Chuyện biểu tình ngày 5/8/2012

Phương Bích

Trước khi về, những người yêu nước bị bắt ở trại Lộc Hà
lại giăng khẩu hiệu và cờ ra hô đả đảo một chập 
Phần 1: Trốn khỏi nhà

Đêm trước biểu tình, tôi quyết định tắt máy tính và đi ngủ sớm. Không khí về đêm vẫn không mấy mát mẻ, báo hiệu một ngày sắp tới oi nồng – lại khổ người biểu tình đây!

11 giờ đêm! Mặc dù buồn ngủ, nhưng tôi vẫn thao thức nghĩ tới cuộc biểu tình ngày mai. Lần trước trên mạng không có lời kêu gọi biểu tình nào mà họ còn chặn tôi, thì chắc chắn lần này họ sẽ cũng làm vậy. Tôi cũng muốn nhân dịp đó để nghỉ ngơi đôi chút. Thậm chí nói với một số bạn bè là Chủ nhật này tôi sẽ không đi, mặc có người giận dữ chửi tôi là không đi thì đừng làm người khác nhụt chí. Nhưng rồi nghĩ đến những người từ xa họ còn lặn lội về đây, chỉ để được đi trên bờ Hồ Gươm, để hô lên những tiếng hô đả đảo quân xâm lược, để thét lên những tiếng thét kêu gọi hãy nghĩ về Hoàng Sa và Trường Sa – đừng bỏ rơi một phần máu thịt của Tổ quốc - thì lại không đành lòng.


Xin đừng nghĩ đây là những lời đao to búa lớn của những con dân bé mọn, chỉ lo cho ngày hai bữa chưa đủ no, hay chưa có nổi một chỗ trú thân yên ấm mà vẫn phải lang thang nay đây mai đó... mà hãy nghĩ tại sao bất chấp những khó khăn tứ bề, họ vẫn tìm về Hồ Gươm để được tham gia biểu tình. Nhiều người không có mạng internet thì tìm về Hồ Gươm theo một thói quen, không có biểu tình thì cũng là một cuộc dạo chơi – Hồ Gươm đâu chỉ để dành riêng cho một ai được quyền đến và độc quyền ngăm cấm, chiếm đoạt?

Thêm một điều là cái ý thức phản kháng tự nhiên trong một con người trỗi dậy, khi bị tước đoạt tự do một cách ngang nhiên giữa thời bình thế này. Tôi – một người có đầy đủ quyền công dân, mà lại chịu để ai đó dùng các cách thức không chính danh như thế, ngăn chặn, cấm đoán tôi ư?

Chỉ sau mươi phút trằn trọc, tôi vùng dậy. Không một chút đắn đo, tôi nhanh chóng thay quần áo, nhặt nhạnh đồ lề cần thiết cho ngày mai. Rón rén tưới đẫm thêm cho mấy cái cây ngoài ban công. 11 rưỡi đêm, tôi lẳng lặng xách túi, khóa cửa và đi nhanh xuống hầm để xe. Lấy xe ra là tôi phóng tít mù, luôn luôn để ý xem có người đi theo không. Có lẽ không!

Đến nơi cần đến, chủ nhà giật nảy người khi nghe tôi gọi cửa. Nhà này thường thức khuya nên tôi không ngại. Yên vị rồi, tôi mượn máy tính, vào facebook gõ lên tường thông báo về tình trạng của mình – đã trốn khỏi nhà, đã thoát!

Ối giời! Bao nhiêu người vào còm trong tường nhà tôi mặc dù đã hơn 12 giờ đêm. Vậy là có bao nhiêu người thao thức, đâu phải chỉ mình tôi? Có người quan tâm hỏi thăm bố tôi thì sao? Tôi đã nghĩ rồi, sáng mai sẽ gọi điện để mẹ lên cho bố vệ sinh cá nhân. Bố không ăn sáng nên trưa về tôi vẫn kịp nấu cho bố ăn.

Mặc dù có giường nhưng tôi không quen chăn chiếu lạ, cứ nằm còng queo trên cái ghế salon ngủ vì tôi buồn ngủ lắm rồi. Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi vẫn nguyền rủa những kẻ nào khiến tôi phải đào tẩu ra khỏi nhà mình như một tên tội phạm vào lúc nửa đêm thế này. Lẽ ra giờ này tôi đang yên giấc mộng trên giường của mình rồi không? Muốn yêu nước mình cũng khổ quá, vất vả quá! Tôi rơi vào giấc ngủ mà không hề nghĩ đến chuyện trưa mai, thêm một lần nữa tôi lại không trở về.

Phần 2 -  Chẳng lẽ họ cứ diễn mãi cái tuồng làm mất trật tự công cộng, mà không thấy xấu hổ vì sự láo khoét, trơ trẽn đến thế à?

Sáng chủ nhật, tôi dậy sớm để đi bộ ra Hồ Gươm chứ không bắt xe buýt hay taxi. Một phần vừa để ngắm quanh cảnh phố phường quang đãng lúc đầu hôm, phần để gặm nhấm nỗi buồn về việc mình phải lẻn ra khỏi nhà, không phải vì trốn bố trốn mẹ để đi chơi như tuổi còn con nít, mà là đã quá tuổi trưởng thành như tôi vẫn còn phải đi trốn bởi những người chả có liên quan gì đến mình.

Vì họ bảo là nếu tôi không có nhà thì họ không phải canh tôi, nên tôi đi cho họ khỏi canh. Nếu hỏi họ rằng tôi làm gì mà phải canh ấy à? Đã bảo rồi – họ được quyền im lặng. Nếu họ có nói, thì sẽ chỉ là chị thông cảm, chúng tôi cũng không muốn thế, rằng chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ.

Tôi phát ngán khi phải nghe những câu trả lời vô nghĩa và phi lý, rập khuôn theo kiểu xã hội chủ nghĩa này. Chỉ vì thương họ bị xua ra từ sáng sớm để canh chừng tôi, nên tôi phải trốn đi từ đêm qua. Vậy mà sáng nay họ lại gọi điện cho tôi, năn nỉ tôi quay về, nếu không họ cứ phải ngồi ở trụ sở Phường?

Thế này thì quá thể lắm rồi! Sao họ không kiến nghị lên cấp trên, lên Quốc hội cho xóa béng nó cái điều 69 cho phép biểu tình đi cho rồi, mà cứ ngồi đó canh chừng người dân ngay cả khi họ không có ở nhà. Cấm tiệt! Không có biểu tình biểu tiệc gì cả. Ai sống ai chết mặc bay. Cấm cả chụp ảnh quay phim nữa. Cho toàn dân mù điếc luôn, chỉ nghe đảng và chính phủ nói thôi.

Tôi mặc đầm, đội mũ rộng vành, máy ảnh đeo lủng lẳng trước ngực như một khách du lịch lững thững đi bộ trên hè phố, thỉnh thoảng thấy ngôi nhà cổ nào lại giơ máy lên chụp.

Cuộc sống đời thường
Phố xá gần 8 giờ vẫn quang quẻ. Trời vẫn mát dịu tuy có chút oi ả. Ra đến khu vực Đài cảm tử, thấy các cụ ông đang chơi cầu lông. Vỉa hè Bờ Hồ vắng vẻ. Từ xa đã nhìn thấy trên sân vườn hoa Lý Thái Tổ không có người, chỉ có một vài nhóm nhỏ đứng rải rác dưới những gốc cây bên phía đường Lê Lai.

Một cô bạn ý ới gọi điện hỏi tôi đang đứng đâu. Lát sau hai mẹ con cô ấy đến. Chúng tôi nhẩn nha chụp ảnh cho nhau vì vẫn còn sớm. Theo lời kêu gọi trên mạng thì 8 giờ 30 tập trung ở vườn hoa Lý Thái Tổ, nhưng gần đến giờ vẫn chưa thấy ai đứng trên sân vườn hoa. Có lẽ hễ có ai bén mảng đến gần là bị các lực lượng chìm nổi xua đi rồi.
 Khi ngày nghỉ - vườn hoa là nơi chỉ dành cho công an và an ninh dân phòng chăng?

Từ xa tôi nhìn thấy hai cựu chiến binh, hai người lính già là bác Nguyễn Anh Dũng và bác Nguyễn Tường Thụy đang đứng thảnh thơi trên vỉa hè Bờ Hồ. Bác Nguyễn Anh Dũng còn mặc cả bộ quần áo lính, nhưng cả hai bác đều đeo huy hiệu. Một vài gương mặt thân thiện chào hỏi. Trong số này, có một người sau tôi mới biết là Lê Anh Hùng, tác giả của những bài viết nổi tiếng về sự tố cáo thẳng thắn đến chết người mà tôi chưa kịp đọc.

Trong lúc chuyện trò, tôi nhìn thấy ba mẹ con một người phụ nữ nhỏ bé, người miền trong mà tôi nhìn thấy nhiều lần ở khu vực Bờ Hồ. Nghe mọi người nói họ là dân oan, lếch thếch kéo nhau đi khiếu kiện bao nhiêu năm nay rồi. Tôi muốn giúp đỡ ba mẹ con họ lắm, nhưng những lần trước gặp họ tôi lại không mang nhiều tiền. Lần này tôi cũng chỉ mang theo một tờ 200 ngàn trong túi. Tôi hỏi mọi người xung quanh xem có tiền lẻ không. Bác Nguyễn Anh Dũng đổi cho tôi 2 tờ 100 ngàn. Tôi tiến đến ba mẹ con đưa cho họ 100 ngàn. Người mẹ còn đang mải trình bày hoàn cảnh gì đó với những người đang đứng xung quanh, chả để ý gì đến tờ 100 ngàn tôi chìa ra nên đứa con gái nhỏ đón lấy. Tôi phải nhắc người mẹ chú ý kẻo đứa bé làm rơi tiền rồi quay lại bên cạnh những người bạn.

Sau này nghe mọi người nói Đài truyền hình Hà Nội nói rằng, các lực lượng an ninh đã bắt quả tang có người phát tiền cho người biểu tình. Đầu tiên tôi chả để ý, sau thấy mọi người xôn xao thắc mắc quá nên tôi chợt nhớ ra chuyện mình biếu ba mẹ con nhà nọ 100 ngàn. Nếu đúng Đài truyền hình Hà Nội nói về chuyện tôi giúp đỡ ba mẹ con người phụ nữ kia 100 ngàn thì tôi phải nói rằng đó là sự khốn nạn, ti tiện hết chỗ nói. Có lẽ bởi họ chưa từng bao giờ bỏ tiền ra giúp đỡ những người nghèo khó, nên không thể hiểu được một người với đồng lương hưu ít ỏi như tôi lại có thể biếu 3 mẹ con khốn khổ kia 100 ngàn thì phải.

Chả thế mà họ im thin thít khi đồng bào họ bị bọn cướp Trung Hoa bắt bớ giam cầm, cướp đoạt tài sản và mạng sống của họ cả trên biển Đông và đất liền. Họ im thin thít khi hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc nhung nhúc đổ vào biển Đông, xâm phạm lãnh hải của ta, vét cạn kiệt tài nguyên trên biển của ta, để ngư dân ta không còn đường sống nữa.

Đã không giúp người khốn khó thì chớ, họ lại vu khống việc giúp đỡ người lúc hoạn nạn là đi biểu tình được tiền. Nếu đúng là họ nói tôi phát tiền cho người biểu tình thì tôi phải nói rằng không những họ là lũ người khốn nạn, ti tiện mà còn hết sức ngu xuẩn khi nghĩ rằng tôi công khai phát tiền cho người biểu tình, trước mặt cả rừng ống kính của an ninh như thế. Tôi thách họ chứng minh được điều đó bằng chính mạng sống của tôi đấy.

Tất cả chúng tôi đứng bên này đường, nơi mọi người đứng ngồi, đi dạo qua lại như mọi ngày. Một lát sau, bên kia đường cảnh sát bắt đầu dùng loa để đuổi người. Lúc đầu là đuổi ra khỏi vườn hoa, bảo đây là khu vực bảo vệ (tôi muốn chửi lắm mà chót bảo là ghét chửi bậy rồi nên không dám: mẹ bố đời chứ. Bảo vệ ai, khỏi cái gì hở?).

 Khi mà khắp vườn hoa là biển cấm, và công an đông hơn dân - đó là một thảm họa

Có sự nhốn nháo bên cạnh vườn hoa. Quên mất chưa nói là có hai chiếc xe buýt đỗ trên đường Lê Lai, sát vỉa hè vườn hoa Lý Thái Tổ. Lúc này đám đông nhốn nháo đã chuyển đến sát cạnh xe buýt. Xa quá, tôi không nhìn thấy gì, chỉ thấy đám đông bu lại khoảng hơn ba chục người. Vướng cây và dòng người xe qua lại nên tôi ko thể zoom xa ống kính xem chuyện gì xảy ra. Rồi có người nói: Lê Dũng bị bắt rồi, chúng nó bẻ tay đưa Lê Dũng lên xe buýt rồi. Khi người dân đi qua lấy lạ, tò mò hỏi thì công an trả lời: chúng tôi đang diễn tập!!! Một trong những người nghe thấy sau này cũng bị bắt vào Lộc Hà kể lại cho chúng tôi. Thú thực cái sự hèn hạ và khốn nạn dù quen mấy cũng khó mà tiêu hóa được.

Lúc này loa bắt đầu chõ sang đuổi người bên này đường. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên sau này bức xúc kể, bảo loa phát rằng: ai không có nhiệm vụ yêu cầu rời khỏi khu vực Bờ Hồ!!!

Con lạy thánh mớ bái, vườn hoa bờ hồ mà phải có nhiệm vụ mới được đứng ư? Mẹ bố đời chứ! Nhục thật!

Tôi thương Lê Dũng quá. Mọi khi hễ có người bị bắt là người biểu tình lại xúm vào phản đối. Nhưng lúc này lực lượng an ninh chìm nổi còn đông hơn người dân rất nhiều. Nếu người biểu tình lên tiếng phản đối lúc này, chắc chắn họ sẽ bắt thêm nhiều người nữa. Mặc dù mọi người đã đứng né khỏi đoạn vỉa hè đối diện với vườn hoa Lý Thái Tổ vẫn không yên. Cảnh sát và an ninh bắt đầu đến đuổi mọi người đi.

Thôi thì lúc này dân mình có không muốn hèn cũng không được. Mọi người bắt đầu đi bộ về phía Hàng Bông. Chợt thấy xôn xao, rồi tôi phát hiện có sự xuất hiện của cụ bà Lê Hiền Đức đi giữa Lân Thắng và Trương Ba Không. Mọi người xung quanh rất vui, cười nói chào hỏi nhau nhau bằng những nụ cười, những cái bắt tay hồ hởi. Niềm vui hàn huyên chưa kịp lâu, tay công an khu vực nhà bà Đức mà tôi quen mặt mặc thường phục xuất hiện, đi đến chắn trước mặt bà Đức nói gì đó. Mọi người xung quanh phản đối, gạt tay này ra để bà Đức đi. Thêm một tay nữa vào phụ giúp nhưng không ăn thua, mọi người vẫn tiếp tục đi, không khẩu hiệu, không cờ quạt, hô hào. Tôi chân ngắn, vất vả chạy lấy khoảng cách để có thể chụp ảnh mọi người.
 Mọi người dân đều có quyền đi bộ như thế này trên Bờ Hồ

Gã đàn ông cao lớn này là công an khu vực đến kèm bà Đức. Hắn ta dùng cái tấm thân kềnh càng này để chắn trước cụ già bé nhỏ, nhất định không cho cụ ngồi lên xe đẩy khiến mọi người vô cùng tức giận vì sự hỗn láo của gã.

Đi được một đoạn ngắn, một người đàn ông đẩy một chiếc xe lăn đến cho cụ Đức khiến mọi người ồ lên vui vẻ. Nhưng thật kinh tởm, gã công an khu vực ở nhà bà Đức cứ lấy cái thân hình kềnh càng của hắn chắn trước mặt bà Đức, không cho bà ngồi lên xe. Mọi người xung quanh phản đối quyết liệt. Mấy tay an ninh ở ngoài chen vào phụ giúp gã công an mặc thường phục kia, tạo nên một đám đông nhốn nháo ầm ĩ. Đó chính là cái cớ để các lực lượng công an và bảo vệ lao vào.
  Mọi người vui vẻ khi xe lăn được đưa đến cho cụ Đức


Chính các nhân viên an ninh Hoàn Kiếm mới làm mất trật tự công cộng khi ngăn cản người dân đi bộ trên Hồ Gươm

Trong khi tôi và một số người đứng ngoài, cố quay lại những cảnh giằng co giữa công an, bảo vệ và những người dân đi bộ trên Bờ Hồ, một tay cảnh sát chộp lấy tay tôi nói với 2 nhân viên bảo vệ:

-   Giữ lấy trường hợp này, đưa lên xe.

Hai nhân viên mẫn cán lập tức nắm lấy hai cánh tay tôi đẩy về phía chiếc xe buýt từ lúc nào đã đỗ ở gần đó. Tôi bảo:

-   Bỏ tay ra, không phải túm. Để tôi tự đi.

Hai nhân viên này lập tức bỏ ra nhưng vẫn đi sát hai bên, chừng như sợ tôi chạy mất. Việc gì đã đến không tránh được. Tôi trèo lên xe buýt, tìm chỗ mát nhất ở cuối xe để ngồi. Gã nhân viên bảo vệ to béo ngồi chặn bên cạnh tôi sát sàn sạt. Tôi đẩy hắn ra:

-    Mày ngồi xa ra cháu. Mày béo thế này... nóng chết đi được.

Gã cười rồi ngồi xích ra. Việc đầu tiên là tôi lấy thẻ nhớ máy ảnh ra, nhét vào ngực áo và bảo: còn lâu mới lấy được thẻ của cô nhá. Ở cửa xe phía trên, thấy nhà báo Dương Thị Xuân đang kêu một mình lên xe buýt sợ lắm, tôi cười gọi to:

-    Lên đây, một mình đâu mà một mình.

Rồi lần lượt các bác cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Anh Dũng và một số người nữa bị đẩy lên xe buýt. Nhìn áo xống các bác xộc xệch, nét mặt đầy giận dữ. Họ giận dữ vì nhiều lý do. Tôi đàn bà yếu ớt còn thấy phẫn nộ trước những điều ngang tai trái mắt, huống hồ những người đàn ông chinh chiến trận mạc như các bác. Đến kẻ thù còn chẳng khuất phục được các bác, kể chi đến mấy thằng ranh con, chỉ cần lồng cái băng đỏ vào tay là có thể dùng vũ lực để lôi kéo, xô đẩy những người đáng tuổi cha tuổi chú chúng, cưỡng bức họ lên xe buýt như những kẻ tội phạm như thế được ư?

Trên xe còn có cả sĩ quan dự bị, biểu tình viên nổi tiếng Nguyễn Chí Đức. Như những người đàn ông khác, anh chàng hộ pháp này đang vô cùng bức xúc. Không chỉ một mình Trí Đức, tất cả mọi người cùng xả phẫn nộ. Và cũng như thường lệ, những kẻ bắt người chỉ một mực im lặng. Riêng tôi và gã trai to béo mặt non choẹt ngồi dưới băng ghế cuối cùng lại rủ rỉ chuyện trò. Gã trai này gật gù nghe tôi nói, ít ra cũng tỏ vẻ lắng nghe, và tôi nghĩ ít nhiều gã có công nhận sự thật, nhưng lại vẫn chỉ là nhiệm vụ thôi.

Mọi người tới tấp gọi điện thoại hỏi chúng đưa đi đâu. Tôi ngồi trên xe, chỉ mải nói chuyện chứ không hề để ý đến mình sẽ bị đưa về đâu. Ngay từ giây phút cái bàn tay khốn kiếp kia chộp lấy tay tôi, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là tôi lại không thể về nhà nấu cơm trưa cho bố. Tôi gọi điện thoại cho chị gái về cho bố tôi ăn hộ tôi, và rằng chúng nó bắt tôi rồi. Sau khi yên tâm về bố rồi, tôi chỉ còn nghĩ xem họ sẽ giải thích thế nào về việc bắt giữ chúng tôi? Chẳng lẽ họ cứ diễn mãi cái tuồng làm mất trật tự công cộng mà không thấy xấu hổ vì sự láo khoét, trơ trẽn đến thế à?

Xe qua cầu Đuống tôi mới nhận ra cảnh cũ. Chả gì tôi cũng làm ở ngành giao thông, ít nhiều qua lại chốn này dăm bảy bận. Nhưng giờ nó dẫn tôi đến trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà cùng với những con người đáng kính khác. Thâm tâm tôi muốn hét lên rằng, chính là các vị mới là những kẻ đáng phải phục hồi lại nhân phẩm chứ chẳng phải ai khác.

Khi chiếc xe buýt kềnh càng lách mình qua cánh cổng sắt, tôi cười lớn bảo: đến Cha chánh xứ Thái Hà còn bị đưa đến đây để phục hồi nhân phẩm, thì mình đâu có là cái gì.

Đúng là mọi giá trị về nhân phẩm trong xã hội bị đảo lộn hết cả rồi.

Phần 3: Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Với tôi đây là lần đầu tiên vào Lộc Hà. Nói thật ngày xưa chỉ cần bị công an chặn lại đã thấy xấu hổ lắm, cứ như mình vừa bị bắt quả tang làm một việc xấu xa vậy. Vậy mà giờ đây năm lần bảy lượt, tôi bị họ bắt giữ mà trong lòng chỉ thấy phẫn nộ, khinh bỉ chứ chả thấy có điều gì khiến tôi phải cúi mặt hổ thẹn

Tôi tò mò nhìn cái trại đã nghe nói đến nhiều lần, đặc biệt nhất là những lần gần đây nhất trở thành nơi tạm giữ những người biểu tình dưới mọi hình thức như: biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình đòi đất...

Dĩ nhiên tôi cũng biết trước đây báo chí cũng gọi đây là trại phục hồi nhân phẩm. Không biết từ khi nào nó đổi tên là trại lưu trú. Thực tế trong dân, người ta vẫn gọi nôm na là trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Cho dù họ có đưa tạm chúng tôi đến đây với lý do gì, thì cũng coi là một lần bước chân vào trại phục hồi nhân phẩm. Không biết ở đây ai mới thực sự có đủ tư cách để phục hồi nhân phẩm cho ai đây?

Họ đưa chúng tôi vào một gian nhà rộng, đúng cái gian tôi nhìn thấy trong clip quay các bà các chị nông dân Dương Nội, đi khiếu kiện đất đai rồi bị bắt về đây. Nhìn cái cửa sổ và hình ảnh mấy chú công an áo xanh kê ghế ngồi chắn ở hai đầu hồi, lại nhớ đến cái clip ấy, nhớ cái câu chửi: “cha năm đời mười đời cái lũ ăn cơm dân mặc áo đảng...”.

Khổ! Cái “lũ” bắt người ấy nó có ở đây đâu mà chửi. Hội ở đây có hai kiểu. Một là chỉ biết canh. Hai là chỉ biết hỏi. Còn cái thằng bắt mình nó lại vẫn ở Bờ Hồ cơ. Mà khốn nạn nhất là ba hội đó chả phối hợp với nhau tý nào. Giao hàng xong là hết nhiệm vụ.

Quên chưa nói, vừa vào đến cửa đã thấy blogger Lê Dũng mặc áo No-U đen, tay cầm  Ipad cười tươi như hoa ra đón “đoàn”. Chúng tôi reo lên, ôm nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau ầm ĩ. Hóa ra “đoàn” của Lê Dũng chỉ có 3 người. Sao không chờ cả thể mà  mới có 3 người đã chạy biến đi thế nhỉ? Chưa kể có tới 6 công an áo vàng đi xe máy dẹp đường nữa. Đúng là tiền ngân sách có khác, lãng phí quá chừng.

Chuyện giữa hai đoàn chưa vãn thì lại ồ reo lên, đoàn thứ ba đang vào. Lại tay bắt mặt mừng. Quên cả bức xúc, cứ gặp nhau là thấy mừng cái đã. Chắc cánh công an canh giữ ở đây thấy lạ lắm, cái hội biểu tình này sao cứ cười tươi roi rói thế. Chả thấy vẻ nem nép lo sợ hay hối hận gì cả.

Nhìn thấy trong đoàn thứ ba ngoài một số gương mặt quen như tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, Dũng Aduku....Có cả bà bầu Nga Thuy mà không thấy thằng cu Phú đâu, tôi ngạc nhiên chạy ra hỏi. Cô ấy bảo cậu thanh niên đi bên cạnh đang bế hộ thì cô ấy bị bắt. Cơ khổ! Thế là lại con một nơi, mẹ một nơi.

Ai mới thực sự là kẻ gây nên cảnh náo loạn này?
Nhìn một lúc thấy thêm bé gái, con cô bạn chụp ảnh cùng lúc ban sáng. Lúc tôi còn đang trên xe, cô ấy gọi điện, kêu thất thanh bảo là chúng nó bắt mất con gái em rồi, chẳng biết chúng nó mang con em đi đâu. Cô ấy làm loạn cả lên khiến tôi cũng sốt ruột, bảo làm sao tôi biết được. Giờ cô ấy đang tìm đường sang Lộc Hà mà chả biết đường.   

Mọi người thi nhau kể lể, tố khổ chuyện mình bị bắt như thế nào. Xem ra mỗi người bị bắt một kiểu. Nhà báo Đoan Trang thì bảo, vì thấy công an bắt mấy đứa thanh niên thì ra hỏi tại sao bắt chúng, thế là cũng bị túm lấy, cho vào một rọ.

Đấy! Chỉ hỏi thế thôi cũng bị bắt đấy. Nghĩa là bây giờ:

Người đi bộ  - cũng bị bắt!

Ra hỏi tại sao bắt người đi bộ  - cũng bị bắt!

Chụp ảnh người đi bộ bị bắt  - cũng bị bắt!

Muốn ngồi lên xe lăn  - cũng bị bắt!

Phản đối bắt người  - cũng bị bắt!

Cũng vẫn những con người này, vừa mới hôm trước vừa đi vừa hô khẩu hiệu, cờ xí giăng đầy thì lại được công an bảo là thể hiện lòng yêu nước, trước những hành vi xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc, là rất đáng hoan nghênh. Thế mà hôm nay lại quay ngoắt 180 độ, xông vào gây hấn với người biểu tình, rồi vu cho là gây mất trật tự công cộng để bắt bớ họ !!!
Rõ là miệng nhà quan có khác. Lật như trở bàn tay. Ai từng sống trong thời bao cấp chắc đều biết  câu ranh ngôn: Bắt cởi trần phải cởi trần. Cho may ô mới được phần may ô.

Bây giờ thì chắc là: Bắt im mồm phải im mồm. Cho hô to mới được quyền hô to?

Có một điều khiến tôi vô cùng cảm động khi được người trong đoàn thứ ba kể lại. Đó là khi chúng tôi bị bắt đưa đi rồi, trong phút chốc không khí xung quanh ắng lại. Mọi người dẫu đón nhận nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng về sự việc xảy ra quá ư phi lý. TBK ngồi bất lực trên ghế đá khóc. Hẳn không chỉ có một mình TBK khóc. Rồi những con người quả cảm còn lại cũng tụ lại bên nhau. Những người lúc trước mới chỉ đang đi bộ chứ chưa hề giăng biểu ngữ, chưa hề hô khẩu hiệu đã bị bắt. Thế mà những người còn lại đã không hề sợ hãi, họ tiếp tuc đi thành hàng trên Bờ Hồ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu và giương cao cờ và biểu ngữ. Nghe cậu thanh niên cầm cờ kể lại, khi cậu ấy quay lại nhìn thì đoàn người phải đông tới gần 200 người. Một điều đáng mừng là trong số này phần lớn là thanh niên. Họ đã không còn thờ ơ nữa. Đoàn người đi đến gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì lại bị đàn áp. Theo lời người bị bắt lúc đó thì công an đông kinh khủng. Tôi thực sự muốn ứa nước mắt khi hình dung ra cảnh tương tàn đó.

Điện thoại bên ngoài gọi tới tấp. Chỉ biết Lân Thắng bị đưa vào Hoàn Kiếm, còn cụ Đức thì vẫn chưa thấy tin tức gì. Thật là đang vui vẻ đi bên nhau, bình yên là thế, bỗng đâu tan tác mỗi người một phương thế này. Nghĩ mà căm uất quá. Sao phận người Việt ta lại khốn nạn đến thế này, không bằng cả người Trung Quốc trên đất nước mình. Nghe nói dân Trung Quốc sang đây hống hách lắm, thế mà chính quyền chả động đến lông chân chúng nó.
Hai người lính già từng chinh chiến trận mạc

Chúng tôi ngồi chán chê chả thấy bọn họ hỏi han tới. Khoảng hơn một tiếng sau mới thấy công an lũ lượt kéo vào, giới thiệu là công an quận Hoàn Kiếm, mời các bác đi “làm việc”. Họ đưa mỗi người vào một phòng riêng. Sau này tôi mới thấy công an làm vậy để dễ lừa những người nào không hiểu biết pháp luật, rồi khép họ vào một tội danh theo ý của công an.

Mặc dù tôi đã ghi nhận tương đối những gì mình học hỏi được từ ngoài đời, vậy mà đến khi vào cuộc vẫn thấy mình quá ngô nghê. Người ta bảo sách nhà Phật dạy: Đừng thấy ác mà chê. Đừng thấy hiền mà mê!

Nó hiền là nó đang dụ dỗ mình, khiến mình mất cảnh giác để rồi đưa mình vào tròng đấy.

Trường hợp của tôi đúng như vậy. Tay công an “làm việc” với tôi có khuôn mặt hiền và nụ cười có vẻ chân tình. Anh ta giới thiệu tên là Châu (chắc không thể là Trâu), công an quận Hoàn Kiếm. Anh ta mang hàm thiếu úy nhưng không đeo biển tên. Lẽ ra tôi nhất định phải yêu cầu anh ta có biển tên đàng hoàng thì mới “làm việc” – vậy mà tôi quên bẵng đi mất.

Mở đầu là những lời khá tử tế. Anh ta nói đề nghị hợp tác, vì anh ta làm việc với tôi theo nhiệm vụ. Thì anh ta đã giới thiệu tên nên tôi cũng nói tên tôi. Nhưng thấy anh ta hỏi thêm một số câu để nhăm nhe lập biên bản, tôi nói luôn là đừng có lập làm gì phí công, tôi chả ký đâu vì tôi chả phải là tội phạm nên chẳng phải khai gì cả.

Anh ta ngập ngừng một lúc rồi đặt bút xuống . Anh ta rất khôn khéo, không yêu cầu tôi tường trình mà quay ra hỏi chuyện kiểu như tâm tình. Thực ra tôi cũng muốn cho anh ta biết rõ sự việc, vì anh ta bảo là anh ta không phải là người bắt tôi nên không biết chuyện xảy ra như thế nào.

Tôi hỏi:

-    Anh bảo tôi là làm mất trật tự nơi công cộng! Vậy anh có nhìn thấy tôi làm mất trật tự như thế nào không? Tôi nói và làm những gì anh có biết không?

Anh ta chỉ cười. Trước cả một rừng máy quay phim của an ninh như thế, nhất cử nhất động của tôi chắc hẳn đều có trong máy quay của an ninh, vậy sao không đưa ra làm chứng mà phải mất công bắt bớ, hỏi cung như thế này làm gì? Lời nói nếu không phải là nhân chứng thì đâu có giá trị buộc tội?

Và rằng tôi mới chính là người có bằng chứng, tố cáo hành động ngăn cản trái phép người dân đi bộ trên Hồ Gươm của công an và các lực lương an ninh đeo băng đỏ. Khi người dân phản ứng thì công an và an ninh lao vào bắt người với thái độ rất hung hãn.

Rằng trước đó quang cảnh Hồ Gươm hoàn toàn thanh bình khi những người dân đang đi dạo cùng nhau, nhưng cảnh tượng chỉ trở nên hỗn loạn khi xảy ra hành động ngăn cản trái phép, bắt bớ trái phép người dân một cách thô bạo của công an và an ninh. Đó mới là hình ảnh hết sức phản cảm, làm mất trật tự giữa nơi công cộng của công an và an ninh quận Hoàn Kiếm.

Sau khi tố một hồi, tôi yêu cầu anh ta cho tôi một tờ giấy trắng để tôi viết đơn tố cáo việc bắt tôi trái phép, không có lý do. Lâu ngày không viết, tay tôi cứ cứng đờ, viết lóng nga lóng ngóng. Ngay khi viết, tôi nhớ đến chuyện Bùi Hằng khi viết đơn đã nhất định không chịu viết dòng chữ Độc lâp- Tự do – Hạnh phúc, bởi cô ấy không thể viết những gì mà cô ấy thấy không có. Thế nên tôi viết có mỗi dòng đầu tiên trên lá đơn. Cho dù họ có bảo nó không hợp lệ đi chăng nữa thì tôi cũng thừa biết luật lệ đối với họ chả có nghĩa lý gì. Có hợp lệ mà họ không thích thì họ cũng ném vào sọt rác thôi. Nếu không đơn thư của dân họ chẳng còn chỗ đâu mà chứa.

Tôi đưa đơn cho anh ta xong thì cả đôi bên quay ra trò truyện một cách vui vẻ. Chỉ sau vài phút, tôi thấy anh ta là người khá hiểu biết, có vẻ quan tâm đến cả văn học, lịch sử. Những sự kiện và tên tuổi mà anhta nhắc đến chứng tỏ anh ta có đọc ( sâu sắc đến đâu thì tôi chưa kiểm chứng được). Có một lúc tôi thoáng tiếc, rằng người như anh ta mà phải đi làm cái nghề này.
Đang nói chuyện thì có hai người đàn ông mặc đồ dân sự đi vào, yêu cầu kiểm tra điện thoại và máy ảnh của tôi. Tôi quên mất không vặn hỏi họ là ai mà có quyền đòi kiểm tra những thứ trên. Tôi chỉ bảo đây là tài sản cá nhân của tôi, tôi không đồng ý cho họ kiểm tra. Họ bảo thế là chị không hợp tác với chúng tôi rồi. Nghe mà lộn ruột, vậy  các anh bắt tôi là các anh hợp tác với tôi đấy à?

-    Đúng! Tôi tuyên bố là tôi bất hợp tác với các anh. Vì đây là tài sản cá nhân của tôi, kể cả thông tin trong đó cũng là riêng tư, và tôi không đồng ý chia sẻ nó với các anh. Các anh bảo nhỡ có tài liệu gì nguy hiểm trong đó ấy hả? Đó là việc của các anh. Nếu các anh tịch thu thì yêu cầu lập biên bản. Chấm hết!

Hai người đàn ông ngập ngừng một lúc rồi bảo: vâng, thế thì chào chị, rồi cả hai bỏ ra ngoài. Tôi quay ra hỏi anh công an Châu:

-    Thế là thế nào? Sao lại làm việc kiểu như đùa thế nhỉ? Yêu cầu cứ yêu cầu, không được thì thôi! Sao có thể tùy tiện thế? Nếu như tôi không biết quyền của mình mà cứ đưa cho các anh thế, thì hóa ra các anh lừa tôi à?

Cứ cho là anh công an tên Châu kia có hiểu biết mấy đi chăng nữa, thì tôi vẫn đố anh ta trả lời được những câu hỏi từ đầu đến cuối trong cuộc nói chuyện của tôi. Nụ cười “hiền” luôn thường trực trên môi, tạo cảm giác thân thiện (may mà anh ta không có phép thôi miên – he he).

Tôi vừa đói vừa khát. Suốt từ sáng tôi chưa hề ăn uống gì. Không lập được biên bản thì công an Châu lôi cái biên bản xử phạt vi phạm hành chính ra, bảo đây là làm theo thủ tục. Ồ! Các anh cứ việc tự biên tự diễn. Nhưng tôi chỉ tò mò muốn hỏi anh một chút, là anh định ghi trong đó tôi làm cụ thể những gì thế, có bằng chứng không? Lấy trong máy quay của các anh chắc nhiều lắm đấy.

Công an Châu chỉ cười, yêu cầu một chị nhân viên của trại ký làm chứng là tôi không ký biên bản. Sau đó bảo tôi sang làm thủ tục lăn tay. Đương nhiên là tôi bảo tôi chả tự nguyện lăn tay, các anh cưỡng chế thì tôi phải làm thôi. Đến bắt cả người vào đây còn phải chịu nữa là lăn tay, tôi mà chống lại, họ cưỡng chế như Bùi Hằng thì tôi chịu rồi.

Tôi sang phòng lăn tay thì các nhân viên công lực đang ăn trưa. Tôi hỏi sao không để đến chiều thì công an Châu cứ bảo làm cho nó xong. Thế là tôi và công an Châu cứ đứng chờ ngay cạnh đó, cho họ ăn cơm xong rồi quay ra lăn tay. Về đến phòng giam chung, hỏi mọi người tôi mới ớ ra. Hóa ra cái bộ mặt tử tế kia bỗng chốc lộ nguyên hình là một kẻ lừa đảo. Trong số gần 30 chục người chỉ có 8 người bị lừa như tôi, cùng một kiểu lừa là mọi người lăn tay hết rồi, chỉ còn có mỗi anh/chị/cháu/chú nữa thôi, rằng đây chỉ là thủ tục. Một cậu thanh niên cười hi hí, bảo trên quảng cáo có câu:

-     Hãy nói theo cách của bạn,

Vậy bây giờ ta nói:

-     Hãy lừa theo cách của bạn

Tôi cãi:

-     Cô có lừa ai đâu mà bảo vậy. Nếu thế thì phải nói là : Hãy lừa theo cách của công an.
Thảo nào mà công an Châu cứ bảo cố làm cho xong. Nếu chiều mới lăn tay thì ý đồ của kẻ lừa đảo sẽ bị lộ tẩy mất rồi còn gì. Tôi giận mình vẫn còn ngu dốt quá, cố tự an ủi rằng ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
*
(Định viết cho xong mà thấy hơi dài, cố kết thúc lại sợ chưa nói được hết, đành ngắt ra thêm một đoạn nữa vậy. Mong bà con thông cảm giùm)

Phần kết: Mời các bác....giải tán!

Vì rằng mỗi người một kiểu nên kết quả “làm việc” cũng rất đa dạng. Ấn tượng nhất là trường hợp chị Dương Thị Xuân. Chị ấy tuyên bố với công an là chị ấy tuyệt thực. Mà đã tuyệt thực thì không có gì để nói cả. Công an tức mình bảo:

-     Đã ăn gì đâu mà tuyệt thực?

-     Thì tôi đang phải ăn những lời anh đang nói đấy thôi. Vì tôi phản đối các anh bắt người trái phép nên tôi tuyên bố tuyệt thực từ giờ phút này. Đã tuyệt thực rồi thì có gì để mà nói.

Hỏi gì chị ấy cũng không ”cung cấp” thông tin. Thảo nào lúc đang chuyện trò với công an Châu, tôi nghe thấy tiếng tiếng phụ nữ nói rất to, và cả tiếng đàn ông cũng rất gay gắt, rằng thì là chị vào đây tôi phải biết chị là ai chứ.

Hóa ra hồ sơ về chị ấy họ biết rõ như lòng bàn tay từ đời tám hoánh nào rồi. Vì chị ấy là nhà báo tự do, và bị bắt như cơm bữa vì thường xuyên viết bài, vạch ra cái xấu của chính quyền rồi nên chị ấy chả sợ. Ngay cả hồ sơ về tôi chắc họ cũng đã có đầy đủ, nhưng họ cứ hỏi theo thủ tục rất máy móc.

Lần này tôi bắt đầu phản ứng bằng cách không trả lời lần thứ hai cho cùng một câu hỏi. Thậm chí tôi còn phàn nàn là ngành công an các anh làm việc kém quá. Chỉ có một con người, một hồ sơ, lấy thông tin một lần là cập nhật vào máy. Sau này khi cần thì gõ một nhát là ra đầy đủ cả họ hàng nội ngoại ấy chứ. Đằng này người nào vào cũng hỏi, thậm chí có lúc lỡ miệng trả lời rồi mà lát sau lại hỏi lại. Tôi bực mình bảo tôi sẽ không nói lại lần thứ hai. Chẳng lẽ 10 ông vào tôi phải trả lời cả 10 lần à? Thấy tôi kiên quyết thế thì họ đành quay ra hỏi nhau !!!

Rốt cuộc chị Xuân vào đây chỉ làm một cuộc dạo chơi. Không chụp ảnh, không lăn tay như tôi. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên thì nạt khi bị yêu cầu chụp ảnh: chụp cái gì mà chụp? Thế là cũng thôi. Một thằng cháu khác không chịu chụp thì họ bóp cổ, nó lè lưỡi ra trêu ngươi. Tay chụp ảnh nhìn vào sản phẩm đành bảo, thôi ảnh này không lấy được. Thế là cũng thôi. Chuyện cứ như đùa.

Rốt cuộc mình kém hiểu biết hơn cả một thằng bé. Thật xấu hổ quá. Nhưng rồi mọi người cũng an ủi, bảo thôi, biết thế để mà rút kinh nghiệm (Hức! Nói thế là có lần sau nữa đấy). Không việc gì phải ân hận cả. Nó mà bẻ tay, cưỡng chế như mụ Bùi Hằng thì có mà 20 lần lăn tay nó cũng lăn được ấy chứ, kể gì đến một lần này.

Nhưng tham khảo trên mạng tôi mới biết, từ cái dấu lăn tay và chụp ảnh ấy, họ cứ tà tà tự biên tự diễn, lập ra cái hồ sơ để tống anh vào trại cải tạo, mà chả cho anh có cơ hội phản kháng nào. Theo Nghị định 76/2003/NĐ-CP cho phép đưa người vào “Cơ sở giáo dục”  không cần thông qua tòa án, thì điều 3, khoản c còn quy định người nào trong một năm có từ hai lần trở lên có hành vi "gây rối trật tự công cộng" là có thể bị đưa đi cải tạo.

Chính vì nghị định này có khá nhiều những sơ hở, dẫn đến việc lạm quyền tràn lan, gây nên nhiều sự việc oan sai rất đau lòng, mà những cuộc khảo sát của đoàn công tác thuộc Bộ Tư pháp đã thực hiện và công bố.

Câu chuyện của mỗi người kể lại đều rất lý thú và bổ ích, tôi không thể dẫn hết ra đây được vì quá dài. Nhưng tôi sẽ lần lượt đăng các bản tường thuật của mỗi người, để mọi người đọc và tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về quyền con người, hết sức cảnh giác khi làm việc với cơ quan pháp luật, tránh rơi vào những tình huống bất lợi cho bản thân mình.

Nghe mọi người nói, trong khi tôi còn đang “nói chuyện” với công an Châu thì Nga Thuy đã bị đưa lên xe chở về Hà Nam rồi. Cháu gái con cô bạn cũng đã được mẹ bảo lãnh cho ra rồi. Nhưng rốt cuộc cả Nga Thuy và hai mẹ con cô bạn vẫn chưa ai về. Họ đều đang đứng ngoài cổng trại cùng với những người từ Hà Nội sang, ngay từ khi nghe tin chúng tôi bị bắt đưa về đây. Thằng bé Phú cũng được mọi người bế sang đoàn tụ với mẹ.

Chúng tôi mỗi người được phát một hộp cơm và một hộp thức ăn. Cơm khô rông rổng, cứng ơi là cứng. Tôm trắng trợt, còn nguyên râu ria và mặn chát. Thế mà Chí Đức bảo lính ở đây không được ăn ngon như thế đâu. Đây là suất ăn dành cho công an bên thành phố về mới được như thế đấy. Có lẽ đúng thế thật. Đời lính ở đâu chả thế, cũng có khác gì dân đen mấy đâu.

Hóa ra vẫn còn một số người chưa được công an làm việc, chủ yếu là đám thanh niên. Lúc có rất đông công an vào hỏi han gì đó ở nhóm đằng kia, tôi nhác thấy công an Châu trong đó bèn đi đến gọi anh ta. Trước mặt tất cả mọi người, tôi bảo tôi sẽ tố cáo hành vi lừa đảo của anh ta trong việc bắt tôi lăn tay và chụp ảnh. Đây không còn là cá nhân anh ta nữa, mà khi anh ta mặc bộ cảnh phục trên người thì đây rõ ràng là công an lừa dân. Anh ta chỉ cười. Vẫn nụ cười hiền lành như trước. Thú thực tôi thấy tiếc khi phải nói thẳng điều đó trước mặt nhiều người, tiếc mối thiện cảm ban đầu tôi đã dành cho một người mà tôi những tưởng là tử tế.

Lát sau họ lại gọi tôi lên một lần nữa. Một tay mặc thường phục ra hỏi chuyện tôi. Phản ứng của tôi vẫn chẳng khá lên tý nào, đến lúc đó mà vẫn chấp nhận trả lời một người tôi không hề biết tên, làm nghề gì, và tại sao có quyền hỏi tôi. Ngớ ngẩn hơn nữa là anh ta lại định làm biên bản với tôi nữa chứ. Riêng khoản này thì tôi nhớ nên rốt cuộc anh ta lại đứng dậy bảo, xong rồi.
Cái cách làm việc như vậy thật lạ. Tôi đồ rằng tay này là công an Bộ, gọi tôi lên chỉ để hỏi những gì đã hỏi lúc sáng, thậm chí hỏi cả quan hệ giữa tôi với những người quen biết. Khi tôi từ chối trả lời thì lại thôi.

Khoảng hơn 4 rưỡi chiều, nhóm công an quận Hoàn Kiếm kéo cả vào, yêu cầu mọi người tập trung để một người trong bọn họ đứng ra có đôi nhời. Một tay xưng là thay mặt công an quận Hoàn Kiếm, đưa các bác về đây để lập biên bản xử phạt hành chính, về việc các bác làm mất trật tự ở khu vực Hồ Gươm. Đề nghị các bác từ nay chấp hành nghiêm chỉnh các quy định ...bây giờ mời các bác ...(một chút lúng túng)...giải tán!

Tất cả mọi người ồ lên phản ứng. Lại cái trò cũ rích là hùng hổ lôi chúng tôi về đây, giam giữ cho một ngày rồi ẩy ra ngoài đường. Tôi không hiểu nếu chúng tôi nhất định không chịu về thì họ sẽ làm thế nào. Cười nôn ruột về cái câu giải tán của tay công an kia. Cứ như là họp xong rồi đấy ạ, mời các bác giải tán cho.

Bác Nguyễn Anh Dũng đứng lên yêu cầu thứ nhất phải trả chúng tôi về chỗ cũ, thứ hai người của chúng tôi vẫn chưa đủ. Còn một người nữa đâu? Cái ông Việt kiều ấy đâu?

Ai mà tin được chứ? Biết đâu chúng tôi về rồi, lại có chuyện một mình ông này đòi tự tử trong đó thì sao?

Tay đại diện ngắc ngứ không tìm ra câu trả lời rồi cứ thế quay lưng chuồn thẳng. Mặc cho chúng tôi phản đối, bọn họ kéo nhau chuồn hết vào khu làm việc, để mặc cho nhóm lính canh chặn chúng tôi lại ở cửa. Lúc đầu thì chặn bằng người, sau thì đóng cửa lại.
 Lúc trước thì ba bốn chú lính kéo ghế ngồi án ngữ ở đây. Giờ thì đóng vội cửa.

Ra chụp ảnh thoải mái

Cánh cửa bên kia gian nhà đã để ngỏ, ra điều mời các bác cứ tự nhiên giải tán. Tôi đi qua cửa, ngó ra tận cổng trại, thấy cánh cổng đã hé mở mời mọc. Nhưng chắc họ không dám mở to vì còn sợ nhóm ở ngoài đang đợi.

Trời rất oi bức. Chúng tôi rất sốt ruột, thương những người vì chúng tôi mà vạ vật ở bên ngoài kia suốt từ sáng tới giờ, không có chỗ ngồi, không có chỗ che nắng, ăn uống tạm bợ chứ đâu được như chúng tôi.

Tôi quên không nói đến việc họ đã thả cụ Đức, và ngay sau đó cụ bắt taxi sang Lộc Hà với chúng tôi. Tôi đã từng ở cả trong hai tâm trạng là người bị bắt và người ở bên ngoài. Thực ra người bị bắt đã chấp nhận tình thế của mình rồi, nhưng người bên ngoài thì vô cùng lo lắng, vì không đoán biết được chuyện gì xảy ra. Họ không bao giờ bỏ mặc người bị bắt ở bên trong. Chả thế hồi tôi bị bắt qua đêm, những người ở ngoài đã lang thang đến tận 2 giờ sáng để ngóng tin.

Khi biết chúng tôi không chịu ra, cổng trại lại đóng lại. Tôi đi tới sát cánh cổng, nhìn thấy cái ống quần lụa đen thì đoán là bà Đức bèn gọi ầm lên. Chỉ có mỗi cái khe hở cao khoảng 30 cm ở đoạn chấn song phía dưới. hai cô cháu tôi cúi xuống nhòm nhau qua đó, thò tay qua chấn song nắm lấy tay nhau í ới hỏi thăm tình hình. Xem ra cái cảnh đó nó tố cáo sự nhẫn tâm của họ quá nên mấy cậu lính gác ra cản tôi, bảo nếu tôi ra thì các cậu ấy sẽ cho ra chứ không được đứng đây.
 Mời các bác...giải tán! Chả còn ma nào canh nữa.

Tôi lại quay trở vào với mọi người. Hai ba lần chúng tôi thúc ép họ trả lời về người cuối cùng chưa được thả ra. Đám lính canh năn nỉ chúng tôi về không được đành đứng chờ cùng. Công an quận Hoàn Kiếm thì từng tốp lần lượt lên ô tô con rời khỏi trại, bỏ mặc các nạn nhân với đám lính canh. Mỗi lần thấy họ lên xe là chúng tôi lại nhìn theo giễu cợt: chuồn rồi đấy! Đúng là hèn thế. Bây giờ tôi mới chợt nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng tôi kiên quyết chặn xe họ lại, yêu cầu trở chúng tôi về chỗ cũ? Xem ra dân mình vẫn lành quá.

Đến hơn 6 giờ chiều mới thấy ông Việt kiều lờ đờ đi ra. Mọi người ồ lên, đi lại đón ông ta, hỏi thăm tình hình. Trông ông ta vô cùng mệt mỏi, nói rằng cả ngày ông ta chưa ăn uống gì nên đang rất mệt. Họ đã thu giữ một số đồ của ông ta như laptop, máy ảnh...mà không hề lập biên bản. Ông ta chỉ có một tờ giấy viết tay hẹn ngày mai làm việc.

Đằng nào cũng chỉ còn lính canh. Biết thừa bọn họ chơi bài cùn như mọi khi nên tất cả kéo nhau ra cổng. Cánh cổng mở ra, người bên trong và bên ngoai cánh cổng ùa vào lòng nhau. Quen rồi nên không ai khóc nữa, chỉ là bắt tay bắt chân, hỏi han ồn ào khắp cả cổng trại. Tôi lần lượt ôm lấy chị Hiền Giang, em Hạnh. Xung quanh vẫn là những gương mặt quen thuộc, luôn kề vai sát cánh bên nhau trong những lúc hoạn nạn như thế này.

Có người sực nhớ, hỏi ông Việt kiều sao để bị thu đồ mà không yêu cầu lập biên bản. Lại lộn trở lại tranh cãi gì đó trong sân. Tôi mải nói chuyện bên ngoài, một lát thấy cánh cổng đóng lại tự lúc nào. Bên trong bên ngoài quân ta đều có cả. Thỉnh thoảng lại một người lách ra, lách vào qua cánh cổng phụ, hoặc hai bên nhòm nhau qua cái khe dưới cánh cổng sắt nom rất tức cười.

Sau rốt rồi tất cả cũng kéo nhau ra về, khi thống nhất là ông Việt kiều ngày mai cứ theo cái giấy hẹn mà đến làm việc. Nếu có khó khăn gì thì liên hệ ngay với mọi người để còn biết đường hỗ trợ.


Trước khi về, các bạn trẻ lại giăng khẩu hiệu và cờ ra hô đả đảo một chập. Người, xe đi qua nhòm nhòm, bị các anh công an vẫy lia lịa bắt đi mau. Bên kia đường mấy cái camera lại chĩa về phía chúng tôi. Lốc gơ Lê Dũng vác Ipad sang tận nơi đấu lại, phỏng vấn một người đàn ông đang đứng cạnh gã quay phim về việc bắt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Chỉ nhớ sau khi nói một câu gì đó rất nặng nề khiến gã trai phải quay sang nhìn bác ta, bác ấy nói tiếp: nhận thức của bọn này chỉ ngang tầm bát cơm thôi. Ái chà! người dân ở vùng quê bây giờ nghĩ và nói công khai như thế đấy.

Tôi lúc này mới thấm mệt và lo cho bố nên vội vã cùng mấy chị em bắt xe buýt về trước. Sau khi tắm xong, uống một cốc sữa tươi to vẫn chưa đã khát, làm thêm gần một chai bia nữa khiến mặt mũi đỏ tưng bừng. Vào mạng xem tin tức một hồi xong rồi lăn quay ra ngủ, không còn biết giời đất gì nữa.

Trích một đoạn do chị Hiền Giang kể chuyện ngày 5/8/2012

“Trong lúc đang bị hai an ninh người xô đẩy người lôi kéo về phía xe bus, tôi nghe tiếng trẻ con khóc thất thanh. Nghĩ ngay đến cu Phú, tôi hét to lên:

- Cháu bé bị lạc mẹ rồi! Phú ơi, bác đây

Tôi lấy hết sức giằng ra khỏi những bàn tay đang túm lấy tôi. Có lẽ vì câu thét gọi cu Phú của tôi mà mấy người an ninh kia có vẻ nới lỏng tay, tôi thoát ra được và chen về chỗ có tiếng khóc của cu Phú, lúc đó đã thấy một cậu thanh niên mặc áo xanh tình nguyện đang ôm cháu. Cậu thanh niên đó nói mẹ nó vừa bị bắt lên xe rồi. Tôi xin được giữ cháu thì cậu thanh niên đó nhất định không chịu trao cho tôi và nói để cháu mang nó lên xe bus với mẹ nó. Tôi theo sát đến cửa xe bus thì an ninh gạt ra, không cho cậu này mang cháu Phú lên xe.

Tôi khó khăn lắm mới thuyết phục được cậu thanh niên tình nguyện này trao cu Phú cho tôi. Thì ra cậu thanh niên tình nguyện này cũng đang bảo vệ cu Phú. Tôi bế cu Phú đi được một đoạn thì gặp Trương Ba Không. tôi biết cậu này vì mấy lần biểu tình trước cậu là người đẩy xe lăn cho cụ Lê Hiền Đức.

Khi bế cu Phú sang đường, thấy một chiếc xe bus đi qua, thằng bé nói “Bác ơi! Xe bắt người yêu nước”!

Nghe câu nói đó từ miệng của đứa trẻ con mới 3 tuổi đầu mà lòng tôi đau đớn quá. Ôi đất nước tôi làm sao đến nông nỗi này kia chứ.

Tôi và Trương Ba Không gọi điện hỏi han người quen, mới biết xe bus chở mẹ cu Phú cùng những người bị bắt đang đi qua cầu Đuống. Chúng tôi đoán là xe sẽ sang trại Lộc Hà, vì mùa hè năm ngoái đã có lần người ta đã bắt những người biểu tình sang bên đó. Ruột gan tôi như có lửa đốt. Tôi và mấy người nữa là bạn bè, người thân của những người bị bắt cùng đưa cháu Phú lên đường sang trại Lộc Hà, để tiếp tục cuộc đấu tranh đòi thả người.”   

P.B.

Nguồn: chimkiwi.blogspot.ca


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More