Từ VN nhìn những tấm gương soi

Ngô Đình Thu - DienDanCTM


Các dân tộc bị áp bức bởi các chế độ độc tài - độc tài phát xít , độc tài cộng sản cũng như các hình thức độc tài khác trên toàn thế giới - sở dĩ giành được dân chủ, tự do, nhân quyền là vì các dân tộc đó ý thức được một điều duy nhất: dân tộc mình là một dân tộc anh hùng và là một dân tộc có phẩm giá. Các thành viên trong cộng đồng dân tộc hơn ai hết là những người yêu chuộng tự do, muốn sống một cuộc sống có phẩm giá trong hòa bình, luật pháp và sự tôn trọng lẫn nhau giữa nhân dân và nhà nước cai trị của một thiểu số nhưng đại biểu cho đa số cử tri trong một cuộc bầu cử hợp pháp và hợp hiến.


Trong thế kỷ vừa qua cũng như trong thế kỷ này, những tấm gương soi về con đường đấu tranh tháo gỡ xiềng xích độc tài không hiếm. Cộng Hòa Nam Phi (Republic of South Africa) một quốc gia đa sắc tộc ra đời năm 1994 sau khi chủ nghĩa Apartheid bị xóa bỏ, đã gắn liền với hàng thập niên đấu tranh kiên cường của lãnh tụ Nelson Mandela và Đảng Đại Hội Dân Tộc Phi (ANC-African National Congress). Suốt 27 năm trong nhà tù của chế độ phân biệt chủng tộc, Nelson Mandela đã kiên trì lãnh đạo nhân dân mình, bằng máu và nước mắt, vượt qua mọi đàn áp, buộc nhà cầm quyền của thiểu số da trắng phải tháo lui.

Tưởng không cần nhắc lại biến cố long trời lở đất ở Đông Âu và Liên Bang Xô Viết vào cuối năm 1989 và đầu năm 1990 đã dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của chủ nghĩa cộng sản trong phạm vi lý thuyết cũng như trong độc quyền cai trị. Sự sụp đổ này đã giải phóng hoàn toàn các dân tộc Đông Âu và 15 dân tộc Cộng Hòa Xô Viết. Đây quả thực là một cuộc “đại cách mạng” làm thay đổi bộ mặt nhân loại, làm đảo ngược hoàn toàn nhận thức của thế giới về một chủ nghĩa không tưởng đã từng làm mưa làm gió trên các lục địa. Cuộc “đại cách mạng” ấy không phải từ trên trời rơi xuống hay từ nòng súng mà xuất phát từ sức đấu tranh bền bỉ, kiên cường trong tinh thần đấu tranh bất bạo động của các dân tộc yêu chuộng tự do dân chủ, hòa bình và công lý.

Gần đây, thế giới lại chứng kiến sự trổi dậy liên tục và ngoan cường của nhân dân các nước Tunisia, Egypt, Libya, Yemen, Syria…chống lại các thế lực độc tài mượn hình thức dân chủ giả hiệu để kềm kẹp nhân dân. Yếu tố căn bản nào đã khiến nhân dân các nước ấy đã thực hiện cuộc Cách Mạng Hoa Lài thành công vang dội, xóa bỏ ách áp bức, bất công? Đó là cuộc cách mạng không đến từ những lý thuyết cao siêu hay những lời hứa hẹn đường mật của các chính quyền độc tài mà khởi đi từ lòng tự trọng, sự nắm vững những nguyên tắc vận hành cốt lõi của đấu tranh bất bạo động, tinh thần đoàn kết dân tộc và nhất là khát vọng của các dân tộc ấy muốn sống xứng đáng với nhân phẩm và giá trị cao quý của mình từ lâu bị tước đoạt.

Ở Á Châu gần gũi, quốc gia Myanmar nhiều thập niên sống dước chế độ độc tài quân phiệt, tưởng chừng như thành đồng vách sắt. Nhưng chính nhân dân Miến Điện, dưới sự lãnh đạo kiên cường của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD - National League For Democracy) đã đấu tranh không mệt mỏi, cho dù những cuộc biểu tình của họ bị dìm trong bể máu trước họng súng của quân phiệt. Biến cố vang dội ngày 8 tháng 8 năm 1988 thường được gọi “Nổi Dậy 8888” đã đưa đến cuộc bầu cử tháng 5/1990 nhưng chiến thắng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ bị xóa bỏ. Cũng chính sư sãi, sinh viên, thanh niên và thành viên các đảng phái đối lập tiếp tục đấu tranh suốt 10 năm nữa mới có cuộc bầu cử ngày 7/11/2010 vừa qua và bà Aung San Suu Kyi được trả tự do.

Giờ đây rõ ràng chế độ quân phiệt Miến Điện của tướng Than Swe đã lùi một bước, hay nói khác hơn các cột trụ chống đỡ cho quân phiệt độc tài đã bị sói mòn theo thời gian, chính phủ dân sự Thein Sein được thành lập. Mặc dầu những dấu hiệu hòa hoãn còn yếu ớt, nhưng vẫn được đánh giá trong niềm hy vọng khi bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên được tự do gặp gỡ những người ủng hộ mình bên ngoài Rangoon, nhất là số phận của 2,000 tù nhân chính trị - đa số là thành viên NLD - đang được quốc hội Miến Điện nói tới. Những chỉ dấu cải cách của chính phủ mới là những chỉ dấu dọ đường, vì ở Hạ Nghị Viện ¼ số ghế đại biểu vẫn dành cho Quân Đội (110/440) và ở Thượng Viện tỷ lệ là 56/224. Tuy nhiên điều đó cũng không làm nhân dân Miến Điện lùi bước. Hơn ai hết họ là những người biết giá trị của tự do và muốn sống có tự do!

Điều đáng ngạc nhiên hơn, không phải chỉ ở những thể chế độc tài, đói nghèo, chậm tiến mới sản sinh ra những cuộc cách mạng cải cách dân chủ mà chính ngay tại một quốc gia phát triển cao, khát vọng dân chủ, nhân quyền vẫn là những khát vọng hàng đầu. Singapore là một ví dụ điển hình. Ngay từ khi mới độc lập, đảo quốc Sư Tử được lãnh đạo bởi đảng Nhân Dân Hành Động (PAP – People’s Action Party) của Lý Quang Diệu, đã thắng trong 7 cuộc bầu cử liên tiếp và đưa Singapore tiến lên thành một đất nước có nền kinh tế phát triển nhất nhì thế giới. Nếu tính từ năm 1959, người dân Singapore đã trải qua hơn 60 năm hy sinh sống dưới những hạn chế những tự do căn bản không kém khắt khe của chính quyền để đổi lấy những phúc lợi kinh tế trong đời sống.

Nhưng nay thời thế đã thay đổi! Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 5/2010, mặc dầu đảng Nhân Dân Hành Động vẫn nắm đa số và tiếp tục cầm quyền nhưng thực tế chỉ chiếm 60% phiếu cử tri. Trong lúc đó, các thành phần đối lập tuy chỉ thêm được 2 ghế đại biểu nhưng đã chiếm 40% số phiếu cử tri và đánh bại ứng cử viên đảng cầm quyền, người đang giữ chức bộ trưởng ngoại giao Singapore! Sự kiện này khiến hai cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu và Ngô Tác Đông phải từ chức bộ trưởng cấp cao và cố vấn của chính phủ Lý Hiển Long.

Câu chuyện đến đây chưa phải là hết. Ngày 27/8/2011 vừa qua, 2,3 triệu cử tri Singapore đã đi bầu một tổng thống mới. Mặc dầu ở đảo quốc Sư Tử này, chức vụ tổng thống chỉ có tính cách nghi lễ nhưng cuộc bầu cử lần này có tới 4 ứng cử viên, không giống những lần “độc diễn” trước. Kết quả không ngoài dự đoán của mọi người: ông Tony Tan (Trần Khánh Viêm) đương kim phó thủ tướng Singapore đắc cử tổng thống. Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất là ông Tony Tan chỉ hơn người về nhì là Bác sĩ Tang Cheng Bok (Trần Như Tư) - một ứng cử viên phe đối lập - vỏn vẹn 7,000 phiếu cử tri. Như thế cũng có nghĩa là 50% người dân Singapore đã một lần nữa quay lưng lại với đảng cầm quyền. Sự quay lưng lần này còn được coi như một sự thất bại nặng nề cho Thủ Tướng Lý Hiển Long, người tận tình ủng hộ ông Tony Tan.

Trong tình trạng các phương tiện truyền thông đại chúng đều nằm trong tay nhà nước, Jennifer Alejandro, một nhà báo tự do ở Singapore nhận định rằng chính các trang mạng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Multiply…của lớp cử tri trẻ mới bước vào các cuộc bầu cử đã lôi kéo, vận động được cả rừng người đến tham dự các cuộc nói chuyện của các ứng cử viên đối lập. Cũng chính những người trẻ này đã làm bùng cháy tâm tư sâu kín của các tầng lớp nhân dân khác, làm thay đổi nhận thức của họ bằng những lời chỉ trích thẳng thắn tới lương bổng các cấp chính quyền, nạn vật giá gia tăng, công việc làm khó khăn, sự già nua của đảng PAP và nhất là sự thiếu vắng quá lâu quyền tự do ngôn luận cũng như các quyền tự do khác của công dân. Đã qua rồi thời kỳ người dân Singapore lóa mắt trước những thành tựu kinh tế, tưởng chừng như có thể thay thế tất cả!

Từ Việt Nam nhìn những tấm gương soi, người ta dễ đồng ý với nhau một điều: nhân dân thế nào tự do thế đó. Một dân tộc hèn kém, an phận thủ thường, hài lòng với chén cơm manh áo thường ngày thì dân chủ, nhân quyền, dân quyền, độc lập, tự do, hạnh phúc chỉ là chuyện dưới âm ty. Trái lại, một dân tộc kiên cường, được dẫn dắt bởi những lãnh tụ kiên cường, có chủ trương đường lối thích hợp với thời đại, nhất định sẽ vươn tới bến bờ dân chủ tự do dù phải trải qua những ngày tháng khó khăn, gian khổ.

Lịch sử đã chứng minh biết bao lần, dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc hèn nhát, không biết đấu tranh giành quyền sống. Câu hỏi làm sao để dân tộc này tháo gỡ được xiềng xích độc tài cộng sản, sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu, không phải không có câu trả lời.

Nhưng soi gương rồi phải tự hỏi nhau: liệu người Việt Nam ngày nay có thực sự muốn sống trong phẩm giá; liệu người Việt Nam – ngoài cơm áo đời thường – có muốn sống xứng đáng với hai chữ tự do? Và liệu người Việt Nam ngày nay có đủ sức, đủ đảm lược để hy sinh, đoàn kết chống độc tài ?

Chế độ cộng sản ở Việt Nam sẽ tiêu vong, nhưng nhất định nó không tiêu vong bởi những kẻ chỉ biết cúi đầu.


Ngô Đình Thu

2 comments:

Thưa tác gỉa Ngô Đình Thu, theo cái nhìn của tôi thì Tổ Tiên ta hay những lớp người trước ta đã luôn luôn thành công trong việc đánh đuổi ngoại xâm dù là trong thời gian ngắn hay dài. Hôm nay đất nước chúng lại bị giặc Phương Bắc xâm lấn, nhưng chúng đã khôn khéo không để chúng ta nhìn thấy quân đội họ hiện diện trên lảnh thổ Việt Nam. Chúng đã âm thầm mua chuộc hay quản chế các vị lảnh đạo trong BCT-TƯĐ cho nên những vị nầy đã nhắm mắt làm ngơ như không có gì và cạnh đó thì phải thực hiện mọi việc như ý đồ của họ. Tuy hành động xâm lăng hiện nay rất công phu trong sự thực hành, ngõ hầu che mắt mọi người Việt Nam. Nhưng che mắt sao được với hậu nhân Tiên Rồng!!! Và rồi kẻ xâm lăng Phương Bắc sẽ phải ôm nhục mà thôi. Sau trận nầy thì 10.000 năm sau Bắc Kinh vẫn chưa hưng phục. Âu đó cũng là địa ngục tại ta !!!

ẩn danh ơi sao cháu viết linh tinh nhảm nhí thế ,văn này chắc lúc còn đi học dốt lắm đây.hehe.còn cái ông thu này lại là người càng gở

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More