăn chận mọi phản đòn, bất kỳ đến từ đâu.

Kỳ thực, tác giả quyển Nghệ Thuật Lãnh Đạo Hai Mang, trong cái chế độ định hướng vun vén cho gia tộc này, không phải thuộc loại người hùng cô độc. Ở nhiều tầng cấp khác nhau, người ta thấy đó đây cũng lắm kẻ loi nhoi…

Phía bên quân đội quần hồng, Phùng Quang Thanh và Nguyễn Chí Vịnh cũng từng múa cùng một chiêu Song Thủ Hỗ Bác: Vừa lên tiếng bênh vực quan thầy Trung Cộng, vừa cho báo chí tung tin mua vũ khí mới, rồi lại tuyên bố rất to là phải hạ quyết tâm không để xảy ra xung đột vũ trang với TQ. Mà chẳng cần giải thích với độc giả khắp nước, hay với cả thuộc hạ, rằng mua vũ khí mới để đối phó với sự lấn lướt từ nước nào khác?

Chẳng đâu xa, ngay dưới trướng chính phủ cũng từng có một mầm non đá cá hai chân: Nguyễn Xuân Phúc, với khối tài sản “Phi Trí (Trá) Bất Hưng (Gia)” tràn đồng ngập bãi, phải nhờ đến cả thông gia trong nước, ngân hàng ngoài nước, và cả bạn bè hải ngoại giữ hộ. Nhưng chính đương sự thì phải có chân trong ban phòng chống tham nhũng!

Trường hợp chánh thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền chỉ là võ sĩ hạng ruồi, không khác gì các bậc thầy kể trên, nhưng không đáng kể. Cũng không đáng kể, hay không thể kể hết, là hàng triệu tên tuổi và chức vụ khác, ở mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp, mọi phe… được nuôi dưỡng và bảo quản cẩn trọng trong một thứ hũ sành dễ vỡ được gọi là bình quý.

Nhìn chung, đây là một bước tiến vĩ đại, từ chỗ mạnh miệng lên tiếng khi về hưu đến chỗ lớn giọng lên tiếng chỉ chỏ đường hai chiều ngay khi còn tại chức. Nói tóm lại, công thức chung là đang hưởng lợi từ ngành nào thì phải cùng lúc làm ra vẻ chán ngán, tức giận, hay ngay cả lên án xa gần ngành đó. Như thử không một ai trăn trở hơn ta.

Dân chúng không hiểu nghệ thuật đẳng cấp cao này nên thường gọi đó là: Nói một đàng, làm một nẻo. Tất nhiên lãnh đạo không có thì giờ chấp nhất cái cách nhìn không chính xác đó.
Lãnh đạo còn đang tập trung tối đa trí lực vào mục tiêu Kiên Trì… Vun Vén, trong cuộc đua sinh tử không còn nhiều thời gian và cơ hội.

Ngay cả quyển Nghệ Thuật Lãnh Đạo Hai Mang này cũng không chắc gì có cơ hội tái bản.
Nhớ đón đọc ngay khi có thể.

30/01/2015 – Tròn 47 năm ngày khởi động chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân.
Blogger Đinh Tấn Lực

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More