30/4 – Ngày quốc hận của toàn thể nhân dân Việt Nam

30-4 là ngày đau thương - ngày quốc hận của nhân dân Việt Nam

Lê Nguyên Hồng - DienDanCTM


Chẳng biết ai đã phát minh ra câu “Ngày quốc hận”. Nhưng có thể chắc chắn câu nói ấy là của người dân Việt Nam Cộng Hòa mất nước sau 1975. Câu nói này nghe qua thì thật là đao to búa lớn và có vẻ như rất nặng nề, nhưng thực ra nó phản ánh rất chân thực nỗi đau của những người dân mất nước. “Quốc” là một nước, dù nhỏ bé như Đông Ti Mo hay Cô Oét thì người dân nước đó vẫn có quyền yêu thương và tự hào về tổ quốc của mình.

Sau năm 1954 Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là một quốc gia độc lập song hành với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Sau khi lập quốc, VNCH đã thiết lập ngoại giao với 87 nước và bang giao bán chính thức với 6 nước khác, đặc biệt là với khối ASA (từ năm 1961) – tiền thân của khối ASEAN – Đông Nam Á sau này. Về mặt quan hệ quốc tế, VNCH đã từng có quan hệ rộng hơn hẳn phía VNDCCH. Như vậy nếu ai muốn bỏ chữ “quốc” của VNCH hẳn người đó phải là người có vấn đề về nhận thức.  

Như vậy không ai có quyền nghi ngờ về sự mất nước của người dân VNCH nữa. Đành rằng, nếu thống nhất được đất nước Việt Nam theo Hiệp định Genève bằng con đường tổng tuyển cử thì là tốt nhất. Nhưng nếu chưa hoặc vì những lý do nào đó mà không làm được như vậy, thì người ta không có quyền tàn sát lẫn nhau để cướp chính quyền một nước đã được quốc tế công nhận. Lịch sử cho đến tận ngày hôm nay đã cho thấy, có những quốc gia trước đây bị chia đôi vẫn song hành tồn tại như Đông - Tây Đức, Nam - Bắc riều Tiên, Đại lục – Đài Loan – Trung Quốc vv.., mà chẳng cần phải đổ máu đến độ thây chất thành núi máu chảy thành sông như đối với Việt Nam.  

Vấn đề thống nhất đất nước và độc lập dân tộc là miếng mồi và ngón đòn chính trị tư tưởng đầy thủ đoạn của những kẻ cuồng vọng chính trị như Hồ Chí Minh, treo trước mặt người dân Miền Bắc – VNDCCH. Và chính vì với tư tưởng tăm tối đó HCM và ĐCSVN đã phát động cuộc chiến xâm lược VNCH một cách tàn bạo, mà lòng chẳng mảy may xúc động khi tàn sát chính đồng bào người Việt của mình. Người ta cố tình biện minh cho tội ác của HCM, nhưng thử hỏi nếu như VNDCCH không hành quân nam tiến thì trong tương lai, liệu VNCH có bao giờ đơn phương đem quân xâm phạm Miền Bắc Việt Nam hay không?

Ngay cả khi cuộc chiến đã nổ ra tàn khốc, những nhà quan sát quốc tế cũng chỉ biết được quốc gia VNCH thời trước được gọi là “chiến trường Miền Nam Việt Nam” chứ chưa ai nghe nói đến “chiến trường Miền Bắc” nào cả. Người ta có thể khẳng định những phi vụ ném bom Miền Bắc của không lực VNCH và Hoa Kỳ là để chặn đường vận chuyển binh lính, lương thực và khí tài đạn dược cung cấp cho chiến trường Miền Nam của VNDCCH, đồng thời những vụ không kích đó cũng là chiến lược làm suy yếu hậu phương của kẻ địch, chứ họ không có biểu hiện của ý đồ xâm lược Bắc Phần.

Như vậy VNCH là người đã bị cướp nước công khai và trắng trợn. Trong chiến tranh rốt cuộc thường là phân định thắng thua. Người ta có thể thắng vì nhiều nguyên nhân, và người ta cũng có thể thua vì nhiều yếu tố. Những chuyện đó hãy để lịch sử và các nhà nghiên cứu mổ xẻ, tìm tòi. Nhưng một khi làm người dân mất nước, không ai lại không hận, không đau. Cho nên người dân của VNCH gọi ngày 30-4 là ngày quốc hận là đúng với bản chất của vấn đề.

Đối với người dân Miền Bắc Việt Nam trong vị trí của người chiến thắng, họ đã sung sướng tột độ và vui mừng tột đỉnh trong ngày 30-4-1975. Nếu ai đã từng sống ở Miền Bắc ngày ấy thì chắc hẳn còn nhớ không khí vui mừng và niềm hân hoan lúc đó. Nhưng thật bẽ bàng thay và nhục nhã thay, ngày 30-4 năm ấy đã bắt đầu một thời kỳ đen tối cho những người dân lành chân chất, ngây ngô về chính trị, đã thản nhiên lao vào cuộc giết chóc kinh hoàng nhất trong lịch sử nước nhà, và tự trói tay bịt miệng làm thân trâu chó cho những kẻ nắm quyền.

Sau ngày 30-4, theo nhà sử học Trần Gia Phụng và theo tài liệu của UNHCR, The State of the World's Refugees - Fifty Years of Humanitarian Actions, (chương 4, trang 81), đã có khoảng 150 ngàn quân cán chính của VNCH phải bỏ nước ra đi lập tức. Trong đó khoảng 140 ngàn người đã đến Hoa Kỳ, còn lại là đến các nước khác.

Cũng theo số liệu của Cao Ủy về Người tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR thì sau đó đã có 989 ngàn 100 người vượt biên, vượt biển đến được các trại tị nạn (tính đến 1995). Một con số đau đớn khác là đã có khoảng 400 đến 500 ngàn thuyền nhân đã chết vì những tai nạn và nạn cướp biển trên biển Thái Bình Dương. Tổng cộng cho đến ngày nay đã có khoảng trên 1 triệu 500 ngàn người Việt đã phải bỏ nước ra đi bằng nhiều con đường. Và ngay lúc này, nếu được phép ra đi và ra đi thành công, có thể quả quyết rằng: Người dân Việt Nam sẽ đi hết, chỉ còn lại bộ máy cầm quyền mà thôi.

Người dân Miền Nam đã vậy, còn đối với người dân Miền Bắc và cả nước sau này đã chứng kiến thành quả của cuộc chiến tranh tương tàn đem lại cho họ điều gì? Họ đã thua kém Thái Lan tới 95 năm, thua Singgapore tới 158 năm, thua Indonexia 51 năm phát triển (những nước này trước đây đều bị quốc tế đánh giá là nghèo hơn VNCH rất nhiều). Tài liệu tìm hiểu thực trạng Việt Nam hôm nay, bạn đọc có thể tham khảo bài viết “Mười một lý do để thay thế thể chế chính trị một đảng cầm quyền hiện nay ở Việt Nam”.

Như vậy thì người dân Miền Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, đều căm hận cái ngày 30-4 đen tối năm nào. Có chăng thì đối với người dân Miền Bắc, nỗi hận đến chậm hơn. Vì họ còn phải trải qua thực tế 37 năm qua, mới hiểu rõ thảm cảnh của chính mình. Những người dân Miền Bắc xưa kia “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhưng ngày nay họ vẫn không biết là cứu được cái gì, và ai đã cướp nước họ nên họ phải đi cứu? Hoa Kỳ cướp nước ư? Không! Nếu vậy thì họ đã cướp nước Nhật, Hàn Quốc, Tây Đức, Đài Loan vv… Nếu như vị bị “cướp” mà giàu có và tự do dân chủ như Nhật, Hàn, Đài thì người dân Việt Nam chắc hẳn đều mong bị cướp như vậy.

Có lẽ hơn cả người dân VNCH, người dân Miền Bắc đau lắm, hận lắm, nhục nhã lắm, khi lúc này họ nhận ra kẻ cướp chính là những người đồng đội, đồng chí của họ, những người cán bộ “công bộc” của dân mà họ từng trân trọng, quý mến, tin yêu. Chúng rất hiền lành nếu dân ngoan ngoãn nghe lời chúng, nhưng chúng sẽ trở nên vô cùng hung ác bạo tàn nếu nhân dân không làm theo ý muốn của chúng. Có nỗi đau nào hơn khi nhìn thấy cái ác không dám nói là nó ác. Nếu nói ra thì ngay lập tức bị quy là phản động, là tuyên truyền chống, là âm mưu lật đổ, là phản quốc, và có thể ngồi tù.

Có nỗi oan ức và ngu ngốc nào hơn khi ta đi cướp chính quyền rồi trao vào tay một tên cướp khác còn ngang ngược và tàn bạo hơn? Có nỗi uất hận nào hơn khi mảnh đất do chính mình đội mưa đội nắng, khai hoang phục hóa, bao mồ hôi đã rơi và cả máu đã chảy trong hàng chục năm như gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng, lại bị chính quyền thẳng tay cướp đoạt? Có căm thù nào hơn khi nhà ta đang ở, đất của cha ông ngàn đời để lại nuôi sống ta, gắn bó máu thịt với ta, những kẻ có tiền và có quyền cứ thế ngang nhiên đoạt lấy bằng dùi cui, quả nổ, hơi cay, sau khi chúng quẳng cho ta vài đồng bạc lẻ, để rồi sau này chúng bán lại với mức giá cao hơn thế gấp cả trăm lần, như vụ việc vừa xảy ra tại Hưng Yên?

Và còn bao nỗi oan khiên lòa mây dậy đất khác mà cái chế độ “dân chủ gấp ngàn lần phe Tư Bản” đã mang lại để trả ơn cho những người trực tiếp xả thân nơi chiến trường xưa kia? Còn nhiều, vô cùng nhiều. Có lẽ sau này cần có một Ủy ban điều tra về tội ác của chế độ Cộng Sản để thống kê lại những gì đã và đang xảy ra trên đất nước Việt Nam. Không phải là “có lẽ” mà phải là “chắc chắn”. Chắc chắn phải có một phiên tòa như phiên tòa Nurembeg của Đức hoặc phải có một nghị quyết như nghị quyết 1481 ngày 25/01/2006 của Quốc Hội Châu Âu làm cơ sở xét xử các tội ác chống lại loài người của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam.

Ngày 30-4 là ngày ghi dấu tội ác trời không dung đất không tha của chế độ Cộng Sản. Đó chính là tội ác giết người và tội chống lại loài người. Người ta không thể biện minh là vì độc lập vì tự do hay vì thứ gì khác. Những lý do đẹp đẽ mỹ miều mà kẻ này kẻ kia đưa ra, chỉ là trò lường gạt một thời. Nay “bánh Đúc đã bày sàng”, chế độ không che đậy nổi, và họ cũng chẳng cần che đậy nữa. Họ cứ thẳng thừng cướp bóc, thẳng tay đàn áp nhân dân mà không có gì phải sợ. Vì chính quyền và luật pháp, công an và quân đội, nhà tù và tòa án, đều nằm trong tay họ. Chắc họ muốn nói huỵch toẹt ra: “Tao là thế đấy, chúng mày làm gì được tao?”. Đó gọi là gì, nếu không phải là Quốc hận?

Lê Nguyên Hồng

3 comments:

thống nhất đất nước tại Đức thật nhân bản, miền Tây giúp miền Đông xây dựng, nâng đỡ đổi tiền , bằng nhau ( thay vì 1 đổi 10)bỏ bớt nhà tù, xây bệnh viện trường học thêm, nhà đất bị chiếm đoạt được trả lại.
VN cũng sẽ có ngày sự lành thắng sự ác.

Ở đâu cũng có ác có lành, đất nước nào cũng thế. Chuyện đã qua rồi, tiếc lắm sao? Có giỏi cứ mang quân về chiếm lại, cứ ngồi bới móc lịch sử thì tốt hơn à?

Chẳng ai tiếc nuối gì lịch sử đâu nếu lãnh đạo đảng khÔng cứ tiếp tục nhân danh công trạng lịch sử để biện minh cho cái gông độc tài cộng sản trên cổ dân tộc.

Lịch sử chỉ cho thấy vai trò làm tay sai cho quốc tế cộng sản và trả bằng máu người VN mà thôi.
Đảng vừa cướp công đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc vừa dùng chính cuộc chiến đó để diệt những người yêu nước khÔng cộng sản, rồi leo lên cai trị dân tộc còn ác và nghiệt ngã hơn cả thực dân.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More