Thanh thản nhìn lại, ngời ngời gió trăng.

Bảo Nam 
Tác giả gửi đến DienDanCTM

Tôi đi bộ đội được 6 năm, phúc tổ bảy đời không bỏ xác ở chiến trường, cũng khộng bị bom đạn dính da, chỉ bị sức ép. Xuất ngũ về quê, nhà nghèo, tôi tự thân vận động, mở cái nghề thủ công kiếm đồng ra, đồng vào. Thời gian đạm bạc trôi qua làm tôi chán ngấy . Tôi bỏ nghề, lao vào viết văn, làm thơ. Nhưng lại giật mình khi nghĩ đến các nhà thơ Việt Nam đang te tua, xơ xác “Con ơi thi sĩ đừng theo. Nó giàu chín phút, nó nghèo chín năm”. Hoặc “Trái tim anh như ngôi nhà không cửa, gió em vào, nếu chán gió cứ ra”. Mà thêm nữa, mình có tài cán chi bằng họ mà lao vào “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Tôi trở lại nghề thủ công…

Nước VN lúc đó đang ôm nặng chế độ bao cấp.  Tiền bạc đóng góp của dân nhà nước lấy đó để XD-XHCN và nuôi hàng ngũ cán bộ, còn dân thì khốn khổ đủ bề. Tất cả mọi thứ chính phủ
đều quản lý, từ dầu đèn hạt, lương thực, vật liệu xây dựng, rồi thịt cá, vải vóc…Ai oa trữ, sử dụng đều vi phạm pháp luật. Nhiễu nhương, đói nghèo, oan khiên, bất công xẩy ra. Đúng lúc căn bệnh của chế độ “ Mo cơm quả cà, tấm lòng cọng sản chúng ta tiến lên XHCN” thì ông TBT, Nguyễn Văn Linh chủ trương đột phá vào “Những việc cần làm ngay”. Được mở cửa, báo chí, truyền thông vào cuộc, nhiều chuyện nóng bỏng bị bưng bít  từ Bắc, chí Nam được phanh phui. 

Tôi lại bỏ nghề cơm áo hàng ngày, không viết văn, làm thơ mà lao vào viết báo. Thật là có duyên, bài báo đầu tiên tôi phanh phui là một vụ oan khiên tày trời mà từ địa phương đến trung ương đã khép kín, nỗi oan chỉ còn là “Con kiến mà kiện củ khoai”. 

Tôi được tòa soạn báo nọ trân trọng, bạn đọc cả nước biết đến khen ngợi, bài báo được xuất bản ra nước ngoài, có cả ảnh tác giả. Tiếp đó tôi viết phóng sự dài kỳ, lại được khen ngợi, đặc biệt là ông tổng biên tập là nhà văn, nhà thơ quý mến lắm. Tiếp theo nhiều bài báo của tôi được đăng tải, toàn là đề tài chống tiêu cực. Tờ báo có phần đóng góp nhỏ của tôi xuất bản tăng vọt. 

Một lần vợ tôi nuôi con lợn, gần hết năm rồi mà nó cũng chỉ nặng không dưới 30 ký, lại đổ bệnh dịch, tiêm mấy cũng không khỏi. Vợ tôi khóc vì tiếc của, tôi động viên mấy thị cũng không nín lặng. Tôi thuê người mổ lợn đem ra chợ bán để vớt vát. Đúng lúc này thì có một quan tỉnh đến thăm nhà. Tôi đặt nhiều câu hỏi “ Tại sao một quan chức to lớn đi đến đâu cũng có bảo vệ, cũng có khẩu hiệu nhiệt liệt chào mừng…lại đến một nhà phó thường dân?”. Và tôi nhận định không sai, đó là vì bài phóng sự đang gây chấn động dự luận, làm mất mặt các cơ quan công quyền của cả tỉnh. 

Thịt lợn vừa bán vừa cho vẫn chưa hết, vợ tôi chạy ra chợ tru tréo như cháy nhà “ Anh về nhà đi, có ông cán bộ gì trên tỉnh to lắm đến hỏi thăm, xe cộ, dân làng đến xem chật nhà”. 

Tôi về nhà liền. Đang tay dao, tay thớt tôi chào tất cả. Ông cán bộ nọ, cười mà lông mày nhíu lại, giới thiệu “Tôi là phó bí thư tỉnh ủy, đọc mấy bài báo… đến thăm anh thôi”. Lúc đó có chén rượu, tôi ném dao thớt đánh bạch vào góc nhà rồi “Cảm ơn nhé. Chả là có con lợn mới chết… vì tôi làm thịt bán (may tôi kịp thêm tiếng vì sau tiếng chết không thì thật khiếm nhã), có đồ mồi các anh cùng ăn cơm cho vui. Có ai đó bịt miệng cười, tiếng phì phì bắn ra như rắn hổ mang đang tấn công đối thủ. 

Chút kỷ niệm đầu tiên trong đời làm báo thật thú vị, sau này nghĩ lại thấy mình cũng oai ra phết. Tôi có cơ sở oai là vì ông tổng biên tập viết thư, cả nói chuyện trực tiếp “Chú nổi tiếng cả nước rồi đấy, hàng triệu bạn đọc đang theo dõi hậu vụ oan trái này, nếu có dấu hiệu gì không bình thường thì báo ngay cho tòa  soạn”. Nhiều PV các báo tìm đến nhà tôi khen ngợi và khen tôi liều. 

Nói đến liều, một lần đến một tỉnh miền núi nọ, có tay VKS rỉ tai : huyện này có một chuyện công an đánh thương binh sau đó đền bù, xin lỗi rồi. Tôi lần theo chỉ dẫn, gặp gỡ nạn nhân lấy tư liệu, chụp ảnh. Về nhà trong đêm, tôi ngồi vào máy viết bài liền. Viết xong, tôi ra quán tự thưởng cho mình một chén rượu, một bát phở. 

Bỗng chuông điện thoại réo “ Chú mới đi trên huyện đó về ạ, cho bác xin bài đó đi nha.” Thì ra GĐ Sở công an. Tuy nhiên chỉ hai ngày sau hai tờ báo lớn đã đăng bài và ảnh nói về vụ công an đánh anh thương binh vô cớ. Câu chuyện này một tay PV “cáo” biết trợn mắt nhìn tôi như người từ trên trời rơi xuống nói “ Chưa có nhà báo nào liều lĩnh như anh”. Tôi cũng cười “ Bao nhiêu năm ở chiến trường bom đạn phải sợ tránh ra, giữa hòa bình không có ma quỷ nào bắt mình đâu, số mình cao lắm”. Nói thế chứ lắm khi nghĩ lại cũng nơm nớp, mình là cái thá gì, chúng thì chức quyền, đủ trò ma chước, giết mình thiếu gì cách. 

Biết là thế nhưng sự đời như đã trói vào từng số phận theo từng tính cách. Và cứ thế tôi “ giữa đường thấy chuyện bình chẳng tha” càng dính đến quan lớn càng thích. Chả thế mà nhiều tay nhà báo kỳ cựu bảo tôi “ Ông mà đi đến cơ quan nào là nơi đó lo, cảnh giác”. Không biết có thật thế không, còn tôi nghiệm ra một điều, các ông quan đều có tật giật mình, bằng mặt mà không bằng lòng. Chỉ có dưới văn nghệ sỹ thực thụ lại thích tôi. Họ bảo “Ông đã làm được một điều rất hữu ích cho dân, ít ai làm được như  thế”. 

Tôi được tòa soạn báo nọ cấp thẻ nhà báo, giấy công lệnh, giấy giới thiệu đi làm báo khắp nơi, từ Nam, chí Bắc. Đam mê, tôi vác túi đi hai tuần, một tháng. Lúc vào Sài Gòn, khi lên cao nguyên Đắc Lắc, lúc đến Huế, lúc đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên…Khi về đến nhà lại ngồi vào viết. Bây giờ nghĩ lại, thương bà vợ quá, chỉ bán nước chè xanh, bánh đúc nuôi đàn con nhỏ dại leo lắt qua ngày qua tháng. 

Cách đây 10 năm vợ tôi đột quỵ chết vì lao khổ, và chắc có phần tôi đam mê nghề báo bỏ mặc kinh tế gia đình. Cũng từ khi vợ chết tôi nghiệm ra một điều, chẳng phải “ơn đảng ơn chính phủ mới có cơm no áo ấm”, mình không biết tích góp, không lao động hộc máu mồm ra thì chỉ có chết đói. Nói theo thơ của Thạch Qùy “ Nghe chim hót chớ nghe mê mải quá”. Giá như thời gian quay ngược lại để tôi chuộc lỗi lầm với vợ “Mải mê trên đường công danh mãi. Sự đời nghĩ kỹ cũng buồn tênh. Chi bằng quay về vườn ruộng cũ. Vợ xới trồng hoa, chồng bên vợ. Kim điền vườn ruộng rủ màu xanh. Đêm khuya chồng gối lên tay vợ. Để nghe ngân nga khúc tự tình”. Tất cả đều muộn cả rồi. Bao giờ cho có ngày xưa. Trót mang cái kiếp vào thân, tôi nuôi mấy đứa nhỏ học hành. Vừa làm cha, làm mẹ, vừa làm bạn… và cả làm đầy tớ chúng để chuộc tội với vợ. 

Bây giờ con cái đứa có gia đình, đứa dang dở, đứa làm việc xa. Tôi thành thằng “thanh niên lâu năm” sống một mình. Bỏ qua cái tôi tầm thường tôi trở về bản ngã chính mình. Không phải tìm về sự nổi tiếng, mà vì cuộc đời còn bao sự trớ trêu “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Hoặc nhiều vụ oan khuất bị bưng bít, nhiều quan tham nhũng xuất hiện, nhiều vụ cướp đất của dân trắng trợn. Không ít những bài báo của tôi đầy công phu, tốn kém nhưng báo đảng không thể đăng tải được. Cũng dễ hiểu thôi, người ta đang cần thật nhiều bài báo ca ngợi quê hương đổi mới, nhân tố tích cực, đại loại ơn đảng ơn chính phủ. Còn viết quan nọ, cán bộ kia cướp đất, tham nhũng, hiếp dâm…thì đừng viết mất công. Có thằng bạn chân tình khuyên tôi “tập viết khen ngợi đi, có miếng ăn, có miếng mang về, thêm bạn bớt thù”. Tôi cười cười “tao không giỏi được như chúng mày”. 

Rồi tôi cũng được tờ báo nọ tin cậy. Hàng loạt bài dưới nhiều thể loại chống tiêu cực từ đây ra đời. Tôi như tìm được minh chủ, dốc lòng, dốc sức, đi, viết hết mình. Rồi “minh chủ” của tôi bị quy chụp, báo lá cải “có vấn đề” bắt ngừng xuất bản. Còn tôi lại nghĩ chẳng có vấn đề gì ngoài chuyện tờ báo này không có bài ca ngợi, mà ngược lại toàn viết tiêu cực động đến chín tầng mây. Anh Dương Xuân  Nam (nhà thơ, nhà văn Dương Kỳ Anh) nguyên TBT báo Tiền phong, trong mục “Nghĩ mở, nói thẳng” chương trình VT2, phát biểu : Không có báo lá cải, mà tất cả là báo chính thống, báo nhà nước. Mỗi tờ báo có một cách khai thác riêng đến với bạn đọc. Có báo thì toàn đưa tin về các vụ hiếp, cướp, có báo thì ca ngợi nọ kia, nhưng hầu như chưa có báo nào nói đến tầm, tâm các sự kiện lớn của đất nước, như vấn đề tham nhũng, kinh tế, vấn đề biển đông…

Anh nói ít, không ồn ào vì tính anh vốn hiền lành nhân hậu, nhưng ai đó tinh tế dễ nhận ra phía trong sâu thăm của lòng anh đang ào như thác đổ về nhân tình thái thế. Anh về hưu nhưng không nghỉ ngơi chút nào, thể hiện trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ vào các trang viết thâu đêm, suốt ngày trước  vận hội của đất nước, của nhân dân. Trong 20 năm anh làm TBT, tôi thật may mắn được gần , được anh bày vẽ. Nhưng chuyến tàu nào rồi cũng đến lúc tới ga phải xuống. Tôi xa anh như xa một người thân yêu nhất. Con thuyền đơn lẻ tôi giữa đại dương lại phải đốt lòng làm ánh sáng tìm bến bờ lý tưởng. 

Báo chính thống tôi đọc nhiều, nhưng không tìm gì được ở đó, nhàm chán và sáo rỗng, rặt tuyên truyền. Không thế mà hầu hết các quan chức trên bàn làm việc báo đảng đặt ngay ngắn từng  chồng đó mà hỏi một mục nhỏ trong báo cũng không biết. Có nhà báo tổng kết : Ta viết báo cho ta đọc và đối tượng được nêu, cả tiêu cực lẫn tích cực, còn đại đa số không ai đọc. 

Tôi tìm đến các blog, như Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Xuân Diện, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Quang Lập, đặc biệt là diễn đàn CTM… tôi đọc say sưa. Và rồi tôi chợt nhớ đến bài thơ của nhà thơ Việt Phương “ Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” trong tập thơ “Cửa mở” xuất bản 1970,  mà bây giờ đọc lại vẫn như thấy ròng ròng máu chảy, xin được trích ra đây để bạn đọc cùng suy ngẫm. 
“Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa. 
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương. 
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa. 
Mạc tư khoa còn hơn cả thiên đường. 
Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ. 
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. 
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ ngệch làm sao. 
Một phần tư thế kỷ đã qua đi và có lẽ bây giờ ta đã biết. 
Thế nào là yêu thương, thế nào là chém giết. 
Ta đã thấy những chỗ lõm, những chỗ lồi trên mặt trăng sao. 
Những vệt bùn trên đỉnh chín tầng cao…
Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa. 
Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách. 
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta. 
Ta đã có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh. 
“Tất cả  những gì xấu xa của tao là thuộc về mày. 
Tất cả những gì tốt đẹp của mày đã thuộc về tao”…
Mở đài địch như mở toang cánh cửa. 
Nghe nó chửi mà tin ở ngày mai”…

Như đã nói, hơn 52 năm rồi mà tính thời sự của bài thơ vẫn ròng ròng máu chảy. Bao giờ thì không còn máu chảy? Câu hỏi này không khó đối những công dân Việt thực sự yêu quê hương, tổ quốc khi biển Đông đang bị Trung Quốc càng ngày càng trắng trợn lấn chiếm. Tại sao chúng lại trắng trợn, người dân Việt biết nên phải xuống đường “Quyết hy sinh chứ không chịu làm nô lệ, không để mất nước”. Còn phía “Chín tầng cao” thì sao!? Tại sao lại không cho yêu nước bằng biểu tình ? Chẳng lẽ cứ nghe những lời kiểu ông Nguyễn Thế Thảo CT- UBND Hà Nội “ Việc biển Đông đã có đảng và nhà nước lo”. Lo ra sao, lo gì mà bí mật đến cả chuyện đại sự như thế mà dân không biết. Đâu rồi những mỹ từ “Dân biết, dân bàn, dân làm”. Gía như cuộc chiến tranh chống Mỹ mà ông Thảo nói câu trên chắc làm sao hàng triệu thanh niên ra trận hy sinh để có hòa bình hôm nay?

Mà thôi chuyện chính trị chốn hậu cung còn bao bí ẩn, điều gì xẩy ra sẽ xẩy ra, lịch sử sẽ phán xét. Tôi trở về với cái tôi bé nhỏ để làm bổn phận một công dân. Một nhà phê bình văn học đã viết : Cả một đời thực, một đời mộng nao nao trong cõi hồn ta, chưa bao giờ ta lấy quá khứ để làm điểm tựa cho tương lai bằng lúc này đây. Đi qua gần hết một đời người tôi vẫn bơ vơ, đơn độc không nơi nương tựa. Tôi định ngủ một giấc thật dài vô tận, nhưng biển Đông đang dậy sóng, tôi không thể lẫn tránh vào cát bụi để giặc trong, giặc ngoài cướp nước. Bầu máu nóng của thời trai trẻ cầm súng ra trận lại bừng lên trong tôi. Tôi chỉ là hạt cát, chúng ta đều là hạt cát. Hạt cát tinh khôi trắng trong của triệu năm sóng biển tẩy rửa giữa bãi cát mênh mông lấp lóa nắng vàng, không cho bất cứ một kẻ nào dơ bẩn dày xéo. Để rồi trước khi ta hóa thân vào đất vào nước thanh thản nhìn lại, ngời ngời gió trăng.

Bảo Nam

1 comments:

Cam on tac gia Bao-Nam, nguoi dang dung trong hang ngu dau tranh cho dan chu-nhan quyen tren que huong Viet-nam. Da co rat nhieu nhung nguoi "dong chi" cua Bao-Nam, da khong co du kien nhan cho doi thanh qua doi moi, ma DCS VN hua hen mang lai cho nhan dan. Ho dang lang than khap troi Au gia lanh, de muu tim doi song tot cho chinh gia dinh cua ho, con khi nhac nho toi DCS VN, ho the hien thai do "deo them choi voi hui".
Bao-Nam dang xong pha trong bao tap cua cuoc chien, gianh quyen song, quyen lam nguoi that su cho dong bao tren que huong Viet-nam. Xin gui loi chao Bao-Nam, mong duoc don nhan nhieu bai viet cua ban.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More