18.04.2015
Lại
tháng Tư. Lại thấy trên báo chí và các mạng lưới truyền thông xã hội trên internet
những bài viết về một trong những biến cố lớn nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại:
tháng Tư 1975. Tuy nhiên, năm nay, các bài viết, đặc biệt ở hải ngoại, dường
như khác những năm trước. Trước, người ta chỉ tập trung vào sự sụp đổ của chính
quyền miền Nam
và những hậu quả của nó. Năm nay, bên cạnh cái nhiều người gọi là ngày “đổi
đời” ấy, người ta còn tập trung vào một khía cạnh khác: 40 năm người Việt định
cư ở nước ngoài.
Thì
cả hai đều có quan hệ nhân quả với nhau thôi: Bởi vì chính quyền miền Nam sụp đổ nên
mới có hàng triệu người liều mình vượt biên hay vượt biển để ra đi tìm tự do.
Tuy nhiên, khi nhấn mạnh đến khía cạnh sụp đổ, người ta chỉ thấy những bi kịch;
khi chú ý đến khía cạnh định cư ở nước ngoài, người ta thấy những khía cạnh
tích cực và lạc quan hơn. Cho nên, cùng một biến
cố, tuỳ theo góc nhìn, người ta thấy những mảng màu khác hẳn nhau.
cố, tuỳ theo góc nhìn, người ta thấy những mảng màu khác hẳn nhau.
Chỉ
nhìn vào khía cạnh “thua trận”, sau việc mất chính quyền là nạn độc tài và tàn
bạo với cảnh hàng chục ngàn người bị lùa vào các trại lao động cải tạo, cảnh
đánh tư sản mại bản, cảnh xua dân chúng vào các khu kinh tế mới đầy khổ ải, cảnh
con cái của những người từng làm việc cho chế độ cũ bị kỳ thị ngay cả trong việc
học vấn, và cuối cùng, cảnh hàng triệu người bỏ nước ra đi, trong đó có cả hàng
trăm ngàn người bị hải tặc hoặc bị đắm tàu bỏ xác ngoài biển khơi. Ngày ấy, nói
theo Võ Văn Kiệt, có triệu người vui và triệu người buồn. Nói thế là hơi nhẹ.
Bởi đâu phải chỉ “buồn”. Người ta còn đau khổ, thống khổ vì những mất mát không
thể bù đắp được. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi đó là ngày quốc hận.
Sau
ngày “quốc hận” ấy là những ngày tháng tang thương bi thảm. Về phương diện kinh
tế, đời sống mọi người càng ngày càng cùng cực, ngay cả lúa gạo cũng không đủ
ăn, phải ăn độn khoai, độn sắn và ăn cả bo bo từ năm này sang năm khác. Về
phương diện xã hội, với chính sách hộ khẩu và sổ lương thực, mọi người bị mất
cả các quyền tự do cư trú và đi lại. Về phương diện tôn giáo, người ta cũng không
được quyền tự do thờ phượng: các nhà tu đào tạo tu sĩ bị đóng cửa, việc đi chùa
hay đi nhà thờ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Về phương diện chính trị, tất cả
các quyền căn bản của con người, từ quyền tự do tư tưởng đến tự do ngôn luận, từ
quyền tự do đi lại đến tự do hội họp, từ quyền tự do biểu tình đến quyền tự do
lập đảng phái… tất cả đều bị bóp nghẹt.
Bên
cạnh những sự “đổi đời” như thế, có một khía cạnh khác năm nay mới được chú ý
nhiều: cộng đồng đông đúc với khoảng trên bốn triệu người Việt sống ở rải rác
trên 100 quốc gia khác nhau kể từ sau năm 1975.
Nhìn
từ góc độ di dân học, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có mấy đặc điểm nổi bật:
Thứ
nhất, trong khi các làn sóng tị nạn trên thế giới phần nhiều có tính chất khu
vực, chủ yếu di cư đến một quốc gia láng giềng nào đó (ví dụ từ Iraq chạy sang
Saudi Arabia, Jordan hay Turkey; từ Afghanistan chạy sang Pakistan), làn sóng
tị nạn của người Việt, ngược lại, có tính chất toàn cầu: sau khi đến một quốc gia
láng giềng, họ được phép tái định cư ở một quốc gia thứ ba, hầu hết là các nước
Tây phương, vừa xa xăm vừa xa lạ về văn hoá (trong đó, đông nhất là ở Mỹ với
gần 2 triệu; kế tiếp là Pháp với khoảng 300.000; Úc và Canada mỗi nơi trên
200.000 người).
Thứ
hai, ở các quốc gia ấy, người Việt thường có xu hướng sống tập trung ở các tiểu
bang hoặc các thành phố lớn và đông dân nhất.
Thứ
ba, mặc dù cộng đồng người Việt hải ngoại được hình thành từ nhiều nguồn khác
nhau, từ di tản đến vượt biên, từ diện HO đến diện bảo lãnh gia đình, trên căn
bản, yếu tố chính trị vẫn là nòng cốt: đó là một cộng đồng tị nạn.
Đặc
điểm thứ nhất là một trở ngại cho quá trình hội nhập: từ một nước thuộc loại
nghèo khó nhất thế giới đến sống ở một quốc gia thuộc loại tiến bộ và giàu
có nhất thế giới với một ngôn ngữ và một văn hoá khác biệt, nhiều người cảm
thấy ngỡ ngàng và cần thời gian mới có thể ổn định được cuộc sống. Đặc điểm thứ
hai làm xuất hiện những khu phố người Việt, ở đó, người Việt sống tập trung bên
cạnh nhau với một bản sắc riêng khác với những người bản xứ hay các cộng đồng
di dân khác. Đặc điểm thứ ba làm cho xu hướng chính trị thành một trong những
yếu tố chủ đạo hình thành bản sắc của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại: dù
sống ở nước ngoài lâu đến mấy, phần lớn người Việt vẫn đau đáu theo dõi những
chuyển biến chính trị ở trong nước và vẫn tha thiết muốn góp phần vào việc cải
thiện tình hình ở quê nhà.
Khi
nhìn lại 40 năm sống ở hải ngoại, hầu hết các cơ quan truyền thông đều nhấn
mạnh đến những thành tựu, từ lãnh vực khoa học, giáo dục đến các lãnh vực chính
trị, kinh tế và xã hội. Ở đâu cũng có những điểm son rất đáng tự hào.Phần lớn
các tờ báo bằng tiếng Việt ở hải ngoại đều dành một số trang để đăng tải các bài
viết ca tụng những người thành đạt. Ở đây, tạm gác qua một bên những cá nhân xuất
sắc, chúng ta chỉ nhìn cộng đồng người Việt như một tập thể. Với tư cách tập
thể, trong quan hệ với Việt Nam,
cộng đồng người Việt ở hải ngoại có hai đóng góp nổi bật nhất.
Thứ
nhất, về phương diện kinh tế, số tiền người Việt ở nước ngoài gửi về Việt Nam hằng năm là một nguồn doanh thu quan
trọng cho Việt Nam.
Chỉ tính qua con đường gửi tiền chính thức, số tiền người Việt gửi về cho thân
nhân trong nước vào năm 2009 là 6.2 tỉ Mỹ kim; năm 2010 là 8.1 tỉ; năm 2011 là
9 tỉ và năm 2013 là 11 tỉ biến Việt Nam thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối cao
nhất trên thế giới.
Thứ
hai, về phương diện chính trị, cộng đồng người Việt ở hải ngoại tồn tại như một
lực lượng đối kháng chế độ độc tài trong nước. Cái gọi là “lực lượng” này phần
lớn khá tản mác và tự phát, không có lãnh tụ và cũng không có phương hướng hoạt
động chung. Tuy nhiên, đóng góp của họ đối với cuộc tranh đấu cho dân chủ ở
trong nước không nhỏ. Trong bài “Cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập”
đăng trên blog này vào đầu năm 2010, tôi viết: “nếu không có những tiếng nói
đối lập ồn ào và gay gắt xuất phát từ, hoặc được khuếch tán bởi, cộng đồng hải
ngoại, thì những vụ tham nhũng khủng khiếp ở Việt Nam làm sao có thể phơi bày
ra trước công luận? thì những kế hoạch khai thác bauxite ở Tây nguyên làm sao
có thể thu
hút sự chú ý của quần chúng đông đảo đến như vậy? thì những hành động lấn chiếm
vùng biển Việt Nam của Trung
Quốc và thái độ nhu nhược của chính phủ Việt Nam làm sao có thể làm nhức nhối
nhân tâm đến như vậy? thì những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo ở Việt Nam làm sao đến
tai thế giới bên ngoài được?”
Hai
khía cạnh vừa nêu mâu thuẫn với nhau: Một mặt,
về chính trị, cộng đồng người Việt ở hải ngoại phản đối gay gắt chính quyền
trong nước; mặt khác, về tài chính, qua việc chuyển tiền về cho thân nhân trong
nước, họ góp phần làm cho chính quyền Việt Nam giàu có hơn và có nhiều điều
kiện để trấn áp dân chúng hơn.
Nghịch
lý ấy ai cũng biết nhưng không phải dễ giải quyết.
0 comments:
Đăng nhận xét