Dương Kim Khải: Bài Ca Cuộc Đời

Nguyệt Quỳnh
Mục sư Dương Kim Khải

“Quả tim bình thường nghe chẳng rõ
Bỗng đập to hơn tiếng biển vỡ quanh người…
Và vì thế, vang lên những bài ca cuộc đời
Hát về những điều không thể nói”
                                                                Bùi Mạnh Nhị

Đọc nhật ký của Nguyễn Thị Từ Huy, tự nhiên đầu óc tôi cứ lanh quanh mãi với những câu thơ của Bùi Mạnh Nhị. Đó là những nhịp tim đập to hơn tiếng biển, là những bài ca cuộc đời…

Bỗng dưng tôi nhìn thấy rõ sẽ có một ngày trên đường phố quê hương tôi, ngàn trái tim sẽ đập cùng một nhịp. Sài Gòn sẽ như Cairo nằm nghe những bước chân của tuổi trẻ “6 Tháng 4”, những bước chân đẩy lùi xe tăng, những bước chân làm im họng súng. Và câu hát được nghe từ nhịp đập trái tim người trẻ Ahmed Maher dường như đã được hát rất nhiều lần, đã nhiều lần lắm trên những nẻo đường của tổ quốc tôi: “Our motherland, We give you our blood and our soul” Đất mẹ ơi, chúng con xin dâng lên mẹ sinh mạng và tâm hồn mình.


Nhưng đâu rồi những ngày xưa ấy, đâu rồi những câu hát? Có còn ai nghe thấy không?
Trong suốt những năm dài sống dưới sự trấn áp của một chế độ cực quyền. Nỗi sợ làm chủ tất cả, con người tự khom lưng, tự mình biến thành tôi tớ cho nỗi sợ. Các nhà văn, nhà thơ, các trí thức tự nguyện đánh mất tiếng nói của bản thân. Và số phận oan khiên của cả dân tộc cũng bắt đầu từ đó.

Trong bài viết “Chân lý là điểm hẹn” Hà Sĩ Phu cho rằng nỗi sợ hãi, sự hèn nhát của trí thức lại được bảo kê bằng những dáng vẻ thanh cao, đạo hạnh. Chính nỗi sợ đó đã biến những trí thức nếu không thành con giun thì trở thành công cụ.

Thế rồi ông lại bảo:

“Nhưng giống như con sói bị đánh thức bởi tiếng gọi từ nơi hoang dã, lòng người Trí thức trước nguy cơ giống nòi bị làm nhục, đã được đánh thức bởi tiếng gọi của dòng giống oai hùng từ rất xa xăm, ẩn đâu trong mỗi tế bào”

Có phải chúng ta đang nhìn thấy những điều Hà Sĩ Phu nói, những con sói đang được đánh thức. Tôi nhìn thấy sau ông là vô số những con người: Những Vi Đức Hồi, Tô Hải, Phạm Minh Hoàng, Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ và giờ đây những con người thầm lặng nhất như Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Từ Huy cũng đang tìm đến điểm hẹn.

Bắt đầu bằng bài viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ" năm 1988; Hà Sĩ Phu, một nhà khoa học tài ba, một nhà tư tưởng chính trị uyên bác, một nhà thơ, một nhà văn thâm thuý đã nhập cuộc. Ông nhập cuộc với cái giá đầu tiên phải trả là một năm tù.

Sau ông là Ts luật Cù Huy Hà Vũ, một người xuất thân từ một gia đình danh tiếng, một nhà luật học chặt chẽ trong lý luận và suy tư. Rồi đến Bs Phạm Hồng Sơn, Ls Lê Quốc Quân… từng người, từng người, những con người VN đang dần dần góp mặt trong dòng chảy của lịch sử. Cái in đậm trong tâm trí tôi nhất là hình ảnh của một bác sĩ, một luật sư khoác tay nhau trên đường phố để đối đầu với dùi cui và bạo lực.

Và ở giữa những con người tài hoa và sẵn sàng hy sinh đó tôi nhìn thấy hình ảnh đầy tình thương của mục sư Dương Kim Khải. Từ một chuồng bò cũ ở ven sông Sàigòn, nơi mái tôn thấp sát đầu người, nơi có người vợ thương yêu nằm bán thân bất toại, nơi nhà nguyện nóng như một lò nướng bánh mì đã vang lên những nhịp tim của ông. Nói như Bùi Mạnh Nhị, những nhịp tim đập to hơn tiếng biển.

Tấm lòng của mục sư Dương Kim Khải chính là bản thánh ca được chia sẻ trong Thi Thiên 37:

Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ,
Cũng đừng ghen tị kẻ tập tành sự gian ác.
Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ,
Và phải héo như cỏ tươi xanh.
Hãy tin cậy đức Giê- hô- va và làm điều lành…

Mục Sư Khải, người quản trị hội thánh Mennonite, người mà suốt cuộc đời là những chuỗi ngày bị chính quyền bạc đãi; nhưng trái tim ông lại dạt dào một tình yêu thiết tha cho tổ quốc, cho tha nhân. Ông bảo: “Cuộc đời của tôi cống hiến cho Đức Chúa Trời, cống hiến cho chính nghĩa, cho sự đấu tranh cho dân tộc nầy và tất cả những gì để đem lại đúng như những điều mà Thượng Đế đã ban tặng cho dân tộc VN”.

Từ khi còn là một cậu bé 14 tuổi mục sư Khải đã bị quy tội phản động vì sửa lời một bài hát ca tụng ông Hồ. Đến năm 1977 tai hoạ lại đến với ông khi ông đang điều trị tại bịnh viện Vĩnh yên, Vĩnh Phúc. Một cuộc phẫu thuật theo ông được cấp trên “chỉ đạo” đã cắt đứt một dây thần kinh ở cánh tay phải của ông. Sau đó, để cho chìm xuồng những tố cáo của ông, chính quyền đã tìm cách đưa ông ra khỏi bịnh viện và phó mặc cho ông bị tàn tật. Đến năm 1985 ông lại bị bắt giam tại Hoả Lò, Hà Nội ròng rã suốt 13 tháng trời trong tình trạng bị đói khổ và hành hạ.

Dù vậy, bất kể những tai hoạ phải gánh chịu trong cuộc đời, căn nhà riêng của ông vẫn là nơi ông dành để thờ phượng Đức Chúa Trời và dùng làm lớp học tình thương cho một số trẻ em lang thang thất học. Những năm tháng của ông là những năm tháng phải vượt qua đủ mọi gian nan và bền bỉ đấu tranh đòi công lý cho người dân bị mất đất, mất nhà.

Ngày 19/8/2004 nhà nước ra tay đập phá căn nhà riêng của ông. Mục sư Khải bị trục xuất ra khỏi Sài Gòn, ông phải sống lang thang, ngủ dưới gầm cầu để khỏi liên luỵ đến những gia đình tín hữu.

Trên đoạn đường đi đòi công lý cho tha nhân, tình thương của mục sư Khải đã lan toả và được đền đáp từ những tấm lòng bất ngờ bắt gặp. Năm 1985, ông bị bắt giam suốt 13 tháng trời tại Hỏa Lò Hà Nội. Ở đây ông đã gặp một chủ toạ phiên toà nhân nghĩa. Suốt 13 tháng bị giam cầm, chịu đói khổ với sự hành hạ và ép cung của trại giam, tuy nhiên khi ra toà, chủ tọa phiên tòa đã nhìn thấy bản chất thật của bản án. Vụ án được bãi bỏ, mục sư Khải được tự do, nhưng ông cũng rất buồn khi biết vị toà khả kính ngầm bảo vệ và bênh vực cho ông đã bị bắt sau đó 4 tháng.

Thế rồi trong những ngày sống lang thang, như một định mệnh ông đã gặp một phật tử sinh sống ở ven sông Sài Gòn. Vị phật tử này cảm động trước hoàn cảnh của mục sư Khải, nên quyết định bán hết bò đi và cho ông mượn cái chuồng bò của mình làm nơi thờ phượng Chúa. Từ nơi này, mục sư Khải đã rao giảng, cử hành những giờ thờ phượng, mừng Chúa Giáng Sinh, Phục Sinh…và cái tên thân thương Hội Thánh Chuồng Bò ra đời.

Những ngày mưa và những ngày thuỷ triều dâng cao, “thánh đường” chuồng bò nước ngập đến đầu gối. Nơi thờ phượng chúa mênh mang sông nước, và cũng mênh mang tình thương của vị mục sư du mục. Cái chuồng bò bên sông Sài Gòn ấy làm người ta liên tưởng đến Hang Đá Giáng Sinh Bethlehem nơi chúa hài đồng ra đời. Nơi đây cũng chính là nơi mục sư Khải giúp nhiều dân oan thảo những đơn từ khiếu kiện đòi lại đất đai cho họ. Và chỉ vì những giúp đỡ không công ấy, ông đã bị bắt đi với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” !!!

Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, bloger Điếu cày và nhiều vị khác nữa đang bị tù đầy. Hà Sĩ Phu, Lê Quốc Quân, Phạm Hồng Sơn cũng đã từng bị giam giữ. Khi ra khỏi trại giam họ vẫn không ngừng bảo vệ lẽ phải. Mẫu số chung của những con người đa diện, đa tài này là nghĩ đến hạnh phúc của người chung quanh và xem đó là mục tiêu của đời mình. Mục sư Dương Kim Khải chắc chắn cũng thế. Ông có thể chấp nhận được các khổ ải trong tù nhưng những trẻ em lang thang, những người dân oan ức, thấp cổ bé miệng sống quanh Hội Thánh Chuồng Bò thì sao, họ bám vào niềm tin gì để sống. Đó mới là nỗi lo lắng của chính ông và cũng là nỗi lo lắng của chúng ta.

Tôi ước mơ rằng tiếng gọi của dòng giống oai hùng từ rất xa xăm, ẩn đâu đó trong mỗi tế bào của chúng ta sẽ đánh thức hàng triệu tâm hồn Việt Nam. 85 triệu con người sẽ cùng đi đến điểm hẹn của chân lý, của công bằng, của nhân phẩm… Cùng làm sống lại tính nhân bản chan hòa của cha ông suốt bao đời. Và để đem Ms Dương Kim Khải trở về với Hội Thánh Chuồng Bò và những người đang cần đến ông.

1 comments:

Có một người tên Mục Sư Dương Kim Khải,
Có một Hội Thánh tên Hội Thánh Chuồng Bò.
Nghe rất tầm thường nhưng sống mãi,
Trong trái tim đất nước Việt Nam ta!

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More