Tòa tỉnh An Giang xử phúc thẩm y án tín đồ PGHH Bùi Văn Thâm

DienDanCTM

Anh Bùi Văn Thâm bị xử 2 năm rưỡi tù
trong vụ đàn áp PGHH An Giang
Sáng ngày 23-11-2012, tòa án CSVN tỉnh An Giang mở phiên xử phúc thẩm anh Bùi Văn Thâm, bị bắt trong vụ đàn áp tín ngưỡng Phật Giáo Hòa Hảo hồi tháng 7-2012 vừa qua, và sau 2 giờ xét  xử đã kêu y án cho tín đồ phật giáo này.

Anh Bùi Văn Thâm  bị gán cho tội "chống người thi hành công vụ" trong phiên xử diễn ra không có luật sư biện hộ. Theo gia đình, trước đó khi mời luật sư biện hộ, vị luật sư cho biết anh Thâm "phải nhận tội thì ông mới tham gia bào chữa được" và đòi đến 8 triệu đồng chi phí nên gia đình đã từ chối.  Vì "mình nhận tội rồi thì mướn luật sư làm gì nữa. Mướn cãi là vì mình không có tội mà...", người thân anh Thâm cho biết như thế, và chính anh Thâm luôn nói mình không có tội gì cả.


Trước phiên tòa phúc thẩm, do thẩm phán Huỳnh Văn Hòa ngồi xử, khi tòa đọc bản buộc tội anh Thâm là lấy đá chọi công an, "chống người thi hành công vụ" mà không đưa ra nhân chứng vật chứng gì cả, anh Thâm đã không nhận và cho rằng tòa đã xử ép không đúng. Nhưng tòa đã nạt nộ không cho nói tiếp vì cho rằng "tòa án nhân dân người ta xử  mà không đúng là gì? người ta làm theo pháp luật mà không đúng à...?". Sau đó tòa quyết định giữ y án.

Được biết sự việc xảy ra trong ngày giỗ ở gia đình tín đồ PGHH  Bùi Văn Trung, thân phụ anh Bùi Văn Thâm, khi công an ra lênh cúp điện sau nhiếu lần sách nhiễu, đe dọa và cô lập vì chuyện lập Đạo Tràng Niệm Phật tại tư gia của cư sĩ Phật giáo Hòa hảo Bùi Văn Trung.

Cảnh CA đàn áp gia đình cư sĩ PGHH Bùi Văn Trung
Theo lời kễ của chị Bùi Thị Diễm Thúy, chi của anh Thâm, khi công an và điện lực đòi cắt điện, gia đình không đồng ý, vì tiền điện trả đầy đủ. Tuy nhiên công an vẫn xúc tiến trước phản ứng quyết liệt của gia đình ông Trung. Gia đình xúm lại ngăn chận không cho cắt, nói là cuộc sống của gia đình và đã trả tiền đầy đủ. Nhưng CA tăng thêm phương tiện đàn áp,  lực lượng có cả xe cứu hỏa cùng với  hàng trăm xã hội đen. Bọn chúng phá hạ đèn giăng treo ngoài cổng, dùng đá và củi chọi vào nhà làm bể cả ảnh của đức thầy Huỳnh Giáo Chủ. 

Sau đó ngày 16-7-2012, anh Bùi Văn Thâm bị chận bắt trên đường đi bỏ mối bán giá sống, và đem giam biệt tích, thân nhân chẳng ai biết con em của mình tội gì, nhốt ở đâu. Đến ngày 30-10 vừa qua, cư sị PGHH  Bùi Văn Trung trên đường đi đám về ông ghé thăm đồng đạo thì lại bị bắt cóc trên đường giam cho tới nay.

Trong phiên toà xử sơ thẩm anh Bùi Văn Thâm hôm 21-9-2012, nhà cầm quyền đã kêu án 2 năm rưỡi tù giam cho anh. Riêng cha anh, ông Bùi Văn Trung có tin là  công an đã chuyển xuống tỉnh  An Giang để chờ điều tra và xét xử.

* Dưới đây là bài nhận định của Kiều Lê về vụ án sơ thẩm xử anh Bùi Văn Thâm hồi tháng 9 vừa qua

GIẤY BÁO BÙI VĂN THÂM RA TÒA

Đổ công gần 2 tháng, từ 26 tháng 7 năm 2012 đến 21/9/2012, tốn quá nhiều đầu lương, công tác phí, từ công an, an ninh điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân, trại tạm giam công an huyện An Phú, trại tạm giam công an tỉnh An Giang, bày đủ những chứng cớ gian xảo, giả trá và với quyền lực hiện có, họ cố tình đưa một người không có tội ra tòa. Chỉ vì anh ta là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tu theo lời dạy của Đức Thầy, không theo Ban Trị Sự giáo hội do nhà cầm quyền Cộng sản dàn dựng.

         Từ ngày Bùi Văn Thâm bị chận bắt 26/7/2012 trên đường đi bỏ mối bán giá sống, đem giam biệt tích, thân nhân chẳng ai biết con em của mình tội gì, nhốt ở đâu, còn sống hay đã bị hại chết. Cho đến chiều ngày 19/9/2012, thân nhân của Bùi văn Thâm mới nhận được giấy báo của tòa án huyện An Phú gọi đến dự phiên tòa tại tòa án nhân dân huyện nhà vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 21/9/2012. Suốt thời gian Bùi Văn Thâm bị bắt giam, thân mẫu của Ông nhiều lần đến chánh quyền, công an xin được gặp Ông theo qui định của luật pháp đều bị đuổi về.

         Nay nhận được giấy báo phiên xét xử vào ngày 21 tới đối với Bùi Văn Thâm. Thời gian cho hay chỉ trước một ngày nhưng sự gấp gáp ấy không đủ để thân nhân của Thâm từ chối cuộc xin thăm gặp vì lý do sức khoẻ, giờ giấc. Một đêm trông Trời mau sáng, Anh Chị Em ruột của Thâm đến trại tạm giam công an tỉnh An Giang vào sáng ngày 20/9, xin cán bộ nhà giam cho thăm gặp để xác định lại ngày xét xử của anh em mình là sự thật. Đưa đơn xin thăm gặp bằng chữ viết tay, có đóng dấu ký tên xác nhận của công an xã Phước Hưng, nhưng tên quản ngục tỉnh An Giang làm khó không chịu chữ viết, kêu đi mua cuốn sổ mẫu chữ in. Bùi Thị Thúy chị ruột của Bùi Văn Thâm mừng rỡ vội đi mua cuốn sổ đem trình tên quản ngục, Ông ta cho thêm sự rắc rối khác, sai bà Bùi Thị Thúy về xin công an địa phương ký xác nhận, Thúy phải một phen vượt khó qua con đường rất dài xa từ trung tâm tỉnh An Giang về đến xã Phước Hưng gần biên thùy Miên Việt để xin chữ ký xác nhận hộ khẩu gốc tại công an địa phương. Thời gian gấp rút mà công việc phải giải quyết trong ngày, đời không có ngày mai cho mình lựa chọn… đói bụng cũng không dám ngừng lại mua ăn, trên đường lúc nào cũng vội vàng, hối hả. Trở về trại giam công an tỉnh An Giang là rớt qua buổi chiều ngày 20, đưa sổ thăm nuôi cho tên gác ngục, như có sự thông qua từ hội đồng quản ngục, sổ thăm gặp bị bác ra vì không có chữ ký của công an huyện An Phú, hỡi Trời ơi!

         Bùi Thị Thúy khóc, khóc và khóc, giọng mếu máo mà cố nói cho hết ra đặng nữa đỡ đau tim phổi:

         Các anh đùa giỡn trên sự đau khổ của cả gia đình chúng tôi. Từ ngày em tôi bị bắt đến nay chúng tôi có đến trại giam đưa đơn nhiều lần xin thăm gặp em tôi các anh đều trả lời giống nhau: Chưa kết thúc hồ sơ vụ án thì ở đây không giải quyết việc thăm gặp cho bất cứ một ai. Nhưng nay đã kết thúc hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận được giấy lệnh của tòa, cuộc xét xử em tôi vào sáng ngày 21. Nay là 20, đúng theo quy định ngày thăm gặp, đã lâu không gặp nhớ thương em là chuyện đã đành, thêm vào đó tôi cũng muốn gặp em tôi để xác định có đúng ngày mai là ngày nó ra tòa hay không. Yêu cầu này không quá đáng để làm cho các anh giận mà trêu chọc tôi cho bỏ ghét. Nếu không cho thăm gặp thì các anh cứ nói đặng chúng tôi không uổng công theo đuổi, còn đày đọa tôi đi lên đi xuống từ đây đến gần biên giới Cam-Pu-Chia đâu phải là ít. Tôi đã nhịn ăn từ sáng đến giờ để chạy cho đủ cái thủ tục thăm gặp mà giờ té ra là tôi bị các anh gạt chơi cho thỏa. Các anh không còn tình người! Các anh không còn tình người!

         Bà Bùi Thị Thúy lớn tiếng như thế, tên giữ cửa ngục thấy nghe từng tiếng khóc và những giọt nước mắt đầy ấm ức làm anh sợ đến thấm lòng vội bỏ đi. Bùi Thị Thúy khóc lớn tiếng hơn.

         Chưa biết Cục Quản Lý Trại Giam đưa ra quy chế thế nào về việc thăm gặp của bị cáo với thân nhân họ, nhưng lâu nay, người dân bị đi tù xa, từ tỉnh An Giang đến trại giam Z30A Xuân Lộc Đồng Nai hay trại Thủ Đức Hàm Tân cách qua nhiều tỉnh từ miền Tây ra miền Đông thì theo thông lệ cũng chỉ đưa đơn xin thăm gặp từ công an xã ký là đủ thủ tục. Nay công dân ở xã Phước Hưng, huyện An Phú còn nằm trong tỉnh nhà mà việc thăm gặp thân nhân bị giam giữ, hội đồng quản ngục tỉnh An Giang đòi phải có sự cho phép của công an huyện nữa là sao?

         Giấy quyết định của tòa án nhân dân huyện An Phú, xử sơ thẩm Bùi Văn Thâm vào sáng ngày 21/9/2012, cho phép 2 người anh em của bị cáo là Bùi Văn Thẳm và Bùi Văn Tình đến dự phiên tòa còn mẹ của bị cáo là bà Lê Thị Hên không được tòa cho phép. Việc này đã đánh động lương tâm của bà con trong xóm, không ngớt bàn tán: nếu như Thâm là con trai của mẹ đã có vợ và ở gia đình riêng thì có thể quyền hầu tòa là của vợ cũng được, nhưng người mẹ, luật pháp cũng không nên đối xử một cách tàn nhẫn tình mẫu tử thiêng liêng của người ta. Thâm là con trai mới lớn lên, tự nguyện độc thân tu niệm để không bận bịu cảnh thê nhi ràng buộc mà trải thân giúp đời gìn đạo. Thâm chưa lập hôn thì quyền bảo hộ phải là quyền của cha mẹ. Từ sau ngày Thâm bị bắt, tất cả những đơn từ phép tắc đều do bà Hên ký tên, sao đến lúc xử án con trai bà, tòa án lại hà khắc bắt bà không có trách nhiệm gì với con đẻ của mình.

         Nhưng bà vẫn đi đến cổng tòa án, tranh đấu quyết liệt với cả một đội quan chức gác cổng, bà cứng rắn qua một khoảng thời gian dài, có đầy đủ tính thuyết phục qua tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng họ sống như người không có cha mẹ cội nguồn, chẳng hề quan tâm đến tình mẫu tử thiêng liêng của người khác, sự việc mỗi lúc trở nên nghiêm trọng hơn, bà Lê thị Hên phải tuyên bố mạnh: Nếu nay các Ông không cho tôi vào tham dự phiên xét xử con tôi, tôi sẽ đập đầu chết tại đây. Nghe câu tuyên bố đầy khí phách, một số quan chức nơi cổng tòa án nhìn chăm vào ánh mắt của bà để thăm dò lời tuyên bố có thể xảy ra hay không: Thật là cảm động! nhìn qua ánh mắt, sắc mặt… họ đành phải mở cánh cửa cổng tòa án cho bà vào tham dự.

         Rất nhiều, rất nhiều những lời cáo buộc thốt ra từ những băng ghế ngồi dành riêng cho nhân dân đến tham dự, nhưng sự thật không có nhân dân nào, họ đều là quan chức chánh quyền giả dạng thường dân được mời đến làm hậu thuẫn cho một phiên xét xử gian lận. Một vụ án xét xử con mà bà mẹ không được vào tôi nghĩ đủ để giải thích họ là ai? Nhiều vụ án nghiêm trọng như cướp của, giết người, buôn lậu á phiện, mức án có thể lên tới tử hình, chung thân mà khi tòa xử cha mẹ người có trọng án này cũng được tham dự. Huống chi Bùi Văn Thâm bị bắt trên đường đi bán giá, án phạt hai năm rưởi tù giam, nặng nề gì đâu mà bày một phiên tòa cho lớn trận.

         Sau những lời cáo buộc vô căn cứ từ phía nhân dân, hội đồng xét xử, Ông chánh án tòa án nhân dân huyện An Phú kêu phía thân nhân của bị cáo phát biểu ý kiến, Ông Bùi Văn Tình anh ruột của Bùi Văn Thâm nói: Em tôi không có tội, những lời lẽ buộc tội từ phía nhân chứng là hoàn tòan bịa đặt, vu khống. Nói em tôi tạt xăng, chọi công an, hôm đó công an đến hiện trường có mang theo máy quay phim xin hãy trưng bày bằng chứng những đoạn phim có em tôi làm chuyện đó.

         Phía viện kiểm sát chừng như đã hiểu được sự thất thế của việc buộc người không nêu được bằng chứng, để lấp đi sự lủng củng không nên, Ông đánh trống lảng qua hỏi bị cáo:

         Tại sao bị cáo tuyệt thực bảy ngày?

         Bị cáo Bùi Văn Thâm đáp:

         Tôi bị kết tội oan, buồn không tỏ được.

         Tu còn buồn nữa sao?

         Nồi Đất ơi! Viện kiểm sát ăn nói vậy đó! Té ra trong tâm trí của cái Ông Viện Kiểm Sát đinh ninh rằng người tu không có buồn, bắt oan họ cũng không sao. Dân đời đâu dễ đụng tới, họ đá gà, chơi cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau thường thường làm khó cho công việc trị an nhưng đâu dễ động tới. Muốn làm cho chạy công tác để thăng quan tiến chức, kiếm mấy người tu bắt nhốt cho đạt thành tích ác gian, họ không biết buồn đâu.

         Bà Lê Thị Hên ngồi xem nghe hội đồng xét xử gắn nhiều thứ tội cho con bà và kết thúc phiên tòa qua một vụ án hình sự cho một thanh niên đi bán giá sống là 2 năm rưởi tù giam.

         Nghe tin bà Lê Thị Hên từ phiên tòa về, bà con lối xóm lại hỏi thăm về sự diễn biến của phiên xét xử, bà nói:

         Dễ tức, người ta gắn cho thằng Thâm con tôi nhiều thứ tội mà nó không có làm. Tôi cũng biết được dụng ý của chánh quyền, đáng lẽ cả gia đình tôi không ai đi dự phiên tòa chi cho mệt còn lại sanh tức. Mục tiêu họ nhắm là tiêu diệt đạo tràng nhà tôi nhưng họ không thể làm việc ác ấy để mang tiếng trắng trợn đàn áp tôn giáo, họ buộc chúng tôi phá dỡ cội phúc của nhà mình cho họ sạch tay để còn có dịp ăn nói về tự do tôn giáo, chúng tôi không làm cho họ hài lòng thì phải chịu chút tai ương. Nghĩ con tôi nó ở tù oan mà không đi để ủng hộ nó thì rất là tội nghiệp, e nó không chịu nổi sự cô quạnh và cảm thấy như mình bị bỏ, chứ đi dự phiên xét xử thì có lợi ích gì, mức án đã được bỏ trong túi quí tòa, bị cáo có tự bào chữa đủ lý cỡ nào thì họ cũng móc cái án bỏ túi ra mà đọc: Hai năm rưởi tù giam.

         22/9/2012
         Kiều Lê 
nguồn: http://www.phatgiaohoahao.net

1 comments:

Tòa án Cộng Sản tỉnh An Giang nói riêng cũng như trên mọi miền đất nước thì ông chánh án bao giờ cũng nhận chỉ thị bản án bỏ túi đã có từ trước,thật là những quan tòa hèn hạ,vô lương tâm,không còn tình và tính người nữa.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More