Hồi ức tháng tư

Trần đức Thạch
Sinh viên  Nguyễn Tiến Nam bị công an bắt trong
cuộc biểu tình chống Trung quớc trước cửa chợ Đồng Xuân
            Những cơn gió mùa đông bắc đang yếu dần.  Nền nhiệt không gian ngày một ấm lên. Những cây gạo vào mùa rộ hoa đỏ rực, báo hiệu tiết hè đang đến. Nhìn bầy chim chóc mào ríu rít với những bữa tiệc hoa, tôi lại nhớ về tháng tư năm 2008.

Khi ấy, ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh nhuốm màu sắc chính trị đang được nhà cầm quyền Trung quốc cho rước qua nhiều thành phố lớn trên thế giới. Ngọn đuốc đi tới đâu cũng bị người dân ở đấy biểu tình phản đối. Từ Pa ri sang Luân đôn tới Phơ rang xitco... Trên các trang mạng dồn dập tin tức. Ngọn đuốc mang ý nghĩa tốt đẹp của tinh thần thể thao đã bị nhà cầm quyền Trung quốc lợi dụng làm cho thê thảm. Theo lịch biểu thì khoảng cuối tháng tư, ngọn đuốc ấy sẽ được rước đến Việt Nam. Có tin nói trước khi ngọn đuốc được tổ chức rước ở thành phố Hồ chí minh thì Trung quốc sẽ cho đuốc cháy trên quần đảo Hoàng sa để phô trương thành tựu xâm lược bành trướng.
Cái tin ấy làm cho nhiều người yêu nước bức xúc. Bọn xâm lược rắp tâm làm nhục dân tộc ta chăng? Cần phải làm gì đó để ngăn chặn hành động trâng tráo này lại, đó là quyết tâm của những người Việt Nam yêu nước. Chủ trương sẽ tổ chức biểu tình lớn ở Hà Nội, Sài Gòn để phản đối sự kiện này vào ngày 29/4 đã được mọi người rỉ tai nhau. Phía an ninh đã bắt Bloggơ Điếu Cày nhằm khủng bố tinh thần những người định tham gia biểu tình chứ không phải vì tội thuế má gì đó ...

            Tôi được cô Phạm thanh Nghiên, tác giả của phóng sự "Uất ức biển ta ơi!, điện thoại nhờ đón một số bà con ở Thanh Hóa là thân nhân của các nạn nhân bị hải quân Trung quốc bắn giết ngoài biển Đông ra Hà Nội trực tiếp tham gia biểu tình đòi nhà cầm quyền Trung quốc phải bồi thường thiệt hại. Trước đó, tôi được tin lãnh đạo Việt Nam đã hứa với nhà cầm quyền Trung quốc là quyết tâm ngăn chặn, không cho các cuộc biểu tình phản đối việc rước đuốc xẩy ra. Tôi độ rằng sẽ có sự đàn áp khốc liệt. Tuy vậy, tôi không có cảm giác gì  sợ hãi cả, thay vào đó là tâm trạng phấn chấn có phần háo hức khi được làm một việc nhỏ nhưng mang ý nghĩa yêu nước trọng đại. Đón được bà con, tôi cảm thấy mình giống như  một vị tướng thời Lê Lợi đang kéo quân về giải phóng thành Thăng Long vậy. Trên xe tôi cứ lâng lâng tưởng tượng ra không khí bừng bừng của cuộc xuống đường chính nghĩa...

            Cuộc biểu tình bị nhà cầm quyền đàn áp dập tắt ngay từ đầu trước cửa chợ Đồng xuân. Thật may là chưa xẩy ra "tiểu Thiên an môn" như một số người đoán định. Tôi hơi tiếc vì cuộc biểu tình được chuẩn bị khá công phu. Băng rôn, cờ, khẩu hiệu in cả hai thứ tiếng Anh - Việt trên áo mặc. Lực lượng tham gia biểu tình đã đến nơi tập trung đúng giờ. Nhưng chưa kết nối được với nhau thì đã bị đàn áp. Có nhiều lý do khiến cuộc biểu tình bị giải tán sớm mà sau này tôi mới biết. Dẫu sao thì sự kiện ấy cũng gây được tiếng vang. Điều quan trọng là vẫn bảo toàn được lực lượng. Tôi coi đấy là một cuộc tập dượt.

Quả thật từ lâu lắm rồi, ở nước ta không có biểu tình. Người dân chưa quen thậm chí là không biết gì về quyền được biểu tình của mình mà trong hiến pháp đã quy định. Đành phải chấp nhận kết quả vậy thôi! Cả ngày hôm ấy, tôi vừa trả lời phỏng vấn các đài vừa lo chạy đi tìm bà con đến bở hơi tai... Khi được tin bà con đã lên xe trở về nhà an toàn tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

            Nhà văn Nguyễn xuân Nghĩa, sinh viên Nguyễn tiến Nam và một số người khác bị công an bắt. Sau sự việc ấy chừng 10 phút, tôi gặp cháu Bùi văn Toản quê ở Thái Bình đang học cao đẳng mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Tôi nhận ra Toản là do cách đây mấy hôm, chúng tôi cùng đến dự tiệc tại nhà hàng số 22 đường Hai Bà Trưng. Buổi tiệc đã bị công an phá đám. Chúng cắt điện bắt nhà hàng phải đóng cửa. Mọi người xúm lại đấu tranh quyết liệt. Nhưng chủ nhà hàng sợ quá đành nghe theo lệnh quái gở của chúng. Chúng tôi lại hẹn nhau đến địa điểm khác và buổi tiệc vẫn diễn ra vui vẻ ngay trước mũi của bọn an ninh. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhiều nhà đấu tranh dân chủ và bà con dân oan khắp nơi. Một không khí đầm ấm đoàn kết thân tình bao trùm suốt bữa tiệc. Mọi người nắm chặt tay nhau thì thầm hẹn ước : "29 tháng tư nhé!" Cứ như là một mật lệnh mà mọi người nhắc nhở nhau phải ghi nhớ. Tôi và Toản cũng nắm tay nhau nói: "29 tháng tư nhé!"”Và đúng là bây giờ chúng tôi gặp nhau. Không cần hỏi dài dòng thì tôi cũng biết Toản có mặt ở đây để tham gia biểu tình. Toản nói:

            - Cháu vừa đến nơi thì thấy anh Nam và chú Nghĩa đang bị công an bắt.  Tức quá chú ạ! Chú còn chiếc áo in khẩu hiệu phản đối nào không? Chú đưa cháu mặc ra biểu tình tiếp. Sợ gì chúng nó!

            Tôi rất mừng vì thấy Toản hăng hái. Nhưng trong tình huống này thì hai chú cháu tôi làm được gì. Tôi nói với Toản:

            - Còn nhiều dịp Toản ạ! Bây giờ ra nộp mạng cho chúng nó thì ích gì.  Hãy cùng chú đi tìm bà con Thanh Hóa xem họ thế nào rồi nhé!

Toản đi cùng tôi. Sang chiều thì mới biết bà con Thanh Hóa đã ra được bến xe Giáp Bát. Nhưng họ kêu thiếu tiền vé. Tôi giật mình sờ vào túi thì chẳng còn đồng nào nữa. Có bao nhiêu tôi đã chi hết cho bà con từ lúc nào không biết. Toản thấy vậy bảo:

            - Cháu còn tiền trong thẻ ATM.  Cháu sẽ đi rút ngay ra giúp bà con! Toản nói là làm. Rút được tiền, hai chú cháu bắt vội xe ra Giáp Bát. Nhưng rồi xe chở bà con đã chạy...

            Tối hôm ấy, Toản bí mật lo cho tôi chỗ ăn nghỉ. Tuổi trẻ như Toản mà nhận thức được con đường đấu tranh đòi tự do dân chủ là phúc lớn cho dân tộc mình. Sự dấn thân của Toản khiến tôi không sao ngủ được. Tôi ước gì đất nước ta sẽ có nhiều người nhận thức được và hăng hái như Toản, chắc chắn công cuộc dân chủ hóa sẽ mau chóng thành công.

            Dường như là duyên trời định, sau đó ít tháng tôi và Toản cùng bị công an bắt giữ trong nhà trọ tôi thuê. Tôi phải đi tù vì những bài viết đăng tải trên mạng, còn Toản thì không biết ra sao? Hai chú cháu xa nhau từ đấy đến nay chưa gặp lại.

Tháng tư đã về, hoa gạo đang nở đỏ rực. Bầy chim chóc mào hồn nhiên ríu rít với tiệc hoa. Còn tôi thì da diết gọi: "Toản ơi! Cháu đang ở đâu? Chú đang nhớ cháu và những ngày tháng tư sôi động năm ấy đấy!".
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More