Tập sự bào chữa ban đầu cho gia đình ông Vươn

Dương Phi Anh

Thưa quý…Vị!
Tự tôi thấy rằng việc bào chữa cho ông Đoàn Văn Vươn, người nhà ông Vươn, về mặt hình sự và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông về mặt dân sự, là hết sức cần thiết! Vì, như thông tin mà chắc Quý Vị cũng đã biết, một người vừa có học, vừa có chí, vừa có tâm, vừa biết tôn trọng pháp luật và biết hành xử đúng mức trước sai trái quá đáng, có lẽ là một người cần được bảo vệ để xã hội tốt đẹp hơn …
Ông Vươn và năm người trong gia đình, cả vợ con hiện đang bị khởi tố về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Tội thứ nhất vô cùng nặng đối với đạo đức con người; và tội thứ hai rất nặng đối với một công dân trong xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…

Về tội “Giết người” mà ông Vươn đang bị khởi tố.

Thực ra, vào ngày 5/1/2012, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, có cuộc cưỡng chế đầm nhà ông Vươn mà diện tích theo quyết định là 19,3 ha. UBND huyện, xã… (gọi chung là Chính quyền), đã huy động một lực lượng khá lớn gồm các ban ngành quản lý hành chính liên quan và khoảng mấy chục người thuộc lực lượng cảnh sát, quân đội mang theo vũ khí quân dụng. Biết trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên, ngay từ đầu, cả chính quyền và người bị cưỡng chế, kể cả những người quan tâm đều được huy động tham gia và đến xem khá đông. Có đến hàng trăm người…

Thực ra, diện tích cưỡng chế là một đầm nuôi thủy sản, trống không, rộng 19,3 ha. Thay vì chú tâm cưỡng chế phần diện tích này nhưng có lẽ do không có người cản trở, quá đơn giản, nên hầu hết những người tham gia lại quan tâm tới một căn nhà hai tầng mà sau này mới biết là căn nhà đó nằm ngoài ranh cưỡng chế. Cơ quan chuyên môn tham mưu; cơ quan ban hành và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đã không hề cho các lực lượng hỗ trợ biết rằng căn nhà đó nằm ngoài ranh cưỡng chế.

Khi vài người đi về phía căn nhà, phát hiện có biểu hiện bất thường, có dấu hiệu chống đối, tất cả hè nhau đổ xô về đây. Như một quán tính nhằm bảo vệ chính quyền hoặc có thể muốn thể hiện với lãnh đạo có mặt, những cảnh sát và cả chiến sĩ bộ đội tiên phong tiến đến gần căn nhà nghi vấn là “chống đối” này. Còn cách mấy chục mét, tiếng súng hoa cải nổ. Sáu chiến sĩ bị thương. Lực lượng bảo vệ bắn nhiều phát súng vào căn nhà. Lực lượng cơ động phải dùng nhiều biện pháp khác nhau; sau khi tiếng súng hoa cải của “đối phương” ngừng hẳn mới tiếp cận được căn nhà. Không còn ai trong đó! Thu dọn hiện trường, cơ quan chức năng thông tin rằng có bình gas bị móp và có một bịch nhỏ nghi là thuốc nổ nằm dưới bình gas, ở phía ngoài đường dẫn vào căn nhà. Trong nhà chỉ có vật dụng gia đình…

Mặc dù chưa biết đích xác ai là người trực tiếp bắn đạn hoa cải nhưng phải khẳng định ngay ông Đoàn Văn Vươn và những người bị khởi tố tội “giết người” (ông Quý…) không hề phạm tội này. Còn hành vi đó có phạm tội hay không, phạm tội gì theo quy định của Luật Hình sự thì do không phải là Công tố viên nên chúng tôi sẽ không phân tích cụ thể ở đây.

Chúng tôi cho rằng những biểu hiện hành vi của các bị can đều phủ nhận, không khớp với cấu thành tội phạm “Giết người” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể như sau:

Thứ Nhất: Về mặt khách quan: Cần phân biệt được hành vi giết người ít nhất ở trên ba phương diện là: Hành vi giết người; hậu quả chết người và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó. Cụ thể hơn:

- Về hành vi, cần phân biệt được ba yếu tố: Tính chất mãnh liệt của hành vi; vị trí thân thể mà hành vi chủ động tác động vào và công cụ, phương tiện sử dụng trong hành vi phạm tội…

Chúng tôi thấy rằng, qua thông tin có được thì người bắn đã bắn từ rất xa, cách mấy chục mét. Loại súng hoa cải thực ra là một loại súng bắn chim, bắn đạn chùm nên tầm sát thương có thể dẫn đến chết người, trong trường hợp bắn từ xa, phải khẳng định là không cao. Cũng vì là bắn đạn chùm nên mới có nhiều người (sáu người) cùng bị dính đạn một lúc mà đa số là xây xước nhẹ bên ngoài. Trừ trường hợp vào chỗ hiểm như mắt, tai… thì thương tích mới nặng. Nhưng nếu vào mắt, tai… thì một hòn sỏi cũng gây sát thương nặng!

Súng hoa cải không phải là vũ khí quân dụng mà là súng tự chế. Theo khái niệm của Luật hình sự thì đây là vũ khí thô sơ, nên cho rằng bị can có hành vi phạm tội tàng trữ vũ khí quân dụng là không chính xác. Cũng vì là vũ khí thô sơ nên phải xác định được tính chất mãnh liệt của hành vi như thế nào thì bị xem là “giết người”? Cần phải minh định rằng nếu là vũ khí quân dụng mà ngắm thẳng vào người khác rồi bóp cò thì khoảng cách nào trong tầm sát thương của súng cũng bị cho là nguy hiểm đối với tính mạng con người.

Ở đây là vũ khí thô sơ, súng hoa cải, nên cần phải xác định rõ pháp luật quy định về việc: Liệu súng hoa cải bắn xa có thể gây chết người như loại súng bình thường? Theo chúng tôi biết là không! Khoảng cách bắn bao nhiêu là có thể gây chết người? Theo chúng tôi biết thì chưa hề có văn bản quy định về vấn đề này. Liệu người bắn có ngắm thẳng để bắn vào vị trí thân thể mà hành vi tác động vào là chỗ hiểm, có thể gây chết người? Tôi chắc chắn là không, vì với khoảng cách mấy chục mét; súng thô sơ và cùng lúc có cả chục người tiến vào nên đối tượng không thể xác định bắn vào ai, mong muốn bắn vào ai. Mặt khác, những biểu hiện như bắn loạn xạ cho thấy người bắn không phải là người đủ tự tin, can đảm mà chỉ có tính chất cảnh báo, chống chọi trong bất lực trước lực lượng hùng hậu của chính quyền nên không thể ngắm chính xác vào vị trí nguy hiểm của ai đó được. Hơn nữa, súng hoa cải bắn đạn chùm nên không thể ngắm chính xác một viên đạn nào vào đích để “giết người” như súng quân dụng bình thường, tức có thể ngắm đúng vị trí thân thể nguy hiểm một cách chính xác…

Vì vậy, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, từ cách xa mấy chục mét, không chủ động và không đủ điều kiện tác động vào chỗ hiểm với vũ khí thô sơ nên không thể cho là hành vi mãnh liệt để có thể giết người được.

- Về hậu quả chết người: Rõ ràng ai cũng đã thấy hậu quả chết người, yếu tố bắt buộc về mặt khách quan trong tội giết người đã không xảy ra trong vụ này.

- Về mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả: Hậu quả chết người đã không xảy ra. Bên cạnh đó, hành vi của người bắn đạn hoa cải đã thể hiện rất rõ ràng, khách quan là không thể, không phải giết người: tức là không phải dùng hung khí nguy hiểm cao độ; không đủ điều kiện để bắn vào chỗ có thể gây chết người dù mong muốn.

Có người cho rằng đây là phạm tội giết người nhưng chưa đạt. Tức là người bắn mong muốn những người kia chết, đã thực hiện hành vi “giết” nhưng người bị “giết” không chết; tức là nạn nhân không chết nằm ngoài mong muốn của người bắn. Rõ ràng, chỉ mới phân tích các yếu tố của hành vi khách quan như trên đã không cho thấy dấu hiệu cấu thành tội “giết người” của ông Vươn hay ông Quý…

Cần phân tích thêm về yếu tố chủ quan của người bắn ở dưới để thấy rõ hơn tính chất người bắn có mong muốn nạn nhân phải bị “giết” không.

Thứ Hai: Về mặt chủ quan: Rõ ràng những người bị khởi tố cũng nhận thức được dùng loại súng hoa cải chỉ có thể gây sát thương bên ngoài, không phải là vũ khí có tính chất nguy hiểm cao độ dẫn đến chết người nên mới chủ động sử dụng. Nếu họ cố ý giết người thì chắc chắn đã không sử dụng súng hoa cải để bắn từ xa như thế. Họ không thuộc trường hợp ý thức được mình có thể gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn mong muốn, thực hiện. Bởi vì, thực tế những người bị thương trong vụ này thuộc lực lượng công an, quân đội, hoàn toàn không có thù tức cá nhân gì với bị can (bị cáo sau này) đến nỗi bị can phải “giết” họ. Họ có thể chưa hề biết nhau nên đối tượng không thể có ý thức và hành động phải “giết” bằng được. Nếu trường hợp đó xảy ra thì người bắn phải có tính chất côn đồ lắm thì mới làm được như thế. Nhưng, ở đây tất cả thông tin đều cho thấy rằng gia đình ông Vươn là những người lương thiện, chí thú làm ăn, chưa hề có điều tiếng gì mang tính hung hãn, côn đồ ở địa phương. Thậm chí, họ là những người tôn trọng pháp luật nên mới có chuyện mấy năm ôm hồ sơ “đi đòi công lý” ôn hòa khắp nơi chứ hoàn toàn không manh động, côn đồ…

Để biết chính xác hơn cần phân tích động cơ, mục đích “giết người” của bị can.

Thứ ba: Động cơ, mục đích: Mặc dù không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội giết người nhưng động cơ, mục đích trong vụ án này hết sức quan trọng. Lý do, hai yếu tố quan trọng nhất cấu thành tội “giết người” là hành vi khách quan và yếu tố chủ quan như phân tích ở trên của người bắn đạn hoa cải không rõ, không đủ sức thuyết phục, để có thể truy cứu tội “giết người” nên phải phân tích về động cơ, mục đích nào mà người ấy thực sự muốn giết người hoặc đã thực hiện nhưng không đạt mục đích, mong muốn. Như vậy mới làm rõ được ý thức chủ quan của họ liệu có cần thiết “giết người” hay không?…

Trước hết có thể ông Vươn là thù tức cá nhân, nhất là những người ban hành quyết định, xét xử sai… Trong vụ án này, hơn ai hết, ông Vươn biết rằng ai là người gây ra cho ông bao nhiêu thống khổ trong cả thời gian dài?! Ít ra, ông biết đó chính là người ban hành quyết định thu hồi, cưỡng chế hoặc người tham mưu hoặc người đã xét xử “lừa” ông. Ông cũng biết rất rõ những chiến sĩ công an hay quân đội được điều đến hôm đó chỉ là thi hành mệnh lệnh thôi, không phải là nguồn gốc gây cho gia đình ông đến bước đường cùng, tuyệt vọng với pháp luật. Vì vậy, nếu ông có động cơ, mục đích giết người thì chắc chắn sẽ nhắm vào những người mà ông căm thù chứ không phải nhắm vào những người hỗ trợ cưỡng chế, hoàn toàn không quan hệ gì trong nội vụ của ông. Nếu căm thù đến nỗi phải “giết” thì ông sẽ chọn ở một không gian và địa điểm khác chứ không phải ở ngay đầm của ông, nơi có hàng trăm người tham gia hoặc đến xem cưỡng chế. Nếu làm vậy ông cũng sẽ chuẩn bị những hung khí nguy hiểm hơn, chọn phương pháp tiếp cận đúng đối tượng hơn…

Đối chiếu lời khai của người bắn đạn hoa cải cũng thấy rất rõ là chỉ với mục đích dóng tiếng chuông cho mọi người thấy sự bất công đang đè nén không chỉ mỗi gia đình ông Vươn mà còn cả một vùng mấy chục hộ nuôi trồng thủy sản ở đây. Nếu không có những quyết định trái luật, mấy chục hộ này, trong đó gia đình ông Vươn là điển hình, đã không phải mang nợ. Vùng đất này đã có thể thành một cộng đồng giàu có đáng khâm phục. Có lẽ chỉ duy nhất nghĩ như vậy nên người bắn đạn hoa cải mới thực hiện là để cảnh báo đòi công lý chứ hoàn không có ý định, không mong muốn giết ai cả.

Ở đây, người nổ súng chọn ngay đầm của mình, trong buổi cưỡng chế với hàng trăm người, không rõ đối tượng mà mình có thể căm thù,… thì liệu có đúng là có động cơ, mục đích giết người? Động cơ, mục đích giết người thường xuất phát từ sự căm thù cao độ, mục đích chiếm đoạt gì đó mà thôi. Như vậy, có thể khẳng định động cơ, mục đích giết người ở đây là hoàn toàn không có.

Một điều đặc biệt quan trọng, cơ quan chức năng cho rằng khi tiến vào ngôi nhà thì nhà có hai bình gas gia đình, một được đặt ngoài lối vào, bên dưới có một bịch nghi là chất nổ. Một bình ở trong nhà. Cơ quan chức năng quy kết cho “những người trong nhà này đã chủ động kích nổ. Cố ý giết người nhưng rất may là không nổ…”.

Tôi cho rằng quy kết như vậy là mơ hồ. Bởi vì, ngay hôm sau, khi người bị nghi là bắn đạn hoa cải (ông Quý) ra đầu thú thì hiện trường quan trọng nhất của vụ án là căn nhà cũng đã bị đập nát. Trong sự lộn xộn của vụ việc, lực lượng công an bắn nhiều phát vào căn nhà thì phải chăng chính những bình gas ấy cũng dính đạn. Mặt khác, để được xem là chứng cứ của vụ án thì phải được thu thập một cách đúng luật. Trong khi hiện trường vụ án lộn xộn, ngổn ngang thì thu thập chứng cứ ở đâu, như thế nào, có ai bỏ vào đó sau này để vu oan cho người bắn đạn hoa cải hay không…? là những câu hỏi cần được làm rõ. Ở đây, hiện trường đã bị đập nát, bị thay đổi thì làm sao biết được đích xác thu thập chất nổ chỗ nào? Có đúng là của gia đình ông Vươn hay không? Nếu căn nhà của ông Quý mà có chất nổ thì có đúng là ông chuẩn bị để giết người hay sử dụng vào mục đích khác? Việc thu thập đó có đúng quy trình tố tụng?

Mặt khác, muốn chứng minh được hành vi phạm tội có đúng là giết người hay không thì phải biết chính xác cách bắn, vị trí bắn, cách bố trí vật liệu nổ… Muốn chứng minh được phải thực nghiệm điều tra. Ở đây, hiện trường đã bị đập bỏ thì không thể thực nghiệm chứng minh chính xác được! Mà không chứng minh được thì không thể quy kết được…

Một điểm cần lưu ý khác là chính lực lượng cưỡng chế hôm đó đã vượt ra quá giới hạn cưỡng chế. Tức là đã xâm phạm vào nơi ở của người không bị cưỡng chế. Liệu có những lời nói, việc làm nào của lực lượng này để cho người bắn đạn hoa cải giận giữ tức thời đến độ vác súng ra bắn? Việc bắn của người ngoài ranh, không liên quan đến cưỡng chế chưa hẳn đã là thị uy chứ đừng nói bắn để “giết người”. Có thể trong sự hoảng loạn, sợ hãi, người cầm súng bắn loạn xạ nhưng trúng tốp người đi đầu?…

Từ những phân tích nêu trên, đặc biệt là những biểu hiện hành vi khách quan và yếu tố chủ quan và cả động cơ, mục đích, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng ông Vươn, ông Quý và người trong gia đình hai ông không hề phạm tội “giết người” như bị quy kết.

Qua những dữ liệu có được, lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ rằng họ phạm tội “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” hoặc phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ, chúng tôi cho rằng những dấu hiệu đó đều không thỏa mãn.

Một vấn đề khác là khi xảy ra vụ án thì ông Vươn không hề có mặt ở hiện trường. Vậy ông có phạm tội? Ông Vươn và hai người phụ nữ là vợ ông và vợ ông Quý “ở trên đê cùng với mọi người xem cưỡng chế” có bị tội “chống người thi hành công vụ”?…

 Ghi chú: Đây chỉ mới là những thông tin trên báo chí nên chúng tôi chỉ mới “tập sự bào chữa ban đầu” thôi, chưa thể chính xác theo hồ sơ vụ án được!

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More