Nhân chuyện bà Aung San Suu Kyi tới Anh

Nguyễn Giang - BBC

Các nhà báo BBC Miến Điện đón bà Aung San Suu Kyi 
Thứ Ba vừa qua, tôi được mời dự cuộc gặp mặt với bà Aung San Suu Kyi vào thăm trụ sở của BBC tại London.

Tòa nhà New Broadcasting House từ lúc khai trương mươi tuần trước cũng đã đón nhiều đoàn khách hoặc các nhân vật nổi tiếng tới thăm.

Nhưng ngày bà Suu Kyi đến có không khí khác hẳn.

Ngoài chủ tịch hội đồng quản trị Chris Patten, tổng giám đốc Mark Thompson và giám đốc Global News, ông Peter Horrocks còn có các trưởng biên tập khu vực, một số nhà báo tiếng Anh kỳ cựu, nhóm quay phim BBC TV, và ban Miến Điện được mời đến lễ đón bà trong khoảng 30 phút, địa điểm là khu tiếp khách trên tầng 5.


Lý do ban giám đốc nêu ra là Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu hạn chế số người vì lý do an ninh.
Nhưng ngay từ sáng, những nhân viên, nhà báo khác của BBC, với con số hàng trăm người, đã bàn tán, chờ đón người phụ nữ nổi tiếng từ Miến Điện.

Họ xuống dưới khu sân rộng trước tòa nhà, tụ tập bên ngoài thang máy ở tầng 5 để ‘xem Aung San Suu Kyi’.

Cả trong và ngoài khu vực dành cho lễ đón, tôi thấy ai ai cũng hồ hởi nói chuyện cứ như là đi hội.

Ban Miến Điện thì tíu tít sửa sang trang phục dân tộc, chia người chụp ảnh, chọn hoa. Tiếng ồn tưởng như người ta đang đi chợ hoặc sắp chen nhau vào xe điện ngầm.

Nhưng khi bà từ thang máy bước vào khu đón tiếp, được các ông Patten, Thompson và Horrocks dẫn lối thì đột nhiên cả tầng 5 của tòa nhà BBC bỗng im bặt.

Hàng trăm con mắt dồn vào người phụ nữ châu Á gầy gò, mắt sáng, tóc đeo một chùm hoa trắng, nhẹ bước rẽ đám đông tiến vào.

Tôi chú ý đến cử chỉ, nụ cười và cách thức bà Suu Kyi đối đáp trước diễn từ long trọng của các quan chức hàng đầu thuộc về phía BBC.

Sự sang trọng của lương tâm

Ông Peter Horrocks trao quà là
chiếc micro cho bà Suu Kyi
Dù con nhà nòi, có bố là tướng, mẹ là nhà ngoại giao, bản thân học ở Anh, lấy chồng người Scotland bà Aung San Suu Kyi nhìn gần vẫn hoàn toàn là một phụ nữ Á Đông nhẹ nhàng, mảnh khảnh, nét hiền từ, gò má hơi cao.

Bà cũng luôn giữ thái độ ‘cho Tây nói trước’, tức là lịch sự nhường và luôn cười, theo thói quen người châu Á chúng ta hay làm khi đối thoại với người Âu Mỹ vốn mạnh bạo về cách giao tiếp.

Khi ông Horrocks trao chiếc microphone làm quà từ BBC, bà tỏ ra ngạc nhiên một thú vị và hỏi (đùa): “Tôi có dùng nó được ngay không?”

Đó là câu tiếng Anh đầu tiên tôi nghe thấy bà nói từ lúc bước vào vì trước đó, chỉ có các quan chức BBC thay nhau đón chào, giới thiệu bà.

Ai cũng cười và ông tổng giám đốc như lo bà không hiểu là cần dùng chiếc microphone nào nên mau mắn chỉ lối để bà bước ra đằng sau chiếc bục đặt sẵn với hệ thống bá âm để phát biểu.

Bà Aung San Suu Kyi bắt đầu nói, chủ yếu là cảm ơn BBC đã duy trì luồng thông tin, bằng cả chương trình tiếng Anh và tiếng Miến Điện, đem lại hy vọng cho đất nước của bà những ngày đen tối.

Như mỗi khi nghe người nước ngoài nói tiếng Anh, tôi chú ý đến giọng của bà.

Bà nói tiếng Anh vẫn có âm sắc Miến Điện, hay châu Á, không phải là cách nói quý tộc của những ‘con nhà’ được bố mẹ giàu có hoặc làm quan chức từ Trung Quốc, Trung Đông, Nam Á gửi sang Anh du học từ nhỏ.

Giọng nói của bà rõ ràng, cách lập luận nhẹ, khúc chiết, không nặng về chính trị mà toàn nói về cách trải nghiệm riêng với làn sóng BBC khi bị giam tại gia, khi gặp đồng bào Miến Điện ở các tỉnh, các làng xa xôi.

Nhưng bà cũng rất ý nhị kiểu Ăng Lê khi ‘tự hỏi’ bằng một nụ cười có vẻ ngạc nhiên rằng không hiểu vì sao, từ lúc bà được tự do thì một loạt chương trình yêu thích của bà trên làn sóng BBC đã không còn nữa.

Tôi để ý thấy các lãnh đạo BBC đều yên lặng dù ai cũng hiểu bà có ý trách đài đã cắt bỏ nhiều chương trình trong cuộc cải tổ số hóa và chuyển hướng chiến lược.

Sau đó, bà Aung San Suu Kyi được mời vào một phòng riêng gặp các nhà báo BBC Miến Điện, vốn tri âm tri kỷ với bà trong bao năm.

Sau cuộc gặp, ông Peter Horrocks gửi email cho nhân viên rằng lễ đón Aung San Suu Kyi là điểm nhấn cho toàn bộ BBC từ khi chuyển vào trụ sở mới.

Tôi thoáng nghĩ, có điều gì thật đặc biệt: trụ sở xây mất hơn một tỷ bảng với hàng nghìn nhân viên phải chờ bà Aung San Suu Kyi, một người không tiền của vào 'xông nhà'.

Lưỡng viện Quốc hội Anh nghe bà Suu Kyi đọc diễn văn
Sự sang trọng như thế đến từ lương tâm và tinh thần công ích nhiều hơn là sự đồ sộ của công trình.

Sau khi rời BBC, bà Suu Kyi tiếp tục thăm Anh và chuyến đến Điện Westminster của bà để đọc diễn văn trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp.

Tôi cũng lao vào lo các việc khác nên không để tâm nhiều nữa đến phần tiếp trong chuyến đi Anh của bà.

Nhưng lời bình của một đồng nghiệp ban Ả Rập hôm qua làm tôi giật mình.

Biết tôi hay bàn chuyện Asean, anh nói: “Cả một thế kỷ nay, Anh Quốc chưa đón ai với nhiều vinh dự như bà Suu Kyi”.

Quả thật, trước bà chỉ có chuyến thăm Anh của Thánh Gandhi từ Ấn Độ thu hút cả nước.

Nhưng khi Gandhi sang Anh năm 1931, phe hữu vẫn tuyên truyền rằng ông tìm cách phá hoại ngành dệt may của Anh (sau yêu sách đòi London thương mại bình đẳng, không để thợ dệt Ấn phá sản vì bán hàng Anh vào ồ ạt), khiến nhiều báo đả kích ông.

Nay, một phụ nữ Đông Nam Á đã được mọi giới ở Anh ngưỡng mộ, và được chính quyền đón trọng thể chưa từng có.

Trước bà, chỉ có Nữ hoàng Anh là phụ nữ duy nhất đọc diễn văn trước hai viện của Quốc hội.
Thái độ của người Anh với một phụ nữ từ Asean làm tôi suy nghĩ.

Một thời gian trước, các vị như Mahathir Mohammad, Lý Quang Diệu vẫn đề cao giá trị châu Á như thể Á châu có gì đó ưu việt về quản trị xã hội hơn Âu Mỹ.

Nhưng cái họ đề cao lại nặng về cấm đoán, phạt tiền, bêu riếu, đè nén tự do cá nhân nhân danh quyền lợi tập thể hơn là tính nhân văn, tao nhã – những giá trị châu Á khác – mà bà Aung San Suu Kyi đang thể hiện.

Ở một góc độ khác, các lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam cũng vẫn nhấn mạnh đến tính đặc thù lịch sử, dân tộc để cho rằng các giá trị văn hóa bác bỏ mô hình dân chủ Phương Tây.

Bà Aung San Suu Kyi đã chứng minh ngược lại, và làm điều đó bằng đúng những gì người châu Á chúng ta vẫn tự hào về văn minh lâu đời của mình là tính nhân bản, mềm mại mà sâu sắc, tình nhiều hơn lý.

Sức mạnh từ đâu?

Trong các bài viết của bà mà tôi được đọc, Aung San Suu Kyi dùng nhiều khái niệm của Phật giáo, của trí tuệ dân gian Miến Điện.

Nhưng bà cũng trích dẫn các triết gia, các nhà hoạt động nhân quyền châu Âu và chuyến đi sang Thuỵ Sĩ, Na Uy, Ireland và Anh của bà là dịp giới thức giả và quyền quý ở châu lục này xem lại mình.

Các bạn trong ban BBC Miến Điện cho tôi hay cả ‘phái đoàn’ của Aung San Suu Kyi sang châu Âu chỉ có đúng bốn người phụ tá bà, trong đó một người đã là bác sĩ chuyên lo sức khỏe cho bà, một người nữa là dân biểu trẻ của NLD đi công du để mở rộng quan hệ.

Toàn bộ lịch trình làm việc, từ gặp Tổ chức Lao động Quốc tế ở Geneva, diễn văn trước Ủy ban Nobel ở Oslo, thăm giới nghiệp đoàn Ireland, tới BBC, trả lời phỏng vấn truyền hình của Newsnight, vào Phủ thủ tướng, thăm Hoàng gia Anh đều do một mình bà tự lo, tự soạn, tự trình bày.

Mà đến đâu bà cũng nói không cần cầm giấy, tự nhiên, và rất có duyên.

Nếu mà nói về ‘ngoại giao con nhà nghèo’ lại đạt hiệu quả đẳng cấp quốc tế cao nhất thì tôi chưa biết có ai hơn bà Aung San Suu Kyi.

Tôi tin rằng thấm nhuần Phật giáo và rất sắc về chính trị, bà Suu Kyi đã lấy cái ‘không có’ của mình và của phong trào dân chủ Miến Điện, và cái nghèo chưa bị đầu tư của xã hội đó thành một vũ khí ngoại giao lợi hại.

Tôi cũng được dự nhiều cuộc tiếp tân thì thường thấy quan chức châu Á sang Anh hay mời gọi đầu tư như một cách ‘bán hàng’, muốn giới tư bản vào khai thác xứ sở của mình càng nhiều càng hay.

Bà Aung San Suu Kyi là người châu Á đầu tiên thẳng thắn nói nếu các đại công ty như BP của Anh vào Miến Điện đầu tư thì rất hoan nghênh, nhưng họ cần nghĩ đến người dân, và đừng dùng đồng tiền gây ra tham nhũng và tiếp tay cho giới giàu tiền và giàu quyền.

Mặt khác, tôi tin rằng người châu Âu, vốn đang trong giai đoạn tinh thần bị xuống mạnh vì chao đảo của đồng euro, của sự đổ vỡ hàng loạt giá trị, cũng thầm mong được nghe thấy gì đó có ý nghĩa sâu sắc từ bà Suu Kyi.

Hôm qua, lúc đi thang máy, tôi tình cờ thấy một cô gái Anh khoe trên mobile phone với bạn hình chụp được bà Aung San Suu Kyi vào thăm đài hôm đầu tuần.

Như thế, bà Aung San Suu Kyi quả đã là một ngôi sao của châu Á trong tâm trí người dân bình thường nhất ở Anh.

Tôi thấy tự hào lây cho người Miến Điện và cũng có thêm một chút hy vọng cho Asean.

1 comments:

http://danbaovietnam.wordpress.com/2012/06/25/phong-van-tien-si-nguyen-xuan-dien/

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More