Mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể chỉ là con số phóng đại

Báo The Telegraph - DienDanCTM chuyển ng

Ngày càng khó cho ngay cả những người xưa nay lạc quan về kinh tế TQ có thể làm ngơ những chỉ dấu bất thường trong vận tốc tăng trưởng kinh khủng tại nước này.

Một mặt, như ai cũng biết, chỉ số GDP của TQ đã gia tăng tới mức trung bình 10% một năm trong suốt 30 năm qua, theo thống kê của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đưa hàng triệu người dân ra khỏi cảnh đói nghèo, và trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Nhưng nhìn từ mặt khác, phần lớn sự tăng trưởng đó là do nhà nước đổ tiền vào - với vô số các công trình xây xa lộ, phi trường, khu chung cư, và hệ thống xe lửa - đến độ các chuyên gia phải nhận định rằng nền kinh tế TQ không chỉ mất quân bình mà thực sự còn nhỏ hơn tầm vóc mà họ tưởng trước đây,  vì tệ nạn hoang phí và tàn phá môi sinh.


Thật vậy, theo chỉ số "Thịnh Vượng Tổng Thể" (Inclusive Wealth Index) mới mà Liên Hiệp Quốc thông báo tại hội nghị Rio+20 thì ở nhiều mặt TQ còn thua Nhật Bản và chỉ đứng ở hàng thứ 3 trên thế giới.

Chỉ số của LHQ được tính theo mức độ phát triển kinh tế nhưng trừ đi điểm tác hại lên các mặt khác, bao  gồm cả các nguồn môi sinh, các tài sản đã được chế tạo, phẩm chất đời sống con người, và các nguồn tài sản thiên nhiên. 

Trong thang điểm "Inclusive Wealth Indes", nền kinh tế Hoa Kỳ đứng đầu với trị giá tổng thể 118 ngàn tỉ $US. Nhật Bản đứng hàng 2 với trị giá 55 ngàn tỉ $US. Đức Quốc và Trung Quốc đồng hạng 3 với trị giá khoảng 20 ngàn tỉ $US.

Mục tiêu của thang điểm này là để chính phủ các nước có phương thức bao trùm rộng hơn và chính xác hơn để hoạch định chính sách.

Thay vì chỉ nhắm vào mục tiêu gia tăng GDP - tức con số đo lường những gì một quốc gia sản xuất ra - chỉ số mới này sẽ phản ánh sự thịnh vượng tổng thể của một xã hội. Trong trường hợp TQ, chỉ số này sẽ tính thêm điểm trừ đối với nạn ô nhiễm tràn lan sông hồ, đất đai, và không khí nhân danh hiện đại hóa.

Nhìn từ góc này thì rõ ràng sự phát triển của TQ đã khác hẳn. Báo cáo của LHQ cho thấy thay vì con số phát triển 10% hàng năm, nền kinh tế TQ chỉ tăng ở mức 3%. Tuy đó cũng đã là con số rất đáng nể.

Tuy nhiên chỉ số IWI không phải là lý do duy nhất khiến người ta nghi ngờ con số tăng trưởng GDP của TQ. Các chuyên gia cho rằng những khoản trợ cấp của chính phủ trong các hình thức bán nhiên liệu giá rẻ, cho vay lãi nhẹ, cho thuê đất đai giá rẻ đã khiến nền kinh tế bị bóp méo hẳn đi -- đặc biệt đối với các hãng xưởng quốc doanh vốn vẫn khuynh loát cả nền kinh tế TQ.
Một số nghiên cứu ước lượng rằng số tiền trợ cấp của nhà nước ở mức 500 tới 800 phần trăm số tiền lời mà các hãng xưởng quốc doanh tự tạo được. Nói cách khác, nếu không có trợ cấp, các hãng xưởng quốc doanh đều lỗ nặng.

Từ đó, các chuyên gia ước lượng con số GDP của TQ có lẽ đã được phóng đại lên đến 20%.
Ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại khoa quản trị của Đại Học Bắc Kinh, chỉ ra rằng một trong những lý do khó tính nổi con số chính xác là vì nhiều công trình xây dựng của TQ không thực sự bồi thêm giá trị nào nền kinh tế.

"Vấn đề nằm ở chỗ khi bạn nhìn vào con số GDP, nó thực sự đại diện cho con số ở đầu vào chứ không đo lường giá trị ở đầu ra. Nếu bạn chi 100 triệu đô la xây một phi trường nhưng giá trị kinh tế của phi trường đó ít hơn như vậy, thì con số 100 triệu đô vẫn được ghi vào mức gia tăng GDP."

Con số GDP của TQ đang được đặc biệt mổ xẻ sau khi có nhiều báo cáo rằng các dữ kiện kinh tế của nước này đã được tô vẽ thêm.

Theo báo New York Times, nhiều nhà kinh tế tin rằng các quan chức TQ đang cố tình loan báo sai về con số tiêu thụ điện để che dấu mức độ xuống dốc kinh tế. Trước đây, con số tiêu thụ điện vẫn được dùng như một chỉ dấu đáng tin cậy về mức hoạt động kinh tế tại TQ.

Bất kể sự cảnh báo nhiều lần của Thủ tướng Ôn Gia Bảo suốt từ năm 2007 về nhu cầu phải "cân bằng lại" nền kinh tế, các quan chức TQ dù trong bụng biết rõ nhu cầu phải điều chỉnh lại kinh tế nhưng vẫn chỉ đề cao ổn định chính trị lên hàng đầu trong mọi lãnh vực.

Và càng khó điều chỉnh nền kinh tế khi các vấn nạn nêu trên lại đang đem lại quá nhiều lợi lộc cho thành phần lãnh đạo chính trị qua các đại công trình xây dựng, các chính sách ưu đãi đối với các hãng xưởng quốc doanh.

Giáo sư Pettis nói: "Nếu bạn thả những yếu tố bóp méo vào một nền kinh tế, nền kinh tế sẽ tự ứng biến bao quanh các yếu tố đó, và những kẻ được thừa hưởng từ những yếu tố đó sẽ trở nên cực kỳ giàu có."

Ông nói tiếp: "Mỗi quốc gia từng dùng trợ cấp của nhà nước để tạo các phép lạ tăng trưởng đều phải trải qua một giai đoạn khó khăn theo sau ... Chưa có nước nào quản trị nổi tiến trình đó một cách tốt đẹp. Việc đó luôn luôn khó."

Nguồn:  http://www.dailytelegraph.com.au/money/chinas-rapid-growth-may-be-exaggerated/story-e6frezc0-1226412955272

1 comments:

Tình trạng hàng nhái, hàng giả, bằng cấp giả ở TQ đã là những hình ảnh quá quen thuộc đối với thế giới. Vậy thì có gì bảo đảm rằng những chỉ số phát triển kinh tế ấn tượng mỗi năm xấp xỉ 10% đó không nằm trong số phận ... hàng dỏm, hàng giả?

Cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra - nay đã đến lúc ấy!

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More